Lương thấp, cần tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày, lo cho người thân ở quê, đưa con đi nhập viện, thậm chí để thoả mãn những nhu cầu ăn chơi… nhiều công nhân (CN) đã nhắm mắt cầm cố thẻ ATM (mà DN trả lương qua đó) để vay tiền của “tín dụng đen”. Với lãi suất “cắt cổ”, nhiều CN không thể trả được nợ, cuộc sống lao đao theo vòng xoáy trả nợ cho các ông “trùm” cho vay nặng lãi. Để giải quyết căn cơ tình trạng này, cần có sự vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng và tổ chức công đoàn (CĐ), đặc biệt là vai trò của các CĐCS.
Nhiều công nhân cầm cố thẻ ATM chỉ để trang trải cuộc sống hằng ngày do đồng lương thấp (ảnh chụp tại KCN Biên Hòa 1).
Bài 1: 1.001 lý do để vay “tín dụng đen”
Gần nửa năm đã qua, nhưng chị Trần Thị Hoàn - CN đang làm việc tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) - mắt vẫn còn đỏ hoe khi nhớ lại lần vay “nóng” để lấy tiền chữa bệnh cho con: “Cháu 4 tuổi phải đi cấp cứu, không vay mượn được ở đâu nên tôi đành liều “cắm” thẻ ở chủ cửa hiệu cầm đồ đầu thôn lấy 5 triệu đồng. Thế là 2 tháng sau đó, toàn bộ tiền lương chỉ đủ trả cho họ”.
Túng đành liều
Xã Long Châu nằm bên rìa KCN Yên Phong là một trong những nơi rất đông CNLĐ làm việc cho Cty Samsung và các DN khác. Theo ước tính, có khoảng 11.000 CNLĐ từ các nơi khác về đây làm việc, ở trọ lẫn trong dân. Nắm bắt nhu cầu cần vay tiền của CN, các hiệu cầm đồ mọc lên như nấm. Chỉ con đường chính vào xã có tới hàng chục hiệu cầm đồ. Một chủ hiệu cho biết, đối tượng tới cầm đồ để vay tiền chủ yếu là CN đang trọ tại đây.
Cũng theo vị chủ hiệu trên, những người không may bị đau ốm hoặc con bệnh tật mới phải vay tiền và thường vay với số tiền bằng một hoặc nhiều tháng lương của họ. Chị Hoàn nằm trong số những người như vậy. Do con phải cấp cứu khi sốt cao và co giật, chị đành mang thẻ ATM ra hiệu cầm đồ “giật” tạm 5 triệu đồng đưa con nhập viện. “Biết vay là rất mạo hiểm bởi phải chịu cả lãi mẹ và lãi con, nhưng đành liều vậy”.
Gia đình khó khăn, chị Lê Thị Ngang (CN Cty Ch.Sh, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vay 6 triệu đồng của đối tượng tên Hoán với lãi suất 15%, trả lãi hằng tháng, sau đó vay thêm 1 triệu đồng lãi suất 16% hình thức trả góp tiền gốc và lãi 2 tháng 4 kỳ. Cứ thế từng tháng, đồng lương ít ỏi của chị Ngang ngoài việc chi trả phí sinh hoạt gia đình còn phải gánh thêm khoản lớn tiền lãi do mượn nợ. Chị Nguyễn Thị Cúc (ngụ tại xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu, CN Cty Ch.Sh) viết giấy vay Hoán 2 lần với số tiền 10 triệu đồng. Tháng 1.2011, chị Cúc vay Hoán 6 triệu đồng, trả lãi 15%/tháng. Tháng 8.2014 chị Cúc lại vay thêm 4 triệu đồng trả góp tiền gốc và lãi trong 2 tháng 4 kỳ với lãi suất 16%, mỗi kỳ trả góp hơn 1,3 triệu đồng.
Ông “trùm” cho công nhân vay nặng lãi - Lê Hoán.
Vay để “cải thiện tinh thần”
Đang cần một số vốn làm ăn, trong khi đó bản thân chỉ là CN, nên tháng 6.2014, anh Nguyễn Thành Sơn (ngụ tại xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) đã phải “cắm” chiếc thẻ ATM của mình cho đối tượng tên Hoán để vay 80 triệu đồng với lãi suất 13%/tháng. Hằng tháng, anh Sơn phải trả 10,4 triệu đồng tiền lãi. Với đồng lương ít ỏi, trả lãi còn khó, nên việc trả tiền gốc là không thể, cuộc sống của anh trở nên khốn đốn.
Thu nhập hằng tháng của Nguyễn Hồng G - một nam CN đang làm việc tại Cty Hoya (KCN Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) - được gần 5 triệu đồng. Là thanh niên chưa vợ và xa gia đình, không ai “quản” nên cách chi tiêu của G có phần “phóng tay”. G bảo, phần lớn NLĐ sau giờ làm việc luôn “thèm khát món ăn tinh thần”, nên nhóm CN trong khu trọ của G thường tổ chức “cải thiện” bằng các chầu nhậu, karaoke.
Nhiều công nhân lao đao vì cầm cố thẻ lương ATM. Ảnh minh họa, chụp tại KCN Biên Hòa 1.
Tiền cho những cuộc chơi của nhóm G không phải lúc nào cũng sẵn, nên hiệu cầm đồ là “cứu cánh” cho những CN. G cho biết, việc vay tiền bây giờ rất dễ bởi bước chân ra khỏi cổng nhà trọ là vô vàn tờ rơi dán trên tường có thông tin về việc “hỗ trợ tín dụng” kèm số điện thoại liên hệ. Và, đồ thế chấp cũng rất dễ: Từ xe máy, máy tính, điện thoại… cho đến CMND, và “ưa thích” nhất là thẻ ATM!
Tùy theo món cầm đồ, chủ hiệu tính lãi từ 2.000-5.000đ/1 triệu tiền vay/ngày. Cho rằng món tiền lãi không nhiều nên có lần G “bẵng quên” đồ ở hiệu đến hơn 2 tháng. Khi quay lại chuộc, chủ cửa hàng “chỉ” tính thêm có hơn 1 triệu đồng tiền lãi cho khoản vay 3 triệu đồng!
Một chủ tiệm cầm đồ tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết, CN vay nợ chủ yếu còn trẻ tuổi, đặc biệt, vào mùa World Cup 2014 vừa qua, ngày nào cũng có nhiều CN tới cầm đồ để vay tiền.