Thiếu tướng Đỗ Minh Dân, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chia sẻ khi nói về việc có dư luận nghi ngờ các thuyền viên dựng lên kịch bản cướp tàu.
“Sáng 15-10, toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được bàn giao cho Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an. Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không kết luận về vụ việc. Hiện nay thuyền viên và tàu Sunrise 689 vẫn neo tại TP Vũng Tàu” - chiều 15-10, Đại tá Nguyễn Văn Thưởng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin với Pháp Luật TP.HCM.
Công an chưa có kết luận gì
“Trong thời gian qua, dư luận nghi ngờ: Có hay không chuyện cướp biển tấn công để cướp dầu trên tàu Sunrise 689? Hay đây chỉ là một vụ cướp được dàn dựng?” - PV Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề với lãnh đạo Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và một số cán bộ từng tham gia đoàn khám nghiệm tàu Sunrise 689.
Thiếu tướng Đỗ Minh Dân, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trả lời: Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được phía cảnh sát biển đề nghị hỗ trợ điều tra ban đầu khi tàu Sunrise 689 và các thuyền viên về tới TP Vũng Tàu. Do thời gian điều tra ngắn, vụ việc lại được cho là xảy ra tại vùng biển quốc tế nên chúng tôi mới chỉ dừng lại ở ghi nhận thông tin ban đầu.
“Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chỉ tham gia điều tra một phần nhỏ ở trong đó và chưa hề có bất kỳ nhận định hay kết luận nào về vụ việc. Mấy ngày qua có nhiều thông tin trên mạng mang tính suy diễn chủ quan, hơi quá. Theo tôi, nếu suy diễn, kết luận sớm vậy sẽ rất tội cho các thuyền viên” - ông Dân nói.
Cửa sổ tại phòng của máy trưởng Lương Đại Thành. Tuy nhiên, lại có thông tin cho rằng đó là một phòng kín, dẫn tới suy đoán lời khai của thuyền viên phi lý. Ảnh: TK
Đã bấm nút báo động nhưng vô hiệu
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao bọn cướp có thể đột kích, khống chế con tàu lớn như Sunrise 689 trong tích tắc? Tại sao thuyền viên không bấm nút báo động?
+ Theo một cán bộ điều tra, tàu Sunrise 689 tương đối lớn. Từ mạn tàu có thể đi lên cabin theo các cầu thang bên ngoài mà những thuyền viên bên trong tàu khó phát hiện.
Nếu tàu đang chạy thì liệu tàu của cướp biển có thể cặp mạn nhảy lên tàu hay không? “Hoàn toàn có thể. Bọn cướp có thể dùng súng bắn dây để bắn các móc dây lên thành tàu và từ đó đu sang” - vị cán bộ điều tra nói.
Vì sao con tàu lại bị khống chế dễ dàng? Tổng số thuyền viên trên tàu Sunrise 689 là 18 người. Trong khi đó nhóm cướp biển có 10 tên, lên tàu khoảng 3 giờ 30 tới 4 giờ sáng, thời điểm hầu hết thuyền viên đều đang ngủ trong các phòng khác nhau. Vị trí bị tấn công đầu tiên là buồng lái. Với súng và dao, nhóm này nhanh chóng khống chế thuyền trưởng, phá hủy toàn bộ hệ thống liên lạc trên tàu.
“Theo thuyền viên Phạm Văn Hoàng, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng đã bấm nút báo động nhưng nút này bị vô hiệu hóa. Sau đó, nhóm cướp biển uy hiếp, buộc một số thuyền viên đi gõ cửa các phòng của thuyền viên khác rồi khống chế lần lượt. Riêng anh Lương Đại Thành, máy trưởng cố thủ trong phòng ngủ nhưng do nhóm cướp dùng dao để bổ cửa nên buộc phải leo qua cửa sổ nhảy xuống phía dưới dẫn tới thương tích. Mấy tiếng sau anh bị nhóm cướp bắt giữ, đưa về nhốt chung với những người khác” - vị cán bộ điều tra kể.
Phòng máy trưởng có cửa sổ
Một số trích dẫn cho rằng lời khai ban đầu của các thuyền viên không thống nhất, thậm chí phi lý. Ví dụ, các thuyền viên khai họ bị nhốt trong phòng máy trưởng và nhìn thấy tàu của cướp biển và một tàu cá áp sát tàu Sunrise 689 để hút dầu. Thậm chí các thuyền viên còn nhìn thấy bọn cướp biển hút thuốc lá nhãn hiệu Việt Nam. Thế nhưng khi cơ quan chức năng vào căn phòng này thì đó là một phòng kín, không ai có thể nhìn thấy bên ngoài. Vậy đâu là sự thật?
Về chi tiết này, phóng viên Pháp Luật TP.HCM và nhiều đồng nghiệp có mặt trên tàu Sunrise 689 có thể khẳng định phòng máy trưởng không hoàn toàn kín mà có cửa sổ nhìn ra mạn trái của tàu. Chính cửa sổ này là nơi anh Lương Đại Thành leo qua nhảy xuống dưới và bị thương.
Điều này phù hợp với lời khai của các thuyền viên và được thể hiện trong biên bản làm việc ngày 9-10 giữa thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng và đại diện Cảnh sát biển Vùng 4. Trong biên bản ghi rõ sau sáu ngày bị nhóm cướp khống chế trong phòng máy trưởng, các thuyền viên nhìn thấy tàu gỗ cũ có số hiệu KnF 7858 cập mạn trái, trên treo cờ Malaysia và phía lái treo cờ Việt Nam. Một tàu sắt loại chở dầu cập mạn phải và bơm dầu ở hầm số 2, số 3.
Đừng suy đoán theo hướng có tội
Lại có người nghi ngờ: Có phải bọn cướp “lạy ông tôi ở bụi này” khi dùng sơn đỏ sơn lại phao, xuồng cứu sinh, ống khói và phía trước để không ai nhận ra tàu Sunrise 689. Bởi làm như vậy càng gây tò mò, tương tự một chiếc xe chạy ngoài đường nhưng che đi biển số chỉ càng khiến thiên hạ chú ý.
Theo một thành viên trong đoàn khám nghiệm: “Nếu mọi người chỉ nhìn vào hiện tượng rồi suy đoán sẽ dễ dẫn tới suy nghĩ không chính xác. Khi tôi trực tiếp lấy lời khai của một số thuyền viên và tìm hiểu về Luật Hàng hải, tôi mới thấy có nhiều điểm tưởng vô lý nhưng lại không có gì cả”.
Đúng là với một con tàu bình thường, nếu có những dấu sơn đỏ nguệch ngoạc che đi phần chữ trên thuyền cứu sinh sẽ càng gây tò mò. Tuy nhiên, không chỉ dựa vào điều có vẻ vô lý này để kết luận việc ngụy trang là có vấn đề. Bởi theo một số thuyền viên, có thể nhóm cướp này còn có âm mưu cướp tàu. Trước đó cũng có những vụ khi cướp tàu, nhóm cướp cũng ngụy trang bằng cách sơn lại tên, vỏ tàu. Cụ thể như vụ 11 cướp biển người Indonesia cướp tàu ZAFIRAH (Malaysia) mà cơ quan chức năng Việt Nam từng điều tra, xử lý trong năm 2013.
“Việc có quá nhiều dư luận nghi ngờ sẽ khiến các thuyền viên rất khổ sở. Sau này nếu kết quả điều tra kết luận các thuyền viên là nạn nhân thì ai sẽ minh oan cho họ? Do vậy, chúng tôi mong dư luận bình tĩnh chờ kết quả điều tra của Bộ Công an” - một cán bộ điều tra nói.
. Tại sao chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại tài sản của các thuyền viên?
+ Thực tế, ngay thời điểm bàn giao tàu, danh sách thiệt hại về tài sản của các thuyền viên trên tàu Sunrise 689 đã được lập bằng tiếng Việt và có ghi chú tiếng Anh. Hiện tài liệu này vẫn có trong hồ sơ vụ việc.