Hàng loại này có giá rẻ chưa bằng một nửa loại chính hãng. Doanh nghiệp phân phối, sản xuất cho biết đến tem chống hàng giả cũng bị làm nhái.
Chợ Tân Bình (quận Tân Bình, TP HCM) có bán đủ loại mỹ phẩm ngoại nhập Hàn Quốc, Thái Lan đến Việt Nam, thậm chí là loại tự pha trộn giá chỉ từ 30.000 - 300.000 đồng một hộp (lọ). Riêng nhãn hiệu Essance có đủ kem lót, phấn, má hồng, màu mắt, son môi… nhưng giá chỉ bằng một nửa so với giá bán tại siêu thị. Phấn trang điểm chỉ 75.000 đồng một hộp, son môi 60.000 đồng, kem chống nắng 55.000 đồng. Nhiều sản phẩm không có vỏ hộp, người bán cho biết: “Không có vỏ hộp mới có giá đó chứ hàng nguyên hộp giá gấp đôi. Quan trọng là chất lượng”.
Về nguồn hàng thì người bán nói chắc nịch “hàng công ty nhưng lấy từ nguồn khác”. Trên vỏ hộp phấn trang điểm cũng có dán tem chống giả, nhưng lại ghi sai chính tả “hàng chính hãn”. Kem che khuyết điểm thì cùng một loại, hàng trong siêu thị ghi chỉ số chống nắng SPF 20, còn hàng bán tại chợ ghi SPF 45. Nét chữ in trên nhiều sản phẩm cũng bị nhòe, không rõ nét.
Mỹ phẩm già được làm bằng bột mì. ảnh: Phụ nữ TP HCM
Đại diện công ty LG Vina (nhãn hiệu Essance), khẳng định, hàng chính hãng công ty bán ra luôn có hóa đơn chứng từ. Còn hàng làm giả không có hóa đơn chứng từ, tem nhãn in nhòe nét. "Công ty có sử dụng tem chống giả nhưng chỉ tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng chứ thực tế tem chống giả cũng bị làm giả”, vị này nói.
Vị này cũng cho biết, hãng đã nhiều lần cảnh báo cho người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, giả, nhưng thực tế, không ít người vẫn mua lầm vì trên thị trường hiện nay, mỹ phẩm Essance giả có nhiều mẫu mã hơn hàng thật.
Tại chợ Bình Tây (quận 6), sữa tắm nhãn hiệu White Care, Leivy ghi xuất xứ từ Malaysia, sản xuất tại Việt Nam bày bán nhiều. Giá bán 30.000 - 45.000 đồng một chai, sản phẩm có đầy đủ mã vạch, tem phụ tiếng Việt nhưng không niêm yết giá bán. Trong khi đó, sản phẩm chính hãng của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nhân Lộc có niêm yết giá bán 65.000đ, 85.000 đồng một chai, tùy loại.
Cơ quan chức năng quận Bình Thạnh từng phát hiện nhóm người thuê phòng trọ trên địa bàn mua dung dịch, bột kem chợ Kim Biên về pha chế sữa tắm trắng giả các nhãn hiệu, nguồn gốc. Lực lượng kiểm tra thu giữ trên 1.000 đơn vị sản phẩm các loại và hàng trăm ký nguyên liệu, bao bì. Đặc biệt, nguyên liệu dùng để pha chế mỹ phẩm gồm các chất dạng dung dịch, rắn, bột nhiều màu sắc màu trắng, hồng, vàng, nâu, đỏ… chưa rõ tên chất.
Theo ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Bình Dương, cách đây không lâu tại địa bàn xã Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng từng bắt quả tang hai đối tượng sản xuất mỹ phẩm ngay tại nhà mà thành phần nguyên liệu chính là bột mì. Hầu hết các vụ sản xuất mỹ phẩm giả thường diễn ra tại các khu dân cư, khu nghĩa địa… Theo đánh giá của ông Bán, 50% mỹ phẩm trên thị trường hiện không có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Lê Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nhân Lộc cho biết, đơn vị này từng bị làm giả sữa tắm. Có khoảng một nửa hàng mỹ phẩm bị làm giả bủa vây khắp các thị trường miền Tây, Trung, Đông Nam bộ… Hàng giả từ hai nguồn, sản xuất ở Trung Quốc tuồn qua tiêu thụ ở phía Bắc, còn hàng giả sản xuất trong nước thì tiêu thụ phía Nam.
Theo ông Lộc, sữa tắm giả hình thức giống hàng thật nhưng không thể bắt chước được mùi hương vì hàng thật sử dụng hương nước hoa cao cấp, còn hàng giả sử dụng mùi hương từ hóa chất. Trong thành phần sữa tắm thật, nước chiếm khoảng 70 - 80%, còn sữa tắm giả, 90% là nước nên rất loãng.
Mới đây, Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương đã bắt vụ làm giả mỹ phẩm, gồm 350 hộp giả thương hiệu Vĩnh Tân. Bà Võ Thị Liễu, Giám đốc Công ty Vĩnh Tân cho biết, thời gian đầu sản phẩm ra thị trường doanh nghiệp chỉ chú trọng vào chất lượng mà không chú ý đến nhãn mác, bao bì. Do đó sản phẩm nhanh chóng bị làm giả, làm nhái. Sau nhiều lần đổi mẫu mã và sử dụng tem chống giả của Bộ Công an, hàng vẫn bị làm giả.
Theo bà Liễu, nếu chỉ căn cứ vào màu sắc, độ mịn, mùi vị… của kem thì người tiêu dùng không thể phát hiện được hàng giả. Dấu hiệu duy nhất trên sản phẩm hiện nay mà hàng giả, hàng nhái chưa nhái được là logo của công ty trên bề mặt bao bì sản phẩm chính hãng được in nổi, trong khi hàng giả logo in chìm, mặt nhẵn.
Dược sĩ Bùi Thị Bạch Loan, Công ty Vĩnh Tân cho biết, trong năm 2013-2014, đơn vị đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp người mua mua phải mỹ phẩm giả có hàm lượng corticoid quá lớn. Nhiều người sau khi dùng mặt hàng này phải đến Bệnh viện Da liễu để điều trị.
Bác sĩ Trần Thế Viện - Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cảnh báo: những thành phần độc hại thường có trong mỹ phẩm giả là corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, hương liệu tổng hợp, chất màu tổng hợp... Những chất này ngoài gây tàn phá làn da, dị ứng da, còn có thể gây bệnh cho các cơ quan khác: phổi, thần kinh, ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, có thể gây ung thư...
Về mặt quản lý, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho hay, các doanh nghiệp bị nhái, bị giả sản phẩm lại đang có xu hướng không muốn công khai giúp người tiêu dùng phân biệt, nhận biết đâu là sản phẩm thật, giả vì họ e ngại khách hàng sẽ không mua nữa. Chính vì vậy rất khó phối hợp để truy tìm nguồn gốc của những sản phẩm giả.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cũng cho biết, không ít đơn vị đã chọn tem chống giả trôi nổi trên thị trường, không có tính pháp lý nên khi sản phẩm bị làm giả thì cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý.