Người ta không khỏi sửng sốt trước thông tin Phòng CSĐT tội phạm về ma túy PC47, Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ quả tang vụ buôn lậu 15kg vàng qua biên giới.
Số vàng này được 2 đối tượng Nguyễn Trọng Bằng và Trần Ngọc Tinh khai nhận đã sang tỉnh U Dom Xay (Lào) mua về bán kiếm lời. Số vàng nêu trên có giá trị khoảng 16 tỉ đồng, nếu vận chuyển trót lọt, số vàng nói trên được đưa vào nội địa tiêu thụ, các đối tượng buôn lậu sẽ thu được số tiền chênh lệch hơn 1 tỉ đồng - khoản lợi nhuận “kếch sù” thu được từ chênh lệch giá do buôn lậu vàng mang lại. Và chắc chắn vụ việc trên không phải là cá biệt, mà chỉ là trường hợp đã bị phát hiện mà thôi.
Hai kẻ buôn lậu dám liều lĩnh mang theo người một lượng vàng lậu “khủng” đến như vậy, chỉ vì hám lợi do giá vàng trong nước đang chênh lệch quá lớn so với giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới tại thời điểm sáng 3.11 đang giao dịch ở mức 1165.45 USD/oz - tương đương 29,91 triệu đồng một lượng - thì giá vàng SJC ở trong nước được giao dịch ở mức 35,27 triệu đồng/lượng (bán ra), mức chênh lệch lên tới mức 5,36 triệu đồng/lượng (chưa kể các loại phí và thuế).
Do mức chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nên các đối tượng tìm đủ mọi cách để tuồn vàng từ nước ngoài vào VN là việc “không xảy ra mới là chuyện lạ”. Chuyện chênh lệch giá vàng gây thiệt hại nặng nề không chỉ cho người tiêu dùng do phải mua vàng với giá quá cao so với thực tế. Dân buôn lậu còn vơ vét ngoại tệ, ra nước ngoài mua vàng rồi nhập lậu về, gây ra hậu quả khó lường.
Chuyện giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới là điều quá dễ nhận ra. Có điều gì bất thường trong việc quản lý và điều hành giá vàng? Tại sao cơ quan chức năng cứ để cho giá vàng trong nước “vênh” quá xa với giá vàng thế giới? Phải chăng đang có chuyện lợi ích nhóm, hay đó là việc “tiếp tay” cho buôn lậu vàng “bùng phát” trở lại?