Cho tới lúc này, đa số nhà kinh tế quốc tế đều đồng ý với nhận định được giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra tháng này rằng “giá dầu hạ thời gian qua là tin tốt lành cho kinh tế toàn cầu”.
Tàu chở dầu tiến về Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg
Nhìn chung là vậy, song có những nước đang hưởng lợi nhiều hơn phần còn lại của thế giới, có nước lợi không chỉ về kinh tế.
Mỹ được nhiều hơn mất
Mỹ là một trong những đích ngắm của Saudi Arabia trong cuộc chiến dầu mỏ lần này. Tuy nhiên theo đánh giá của tờ báo Anh Financial Time (FT), giá dầu giảm vẫn cứ là tin tốt cho kinh tế Mỹ. Ðây là nước sở hữu nhiều xe các loại nhất thế giới với 250 triệu chiếc, và lượng tiền chi cho xăng dầu chạy xe trên toàn quốc sẽ giảm tương ứng với giá dầu.
Theo tính toán của Goldman Sachs, giá dầu giảm từ đầu năm tới nay đã tiết kiệm cho người Mỹ khoảng 75 tỉ USD để chi tiêu cho các mặt hàng khác, chiếm khoảng 0,7% tổng chi cho tiêu dùng tại Mỹ.
Ngược lại, Goldman Sachs cho rằng sự sụt giảm đầu tư trong ngành năng lượng chỉ làm mất chưa tới 0,1% GDP của Mỹ. Chưa kể, giá nhiên liệu hạ càng giúp người Mỹ tự tin mua sắm xe hơi, qua đó kích cầu thêm cho ngành công nghiệp hàng đầu này của Mỹ.
Với giá dầu hạ nhiều thời gian qua và có khả năng nằm ở giá thấp trong năm 2015, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm sau từ 2,6% lên 2,8%. Bên cạnh đó, nền kinh tế này có khả năng chỉ có mức lạm phát thấp trong năm sau.
Theo FT, giá dầu hạ lúc nào cũng là tin tốt cho Mỹ. Người tiêu dùng, doanh nghiệp và thậm chí quân đội Mỹ cần giá dầu càng thấp càng tốt. Trong bối cảnh kinh tế đang gượng dậy sau cơn bạo bệnh, giá dầu hạ quả là liều vitamin bổ nhất cho người Mỹ khiến họ nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Ðặc biệt, giá dầu hạ đã giúp ông Obama và Ðảng Dân chủ làm cái việc mà họ xưa nay thua kém hơn hẳn so với phe Cộng hòa: làm suy yếu những đối thủ của mình. Quả vậy, các đối thủ của họ là Nga, Iran đang cuống cuồng giải quyết khủng hoảng trong nước do giá dầu hạ.
Trung Quốc lợi đủ đường
Trung Quốc được cho là chi tới 500 tỉ USD mỗi năm cho việc nhập khẩu dầu và khí. Nếu giá dầu giảm được gần nửa như hiện nay, đồng nghĩa với chi ngân sách của Trung Quốc cũng đỡ đi gần nửa. Tính toán của FT cho thấy dầu cứ giảm 1 USD, kinh tế Trung Quốc tiết kiệm được 2 tỉ USD mỗi năm. Các giáo sư khoa kinh tế Ðại học Oxford khẳng định Trung Quốc rõ ràng hưởng lợi tính theo con số tuyệt đối lớn nhất thế giới.
Trung Quốc hồi tháng 11 cũng đã tuyên bố sẽ mở thêm kho dự trữ dầu chiến lược. Từ năm 2009, Trung Quốc đã có xu hướng tăng mua dầu thô vào khi giá giảm xuống mức được cho là rẻ. Ðợt này họ đã tăng cường mua khi giá giảm.
Theo số liệu của Thomson Reuters, nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc trong tháng 11-2014 ước đạt 6,33 triệu thùng/ngày, tăng 11,6% so với mức 5,67 triệu thùng/ngày của tháng 10.
“Ðây là thời điểm vàng để Trung Quốc mua dầu dự trữ chiến lược ở mức giá thấp” - ông Gordon Kwan, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu khí của Ngân hàng Nomura tại Hong Kong, nhận xét.
Ðó mới là lợi ích thuần về kinh tế. Việc Mátxcơva liên tục tìm lối thoát cho mình và vô hình trung tạo ra hàng tá cơ hội cho đối tác Trung Quốc. Bắc Kinh đã có điều kiện tốt hơn bao giờ hết để tiếp cận công nghệ đặc thù của Nga, kể cả mảng vũ khí, bên cạnh được thu nạp thoải mái nguồn tài nguyên thô từ Nga.
Bắc Kinh sẽ nhận các hệ thống tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 trong quý đầu năm 2015. Tiếp theo đó dự kiến là tàu ngầm đời mới Amur 1650, cùng các hợp phần tạo vệ tinh chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nhật, Ấn Độ: cảm ơn nước ngoài
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc mới dự trữ dầu đủ để đáp ứng trên 50 ngày, vẫn còn thấp so với mức chuẩn 90 ngày, mức được cho là có thể giúp một nền kinh tế chống đỡ trong vòng hơn nửa năm nếu chiến tranh xảy ra ảnh hưởng tới cung ứng dầu mỏ. Dự trữ Mỹ đủ đáp ứng 200 ngày. IEA dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ tới 11% tổng cầu dầu thế giới trong năm 2015.
Nhật rõ ràng là nước toàn thắng trong cuộc chiến giá dầu. Quốc gia nổi tiếng nghèo tài nguyên này chi tới 236 tỉ USD để nhập nhiên liệu, trong đó 90% là dầu mỏ. Dầu cứ giảm độ 10% là Nhật tiết kiệm được khoảng 20 tỉ USD tiền nhiên liệu.
“Thâm hụt ngân sách của Nhật đã được bù đắp hoàn toàn. Nhờ nước ngoài” - ông Hideo Hayakawa, cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Nhật, nhận xét.
Cùng mỉm cười với Nhật khi giá dầu hạ là Ấn Ðộ. Giá dầu cao luôn làm New Delhi đau đầu vì lạm phát và thâm hụt ngân sách. Do đó lần này họ là bên thắng cuộc không bàn cãi. Kim ngạch nhập dầu của nước này đã thu hẹp xuống còn 164 tỉ USD cho 12 tháng tính tới tháng 10-2014. Mới trước đó, con số này còn ở mức 169 tỉ USD tính tới tháng 7.
Từ sau tháng 10 dầu giảm dữ dội hơn nên sắp tới con số này sẽ còn giảm đáng kể. Nhờ giá dầu hạ, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã cắt giảm được thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, đồng thời giảm lạm phát từ mức 7,23% hồi tháng 7 khi giá dầu còn cao, xuống chỉ còn 4,4% trong tháng 11.
Dầu nhập khẩu chiếm 3/4 tổng lượng dầu sử dụng tại Ấn Ðộ và chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Ngược lại, xuất khẩu của Ấn Ðộ chủ yếu là lương thực - ngành công nghiệp hưởng lợi lớn từ giá dầu hạ.
Một trường hợp khác cũng trong tình cảnh như Nhật và Ấn Ðộ là Thổ Nhĩ Kỳ. Chính bộ trưởng tài chính nước này, ông Mehmet Simsek, thừa nhận nước này không còn nằm trong cảnh dễ bị tổn thương như các nền kinh tế mới nổi nữa, phần lớn là nhờ giá dầu hạ đã giảm thâm hụt ngân sách. Dầu giảm khoảng 10 USD/thùng giúp giảm thâm hụt khoảng 400 triệu USD cho nước này. Cũng như Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ dựa gần như hoàn toàn vào nhiên liệu nhập khẩu.
Bỗng dưng được kích thích
88% dầu dùng trong Liên minh châu Âu (EU) đến từ nhập khẩu nên khối này cũng sẽ hưởng lợi như Nhật hay Ấn Ðộ. Giá dầu hạ cũng giúp ngành sản xuất, chế tạo của châu Âu giành lại thế cạnh tranh so với Mỹ. Jens Weidmann, ủy viên hội đồng thống đốc Ngân hàng trung ương EU, nhận xét: “Giá dầu thấp giống như một gói kích thích đối với EU”.
Niềm tin kinh doanh tại khu vực đang tăng lên và theo dự báo của Ifo Institute, kinh tế Ðức - đầu tàu EU, sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2015, trong đó 0,25% có được nhờ đóng góp của giá dầu thấp.
Tương tự EU, Canada là điển hình cho một nền kinh tế có dầu nhưng biết cách sống tốt trong tình huống giá dầu giảm. Nền kinh tế đa dạng ở nhiều lĩnh vực và lĩnh vực nào cũng năng động đã dẫn nước này tới tình huống không hề ngán ngại sự thăng trầm cỡ nào đi nữa của giá dầu: mảng dầu thiệt hại đã có mảng khác hưởng lợi bù lại. Cũng như Canada, nền kinh tế Brazil đủ lớn và đủ đa dạng để chống chọi với cơn bão giá dầu.
Bên cạnh các nền kinh tế, một số ngành công nghiệp cũng đắc lợi đáng kể từ giá dầu hạ đợt này, đặc biệt hàng không, nơi xăng dầu là chi phí lớn nhất, chiếm tới 30% tổng chi phí tính cho giá dầu ở mức 110 USD/thùng.
Giá dầu hạ đã giúp lợi nhuận quý 3 vừa rồi của Hãng Virgin America tăng 24% so với năm trước. Chỉ số các cổ phiếu hàng không NYSE Arca Airline Index tăng 110% so với đầu năm 2013, đạt mức cao nhất 13 năm qua. Một số ngành khác như vận tải, chế tạo nhôm, sắt thép, nông nghiệp, bán lẻ... cũng hưởng lợi rõ ràng.
__________
Năm 1986 giá dầu thế giới sụt giảm dưới 10 USD/thùng. Các nhà nghiên cứu khẳng định Mỹ và Saudi Arabia đã bắt tay để đánh đổ Liên Xô.
Kỳ tới: Tổng thống Reagan và “vũ khí bí mật 1986”
Theo: Hồng Quý - TT