Đang có rất nhiều nợ xấu của Trung Quốc đọng trong bất động sản
Trong bài viết "Nợ của Trung Quốc: Lỗ thủng quốc gia", tạp chí danh tiếng The Economist khẳng định rằng nợ của Trung Quốc đã đến mức báo động và có thể nền kinh tế này sẽ gặp nguy ngập trong nay mai.
Tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tuyên bố rằng Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu tính GDP theo sức mua tương đương.
Nhưng theo các chuyên gia của tạp chí The Economist, thì "danh hiệu" số 1 này không phải là một thứ hứa hẹn. Họ phân tích rằng "nợ của Trung Quốc là thứ ít được tìm hiểu nhất" trong bức tranh kinh tế toàn cầu và nó cần được tính đến khi xét về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc.
Nền kinh tế phát triển quá nóng của Trung Quốc đã tạo ra những khoản vay khổng lồ. Nợ của cả nước, bao gồm nợ của chính phủ, công ty và hộ gia đình, đã vượt quá GDP từ năm 2008, và hiện nay đã đạt mức 250% tổng thu nhập quốc dân.
Số nợ đáng báo động này có thể "biến hệ thống tài chính của Trung Quốc thành một cái xác biết đi" - theo nhận định của The Economist. Tờ báo nhắc lại thảm kịch của các hệ thống tài chính lớn trên toàn cầu đã từng đổ vỡ vì phát triển nóng nhờ vay nợ ra sao: Nhật Bản và Hàn Quốc trong thập kỷ 90, Anh và Mỹ năm 2008.
Tốc độ tăng GDP (màu đỏ) và tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc (màu xanh) từ 2003 đến nay. Nợ đã gần đạt 250% GDP.
Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đã phải đặt ra bài toán đối phó với nợ xấu từ năm 2010, nhưng đến nay hiệu quả thu được là chưa cao. Tuy nhiên, The Economist cho rằng nền kinh tế vẫn chủ yếu là các thành phần nhà nước - từ ngân hàng đến doanh nghiệp - có thể giúp chính phủ nước này nhanh chóng đưa ra sách lược ứng phó nếu tình trạng nợ xấu đi.
Hãng phân tích tài chính Bloomberg trong hôm qua trích dẫn ý kiến của các chuyên gia kinh tế chuyên theo dõi Trung Quốc, còn cho rằng sở dĩ Trung Quốc leo lên vị trí nền kinh tế số 1 thế giới là nhờ "tính sai". Họ không tính các khoản nợ xấu vào GDP.
Trong bài viết "Phép tính sai khiến Trung Quốc trở thành số 1" trên trang phân tích của Bloomberg, cây viết Noah Smith đưa ra ví dụ: Nếu một ngân hàng Trung Quốc cho một doanh nghiệp vay 100 USD, nhưng sau đó doanh nghiệp này chỉ dùng nó để sản xuất ra 80 USD, thì phép tính không phải là Trung Quốc lỗ 20 USD mà là ngược lại, tính 80 USD được tạo ra, còn ngân hàng sẽ hoãn nợ, đảo nợ cho doanh nghiệp.
Phép toán này là sai hay không vẫn còn đang gây tranh cãi trong giới chuyên gia kinh tế. Nhưng rõ ràng là Trung Quốc có lý do để lo ngại với khoản nợ khổng lồ họ đang gánh trên lưng.