Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, tại cuộc họp về phòng chống tội phạm ngày 6.10.2014 cho biết Công an TP đã xác lập án về một số băng nhóm phía bắc vào hoạt động cho vay núp bóng đòi nợ thuê, bảo kê vũ trường.
Bi kịch một vụ đánh ghen
- Cập nhật : 07/11/2014
Bà Thu khóc lóc nói rằng, ở quê bà, những người phụ nữ đi cướp chồng người khác sẽ bị người đánh ghen lột quần áo bêu khắp làng. Đánh ghen ở thành phố, bà lịch sự chỉ lột quần tình địch của con gái ở trong phòng kín để không ai nhìn thấy. Thế nên khi bị bắt, bà bị sốc không nghĩ mình đã vi phạm pháp luật…
Ngày 3/7, Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đã tạm giữ hình sự Chu Thị Thảo (SN 1979) và mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Thu (SN 1958) ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba, Phú Thọ về hành vi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.
Nạn nhân của hai mẹ con bà Thu là chị Hoàng Thị L. (SN 1985) quê Yên Bái. Bước đầu Cơ quan điều tra làm rõ, khoảng tháng 9/2013, chị L. làm phụ xây cho anh Nguyễn Minh K. (SN 1978), là chồng của Chu Thị Thảo. Hai người nảy sinh quan hệ tình cảm. Hiện anh K. ở trọ phòng số 6, còn chị L. ở phòng số 10 trong cùng một khu cho thuê trọ tại tổ dân phố số 4 Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.
Khoảng 7 giờ ngày 29/6, chị L. đi ra cổng khu trọ thì bị Chu Thị Thảo cùng mẹ tới đánh ghen, túm tóc lôi chị L. vào phòng trọ số 6. Lúc này anh K. không có trong phòng. Hai mẹ con bà Thu dùng chân, tay đánh và lột quần chị L. Thảo lấy ớt nhét vào vùng kín của chị L., dùng gạch đập. Hậu quả chị L. bị đa chấn thương phần mềm. Sau đó, hai mẹ con Thảo bỏ về quê.
Nhận đơn trình báo của người bị hại, Công an quận Nam Từ Liêm đã tổ chức xác minh, thu thập tài liệu, ra lệnh bắt khẩn cấp Chu Thị Thảo và bà Nguyễn Thị Thu để tiếp tục điều tra, xử lý theo pháp luật.
Điều tra viên Nguyễn Văn Quân, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Nam Từ Liêm tâm sự, vụ án đơn giản nhưng quá trình điều tra, hoàn cảnh phạm tội của các đối tượng khiến cán bộ điều tra vô cùng trăn trở, băn khoăn. Chỉ vì bức xúc bột phát và thiếu hiểu biết mà hai mẹ con bà Nguyễn Thị Thu trở thành những người vi phạm pháp luật khi cố gắng bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Ngoài trời thì nắng gay gắt. Vậy mà ngồi làm việc trong phòng máy lạnh, bà Nguyễn Thị Thu lại lấy hai tay bịt mũi kêu lên: "Ôi, tôi say điều hòa quá!". Người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ bảo, gia đình bà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, đủ ăn là may, nào có biết đến điều hòa là gì. Mà nắng ở thành phố sao bằng nắng trung du Phú Thọ nơi bà ở.
Có lẽ khổ quen rồi nên thi thoảng được hưởng văn minh thành thị, bà lại không chịu được. Như cái hôm bà cùng con gái đi đánh ghen, nhẽ ra đi ôtô khách cho nhanh và an toàn, nhưng mà bà sợ cái máy lạnh trên ôtô nên 3 giờ sáng, hai mẹ con chở nhau bằng xe máy từ Thanh Ba, Phú Thọ về Hà Nội. Lúc về, trời nắng quá, thương mẹ ngồi xe máy không chịu được, Thảo bắt xe khách cho mẹ. Nhà xe thấy bà có tuổi, ưu tiên cho ngồi chỗ mát. Thế mà về bà lăn ra ốm vì "tôi không say xe nhưng say cái máy lạnh thổi vào mặt".
Bà Thu bảo, Chu Thị Thảo là con gái cả. Sau Thảo có 3 em trai. Cuộc sống thuần nông khó khăn không đủ ăn nên 3 đứa con trai đều kéo nhau vào miền Nam làm ăn. Thảo lấy chồng là anh Nguyễn Minh K., người xã bên cách nhà bà khoảng hơn chục cây số. Theo bà thì tuy anh K. nhà nghèo nhưng chăm chỉ, ngoan. Thảo sinh được 2 con, cháu gái Nguyễn Thị Q. năm nay 15 tuổi, cháu trai Nguyễn Minh H. 10 tuổi. Con gái đi lấy chồng có đủ nếp đủ tẻ như vậy, người làm mẹ như bà cũng yên tâm.
Cách đây chừng 4 năm, K. cùng Thảo xuống Hà Nội mưu sinh. K. làm chủ thầu các công trình xây dựng nhỏ. Thảo đi theo vừa làm phụ hồ, vừa lo cơm nước hàng ngày cho chồng và đội thợ. Hai con ở quê cùng bà nội. Hàng tháng, hai vợ chồng về quê thăm con, đưa tiền cho bà nội nuôi các cháu. Lúc đó, trong mắt bà Thu thì K. vẫn là một người rể tốt.
Ngồi cạnh người mẹ tuy lam lũ nhưng rõ là người đàn bà lực điền khỏe mạnh, Chu Thị Thảo lại có phần yếu ớt, gầy gò. Mắt đỏ hoe, Thảo kể, cuộc sống mưu sinh của hai vợ chồng ở Hà Nội tuy vất vả nhưng dù sao còn kiếm ra đồng tiền hơn ở quê. Bốn năm chung lưng đấu cật, chia sẻ công việc cùng chồng như vậy, đùng một cái, khoảng giữa năm 2013, anh K. tự nhiên thay đổi thái độ, kiếm cớ gây chuyện với vợ. Bất cứ chuyện gì cũng thành cớ để anh chửi bới vợ. Đến tháng 8/2013, K. đuổi vợ về quê, không cho làm cùng nữa. K. cứ kiếm cớ ghen tuông vô cớ rồi... bắt chị Thảo ký vào đơn ly hôn. Nhưng anh ta không gửi đơn lên xã, sau đó tuyên bố hai vợ chồng ly thân.
Để nuôi các con, chị Thảo xin vào làm công nhân may ở một nhà máy liên doanh gần nhà mẹ đẻ. Còn K., anh ta chỉ gửi tiền về cho bà nội nuôi cháu. Thế là từ sau Tết âm lịch 2014, lương tháng chưa đầy 3 triệu nhưng chị Thảo phải đứng ra lo liệu cho các con ăn học.
Chị Thảo nghe phong thanh rằng, sau khi đuổi vợ về quê, anh K. nhận một người phụ nữ là chị Hoàng Thị L. vào làm thay công việc của chị, lo cơm nước cho K. và thợ thuyền hàng ngày. Chị L. bỏ chồng, có 2 con nhỏ nhưng hơn đứt chị Thảo ở khoản trẻ, khỏe. Bên ngoài tuy là quan hệ giữa chủ thầu với người làm thuê, nhưng những người làm cùng bảo, chị L. đã lên "level" thành bà chủ, tay hòm chìa khóa cho anh K. từ lâu. Một người ly thân vợ, một người ly hôn chồng, ở trọ cùng nhau thì chuyện tình cảm là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Ngày 22/6, nghỉ hè nên cháu Nguyễn Thị Q. và Nguyễn Văn H. xuống Hà Nội chơi với bố. Tối 28/6, chị Thảo nhận được điện thoại của con gái. Cháu Q. vừa khóc vừa nói bị bố đánh nên cháu sẽ bỏ đi tìm việc làm, không ở cùng bố nữa. Chị Thảo điện thoại cho anh K. để hỏi rõ sự việc thì bị anh K. chửi bới rằng chị dạy con hỗn láo cãi lại bố. Lời qua tiếng lại, chị Thảo ấm ức vì từ trước đến nay, anh K. vốn là người thương con, chưa đánh con bao giờ. Vậy mà hôm nay anh K. lại tát con. Lo lắng đứa con gái đang tuổi mới lớn nghĩ dại sẽ bỏ đi, chị Thảo nói chuyện với mẹ đẻ sớm hôm sau xuống Hà Nội đón con về.
Cho rằng chị L. là nguyên nhân phá nát hạnh phúc gia đình của con gái, bà Thu nghĩ cách phải xử lý, dằn mặt "tình địch" giúp con. Bà lấy 4 quả ớt giã dập, cho vào lọ nhựa đổ nước vào ngâm làm "vũ khí" cho vụ đánh ghen. Bà bảo cái Thảo gầy yếu, trong khi "con kia" to khỏe nên nếu đánh nhau tay đôi, con gái bà sẽ thua. Vì vậy bà phải đi giúp sức cho con gái.
Hỏi bà Thu rằng, bà học ở đâu cách đánh ghen quái đản như vậy? Người đàn bà trình bày rất thật thà rằng, ở quê bà, người ta vẫn đánh ghen kiểu đó. Những người phụ nữ đi cướp chồng người khác sẽ bị lột truồng, gọt đầu bôi vôi dẫn đi bêu khắp làng. Nếu ở quê là bà sẽ làm đúng như vậy. Nhưng mà đánh ghen ở thành phố nên bà cũng phải “lịch sự” hơn. Vì thế, khi đến khu trọ của chị L., gặp chị này đi ra cổng, bà lôi vào phòng, đóng cửa lại rồi mới tụt quần chứ không nỡ để chị ta phải xấu hổ với mọi người. Về hành vi nhét ớt vào vùng kín, theo bà Thu thì "tôi thấy ở thành phố hay dùng axít tạt vào mặt, nhưng như thế là vi phạm pháp luật nên tôi không dám làm. Tôi chỉ dùng ớt thì vô hại vì chỉ bị rát thôi chứ không gây thương tích".
Nghĩ đơn giản như vậy nên khi bị Cơ quan Công an bắt giữ, cả bà và con gái đều bị sốc. Ban đầu, bà Thu khăng khăng cho rằng người đáng bị xử lý phải là chị Hoàng Thị L., vì chị ta có lỗi đã phá hạnh phúc gia đình của con, của cháu bà. Còn bà và con gái là "người bị hại" nên có quyền được đánh ghen(?).
Bà Thu đưa tay lên quệt nước mắt liên tục. Bà bảo rằng khi vào đến Cơ quan Công an rồi, được điều tra viên phân tích, bà đã hiểu ra hành vi vi phạm pháp luật của hai mẹ con. "Tôi nghĩ làm thế cũng chỉ vì con, vì cháu thôi. Tôi chỉ muốn dằn mặt cô L. để cô ta tránh xa thằng K. ra, cho cháu tôi có bố có mẹ. Tôi không muốn cháu tôi phải sống trong cảnh gia đình tan nát. Chứ tôi nào nghĩ được làm như vậy là vi phạm pháp luật. Nếu biết trước sẽ bị pháp luật xử lý thế này thì tôi đã chẳng dám…" - người đàn bà ôm mặt khóc nức nở.
Thấy mẹ khóc, mắt Thảo cũng ầng ậc nước. Chị bảo dẫu anh K. ly thân chị để sống với người phụ nữ khác, nhưng trong lòng chị vẫn mong muốn anh nghĩ lại, quay về để cùng nuôi dạy các con nên người. Điều chị lo nhất là các con đang tuổi mới lớn, chỉ vì chuyện bố mẹ mâu thuẫn mà chúng bị ảnh hưởng, chểnh mảng học hành rồi chơi bời, hư hỏng thì ân hận cả đời. Thế nên chị vẫn sẵn lòng tha thứ cho chồng, để các con được sống trong mái ấm có đủ bố mẹ. Ở quê, chuyện vợ chồng ly hôn vẫn còn nặng nề lắm chứ không thoáng như ở thành phố. "Bà nội đã già, bố cháu còn phải công việc. Em mong cơ quan pháp luật xem xét, khoan hồng để có cơ hội được chăm sóc các con" - chị Thảo tỏ rõ sự ân hận.
Một điều tra viên nói rằng, người đáng trách nhất trong vụ việc này là anh Nguyễn Minh K. Hôm Cơ quan Công an bắt giữ hai mẹ con bà Thu, anh K. cũng được mời đến làm việc. Anh ta nhìn vợ và mẹ vợ với thái độ dửng dưng, lạnh lùng như những người không quen. Đến bữa, người mua cơm về cho hai mẹ con bà Thu ăn không phải là anh K. mà lại là điều tra viên. Anh ta ngồi trước màn hình, chăm chú xem ti vi rồi đề nghị Cơ quan Công an cho về sớm để còn kịp xem World Cup. Thái độ của anh K. khiến nhiều người bất bình.
Xử lý vụ đánh ghen tiếp theo thế nào cho hợp tình, hợp lý sẽ là sự cân nhắc của các cơ quan pháp luật. Song với người đàn ông như anh K., liệu có thể thanh thản khi chính anh là nguyên nhân khiến hai người phụ nữ bên tình - bên hiếu vướng vào pháp luật? Và chị Hoàng Thị L., mặc dù là người bị hại của vụ đánh ghen, nhưng là người có lỗi trong mối quan hệ không chính thức với anh K., cũng sẽ bị dư luận lên án.
(Theo Hương Vũ // CAND)