Tham nhũng và nợ công là những vấn đề được cử tri TP.HCM nêu ra tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội (QH) Trần Du Lịch, Hoàng Hữu Phước ngày 14-10, trước thềm kỳ họp thứ 8 (QH khóa XIII).
Còn tham nhũng lòng dân sẽ không yên
Tại cuộc tiếp xúc này, cả cử tri quận 1 và quận 3 tỏ thái độ bức xúc và mong muốn Đảng và Nhà nước phải mạnh tay hơn nữa trên mặt trận chống tham nhũng để đất nước phát triển. Cử tri Nguyễn Đăng Cường (quận 1) đề nghị Đảng và Nhà nước phải lấy dân làm gốc để chống tham nhũng. Theo ông Cường, chúng ta thường nói câu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng thật ra dân ít khi được tham gia vào công việc của Nhà nước. “Cơ quan chức năng phải thấy rằng người dân là tai mắt, tiếng nói của người dân chính là chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với vấn đề mà toàn dân bức xúc như tham nhũng” - ông Cường nói.
Cũng với ý cần huy động sức mạnh dân chúng vào công cuộc chống tham nhũng, cử tri Lê Công Cẩn (quận 3) cho rằng để chống tham nhũng có hiệu quả cần phải công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, quan chức trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và trang web của Thanh tra Chính phủ để người dân dễ dàng biết và giám sát. Đồng thời phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Ông Cẩn cho rằng việc bảo vệ người tố giác tham nhũng bấy lâu nay còn yếu. Theo ông Cẩn, phải có cơ chế tiếp thu nguồn tin tố giác tham nhũng dù không rõ danh tính. “Vấn đề chúng ta quan tâm là nguồn tin đó đúng hay sai chứ không quan trọng là ai nói. Chúng ta yêu cầu rõ danh tính nhưng công tác bảo vệ yếu thì không thể yêu cầu người dân công khai danh tính” - ông Cẩn nói. Cử tri Phạm Thị Cát (quận 1) cũng đề nghị luật phải mạnh hơn nữa trong việc bảo vệ người tố cáo và chống tham nhũng để tránh bị trù dập. Đồng thời phải có phần thưởng xứng đáng cho những người dám đứng ra chống tham nhũng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri TP.HCM ngày 14-10.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết giải pháp mà cử tri đưa ra dựa vào dân để chống tham nhũng là hoàn toàn đúng với đường lối của Đảng và Nhà nước trong suốt nhiều thời kỳ qua. “Cái gì mà chúng tôi còn kém, còn yếu thì chúng tôi sẽ soát xét lại thêm. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đều làm một cách sòng phẳng, có kết quả nhất định nhưng có điều kết quả đó so với yêu cầu mục tiêu và thực tế cuộc sống là chưa đạt, dân bức xúc là đúng” - Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, yêu cầu của Đảng, Nhà nước và QH đặt ra trong việc chống tham nhũng là phải “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi”. Mục tiêu đã rõ, tuy nhiên Chủ tịch nước cũng thẳng thắn: “Đến giờ này chưa dám trả lời, tham nhũng chưa ngăn chặn được và chưa được đẩy lùi”. Vì vậy Chủ tịch nước cho biết sắp tới các ngành, các địa phương phải tiếp tục đẩy lùi tham nhũng.
Còn đối với vấn đề bảo vệ người tố cáo tham nhũng, Chủ tịch nước khẳng định trong thực tế chưa làm tốt điều này. “Thật sự Đảng và Nhà nước chưa đủ sức bảo vệ người tố giác nên họ sợ. Cái này là lỗi của Đảng và Nhà nước” - Chủ tịch nước nói và cho biết sẽ tiếp nhận, bố trí người tiếp xúc với những người cung cấp thông tin nhằm góp phần đẩy lùi tham nhũng. “Để tình trạng tham nhũng như hiện nay thì lòng dân không yên thật sự” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nợ công: Áp lực ghê gớm lắm
Trả lời cử tri Trần Quang Tuấn (quận 1) liên quan đến kiến nghị cần tập trung nghiên cứu tìm giải pháp xử lý ngay vấn đề nợ công và nợ xấu vì nợ công đang có dấu hiệu không an toàn, Chủ tịch nước cho biết nợ công bây giờ đã chạm trần. “Nợ công là một thách đố ghê gớm, một bên phải hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, một bên là nợ công chạm trần, tính toán thế nào, không đơn giản” - Chủ tịch nước cho hay.
Chủ tịch nước cho biết hiện nay các nước đã áp dụng lãi suất cao, thời gian hoàn trả nợ ngắn hơn trước đây. Nếu không vay thì không xử lý được mục tiêu cải cách hệ thống hạ tầng, còn nếu vay phải cân nhắc rất kỹ để không vượt trần nợ công, gây mất an toàn. “Chúng tôi cũng rà soát rất kỹ nhưng không vay thì không có những đường cao tốc như mình muốn. Áp lực ghê gớm lắm. Tôi nói điều đó không phải để cô bác anh chị thông cảm với chức trách chúng tôi nhưng thực tế điều hành đất nước trong giai đoạn hiện nay có những việc như vậy, mong cô bác anh chị hiến kế thêm” - Chủ tịch nước nói.
Đề cập đến hướng phát triển kinh tế của đất nước, Chủ tịch nước khẳng định để giải quyết căn cơ cần phải tiến hành kiên trì và bài bản tái cấu trúc nền kinh tế kết hợp với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo Chủ tịch nước, việc này không phải 1-2 năm là xong, đây là vấn đề trung, dài hạn. Nếu làm vội vã sẽ không tốt, ngược lại nếu trì truệ, chần chừ và do dự thì cũng không được mà phải có bước đi thích hợp để có kết quả bền vững. “Đây là chủ trương thực hiện 3-4 năm nay, có kết quả từng mặt nhưng kết quả tổng thể thì chưa đạt, cần có thời gian tiếp tục thực hiện” - Chủ tịch nước nói.
Đề nghị QH giám sát về chiến lược biển Đông
Cử tri Lê Văn Minh (quận 1) cho rằng năm nay tranh chấp trên biển Đông rất phức tạp, sắp tới có lẽ sẽ càng phức tạp chứ không phải đơn giản. Việc Trung Quốc ngang nhiên xây đường băng quân sự ở Hoàng Sa, mở tour du lịch trái phép tới Hoàng Sa, xây đảo nhân tạo ở biển Đông… là những hành động phi pháp, QH phải xem xét, đánh giá lại để có quyết sách đúng đắn. Ông Minh đề nghị QH cần giám sát chặt chẽ chương trình hành động của Chính phủ về chiến lược biển Đông.
Trừng trị tội phạm nghiêm khắc hơn nữa
Nói với Chủ tịch nước, cử tri Lê Công Cẩn (quận 3) cho rằng hiện nay an toàn tính mạng của người dân rất mong manh, mỗi khi ra đường rất sợ bị cướp, tai nạn… Vị cử tri này hoang mang nhất là những nhóm côn đồ chém người man rợ giữa ban ngày như vụ việc hai nhóm thanh niên chém nhau kinh hoàng từ trong nhà đến BV Gia Định, hay như nhóm 60 người cầm hung khí diễu phố “gặp ai chém nấy” ở Long An mới diễn ra gần đây. “Luật phải nghiêm khắc hơn nữa để trừng trị loại tội phạm này, thiết lập kỷ cương cho xã hội, không thì dân không an tâm” - ông Cẩn nói.
Đại biểu QH nên vi hành
Cử tri Hoàng Như Khương (quận 1) đề nghị đại biểu QH nên vi hành vào những nơi nghèo nhất, khổ nhất để nắm bức xúc của người dân và thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn nơi ấy. Đồng thời để thấy được có nhiều chính sách rất bất cập và không đi vào cuộc sống, chỉ làm cho người dân bức xúc thêm.