Hiện nay, việc phong tướng ở các nước trong khu vực và trên thế giới có sự khác biệt rõ rệt do điều kiện địa - chính trị từng nước và từng khu vực khác nhau.
Bà Ann Dunwoody, người phụ nữ đầu tiên trở thành tướng bốn sao trong quân đội Mỹ, tươi cười trong lễ phong hàm tháng 11-2008 - Ảnh: Defense.gov
Nhưng việc xác định vị trí người lãnh đạo trong quân đội có điểm chung là các quốc gia đều xem cấp tướng là một trong những cấp bậc cao nhất phong cho các tướng lĩnh quân đội có nhiều công trạng.
Trung Quốc bỏ cấp hàm đại tướng
Mạng quân sự Tây Lục của Trung Quốc cho biết bắt đầu từ năm 1955, tham khảo chế độ phong quân hàm cấp tướng của Liên Xô cũ và CHDCND Triều Tiên, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lần đầu tiên thực hiện chế độ phong quân hàm cấp tướng.
Mạng này cho biết lúc ban đầu, quân đội Trung Quốc có bốn cấp là đại tướng, thượng tướng, trung tướng và thiếu tướng.
Đến tháng 8-1955, Trung Quốc có 10 người được phong đại tướng là Túc Dụ, Từ Hải Đông, Hoàng Khắc Thành, Trấn Khiêm, Đàm Chính, Tiêu Kinh Quang, Trương Vân Dật, La Thụy Khanh, Vương Thụ Thanh, Từ Quang Đạt.
Những người này đa số là các nhân vật có công trong các cuộc kháng chiến ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, đến ngày 22-5-1965, đại hội đại biểu nhân dân lần thứ 3 của Trung Quốc đã thông qua “quyết định hủy bỏ quân hàm trong Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc”, có hiệu lực từ ngày 1-6-1965.
Hơn 23 năm sau, Chính phủ Trung Quốc mới hồi phục chế độ này từ ngày 1-7-1988 nhưng lược bỏ cấp hàm đại tướng, chỉ giữ lại ba cấp hàm còn lại là thượng tướng, trung tướng và thiếu tướng.
Đến tháng 5-1994, PLA lại một lần nữa có điều chỉnh liên quan đến quy định phong quân hàm cấp tướng, theo đó ba cấp tướng được phân theo ba binh chủng không quân, hải quân và lục quân.
Thượng tướng lục quân hay còn gọi là “chính đại quân khu” sẽ quản lý phó tổng tham mưu trưởng, phó chủ nhiệm tổng cục chính trị, chủ nhiệm tổng cục hậu cần, chính ủy tổng cục hậu cần, chủ nhiệm và chính ủy tổng cục trang bị, tư lệnh và chính ủy của đại quân khu.
Thượng tướng hải quân và không quân là chức vụ cao nhất trong hai binh chủng này nhưng chỉ quản lý chỉ huy tư lệnh cũng như ủy viên chính trị thuộc phạm vi binh chủng của họ.
Tính đến năm 2013, quân số thuộc binh chủng lục quân Trung Quốc là khoảng 850.000 người biên chế trong 21 quân đoàn chính quy gồm 4 sư đoàn bộ binh, 15 sư đoàn xe tăng và pháo binh cùng hàng chục lữ đoàn độc lập và các quân khu lớn của PLA.
Trang mạng quân sự Tây Lục cho biết một thượng tướng không quân sẽ nắm trong tay khoảng 398.000 quân số cùng toàn bộ các phi đội máy bay, khoảng bốn trung đoàn tên lửa và tám trung đoàn cao xạ phòng không.
Trong khi một thượng tướng hải quân nắm quyền chỉ huy khoảng 235.000 quân nhân thuộc các đơn vị không quân của hải quân, tuần duyên, hải quân đánh bộ và hải quân hạm tàu.
Theo tạp chí nhân vật Hoàn Cầu, hiện nay Trung Quốc có 34 thượng tướng, trong đó 80% sinh sau năm 1950.
Ngày 11-7 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình vừa phong hàm thượng tướng cho bốn vị trung tướng đang công tác ở các quân khu Thẩm Dương và Quảng Châu.
Triều Tiên phong tướng cho lãnh đạo đất nước
Ngày 8-2-1948, CHDCND Triều Tiên thành lập hệ thống cấp bậc quân hàm của Quân đội nhân dân Triều Tiên, học theo mô hình hệ thống quân hàm của Hồng quân Liên Xô và có bổ sung theo đặc thù chính trị của Bình Nhưỡng.
Hệ thống này gồm năm nhóm với 18 bậc quân hàm nhưng không đặt quân hàm cấp soái.
Đến tháng 2-1953, CHDCND Triều Tiên đặt ra thêm hai cấp quân hàm là phó nguyên soái và nguyên soái, tương đương với cấp tướng ở một số nước.
Cố chủ tịch Kim Nhật Thành từng được phong cấp bậc nguyên soái CHDCND Triều Tiên, nắm giữ quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang của nước này, tương tự như đại nguyên soái Stalin của Liên Xô cũ.
Cấp bậc thứ soái phong cho bộ trưởng quốc phòng tương đương với cấp bậc nguyên soái ở Liên Xô cũ. Hệ thống quân hàm của Quân đội nhân dân Triều Tiên không có sự phân biệt tên gọi giữa các binh chủng hải lục không quân.
Đến năm 1992, chính quyền cố lãnh đạo Kim Jong Il quyết định đặt ra chức đại nguyên soái CHDCND Triều Tiên để vinh phong cho cố chủ tịch Kim Nhật Thành và ông Kim Jong Il là nguyên soái CHDCND Triều Tiên.
Bộ trưởng quốc phòng bấy giờ là O Chin-u cũng được tôn lên làm nguyên soái, nhưng với tên gọi nguyên soái quân đội Triều Tiên.
Hiện nay một số quốc gia như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Pakistan đều sử dụng cấp hàm đại tướng để phong cho những tướng lĩnh có tuổi quân và có cống hiến cho quân đội.
Tại Thái Lan, đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng đã có quân hàm đại tướng kể từ năm 2010 sau khi ông giữ chức tổng tư lệnh lục quân Thái Lan.
Hiện tại, Philippines vẫn sử dụng cấp hàm đại tướng để phong cho những tướng lĩnh có nhiều công trạng đối với quân đội và tham gia binh nghiệp từ trẻ.
Đại tướng là cấp bậc cao thứ hai của quân đội Philippines sau cấp thống tướng và chỉ có tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines mới có khả năng được phong cấp hàm này.
Pháp: nặng gánh ngân sách để nuôi tướng
Cách đây không lâu, báo chí Pháp đã làm độc giả hết hồn khi cung cấp thông tin cho biết ở Pháp có khoảng 5.700 tướng mà trong đó không ít được phong tướng để hưởng chế độ sau khi về hưu. Với con số trên thì tướng lĩnh của Pháp nhiều hơn của Nga và Mỹ gộp lại.
Nhưng thực tế, theo trả lời của tướng Jean-Claude Thomann - cựu tư lệnh lực lượng tấn công trên bộ, trên tạp chí Valeurs Actuelles thì số tướng Pháp đang “hoạt động” là 641 (số liệu cuối năm 2012) và số nhiều được đề cập đến chính là các tướng về hưu.
Vấn đề báo chí đề cập mạnh là lương hưu và các khoản ưu đãi cho các tướng này. Chẳng hạn tính toán cho thấy riêng trong năm 2008, Công ty đường sắt Pháp đã thiệt hại đến 3,1 triệu euro tiền “miễn giảm” vé đi tàu cho các tướng.