Nghiên cứu của Verité - tổ chức phi chính phủ quốc tế, cho thấy phí môi giới của lao động Việt Nam ở mức cao nhất nhưng lương lại thấp nhất.
Báo cáo của Verité phản ánh tình trạng lao động cưỡng bức trong sản xuất đồ điện tử ở Malaysia. Đây là những phát hiện từ một cuộc điều tra kéo dài 2 năm do Bộ Lao động Mỹ tài trợ. 501 công nhân 8 nước gồm: Bangladesh, Myanmar, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Phillippines, Việt Nam và cả Maylaysia tham gia phỏng vấn.
Verité cho biết, báo cáo dựa trên những tiêu chuẩn về lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - liên quan đến việc họ bị giữ hộ chiếu và phải làm việc thêm giờ để trả những món nợ do bị thu phí môi giới tuyển dụng quá cao và bất hợp pháp.
Nhiều lao động nước ngoài, trong đó có người Việt Nam làm việc trong ngành điện tử tại Maylaysia bị giữ hộ chiếu. Ảnh minh họa: Phương Nga.
Theo báo cáo này, gần 200.000 lao động nước ngoài làm việc trong ngành điện tử tại Malaysia. Trong đó, một phần ba ở tình trạng bị cưỡng bức lao động. Với cộng đồng Việt Nam, tỷ lệ này là 40%, cao nhất so với các quốc tịch khác.
Bên cạnh đó, mỗi lao động Việt Nam phải trả phí môi giới tuyển dụng khoảng 1.080 USD (hơn 20 triệu đống) - mức cao nhất so với các nước, trong khi lương nhận được là thấp nhất khoảng 308 USD/tháng (hơn 6 triệu đồng).
Liên quan đến báo cáo của Verité, ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Đây là báo cáo của một tổ chức phi chính phủ, chúng tôi đang gấp rút nghiên cứu báo cáo này cũng như kiểm tra tình hình để báo cáo với Bộ”.
Về nguyên tắc, trước khi đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, các hợp động tuyển người đều được cơ quan chức năng thẩm định về mức lương, điều kiện làm việc và các yếu tố khác.
Tổ chức ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng ra thông cáo bày tỏ đặc biệt lo ngại về những phát hiện trên. ILO khẳng định có tồn tại những vấn đề về điều kiện làm việc, công việc và quá trình tuyển dụng, đặc biệt là với lao động nhập cư và những vấn đề này cần được giải quyết một cách cấp bách.
Tổ chức này cho rằng Chính phủ và chủ sử dụng lao động ở Malaysia cần rà soát cách thức tuyển dụng, việc làm trong ngành chế tạo điện tử, cũng như xem xét lại chính sách để không đặt người lao động vào tình huống dễ bị tổn thương.