TQ đang tiến thoái lưỡng nan trong chính trị. Làm sao mà cuộc biểu tình sinh viên lại biến thành một trong những phong trào biểu tình lớn chưa từng có?
Nghịch lý “kowtow” - sự khấu đầu
- Cập nhật : 03/10/2014
Sân khấu chính trị thế giới tuần này ghi dấu gương mặt mới: giới trẻ Hồng Kông. Phong trào đòi dân chủ của sinh viên sôi sùng sục trong đêm 26-9. Hàng trăm sinh viên xô đổ hàng rào, tràn vào trụ sở chính quyền đặc khu khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay.
61 người biểu tình bị bắt, trong đó có thủ lĩnh sinh viên 17 tuổi Joshua Wong. Bị còng tay lôi đi, cậu thiếu niên mảnh khảnh, đeo kính gọng đen vẫn hô to: “Tôi không muốn cuộc tranh đấu để lại cho thế hệ sau. Đây là trách nhiệm của chúng ta”.
Tờ Văn Hối thân Bắc Kinh hôm 25-9 đăng cả trang báo về Wong, cáo buộc cậu kết thân với các lực lượng ở Mỹ - điều mà Wong phủ nhận.
Tuổi nhỏ nhưng Wong không phải tay mơ. Hai năm trước, khi mới 15 tuổi, Wong đã dẫn đầu hơn 100.000 người tuần hành, buộc chính quyền phải hủy bỏ chương trình “giáo dục yêu nước” mà Bắc Kinh muốn đưa vào trường học Hồng Kông.
Cuộc chiến lần này, với Wong, là được ăn cả ngã về không. Trước khi bị bắt, cậu nói với đài CNN: “Tôi đã sẵn sàng tâm lý ra tòa hay ngồi tù. Luôn cần một nhóm nhỏ tiên phong để thay đổi xã hội. Nếu không ai chịu nỗ lực, xã hội sẽ mãi như vậy” - Wong nói.
Không chỉ Wong, một thủ lĩnh sinh viên khác tên Lester Shum cùng Chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông Alex Chow đã bám trụ bên trong tòa nhà chính quyền đặc khu đêm 26-9 cùng khoảng 30 người biểu tình cho đến khi bị cảnh sát kéo đi.
Theo đài CNN, mục tiêu của giới trẻ Hồng Kông tham gia biểu tình rất rõ ràng: “Một người, một phiếu bầu, đồng thời được tự chọn ứng viên mà không phụ thuộc vào Bắc Kinh”. Cô bé 16 tuổi Phoebe Leung cứng cỏi: “Tương lai Hồng Kông thuộc về chúng em. Em không thể thay đổi Hồng Kông nhưng tất cả bọn em ở đây có thể biến đổi tương lai Hồng Kông”.
Sự quyết liệt của sinh viên khiến những nhà hoạt động “tiền bối” như phong trào Chiếm lĩnh trung tâm phải thán phục. “Họ đã nếm vị thành công trong chiến dịch phản đối chương trình giáo dục yêu nước nên cũng nắm được bí quyết đấu tranh, từ tổ chức tuần hành, huy động đám đông biểu tình đến đặt vấn đề với giới lãnh đạo. Họ hiểu biết và dũng cảm hơn những người đi trước nhiều” - nhà hoạt động Kong Tsung-Gan, thuộc phong trào Chiếm lĩnh trung tâm - nhận xét với trang Asian Correspondent.
Đúng vào ngày khoảng 13.000 sinh viên Hồng Kông tuần hành (23-9) để khởi động cuộc bãi khóa kéo dài 1 tuần, Bắc Kinh tiếp đón một đoàn gồm 70 người giàu nhất hòn đảo.
Trang tin Asia Sentinel (Hồng Kông) gay gắt: “Giới siêu giàu đang khấu đầu (kowtow) trước chính quyền trung ương để bảo vệ tài sản”. Theo trang này, dẫn đầu đoàn là cựu đặc khu trưởng Tung Chee-hwa (Đổng Kiến Hoa), người mất chức ở giữa nhiệm kỳ thứ hai (năm 2005). Những gương mặt nổi bật trong đoàn đều là con cái, thậm chí là cháu, của những nhà tài phiệt lừng lẫy.
Bức tranh tương phản này phần nào khắc họa mối liên kết chặt chẽ giữa tầng lớp siêu giàu Hồng Kông và Bắc Kinh. Việc Bắc Kinh tăng cường can thiệp cũng ít nhiều cho thấy sự nhạt nhòa của đặc khu trưởng Lương Chấn Anh nói riêng và chính quyền Hồng Kông nói chung.
Ông Lương không đáp lại tối hậu thư yêu cầu đối thoại của giới sinh viên và tình hình có thể khó khăn hơn với ông khi vào ngày 1-10, đến lượt phong trào Chiếm lĩnh trung tâm biểu tình tại khu tài chính của Hồng Kông.
MỸ NHUNG -Theo: NLĐ