Sở Công Thương than nhiều ngành quản lý dẫn đến chồng chéo. Cảnh sát than khó kiểm tra.
Tại cuộc họp khẩn ngày 22-10 từ vụ nổ hóa chất ở quận 12, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân kêu gọi các sở, ngành như Công an, Công Thương, NN&PTNT, KH&ĐT và các địa phương làm hết trách nhiệm, rà soát các quy định để quản lý các loại hóa chất có nguy cơ gây cháy, nổ. “Về lâu dài cần lên phương án di dời, giải tỏa các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trong khu dân cư” - ông chỉ đạo.
Chợ hóa chất nằm dưới chung cư
Theo Sở Công Thương hiện TP.HCM có hơn 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nhưng chỉ có 150 cơ sở đủ điều kiện về môi trường và PCCC. Còn Công an TP cho biết có đến 139 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nằm trong khu dân cư, tập trung ở các quận 5, Thủ Đức và huyện Bình Chánh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại chợ Kim Biên có 68 cửa hàng buôn bán hóa chất có giấy phép. Các cửa hàng này nằm san sát nhau, không lối thoát hiểm với hàng trăm loại hóa chất ngổn ngang. Dọc hai bên chợ Kim Biên, nhiều doanh nghiệp (DN) thuê mặt bằng buôn bán hóa chất ngay trong nhà.
Tại chung cư trên đường Vạn Tường (phường 13, quận 5) có gần 10 DN kinh doanh hóa chất công nghiệp. Mỗi DN với hàng trăm loại hóa chất chứa trong các can nhựa lớn nhỏ xếp chồng chất. Theo quan sát của chúng tôi, gần như toàn bộ mặt tiền phía dưới của chung cư ba tầng này được dùng làm nơi buôn bán, sang chiết hóa chất tại chỗ cho khách hàng.
Trên đường Phạm Văn Khỏe, nhiều cửa hàng nằm xen lẫn trong các ngôi nhà cao tầng. Có nơi nhân viên cửa hàng vô tư nhả khói thuốc lá…
Một người dân nói: “Các loại hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao, nói dại miệng, nhỡ có việc gì, toàn bộ chung cư này sẽ sụp vì các cửa hàng sẽ cháy nổ dây chuyền. Hàng ngàn người dân luôn phập phồng lo sợ vì không biết khi nào tai họa xảy ra”.
Trên thực tế, việc quản lý sản xuất, kinh doanh hóa chất trong các khu dân cư tưởng là chặt chẽ vì có nhiều cơ quan quản lý nhưng cuối cùng thì chẳng quản được.
Hai doanh nghiệp kinh doanh hóa chất công nghiệp ngay dưới chung cư tại chợ Kim Biên (quận 5)
Nhiều lỗ hổng…
Theo Sở Công Thương, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất rất chặt: Tiếp nhận hồ sơ; kiểm tra pháp lý về kỹ thuật, nhân sự, thẩm định thực tế tại cơ sở, địa điểm kinh doanh, tồn chứa hóa chất.
Tuy nhiên, sở này nhận định: Hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất đa dạng và phức tạp, nhiều ngành tham gia quản lý dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn cho quản lý.
Cũng theo Sở Công Thương, quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất trong ngành công nghiệp áp dụng chung cho tất cả đối tượng từ DN bán sỉ đến các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Trong khi đó, các cửa hàng nhỏ không thể đáp ứng các điều kiện về kho chứa, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, người kinh doanh có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất…
Chưa hết, các cơ sở kinh doanh tiền chất thuốc nổ phải có giấy phép của Cục Hóa chất. Tuy nhiên, kiểm tra, phát hiện các cơ sở này không có giấy phép, Sở cũng khó xử lý vì chưa có hoặc lẫn lộn biện pháp chế tài…
Các quy định hiện hành về hóa chất chủ yếu quy định ở dạng chất (đơn chất, hợp chất) mà chưa bao gồm các hỗn hợp chất. Một số cơ sở do Bộ Công Thương cấp phép, Sở và địa phương không nắm…
Không quản lý nổi
Một trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC tại TP.HCM cho biết: Cảnh sát PCCC chỉ kiểm tra, nắm được các cơ sở có đăng ký kinh doanh, còn những hộ dân, đơn vị nhỏ lẻ mua bán, sử dụng các loại hóa chất thì công an không nắm và không thể biết hết.
“Đa số người dân không có kiến thức về cách pha chế, bảo quản nên thường dẫn đến tai nạn. Cạnh đó, chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực lại không có nghiệp vụ PCCC về hóa chất nên không kiểm tra và cũng không báo cho cảnh sát PCCC để phối hợp xử lý. Ví dụ ở chợ Kim Biên, chủ sạp có giấy phép kinh doanh hóa chất thì được quản lý chặt chẽ. Còn nhiều hộ xung quanh không có giấy phép nhưng vẫn mua bán là có trách nhiệm của địa phương chứ không thể đổ hết cho ngành công an.
Ngoài ra, chúng ta chưa có quy định ai được mua hóa chất, sử dụng hóa chất vào việc gì nên người dân mua bán tràn lan, không ai quản nổi” - vị trưởng phòng nói.
Nói về trách nhiệm quản lý, lãnh đạo công an một quận cho biết: “Việc sản xuất, mua bán hóa chất có rất nhiều sở, ngành quản lý như Sở TN&MT, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và các địa phương. Tuy nhiên, các cơ quan chỉ quản lý các cơ sở được cấp phép, còn các cơ sở nhỏ lẻ, kinh doanh hóa chất không phép chẳng ai quản. Trong khi hàng loạt cơ sở mua bán hóa chất nằm trong khu dân cư gây nguy hiểm cho người dân. Ở chợ Kim Biên, phụ gia thực phẩm bày bán lẫn lộn với hóa chất công nghiệp và TP đã thấy những bất cập, nguy hại và đã chỉ đạo nhưng đến nay các cơ quan được giao quản lý không ai động cựa gì. Một mình ngành công an không thể quản lý nổi”.
“Cha chung không ai khóc”, chồng chéo trong quản lý, nhiều lỗ hổng trong chế tài, lẫn lộn giữa hóa chất công nghiệp với phụ gia thực phẩm nên việc mua bán, sử dụng hóa chất công nghiệp tràn lan gây ra nhiều hậu quả đau lòng. Vì vậy chủ tịch UBND TP đã họp khẩn để giải tỏa nỗi lo sợ hiểm họa từ hóa chất cho người dân.
Singapore, Trung Quốc quản lý rất chặt
Tại Singapore, kiểm soát các hóa chất nguy hiểm (các hóa chất có thể gây thảm họa thương vong cho con người hoặc gây ô nhiễm cao) là vấn đề cấp bách, thông qua chính sách quy hoạch, phân vùng sử dụng đất rạch ròi.
Tất cả đề xuất xây dựng mới các cơ sở công nghiệp có lưu trữ, sử dụng hóa chất nguy hiểm với số lượng lớn đều phải được Cục Kiểm soát môi trường ô nhiễm thuộc Bộ Môi trường Singapore xét duyệt. Các cơ sở này phải nằm ở khu vực công nghiệp, xa khu vực dân cư và khu vực trữ nguồn nước sinh hoạt. Các tuyến đường vận chuyển hóa chất nguy hiểm tránh xa khu vực dân cư đông đúc hoặc khu vực tích trữ nguồn nước sinh hoạt.
Tại Trung Quốc, việc quản lý các hóa chất nguy hiểm (chất có khả năng gây bào mòn, cháy, nổ, gây nguy hại cho con người, môi trường…) là khá chặt chẽ thông qua Quy định về quản lý an toàn hóa chất nguy hiểm. Theo đó, chính quyền địa phương phải quy hoạch một khu vực đặc biệt dành cho mục đích sản xuất và lưu trữ các hóa chất nguy hiểm. Khu vực đó phải xa khu vực dân cư, trường học, bệnh viện, sân vận động và các khu vực công cộng, khu vực lưu trữ nước sinh hoạt, nhà máy nước, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt cá và trồng trọt, khu vực có nguy cơ động đất, ngập lụt và không an toàn về địa chất.
Nhiều loại hóa chất mất hút trên thị trường
Sau vụ nổ nhà xưởng ở quận 12, công an xác định có nhiều mẫu hóa chất là tiền chất của thuốc nổ như kali clorat (KClO3), kali nitrate (KNO3)… Những hóa chất nói trên trước đây bán công khai tại các cửa hàng, nay bỗng mất hút.
Ngày 25-10, chúng tôi rảo nhiều cửa hàng hóa chất trên địa bàn TP.HCM hỏi mua kali clorat, kali nitrate, phốt pho, lưu huỳnh… nhưng các cửa hàng lắc đầu bảo không có.
Tại cửa hàng hóa chất H. trên đường Phan Văn Khỏe (quận 5), khi chúng tôi hỏi mua các hóa chất là tiền chất thuốc nổ, người bán hàng cảnh giác: “Mua làm gì?”. Khi biết mục đích “làm thí nghiệm”, bà ta buông gọn lỏn: “Ở đây không bán”. Biết chuyện, chị hàng nước giải thích: Họ không dám bán vì mới xảy ra vụ nổ.
Ở cửa hàng hóa chất trên đường Gò Công (quận 5), ông chủ cửa hàng cũng nói lớn: “Đi tìm chỗ khác mua”. Ông ta gằn giọng: “Trước có bán, giờ hết bán”.
Tại một cửa hàng hóa chất M. trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), chủ cửa hàng không thèm rời mắt khỏi màn hình tivi, nói: “Lưu huỳnh cấm bán từ lâu, còn phốt pho không có. Kali clorat và kali nitrate cũng không".