Mang tiếng nhà mặt tiền đường mà bán không ai mua, ngày càng xuống giá. Đó là nỗi khổ của người dân sống quanh Bến xe An Sương (TP.HCM)
Người nghiện công khai tiêm chích cho nhau ở dải phân cách trên quốc lộ 22, đoạn trước khu vực bến xe An Sương (TP.HCM) - Ảnh: Khoa Long
Buổi tối chưa đến 18g mà nhà nhà đều lo đóng kín cửa. Muốn buôn bán chút đỉnh để kiếm sống cũng không được, khi bưng cái bàn ra thì mất cái bàn, đưa cái ghế ra mất cái ghế! Buổi sáng mở cửa ai cũng nơm nớp lo không biết trước nhà có người nào chết bởi sốc hoặc thiếu ma túy không (một người dân cho biết chỉ trong một tháng đã có ba người chết ngay trước cửa nhà mình).
Sau nỗi lo ấy là lo dọn dẹp vì người nghiện phóng uế đầy trước cửa nhà... Đó là những nỗi khổ mà nhiều người dân sống quanh khu vực bến xe An Sương (quốc lộ 22, TP.HCM) đã kể cho chúng tôi nghe, khi đi thực hiện phóng sự này trong những ngày đầu tháng 10-2014.
Người dân quanh khu vực bến xe An Sương, theo chiều dài khoảng 1,5km từ chân cầu vượt An Sương đến ngã tư Trung Chánh (Q.12), đang phải sống thấp thỏm, lo sợ, hoang mang trong lòng “ổ” ma túy hoạt động thâu đêm suốt sáng.
Có hơn 20 đối tượng lai vãng mua bán ở đây, tạo nên cảnh hút, chích rầm rộ như chốn không người.
Các đối tượng thường xuyên đeo balô, giỏ xách giống người lao động đứng xung quanh khu vực bến xe và các trung tâm giới thiệu việc làm để hành nghề.
Theo quan sát của chúng tôi, những đối tượng này thường hoạt động theo ba ca từ 5g-8g, 11g-14g, 16g-21g.
Đến giờ “nóng” một chiếc xe máy chở “hàng” tới, tất cả người nghiện xúm lại chia “hàng” rồi nhanh chóng tản ra xung quanh khu vực bến xe.
Nhiều đối tượng hành nghề chạy xe ôm tại bến cũng làm cò mồi hưởng hoa hồng liên tục vẫy gọi khách. Sau khi lấy “hàng”, nhiều người đứng ngay giữa dải phân cách đường ngang nhiên chích, hút giữa thanh thiên bạch nhật.
Trong lúc thực hiện phóng sự, chúng tôi cũng gặp tổ tuần tra kiểm tra một đối tượng nhẵn mặt ở đây mà chúng tôi theo dõi rất kỹ những ngày trước đó.
Tuy nhiên khi lục soát trên người đối tượng này lại không có ma túy nên phải thả đi.
Đơn giản bởi thủ đoạn cất giấu của họ hết sức tinh vi. Ví dụ, ma túy được phân nhỏ và giấu ở hai bên hàng cây xanh trồng dọc dải phân cách. Hoặc họ chia thành những tép nhỏ giấu trong điện thoại, giấu trong “chỗ kín”...
Ông Huỳnh Văn Được - phó trưởng Công an xã Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM) - cho biết không chỉ người dân mà công an cũng thấy bức xúc trước tình trạng lộng hành của những người nghiện, đồng thời là đối tượng mua bán. Bởi có bắt thì cũng chỉ xử phạt hành chính rồi phải thả!
“Chúng tôi mong sẽ có thông tư hướng dẫn thi hành nghị định 221 về việc đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh để chúng tôi dễ kiểm soát hơn” - ông Được nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ văn phòng Công an TP.HCM - cho biết tính đến cuối tháng 5-2014, toàn TP có 19.213 người nghiện, đó là chưa tính hơn 5.700 người cai nghiện tập trung đã trốn trại từ năm 2003.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận số liệu thống kê còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Tại buổi làm việc với TP.HCM ngày 6-10, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết người nghiện ma túy lang thang, tụ tập sử dụng ma túy công khai, uy hiếp, tống tiền tại các công viên, nơi công cộng gây bức xúc trong nhân dân... là tình trạng hết sức đáng lo ngại.
Người nghiện ngang nhiên tiêm chích ở chốn đông người (dải phân cách trên quốc lộ 22 đoạn gần ngã tư Trung Chánh, Q.12, TP.HCM)
Người dân thấp thỏm bất an khi ma túy được mua bán ngay trước cửa nhà
Việc mua bán ma túy được cảnh giới rất cẩn thận theo tầng lớp
Ma túy được ngụy trang trong quần áo
Ma túy được trao chỉ bằng một cái bắt tay nhanh như chớp
Công khai hoạt động mua bán ma túy như chợ trời
Một phụ nữ thoải mái hít ma túy
Đối tượng hốt hoảng ẩn núp khi cảnh sát cơ động truy bắt
Dải phân cách trước bến xe An Sương mặc nhiên trở thành “ổ” tiêm chích
Cất giấu ma túy lẫn với rác tránh bị bắt quả tang
Từng tép ma túy được phân chia cho các đối tượng bán rải rác suốt dọc tuyến đường