Ngày 8/7, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đã khởi tố bị can, tạm giam đối với Trần Thu Hiền (35 tuổi) ở tổ 14 phường Trường Thi, Nam Định về tội "Cướp tài sản" và "Bắt giữ người trái pháp luật".
Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa: Chỉ còn lại nước mắt…
- Cập nhật : 07/11/2014
Một bản án tử hình cho Nghĩa, đó là một sự trả giá xứng đáng. Nhưng nỗi đau thì vẫn còn mãi với gia đình Linh. Đó mới thực sự là hậu quả khốc liệt của tội ác…
Tôi, với tư cách là một nhà báo, đã từng gặp Nguyễn Đức Nghĩa nhiều lần: từ lúc anh ta bị bắt giam tại Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội, cho đến những ngày chờ xét xử tại Trại tạm giam Hà Nội, đến phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Nghĩa, đối diện tôi, trong tất cả những lần ấy, đều ở khoảng cách rất gần, có những cuộc trò chuyện khá thoải mái, có những cuộc trò chuyện đong đầy nước mắt của Nghĩa mà tôi tin, đó là những giọt nước mắt sám hối, dù đã quá muộn mằn.
Nhưng lần nào cũng vậy, cảm giác lạnh người vẫn xộc đến trong tôi. Nhất là khi tôi nhìn vào đôi bàn tay Nghĩa. Đôi bàn tay trắng trẻo lắm, thư sinh lắm, mà sao có thể ra tay giết người một cách tàn độc đến vậy. Nhìn đôi bàn tay ấy, tôi luôn bị ám ảnh bởi gương mặt trong sáng của Linh trong di ảnh và gương mặt đau đớn của cha Linh.
Cô gái vô tội ấy đã chết một cách oan uổng dưới đôi bàn tay nhìn trắng trẻo thư sinh kia. Cha Linh cứ sau mỗi phiên tòa xét xử kẻ giết con mình lại hốc hác hơn, đau đớn hơn.
Và, một bản án tử hình cho Nghĩa, đó là một sự trả giá xứng đáng. Nhưng nỗi đau thì vẫn còn mãi với gia đình Linh. Đó mới thực sự là hậu quả khốc liệt của tội ác…
1. Tròn 4 tuần kể từ khi vụ án giết người man rợ tại chung cư G4 Nam Trung Yên xảy ra, sáng ngày 16/6/2010, tại Trại tạm giam Công an TP Hà Nội, Nghĩa ngồi đối diện tôi. Những ký ức về tuổi thơ, về tình yêu, về gia đình, về tội ác và cuộc sống trong suốt 4 tuần vừa qua ở đằng sau song sắt nhà tù đã được Nguyễn Đức Nghĩa kể lại trong một câu chuyện bị đứt quãng nhiều lần bởi những giọt nước mắt. Khác với vẻ lạnh lùng, bình thản trong suốt quá trình điều tra, bấy giờ khi các công việc điều tra đã sắp kết thúc, cũng là khi lần đầu tiên nước mắt rơi trên khuôn mặt kẻ giết người.
Nghĩa cúi đầu như cố thu mình lại trước ống kính máy ảnh.
- Em vẫn nhận được quà thăm nuôi của gia đình đều chứ? - Tôi hỏi.
- Tuần nào cũng có quà chị ạ, đầy đủ mọi thứ vật dụng thiết yếu.
Giọng Nghĩa bắt đầu nghẹn lại. Mười ngón tay đặt trên bàn cứ thế đan ghì vào nhau. Nghĩa bặm môi lại, im lặng một hồi, cố kìm nén để khỏi bật ra tiếng khóc.
- Bố mẹ em thật khổ, chắt chiu từng đồng bạc nuôi em khôn lớn, ăn học đàng hoàng. Thế mà, em chưa trả nghĩa được gì thì bây giờ ông bà lại phải lặn lội từ Hải Phòng lên gửi quà cáp, thăm nuôi em. Chắc mẹ em khóc nhiều lắm đấy…
Cả ngày ngồi bó gối trong buồng giam, ký ức tuổi thơ cứ thế hiện về, như một cuốn phim quay chậm mà tất cả mọi khuôn hình đều làm em đau đớn. Nhớ từ khi còn học cấp 1, mẹ ngày ngày dắt đi học, sợ em cận thị nặng, qua đường nhỡ va quệt vào người đi xe máy. Em phải đeo kính từ năm lớp 1. Số kính cứ tăng vùn vụt. Bây giờ đã phải đeo kính tới 9,5 điốp.
Hồi học cấp 3, ra mãi trường Ngô Quyền học, cách nhà cả chục cây số. Chiều chiều tan học cứ thấy em về muộn là bố em lo. Em nhớ nhất là dáng bố ngồi chờ em ngoài cửa và hình ảnh mẹ tất bật vào bếp chuẩn bị cơm mỗi chiều thứ Bảy khi đón em từ Hà Nội trở về. Bây giờ mọi thứ đã vĩnh viễn là quá khứ không bao giờ trở lại được nữa. Em không bao giờ còn cơ hội được trở về với cha mẹ, với ngôi nhà nhỏ ở Hải Phòng nữa rồi.
Nghĩa khóc, hai bàn tay bấu chặt lấy mặt bàn, mặc cho nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Em biết, dù em có chết hàng trăm, hàng nghìn lần cũng không thể nào bù đắp được những tội ác quá ghê sợ mà em đã gây ra với gia đình Linh, với gia đình em và những người có liên quan khác. Tội ác của em gây ra là quá lớn, không một ai kể cả bản thân em, em cũng không thể tha thứ được cho mình. Ngay từ cái khoảnh khắc cầm dao đâm Linh là em biết, em đã tự tước đi cuộc sống của mình rồi…
Trong khoảng thời gian từ khi gây án đến khi bị bắt, em có về nhà hai lần. Thấy em có vẻ buồn bã, bồn chồn, mẹ em hỏi có gì bất an không nhưng em không dám thú nhận. Em cũng đi lễ nhà thờ hai lần: một lần ở Tòa chánh trên đường Hoàng Văn Thụ cách nhà em khoảng gần chục cây số và một lần ở Nhà thờ Nam Hà ngay gần nhà, nhưng em cũng không dám xưng tội trước Chúa. Em cũng nghĩ đến chuyện ra đầu thú hoặc tự vẫn bằng thuốc ngủ cho nhẹ nhàng và được toàn thây khi về với cát bụi. Nhưng rồi, em đã không làm được gì cả. Đó là những tháng ngày khủng khiếp nhất đối với em. Em hầu như không ăn, không ngủ được. Lúc nào cũng có cảm giác đang có một tảng đá rất nặng đè lên ngực em, ép tim em đến ngạt thở.
Từ khi bị bắt, em mơ thấy Linh hai lần. Một lần khi em ở nhà tạm giữ. Em thấy cô ấy hiện về, mặc váy trắng toát, đến bên em, gần lắm nhưng không hiểu sao gương mặt lại rất mờ. Lần thứ hai là khi em đã bị đưa vào giam trong Hỏa Lò. Lần này, cô ấy cũng mặc bộ váy trắng toát. Cô ấy cứ đứng nhìn em nhưng không nói gì cả. Em cũng nhìn cô ấy, thấy rõ mồn một. Chả hiểu có linh ứng gì không mà hai ngày sau giấc mơ này em nhận được thông báo của Cơ quan điều tra rằng, đã tìm được phần còn lại của thi thể cô ấy rồi.
2. Tại phiên tòa sơ thẩm, khi được nói lời sau cùng, Nghĩa cũng thú nhận rằng: "Với những tội ác khủng khiếp mà tôi đã gây ra thì dù có chịu mức án nào đi chăng nữa vẫn là quá nhẹ.
Thậm chí án tử hình hàng trăm hàng nghìn lần cũng chỉ giúp cho thân nhân của Linh vơi bớt phần nào sự căm phẫn với kẻ tội phạm như tôi và thêm phần nào đó có thể giảm được sự bức xúc của dư luận chứ cũng không thể nào bù đắp được cái tội lỗi mà tôi gây ra".
Mong ước cuối cùng của Nghĩa trước khi nhận bản án là: "Thời gian trôi đi, khi mà giây phút đền tội của tôi đã qua có một ai đó dự phiên tòa ngày hôm nay, có thể biết được phiên tòa này qua truyền hình xin nghĩ về tôi như nghĩ về một con người bình thường đã gục ngã, đã phạm phải sai lầm không thể tha thứ được, đã phải trả giá đắt cho tội ác mà mình gây ra chứ không phải nghĩ về tôi như một tên giết người máu lạnh".
Nhưng sau phiên tòa sơ thẩm ít ngày thì Nghĩa lại làm đơn kháng cáo. Báo chí viết rằng, Nghĩa kháng cáo là vì cha. Rằng, cha Nghĩa đã khóc và trong cuộc gặp mặt Nghĩa tại trại giam sau phiên sơ thẩm, cha Nghĩa cứ dặn đi dặn lại Nghĩa rằng, con phải kháng cáo. Rằng, Nghĩa phải có niềm tin vào sự sống, chết thì không có cơ hội để chuộc tội nên hãy cố gắng hy vọng vào những điều tốt đẹp.
3. Phiên tòa phúc thẩm lần đầu bị hoãn bởi sự vắng mặt của LS Ngô Ngọc Thủy, người bào chữa cho Nguyễn Đức Nghĩa. Một tháng sau, phiên phúc thẩm được mở lại. Cha Nghĩa lúc này đã mất trong một tai nạn giao thông. Nghĩa ở tòa, khóc nức nở, cứ đứng yên trước vành móng ngựa, mặc cho nước mắt chảy tràn qua kẽ tay.
Ông Ba, cha đẻ của nạn nhân Nguyễn Phương Linh, kể từ sau cái chết đớn đau của đứa con gái mà ông vô cùng yêu quý luôn luôn sống trong một tâm trạng buồn bã. Sau mỗi lần gặp ông, ở mỗi sự kiện pháp lý của vụ án, lại thấy ông già hơn, gương mặt khắc khổ hơn, trầm uất hơn. Từ một người cha hạnh phúc với đứa con gái xinh đẹp, giỏi giang, bây giờ ông là một người cha đau khổ khi đứa con, một phần máu mủ của mình đã bị giết hại một cách dã man.
Trong phiên tòa phúc thẩm, ông ngồi ở hàng ghế trên. Sau lưng ông là bà mẹ đau khổ của Nguyễn Đức Nghĩa. Tôi thấy lưng ông còng hơn. Gương mặt ông khắc khổ hơn so với phiên tòa trước. Khi vị chủ toạ phiên tòa theo luật định buộc phải công bố những lời khai nhận một cách chi tiết hành vi tội ác của Nguyễn Đức Nghĩa đối với con gái ông, tôi để ý thấy không lấy khăn lau nước mắt. Con gái ông đã bị sát hại dã man, bị tước đi sinh mạng một cách vô cớ bởi bàn tay tội ác của kẻ đứng trước vành móng ngựa kia. Ông đã bị mất con. Không còn nỗi đau nào hơn thế.
Nhưng tất cả những người tham dự phiên tòa, cả sơ thẩm và phúc thẩm, đều được chứng kiến thái độ bình tĩnh của ông trước bị cáo. Ông tịnh không một lời rủa sả, miệt thị kẻ đã gây ra nỗi đau đớn tột cùng cho ông và gia đình, dù ông hoàn toàn có quyền căm phẫn. Ông là một người nhân hậu nhưng dù vậy thì cũng không thể đáp ứng được lời khẩn cầu của mẹ bị cáo rằng, ông Ba ơi xin ông hãy cho con tôi được sống. Ông nói rằng, hãy để cho pháp luật làm đúng chức trách của mình. Mọi tội ác đều phải bị trả giá xứng đáng. Và, đó là điều tuyệt đối đúng.
Diễn tiến của vụ án Nguyễn Đức Nghĩa
- Sáng 17/5/2010, trên tầng thượng của chung cư G4 (phố Trung Yên 1, Hà Nội) thi thể cô gái không mảnh vải che thân đang trong giai đoạn phân hủy đã được phát hiện.
- Đêm 18/5, Nguyễn Đức Nghĩa bị Công an Hà Nội bắt giữ tại gia đình một người họ hàng ở Thái Nguyên.
- Ngày 7/6, tìm thấy phần thi thể bị vứt xuống sông Cấm của nạn nhân.
- Ngày 14/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình, đồng thời bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân Nguyễn Phương Linh 113 triệu đồng. Hoàng Thị Yến bị tuyên phạt 15 tháng tù treo vì tội "Không tố giác tội phạm".
- Ngày 27/7, Nguyễn Đức Nghĩa gửi đơn kháng cáo lên VKSND tối cao trong đó nhấn mạnh bị cáo không phạm tội giết người với tình tiết man rợ như phán quyết của tòa.
- Ngày 13/10, TAND tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Đức Nghĩa. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm đã bị hoãn bởi sự vắng mặt của LS Ngô Ngọc Thủy, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Lý do mà LS Thủy đưa ra trong lá đơn xin hoãn phiên tòa gửi tới Hội đồng xét xử phúc thẩm là do ông phải tham dự một hội thảo quốc tế từ ngày 12 đến ngày 25/10.
- Ngày 11/11, phiên tòa phúc thẩm được mở lại tuyên y án tử hình đối với Nguyễn Đức Nghĩa.
- Ngày 15/11, Nguyễn Đức Nghĩa làm đơn xin ân xá, nhờ cán bộ Trại tạm giam Công an TP Hà Nội gửi lên Chủ tịch nước.
- Tháng 1/2012, Chủ tịch Nước đã bác đơn xin ân giảm án tử hình của Nguyễn Đức Nghĩa.
* Ảnh: Hoàng Long - Trang Dũng
(Theo // CAND)