Những cuộc mật đàm đằng sau thỏa thuận trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc được tiết lộ trong đợt giải mật mới nhất của Bộ Ngoại giao Anh.
Hé lộ cuộc mặc cả về Hồng Kông - ảnh 1Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tiếp Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vào năm 1984 - Ảnh: AFP
Tuyên bố chung Anh - Trung Quốc năm 1984 về việc trao trả Hồng Kông là kết quả của những cuộc đàm phán lắt léo và những thỏa hiệp của cả hai phía. Điều này đã thể hiện trong các ghi chú bên lề vào tháng 11.1984, trước chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Anh lúc đó là bà Margaret Thatcher khoảng 1 tháng.
Chiến thuật của London
Theo Vụ Hồng Kông thuộc Bộ Ngoại giao Anh, chuyến thăm này nhằm tạo bầu không khí tin tưởng và thiện chí, mở đường cho việc ký kết Tuyên bố chung Anh - Trung Quốc, chứ không phải rước lấy phiền hà có thể cản trở quá trình ký kết hiệp định.
“Có không ít vấn đề tồn đọng cần phải được thảo luận với phía Trung Quốc. Một số khá nhạy cảm và không nên được đề cập trước lãnh đạo cấp cao nhất nhằm tránh nguy cơ bị cự tuyệt ở mức độ có thể cản trở tiến độ”, theo báo South China Morning Post trích tài liệu giải mật.
Các nhà ngoại giao Anh cho rằng ông Triệu Tử Dương (Thủ tướng Trung Quốc trong những năm 1980 - 1987) là người thực tế và nên tận dụng cơ hội để giải thích một cách tổng quát những mong đợi của Anh về luật Cơ bản và tình trạng chính quyền tại Hồng Kông từ lúc ký hiệp định đến năm 1997. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh ông Đặng Tiểu Bình là “nhà lãnh đạo có quyền quyết định tối cao đối với tương lai của Hồng Kông”, theo tài liệu.
Vịnh Victoria của Hồng Kông - Ảnh: Phan Công
Nghe theo lời khuyên của cấp dưới, bà Thatcher không đề cập về vấn đề soạn thảo hiến pháp của Hồng Kông lẫn quá trình dự thảo luật Cơ bản trong cuộc gặp với ông Đặng Tiểu Bình vào tháng 12.1983. Thay vào đó, bà lại nêu lên những điều cần thảo luận với Triệu Tử Dương, và nhận được câu trả lời hết sức ngoại giao rằng ông này chưa chuẩn bị để đưa ra nhận xét về quá trình xây dựng hiến pháp trong giai đoạn chuyển đổi chế độ.
Ngoài ra, phía Anh nỗ lực hết sức để đảm bảo việc ký kết sẽ đóng vai trò trung tâm trong chuyến thăm của bà Thatcher. Để tránh điều tiếng cho rằng Anh muốn “bán đứt” Hồng Kông vì lợi ích thương mại, Ngoại trưởng Anh lúc đó là Geoffrey Howe đã nghe theo lời đề xuất của Toàn quyền Hồng Kông Edward Youde và loại bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp khỏi danh sách tháp tùng bà Thatcher. Rốt cuộc, ông Đặng Tiểu Bình đã đồng ý sẽ duy trì chính sách “một quốc gia hai chế độ” đối với Hồng Kông.
Theo tờ South China Morning Post, không khí cuộc đàm phán giữa bà Thatcher với ông Đặng Tiểu Bình và ông Triệu Tử Dương năm 1984 khác xa so với cuộc gặp gỡ đầu tiên năm 1982, khi bà Thatcher cảnh báo Bắc Kinh sẽ đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu kiên quyết thu hồi Hồng Kông. Đáp lại, ông Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ “đương đầu với thảm họa và đưa ra quyết định”.
Cam kết bảo vệ thuộc địa cũ
Theo tài liệu vào năm 1984 được giải mật, Anh cam kết với giới lãnh đạo Hồng Kông lúc đó rằng sẽ luôn đứng về phía thuộc địa cũ nếu chính quyền Bắc Kinh không tuân theo các điều khoản trong tuyên bố chung. Một ngày sau hôm ký kết, bà Thatcher trong cuộc họp kín với Hội đồng Hành pháp và lập pháp Hồng Kông đã nói: “Anh có quyền chất vấn bất cứ vi phạm nào của Trung Quốc sau năm 1997”.
Một tài liệu giải mật khác cho thấy Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương đã cam kết với bà Thatcher rằng Bắc Kinh sẽ tuân thủ mọi thỏa thuận chung, cho phép Hồng Kông hưởng quyền tự trị ở mức độ cao, được phép duy trì hệ thống pháp luật, các quyền công dân và quyền tự do trong vòng 50 năm tính từ thời điểm chuyển giao. “Ông Triệu nói rằng Trung Quốc luôn tuân thủ cam kết quốc tế của họ. Thỏa thuận đạt được về Hồng Kông là một thỏa thuận tốt đẹp mà không ai muốn sửa đổi”, tài liệu của Bộ Ngoại giao Anh viết.
Một góc của Hồng Kông sau ngày trao trả cho Bắc Kinh - Ảnh: Phan Công
“Quyền tự trị mức độ cao” mà Trung Quốc cam kết trong thỏa thuận là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian gần đây sau khi Quốc vụ viện nước này công bố Sách trắng về Hồng Kông vào tháng 6, trong đó tuyên bố Bắc Kinh có thẩm quyền toàn diện đối với Hồng Kông. Những cuộc biểu tình phản đối quy định bầu cử do Bắc Kinh ban hành kéo dài nhiều tháng qua ở Hồng Kông cũng đã xới lại vấn đề trách nhiệm của Anh đối với Hồng Kông, như theo tuyên bố chung nói trên.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc và những quan chức Hồng Kông mới đây cho rằng tuyên bố chung không còn hiệu lực bởi nó chỉ có giá trị từ lúc ký kết đến khi Hồng Kông được trao trả năm 1997. Vào ngày 30.11.2014, Trung Quốc bác bỏ đề xuất của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh về việc thực hiện khảo sát nhằm kiểm tra việc thực thi thỏa thuận chung tại Hồng Kông. Vào đầu tháng 12, giới chức Trung Quốc cũng từ chối cấp thị thực cho một đoàn nghị sĩ Anh đến Hồng Kông để tìm hiểu việc thực thi thỏa thuận.
Các tài liệu ngoại giao Anh được giải mật trong đợt này cũng đã hé lộ chi tiết về mối quan hệ giữa bà Margaret Thatcher với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Theo AFP, sau chuyến thăm Anh vào năm 1984 của ông Gorbachev, bà Thatcher khen nức nở “sự hài hước và sức hấp dẫn” của nhà lãnh đạo Liên Xô. Tuy nhiên, bất chấp quan hệ được cải thiện, bà Thatcher bắt đầu cân nhắc khả năng trang bị vũ khí hóa học cho quân đội Anh, với chi phí lên đến 200 triệu bảng Anh, để đề phòng Liên Xô, sau khi nhận được thông tin tình báo rằng Moscow đang phát triển vũ khí hóa học có khả năng đánh phủ đầu NATO.