Trong vài giờ, bệnh nhân Chung được khám, điều tra dịch tễ rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Ngành y tế thành phố ngay lập tức bị đặt trong tình trạng báo động.
Người đầu tiên phát hiện ra ca bệnh nghi nhiễm Ebola ở Đà Nẵng là bác sĩ Lê Thành Quyền (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ). Theo bác sĩ Quyền, khoảng 10h30 thứ 7 (1/11), khi tiếp nhận, bệnh nhân Chung (26 tuổi, trú xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) sốt đến 40,5 độ.
Người đầu tiên phát hiện ra ca bệnh nghi nhiễm Ebola ở Đà Nẵng là bác sĩ Lê Thành Quyền (Bệnh viện Hoàn Mỹ).
“Người bình thường bạch cầu ở mức 5.000-10.000 nhưng ở đây, bạch cầu của Chung lại giảm xuống 4.300. Tương tự, tiểu cầu của người bình thường dao động ở mức 150.000- 400.0000 thì ở bệnh nhân Chung lại giảm còn 28.000”, bác sĩ Quyền kể.
Sau khi hỏi rõ, bác sĩ Quyền mới tá hỏa khi anh Chung vừa từ Guinea (cách vùng dịch Ebola bùng phát 300 km) trở về Việt Nam. Lập tức, ca bệnh được báo cáo lên Ban giám đốc bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh nhân Chung được chuyển qua khu vực cách ly ngay sau đó.
Nhớ lại vụ việc này, bác sĩ Phan Nguyễn Cẩm Thạch, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ thầm cảm ơn bác sĩ Quyền, bởi nếu vị bác sĩ này thiếu tinh ý, không điều tra dịch tễ thì tình hình có thể diễn biến rất phức tạp.
Theo bác sĩ Thạch, sau khi tiến hành các biện pháp cách ly và chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ theo quy định, bệnh nhân đã được chuyển qua bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Ít giờ sau, trong chiều 1/11, ngành y tế Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp khẩn để bàn biện pháp ứng phó.
"Chúng tôi xác định, dù bệnh nhân này không nhiễm Ebola đi chăng nữa thì toàn ngành y tế cũng đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Còn không, xem đây như một cuộc diễn tập”, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến (Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng) cho biết.
Trước đó, lúc 11h30 phút ngày 1/11, dù đang trong ngày nghỉ cuối tuần, nhưng nhận được điện thoại của Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm (Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng), tức tốc chạy đến bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam, một trong số 6 bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Chung tại bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng.
Như một phản xạ tự nhiên trong nghề nghiệp, bác sĩ Hàm lập tức gọi điện triệu tập những người dày dạn kinh nghiệm trong khoa đến để giao nhiệm vụ. “Dù luôn trong tư thế sẵn sàng nhưng khi tiếp nhận bệnh nhân này chúng tôi cũng thấy bối rối. Bởi khi đó mọi người đang nghỉ trưa, chưa ai mặc đồ bảo hộ phòng chống dịch Ebola”, bác sĩ Hàm nói.
Cũng theo bác sĩ Hàm, trong đêm 1/11, bệnh nhân Chung liên tục lên cơn co giật nên hầu như mọi người, từ lãnh đạo bệnh viện đến đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng, phải thức trắng đêm để theo dõi, điều trị.
Là người trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân Chung, bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam kể, anh Chung nhập viện trong tình trạng sốt cao, thân nhiệt lên đến hơn 40 độ C.
"Thấy Chung co giật liên hồi, chúng tôi cũng quên mất là người này đang bị nghi nhiễm dịch Ebola nên lao vào khám và tìm cách hạ sốt cho bệnh nhân. Giờ nghĩ lại, tôi cũng thấy mình “liều” thật”, vị bác sĩ trẻ nhớ lại.
Đến khoảng 14h ngày 1/11, Bệnh viện Đà Nẵng đã lấy xong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Chung. Nhưng do chưa có chuyến bay nên mãi đến 17h cùng ngày, Sở Y tế thành phố mới cử người bắt máy bay đem mẫu bệnh phẩm ra Hà Nội xét nghiệm.
Đích thân Viện trưởng Viện dịch tể trung ương đã ra sân bay Nội Bài tiếp nhận lấy mẫu bệnh phẩm.
Sau khi có kết quả âm tính với dịch Ebola, Chung gọi điện về báo tin cho gia đình.
“Khoảng thời gian từ lúc lấy mẫu bệnh phẩm cho đến khi có kết quả xét nghiệm đầu tiên diễn ra đầy hồi hộp. Suốt cả đêm, tất cả các cán bộ làm nhiệm vụ liên quan đến phòng chống dịch Ebola đã thức trắng đêm để theo dõi sát sao diễn biến của bệnh nhân”, Phó giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến nói.
Khi tất cả mọi người đang nín thở chờ đợi thì lúc 6h ngày 2/11, Viện dịch tễ Trung ương gọi về báo kết quả xét nghiệm lần 1 với 99% âm tính với virus Ebola. Rồi đến 9h cùng ngày, kết quả xét nghiệm cũng cho kết quả tương tự.
"Dù chỉ còn 1% nguy cơ bệnh nhân Chung bị nhiễm Ebola nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy nóng như lửa đốt. Mãi đến 17h ngày 2/11, khi có kết quả xét nghiệm lần 3 thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm”, bác sĩ Yến vui mừng nói.
Chiều 2/11, Sở Y tế TP.Đà Nẵng chính thức khẳng định bệnh nhân Chung không bị nhiễm Ebola. Kết luận này dựa trên 3 kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gồm Real-time PCR, PCR lần 1 và PCR lần 2.
Lệnh cách ly đối với bệnh nhân và nhân viên y tế theo dõi tại khoa Y học nhiệt đới bệnh viện Đà Nẵng được gỡ bỏ. Tuy nhiên, theo quy trình, bệnh nhân Chung vẫn tiếp tục được theo dõi trong vòng 21 ngày kể từ khi trở về từ vùng dịch.