Kiệm lời, khẳng định bản thân qua hiệu quả công việc dường như là đặc tính của những người làm công tác khoa học. Những cán bộ công an làm công tác giám định ADN tại Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự (C54) Bộ Công an cũng thế. Góp phần quan trọng giải mã những vụ án phức tạp nhưng còn ít người biết và hiểu thực sự công việc của họ.
Gây trọng án từ những chuyện cỏn con
- Cập nhật : 07/11/2014
Ngày 6/8/2014, lại một vụ giết người nữa xuất phát từ mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống thường nhật, xảy ra trên địa bàn quận 1, TP HCM. Hung thủ Nguyễn Hồng Vinh, tài xế taxi điều khiển xe BKS 56M-1469 đỗ trước cổng Thảo Cầm Viên để đón khách. Cùng lúc, ông Trần Ngọc Lợi (SN 1954; ngụ quận 4), hành nghề chạy xe ôm cũng đang đợi khách ở đây nên yêu cầu Vinh chạy xe đi chỗ khác. Vinh không đồng ý nên cãi nhau với ông Lợi. Trong lúc nóng giận Vinh đã dùng vật nhọn tước đoạt mạng sống của nạn nhân.
Sau khi bị bắt, Vinh tỏ ra ăn năn, hối hận vì hành động bộc phát nhất thời của mình không chỉ hại người, hại mình mà còn gây biết bao đau khổ, hệ lụy cho cả hai gia đình. Thế nhưng một thực tế đáng buồn là hiện nay những kẻ hành xử như Vinh có rất nhiều trong xã hội, nhất là ở TP HCM mặc dù đã có biết bao bài học đau lòng…
Những cái chết… oan uổng!
Võ Hùng Hậu (SN 1986, ngụ phường 4, quận 3, TP HCM) cùng gia đình bán hàng ở vỉa hè trước nhà. Như mọi khi, một buổi sáng Hậu căng bạt trước hiên nhà để chuẩn bị đem hàng ra bán. Trong lúc làm việc Hậu có mở điện thoại di động mở loa lớn để nghe nhạc. Lúc sau, ông Nguyễn Đông Phương (SN 1957, tạm trú cùng phường) đi ngang qua nói đùa với Hậu: “Nhạc đã dở mà còn mở to”.
Mới sáng sớm chưa bán được gì mà đã có người chọc ghẹo, Hậu bực tức hất hàm hỏi ông Phương: “Mày muốn gì?”. Thấy Hậu đáng tuổi con mình lại nói chuyện mày tao, ông Phương nhắc nhở thì bị Hậu đánh vào mặt rồi bỏ chạy vào nhà. Ông Phương đuổi theo Hậu đến phòng khách thì hai bên xảy ra xô xát.
Sẵn có cây kéo cầm trên tay, Hậu đâm nhiều nhát vào người ông Phương đến khi gục xuống nền gạch. Ông Phương được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Cũng là một câu nói nhưng không phải nói đùa mà lỡ lời cũng dẫn đến hậu quả đau lòng là vụ việc xảy ra tại huyện Củ Chi, TP HCM. Đó là vào tối ngày 21/7, Nguyễn Mạnh Cường (SN 1982; ngụ xã Trung An, huyện Củ Chi) cùng một số người bạn đến nhà của Huỳnh Văn Không (SN 1990) ở xã Trung An để nhậu. Tại đây, Cường gặp và nhậu chung với Lâm Văn Minh (SN 1984) là bạn của Không. Trong lúc ngà ngà say, Cường hỏi Minh nhà ở đâu thì Minh nói nhà ở xã Phú Hòa Đông (Củ Chi), nằm sát với quán nhậu “Thanh Bình”.
Nghe vậy Cường nói vợ của mình tên là Ngọc Hạnh nhà cũng ở xã Phú Hòa Đông. Do từng biết Hạnh nên Minh tặc lưỡi: “Hạnh em ruột của Hằng chứ gì? Lúc trước hai chị em này hay đi chơi và bồ bịch nhiều lắm nghen!”. Nói xong, biết mình lỡ lời nên Minh xin lỗi nhưng Cường không nói gì mà bỏ nhậu đi về nhà.
Buổi chiều cùng ngày, do còn ấm ức chuyện Minh nói xấu vợ mình, Cường vào nhà bếp lấy con dao cán gỗ giấu trong người rồi lấy xe gắn máy chạy lên Phú Hòa Đông để tìm Minh nhằm “dạy cho một bài học”. Tuy nhiên, do không biết đường nên Cường đến nhà vợ và rủ anh vợ là Nguyễn Văn Đông đến quán “Thanh Bình” để lai rai, chứ không nói để tìm Minh. Khi đến quán, Cường bảo anh Đông đứng chờ trước cửa để y sang nhà bên cạnh tìm Minh. Thấy Minh đang ngồi ăn cơm (cùng với cha là ông Lâm Văn Hiếu và anh ruột Lâm Văn Nghĩa), Cường gọi Minh ra nói chuyện. Minh vừa bước ra thì Cường hỏi: “Hồi trưa mày nói xấu gì vợ tao?”. Minh chưa kịp trả lời thì Cường vung tay đánh nhưng Minh né được.
Thấy vậy, anh Lâm Văn Nghĩa chạy ra, bênh vực em trai và tát vào mặt Cường. Liền sau đó, Cường rút con dao đâm 2 nhát trúng vào bụng và ngực của anh Nghĩa rồi bỏ chạy. Anh Nghĩa được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đã chết tại bệnh viện. Khi hay tin anh Nghĩa chết, Cường đến công an xã Phú Hòa Đông đầu thú, khai nhận tội lỗi và tỏ ra ăn năn hối hận nhưng đã quá muộn màng...
Không chỉ có nói đùa mà một cái liếc mắt cũng gây nên án mạng. Vụ án khá đơn giản thế này: Trong lúc làm việc tại Công ty giày da An Thịnh (ấp Xuân Thới Đồng, xã Xuân Thới Đông, Hóc Môn), anh Nguyễn Bảo Sung (SN 1992; quê quán Châu Thành, Tây Ninh) vô tình liếc nhìn Nguyễn Ngọc Hùng (SN 1991; Vạn Ninh, Khánh Hoà).
Chỉ có vậy thôi nhưng Hùng khó chịu hỏi: “Làm gì mày liếc tao?”. Sung bực bội: “Mày không liếc tao sao biết tao liếc mày?”. Cho rằng Sung láo xược, Hùng lao vào đánh Sung nhưng được mọi người can ngăn. Hùng ấm ức dọa sẽ lấy mạng Sung. Hai ngày sau, Hùng rủ 5 “chiến hữu” ghé phòng trọ của mình để nhậu, luôn thể nhờ đám bạn này dạy cho Sung bài học.
Khi cả nhóm đã ngà ngà say, Phạm Mai Hoàn Hiếu (SN 1991; ngụ Khu phố 6, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) “nhận trách nhiệm” cùng Đinh Trọng Trung (SN 1993; quê quán Vạn Ninh, Khánh Hòa), mỗi đứa lận theo một con dao đi tìm Sung để trả thù cho bạn. Khi phát hiện Sung đang có mặt trong phòng trọ của bạn gái ở số 20/6P, ấp Mỹ Huề, xã Trung Tránh (Hóc Môn), Hiếu xông thẳng vào phòng trọ kẹp cổ Sung lôi ra ngoài rồi cùng Trung đâm nhiều nhát vào người Sung cho đến khi gục ngã…
Hết nói đùa, liếc mắt thì sự ngộ nhận, sự ganh tị nhỏ nhoi hay những vụ việc mâu thuẫn cỏn con mà gặp phải những cái đầu nóng, những kẻ có máu côn đồ… thì đềutrở thành đại họa. Theo hồ sơ vụ án thì Hoàng Tiến Dũng (SN 1986) cùng 3 người bạn đến quán 69, đường số 20, phường Linh Đông (Thủ Đức) để nhậu.
Trong lúc đi vào nhà vệ sinh Dũng thấy Bùi Quang Hiệp (SN 1983; ngụ phường Linh Đông, Thủ Đức) ngồi nhậu bàn bên cạnh (cùng với Phan Minh Lý (SN 1982), Hà Quốc Trung (SN 1989) và Phùng Văn Hồng 1986; cùng ngụ phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM) có gương mặt khá giống với người bạn của mình. Vì vậy mà khi trở lại bàn nhậu Dũng cầm ly bia bên tay trái và đôi đũa bên tay phải sang bàn của Hiệp để hỏi chuyện làm quen. Trong lúc đi Dũng đánh rơi 1 chiếc đũa. Vì vậy mà khi ngồi vào bàn của Hiệp, thấy chỉ còn 1 chiếc đũa nên Dũng sẵn tay bẻ gãy luôn.
Tưởng Dũng dùng đũa đâm mình, Hiệp chụp chai bia đánh vào mặt Dũng. Cùng lúc đó, Lý, Trung và Hồng cũng cầm chai bia tấn công Dũng tới tấp. Dũng bỏ chạy vào nhà bếp của quán chụp lấy con dao Thái Lan rồi quay ra đâm Hiệp ba nhát khiến nạn nhân nằm bất động xuống nền gạch. Dũng định vứt dao bỏ chạy thì lực lượng công an có mặt, khống chế bắt giữ.
Phạm Thanh Sơn và Nguyễn Văn Quýt thuê phòng trọ ở cạnh nhau tại nhà số 54/6A, ấp Tiền Lân, Bà Điểm, Hóc Môn. Quýt có bạn gái là chị Nguyễn Thị Phượng Hằng hay đến phòng trọ chơi nên cũng quen biết với Sơn. Khoảng tháng 3/2013, chị Hằng đến phòng trọ của Quýt chơi nhưng không có Quýt ở phòng. Vì vậy chị Hằng ghé sang phòng của Sơn để chờ Quýt và để cái túi xách tay bên cạnh.
Lợi dụng sơ hở của chị Hằng, Sơn mở bóp lấy trộm 100.000 đồng và giấy đăng ký xe gắn máy biển số 62L1-11519 của chị Hằng rồi cất giấu. Ngày 13/4/2013, do hết tiền tiêu xài nên Sơn bàn với bạn là Trần Thanh Liêm (SN 1992; ngụ tại Bạc Liêu) gọi điện thoại cho chị Hằng để đòi tiền chuộc giấy đăng ký xe nói trên. Liêm liền gọi cho chị Hằng và ra giá chuộc lại giấy đăng ký xe 1 triệu đồng. Chị Hằng thương lượng giảm xuống còn 200.000 đồng thì Liêm đồng ý và hẹn gặp nhau tại ngã tư Gò Mây (Q.Bình Tân) để trao đổi.
Hằng đem chuyện này để nói với Quýt và được Quýt hứa sẽ giúp Hằng lấy lại giấy tờ xe. Sau đó Quýt nhờ một người bạn tên Vũ kiếm người đi giải quyết vụ này, xong xuôi sẽ bao một chầu nhậu. Vũ rủ 3 người bạn, trong đó có Vương Hùng (SN 1996, Cần Thơ) cùng đi. Tuy chuyện chẳng có gì ghê gớm nhưng Vương Hùng lận theo con dao xếp trong người với ý định khi ẩu đả sẽ sử dụng. Đâu đó xong xuôi, Hằng đi xe gắn máy đến ngã tư Gò Mây để chờ Liêm; còn Quýt, Vũ, Hùng… bám theo sau.
Đến nơi, khi Liêm xuất hiện và đưa ra giấy đăng ký xe để lấy tiền Hằng thì bị nhóm của Quýt ập tới. Trong lúc giằng co, xô xát, Vương Hùng rút dao đâm vào người Liêm rồi cùng đồng bọn tẩu thoát. Liêm được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi do mất quá nhiều máu….
Cần phát huy vai trò của Tổ dân phố
Vì sao những kẻ gây án lại dễ dàng tước đoạt mạng sống của người khác đến như vậy và làm thế nào để ngăn ngừa thực trạng này?. Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, một điều tra viên của Đội trọng án, PC45, Công an TP HCM cho rằng, đối với loại án giết người mà nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn nhất thời như thế thì Cơ quan Công an chẳng thể đề ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả được.
Họa chăng các ban ngành đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đến từng hộ gia đình thì may ra đạt được hiệu quả nhất định. Bởi lẽ, cũng theo điều tra viên này, những kẻ gây án loại này có hơn phân nửa là con cái của những bậc cha mẹ thuộc thành phần bất hảo.
Dạng thứ hai là cha mẹ tất bật lo mưu sinh không có thời gian để quan tâm, dạy dỗ con cái. Phần còn lại là các đối tượng nghiện ngập, không có việc làm, gia đình không yên ấm hoặc vất vả trong quá trình mưu sinh nên dễ cáu gắt, bực tức dẫn đến không làm chủ được bản thân. Để rồi khi tinh thần ổn định, họ đều tỏ ra ăn năn, hối hận vì phút giây nóng giận của mình. Các bậc làm cha làm mẹ thì khóc ròng nhận trách nhiệm đã không quan tâm, dạy dỗ con cái nhưng tất cả đều đã muộn…
Từ các địa bàn được UBND và Công an TP HCM công nhận là điểm sáng về an ninh trật tự trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho thấy: Để nâng cao ý thức trách nhiệm của các bậc cha mẹ nhằm tạo được nền tảng giáo dục của hộ gia đình được tốt hơn thì vai trò của tổ dân phố là hết sức quan trọng. Vì tổ trưởng tổ dân phố là những người hiểu rõ hơn ai hết trong địa bàn của mình hộ dân nào, sống ra sao, con cái có ngoan hiền hay nhậu nhẹt bê tha, hút chích, đua xe, côn đồ?
Từ đó họ trực tiếp cùng với Cảnh sát khu vực đề xuất cấp trên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân phát huy tinh thần đoàn kết để cùng nhau xây dựng khu phố lành mạnh, an toàn. Có ý thức giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm lo cho con cái, dạy chúng biết yêu thương nhường nhịn lẫn nhau và kịp thời uốn nắn khi chúng có biểu hiện chơi bời lêu lổng… Chắc chắn khi sống trong một môi trường như vậy, chuyện một cái nhìn “đểu”, một mâu thuẫn nhỏ… họ sẽ biết kiềm chế để không xảy ra những thảm cảnh đau lòng.
(Theo Mã Hải // CAND)