Mỹ thường tuyên bố rằng muốn tăng cường hiểu biết và trao đổi thông tin với Trung Quốc, nhưng thực tế Mỹ đang gia tăng luyện tập ở châu Á, chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm năng với Trung Quốc, theo BBC.
Một máy bay F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS George Washington (CVN 73) trên biển Philippines ngày 8.10.2014 trong một chuyến bay tuần tiễu - Ảnh: Hải quân Mỹ
Mới đây, nhà báo Rupert Wingfield-Hayes của BBC có chuyến tham quan trên tàu sân bay hạt nhân USS George Washington (CVN 73), được tận mắt thấy cảnh khẩn trương tập luyện cất, hạ cánh của máy bay F/A-18 trên con tàu này cùng những tình huống chiến đấu, chống tấn công...
Ông nhận xét rằng các máy bay được máy phóng đưa lên không trung từ sàn tàu nhẹ như món đồ chơi, và không có hải quân nước nào ngoài Mỹ có những "đồ chơi" thế này.
Nhà báo Anh cho biết ông đang thực hiện phóng sự với chủ đề Mỹ đang tập luyện để đối phó cuộc chiến với Trung Quốc; tuy nhiên, thông tin từ bộ phận quan hệ công chúng (PR) của Hải quân Mỹ luôn khẳng định rằng Hải quân Mỹ "không luyện tập để đối phó chiến tranh với bất kỳ quốc gia cụ thể nào".
Hai nhóm tàu sân bay chiến đấu George Washington và Carl Vinson cùng các máy bay ném bom và tấn công của Không lực và Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận không - hải chiến Lá chắn dũng cảm ngoài khơi đảo Guam ngày 23.9.2014. Cuộc tập trận này nhằm đối phó chiến lược "chống tiếp cận, chống thâm nhập" (A2/AD) - Ảnh: Hải quân Mỹ
Nói là vậy, nhưng Hải quân Mỹ đã không tập trung 2 hai nhóm tàu sân bay chiến đấu (USS George Washington và USS Carl Vinson) và toàn bộ 200 máy bay ngoài khơi bờ biển Guam để cho đông vui. Thực tế, đó là cuộc tập trận để thực hành những gì Lầu Năm Góc gọi là "không - hải chiến", một chiến lược được đề ra từ năm 2009 để đối phó với sự trỗi dậy đầy đe dọa của Trung Quốc.
Phóng viên BBC cũng tiếp xúc với chỉ huy nhóm tàu sân bay chiến đấu số 5, chuẩn đô đốc Mark Montgomery, đang chỉ huy lực lượng của ông tập luyện cho kịch bản đối phó với chiến lược "chống tiếp cận, chống thâm nhập" (A2/AD).
Ông Montgomery giải thích với nhà báo của BBC rằng khi ông nói về khả năng của lực lượng mình, tức là nói đến khả năng hoạt động không bị cấm đoán trên các vùng biển họ lựa chọn. "Khi vài quốc gia đang phát triển các loại vũ khí chống tiếp cận, chúng tôi phải phát triển chiến thuật, công nghệ và phương thức để tiếp tục hoạt động một cách tự do", ông Montgomery nói với phóng viên BBC.
Khu trục hạm USS Mustin (DDG-89) phóng tên lửa SM-2 dùng đánh chặn tên lửa đạn đạo tại cuộc tập trận Lá chắn dũng cảm ở gần đảo Guam ngày 15.9.2014. Cuộc tập trận này là nằm trong chiến lược Không - hải chiến của Mỹ để chống lại chiến lược A2/AD của một số nước - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tuy chuẩn đô đốc Montgomery không nói rõ về những chi tiết của cuộc tập trận không - hải chiến này, nhưng các tàu chiến và máy bay của ông đang đối mặt với một mạng lưới gia tăng đe dọa từ trên biển, đất liền, trên không, trên vũ trụ và cả trên không gian mạng.
Ông cũng cho biết thêm rằng một số nước có khả năng hạn chế hoặc ngăn chặn việc thông tin qua vệ tinh, vì vậy Hải quân Mỹ phải luyện tập làm việc trong môi trường thông tin liên lạc bị chặn đứng.
Theo BBC, Hải quân Trung Quốc vẫn chưa thể sánh được với Mỹ hiện tại và cũng sẽ như thế trong tương lai dài. Thay vào đó, Trung Quốc đang phát triển các vũ khí đối phó để buộc Mỹ phải giữ các tàu sân bay quý giá ở xa bờ biển Trung Quốc.
Những vũ khí này có các tàu ngầm chạy êm, tên lửa diệt hạm siêu âm tầm xa, và cả tên lửa đạn đạo mệnh danh "sát thủ tàu sân bay".
Tàu sân bay USS George Washington di chuyển gần cảng Apra, Guam ngày 5.10.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Trong 10 năm qua, Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu "trỗi dậy hòa bình" để làm yên lòng các nước láng giềng về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc không phải là mối đe dọa. Nhưng trong hai năm trở lại đây, khẩu hiệu này đã thay đổi khi Trung Quốc có những hành vi quyết liệt hơn trên các vùng biển trong khu vực, từ biển Hoa Đông, khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đến Biển Đông. Trung Quốc cũng được cho đã chi hàng tỉ USD xây dựng các đảo mới trên Biển Đông.
Vào tháng 8.2014, máy bay Trung Quốc đã bay cản đường máy bay tuần tra biển của Hải quân Mỹ ở bắc Biển Đông, có lúc khoảng cách đôi bên chỉ 6 m rất nguy hiểm. Những điều này cho thấy vai trò của Hải quân Mỹ trong khu vực thậm chí trở nên quan trọng hơn, theo chuẩn đô đốc Mark Montgomery.
Lý do theo ông, Hải quân Mỹ là một trong những nhân tố đóng góp lớn nhất cho việc ổn định và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, khi đã có mặt ở đây gần 70 năm. "Tôi nghĩ rằng Hải quân Mỹ đóng một vai trò tốt, cho dù đó là ở Biển Đông, biển Hoa Đông, biển Philippines, để ổn định mọi thứ, đảm bảo cho các đối tác và ngăn cản những hành động không minh bạch hoặc bất hợp pháp", ông Mongomery nói
Dĩ nhiên là Trung Quốc không hài lòng trước việc này, nhưng từ Nhật Bản đến Philippines... hẳn đều vui khi thấy các nhóm tàu sân bay Mỹ hiện diện trong khu vực, theo kết luận của bài báo.