Những hình ảnh này đều được chụp từ Vĩnh Thạnh.Ảnh :Xuân Nhàn
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 8.10, đại diện UBND tỉnh Gia Lai đã có ý kiến chính thức về chùm tin ảnh “Đội quân phá rừng đang tàn sát “vựa” gỗ hương sót lại ở thượng nguồn sông Kôn” trên Lao Động ngày 28.8 là “chưa chính xác. Báo Lao Động đã thông tin sai sự thật”. Đáng nói là bản tin này, Báo Lao Động phản ánh vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh... Bình Định.
Phát ngôn của UBND tỉnh Gia Lai thực ra chỉ nhắc lại báo cáo gửi lên từ Chi cục Kiểm lâm do Chi cục trưởng Nguyễn Nhĩ ký ngày 15.9. Theo đó, ngày 8.9, Chi cục Kiểm lâm họp với UBND huyện Kbang triển khai phương án kiểm tra, truy quét nạn phá rừng khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Định. Cho đến ngày 12.9, đoàn liên ngành gồm kiểm lâm, công an cùng chủ rừng đã chia tổ rà soát lâm phần Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Hà Nừng; Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Kết quả, “đoàn chỉ phát hiện một gốc chặt, gỗ hồng tùng (nhóm 4) có chiều cao 40cm, đường kính 50cm tại khoảnh 2, tiểu khu 45, tọa độ X: 505891 – Y: 1598192 thuộc lâm phần Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Trạm Lập. Qua xác minh, cây gỗ này do một người đồng bào chặt về làm nhà”.
Báo cáo cho biết, “tại khu vực nói trên không có các loài gỗ quý như trắc, hương, đồng thời không có dấu hiệu khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép” trước khi đưa ra kết luận cuối cùng là nội dung bài viết trên báo Lao Động “không đúng sự thật”.
Những hình ảnh này đều được chụp từ Vĩnh Thạnh. Ảnh: Xuân Nhàn
Chúng tôi hoan nghênh sự nhanh nhạy của chính quyền Gia Lai cũng như thành quả quản lý bảo vệ rừng mà địa phương này đạt được. Tuy nhiên, phản ứng trên đã không đúng địa chỉ, hoàn toàn nhầm lẫn và sai lệch. Để bạn đọc dễ hình dung, xin trở lại “lịch sử vấn đề”: Ngày 29.8, sau khi Lao Động điện tử đưa tin, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Sở NNPTNT yêu cầu chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, báo cáo. Bản tin trên Lao Động điện tử thực ra chỉ là phần thuyết minh đi kèm hình ảnh ghi nhận được tại địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.
Trên báo Lao Động (bản in) số ra ngày 29.8, chúng tôi có cơ hội tái hiện chi tiết và đầy đủ hơn câu chuyện được quan tâm. Bài viết đăng lại trên ấn bản điện tử thể hiện khá rõ bối cảnh, nhân vật mà chúng tôi tiếp xúc, trích dẫn. Cả bản tin đầu tiên lẫn bài viết ở báo in đều xác định, không gian câu chuyện hoàn toàn diễn ra trên địa phận Bình Định. Nói vùng giáp ranh, không có nghĩa là nói tới phạm vi quản lý của Gia Lai, tương tự như chuyến truy quét vừa rồi, liên ngành Gia Lai cũng chỉ tự khoanh định ở lâm phần Kbang thay vì tràn lấn sang Vĩnh Thạnh. Chưa kể, câu chữ trên Lao Động điện tử không thể rõ ràng hơn. Xin nêu dẫn chứng bằng câu dẫn nhập: “Khu vực sông Kôn thuộc xã Vĩnh Kim…”.
Ví dụ khác, ở đoạn còn lại: “Tại Vĩnh Kim, bất chấp việc chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm tuyên bố tăng cường kiểm soát, dòng gỗ lậu vẫn miệt mài, ngất nghểu trên những chiếc xe máy…”. Rất lạ là trong khi cơ chức năng phía Bình Định chưa có ý kiến gì thì phía Gia Lai đã tự nhận về mình để rồi lên tiếng chỉ trích tại một cuộc họp báo rằng Lao Động thông tin sai sự thật!
Nhân đây, chúng tôi nêu một thắc mắc, cũng liên quan đến đời sống lâm nghiệp khu vực giáp ranh 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định. Đó là việc người dân thị xã An Khê công nhiên lấn chiếm và đe dọa tấn công bằng hung khí trên lâm phần Cty TNHH Lâm nghiệp sông Kôn, ngăn cản chủ rừng triển khai kế hoạch sản xuất – kinh doanh thường niên trên phần đất của mình.
Mối quan hệ căng thẳng, quá khích kéo dài hàng thập kỷ qua được Lao Động phản ánh qua phóng sự “Hút chết ở Hòn Mum” (ngày 31.7), trong đó có chi tiết PV bị chửi bới, nhục mạ, bị kề rựa đến tận cổ đòi sát hại, thủ tiêu. Vụ việc, ngoài thông tin trên báo, còn được phản ánh trực tiếp tới lãnh đạo UBND xã Cửu An và thị xã An Khê. Chưa hết, Lao Động cũng kiến nghị cơ quan cấp tỉnh hai bên cần sớm ngồi lại bàn giải pháp tháo gỡ.
Một bức tranh sôi sục, nóng bỏng, rất dễ dẫn tới nguy cơ “máu chảy đầu rơi” như thế vì sao vẫn chưa thấy tỉnh Gia Lai lên tiếng? Trên thực tế thì người của Cty Sông Kôn đã từng bị đánh thành thương tích, còn trạm trại giữ rừng thì bị phóng hỏa thiêu trụi.