Mặc dù hai nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ bắt tay ký kết nhiều thoả thuận ở APEC Bắc Kinh 2014, nhưng cả hai nước đều sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, vì sự không minh bạch của quân đội Trung Quốc, theo bài báo trên tạp chí Foreign Policy ngày 13.11.
Một chiếc máy bay tuần biển và săn ngầm P-3C Orion bay trên tàu hộ tống tên lửa USS Rodney M. Davis (phải) và tàu tuần duyên của Brunei (KDB Darulaman) trong cuộc tập trận CARAT Brunei 2014 trên Biển Đông ngày 12.11.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tác giả bài báo là ông Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Trung Quốc (Viện Hudson, Mỹ), nhà tư vấn của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông viết rằng chúng ta nên lo lắng về một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, dù hai nguyên thủ hai nước có bắt tay với các thoả thuận ở APEC mới đây, nhưng xác suất của một cuộc đối đầu chỉ có gia tăng khi quân đội Trung Quốc vẫn là một “hộp đen”, không minh bạch.
Theo ông Pillsbury, trong thời gian nghiên cứu Trung Quốc bốn thập kỷ qua, ông đã nói chuyện với hàng trăm thành viên của quân đội Trung Quốc, đọc vô số tạp chí quân sự và các bài báo chiến lược của Trung Quốc.
Theo đó, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Trung Quốc tin rằng nước họ là trung tâm của một kế hoạch chiến tranh do Mỹ tiến hành. Nói cách khác, Bắc Kinh tin rằng Mỹ đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Trung Quốc, và vì vậy Trung Quốc phải chuẩn bị cho tình huống đó.
Căng thẳng tăng cao giữa 2 nước không chỉ vì ngân sách quân sự gia tăng nhanh chóng của Bắc Kinh, hoặc vì Mỹ tiếp tục đưa thêm nhiều khí tài quân sự đến Thái Bình Dương như là một phần của chiến lược xoay trục về châu Á.
Thay vào đó, vấn đề lớn nhất chính là sự không minh bạch của Trung Quốc. Trong khi người ta phấn khích khi nghe Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý để quân đội Trung Quốc cởi mở hơn đối với Mỹ, nhưng họ nghi ngờ điều này chưa chắc dẫn đến bất kỳ thay đổi thực sự nào.
Washington sẵn sàng chia sẻ một số lượng thông tin quân sự với Trung Quốc, để "giảm nguy cơ hiểu lầm, hoặc tính toán sai lầm", như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết trong một chuyến đến Bắc Kinh hồi tháng 1.2011. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc đã từ chối gợi ý này.
Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận ở bắc Biển Đông, cuối năm 2013 - Ảnh: Tân Hoa Xã
Mặc dù phía Mỹ nhiều lần đề nghị, Bắc Kinh vẫn không muốn nói về nhiều vấn đề quân sự chủ chốt - như phát triển lực lượng quân đội, phát triển công nghệ có thể làm tê liệt hải quân Mỹ trong khu vực, và tấn công mạng chống lại Mỹ. Năm 2010, sau khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Bắc Kinh cắt đứt việc tiếp xúc giữa quân đội 2 nước Trung - Mỹ.
Kết quả là có một mối ngờ vực về Trung Quốc ngày càng tăng trong nhiều quan chức chính phủ Mỹ. Tác giả cho biết có nhiều sĩ quan Trung Quốc đã phàn nàn với ông rằng tạp chí của các trường cao đẳng chiến tranh Mỹ bây giờ có nhiều bài viết về chiến tranh với Trung Quốc, và cách Mỹ có thể giành chiến thắng.
Ví dụ tạp chí ra tháng 2.2014 của Học viện Hải quân Mỹ có bài "Ngăn chặn con rồng", đề xuất rải mìn dưới nước dọc theo bờ biển Trung Quốc để khoá các cảng chính của Trung Quốc và phá hủy các tuyến đường biển, gửi lực lượng đặc nhiệm giúp các nhóm dân tộc thiểu số ở phía tây Trung Quốc gây bất ổn tình hình…
Nhưng Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự. Trong năm 2013, hai tướng Peng Guangqian và Yao Youzhi cập nhật tài liệu Khoa học chiến lược quân sự, kêu gọi Bắc Kinh gia tăng chất lượng và số lượng vũ khí hạt nhân để thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc với Nga và Mỹ. Ngay cả "mô hình mới" về quan hệ giữa các siêu cường của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như ngăn cản các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí.
Nhiều người bên ngoài Lầu Năm Góc hẳn có thể ngạc nhiên bởi có rất ít quan chức cấp cao của Mỹ lo lắng về một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Những người đó không ít hơn 2 bộ trưởng quốc phòng gần đây, và một cựu bộ trưởng ngoại giao.
Một chiếc tiêm kích tàng hình F-35C đang chuẩn bị hạ cánh xuống tàu sân bay USS Nimitz trên Thái Bình Dương, gần California ngày 3.11.2014. Mỹ đang gia tăng vũ khí, khí tài hiện đại nhất cho chiến lược xoay trục về châu Á - Ảnh: Hải quân Mỹ
Trong cuốn sách của Henry Kissinger năm 2011, chương kết luận về Trung Quốc, ông cảnh báo về một cuộc chiến tranh toàn diện Trung Quốc - Mỹ như kiểu Thế chiến lần I và tự hỏi rằng liệu lịch sử có lặp lại.
Trong ít nhất một thập kỷ qua, nhiều lần Mỹ đã gây sức ép với Trung Quốc yêu cầu thẳng thắn hơn về ý định và khả năng quân sự của họ. Vào tháng 4.2006, sau một cuộc họp giữa Tổng thống George W. Bush, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, hai chính phủ công bố bắt đầu cuộc đàm phán giữa các chỉ huy lực lượng hạt nhân chiến lược của cả hai bên. Động thái này là vô cùng quan trọng trong việc chứng minh sự cởi mở về ý định quân sự. Nhưng rồi quân đội Trung Quốc trì hoãn và các cuộc đàm phán không bao giờ được tiến hành.
Trong một chuyến thăm Bắc Kinh tháng 9.2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc tham gia đàm phán quân sự 4 lĩnh vực cụ thể: Vũ khí hạt nhân, phòng thủ tên lửa, phòng thủ vũ trụ, và an ninh mạng. Tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ, và các cuộc đàm phán cũng không bao giờ xảy ra.
Chắc chắn Trung Quốc có thể tiếp tục theo đuổi các thỏa thuận mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama vừa công bố tại Bắc Kinh nhân Thượng đỉnh APEC, tuy nhiên tác giả bài báo nghi ngờ điều này khi cả hai bên vẫn vênh nhau về quan điểm quân sự.