Trước những biến cố có thể xảy ra trong cuộc sống, thì sự rộng lòng tha thứ luôn để lại những thanh âm trong vắt và thật nhiều lắng đọng. Sự tha thứ không chỉ có ý nghĩa đối với người nhận mà còn khiến người cho đi được nhẹ lòng, thanh thản. Chẳng những thế, nó còn có giá trị trong việc làm hồi sinh những tâm hồn, những trái tim bị tổn thương và đặc biệt là đối với người từng lầm lỗi.
Dải duy băng buộc trên cây sồi già
Mở đầu bài viết, tôi muốn kể một câu chuyện cảm động có thật của một nam phạm nhân ở một đất nước xa xôi. Câu chuyện về nỗi trăn trở, hồi hộp, về tình yêu và sự tha thứ này là một món quà nhẹ nhàng, vô giá cho tất cả mọi người. Chuyện được ghi lại vào năm 1971, tại một tỉnh vùng núi, trong một thị trấn nhỏ bé, xinh đẹp nọ có một chàng trai bị kết án tù. Cảnh sát đã chứng minh được rằng anh ta phạm tội và 3 năm là khoảng thời gian vừa đủ để anh sửa chữa lại lỗi lầm. Nhưng người vợ chưa cưới của chàng trai lại không tin điều đó. Ngày mở phiên toà, mặc cho chàng trai không ngừng quay lại phía sau tìm kiếm, cô đã không xuất hiện trước mặt chàng trai. Trước khi lên chiếc xe dành cho tù nhân, chàng trai có nhờ chuyển cho cô người yêu của mình một lá thư rồi rảo bước đi nhanh. Anh không kịp nhìn thấy cô đang đứng khuất sau, vừa khóc vừa cầm chặt tờ giấy của người mình yêu thương với những dòng ngắn ngủi: “Anh biết anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh cũng không dám hi vọng em còn yêu anh sau những chuyện này. Nhưng nếu em tha thứ cho anh, hãy buộc một dải ruy băng màu vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường thị trấn vào ngày anh trở về. Nếu không nhìn thấy dải ruy băng, anh sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quấy rầy em nữa".
Trong suốt 3 năm ngồi tù, chàng trai không ngừng mong mỏi người yêu đến thăm mình, dù chỉ một lần duy nhất nhưng cô vẫn bặt tin. Đến những ngày tháng cuối cùng trong tù, anh đã không còn nghĩ đến dải ruy băng màu vàng và cũng không muốn nhớ về người con gái anh yêu. Đến ngày ra tù, anh quyết định sẽ lên xe buýt đi thẳng ra thành phố chứ không qua quảng trường thị trấn như đã hẹn.
Nhưng rồi, một chuyến... hai chuyến xe đã dừng lại rồi chạy tiếp mà chàng trai vẫn ngồi lặng yên. Mãi tới khi chuyến cuối cùng chạy qua, anh mới lầm lũi bước lên xe. Chiếc xe từ từ tiến qua khu quảng trường của thị trấn. Trống ngực anh đập thình thịch. Anh nhắm mắt thật chặt và nhưng vì quá hồi hộp và lo lắng, anh còn đưa tay lên ôm trọn khuôn mặt. Anh không muốn, đúng hơn là không dám nhìn vào gốc cây sồi già kia. Nếu không có dải duy băng nào, tức là cô ấy đã quên anh và không tha thứ cho lỗi lầm của anh trong quá khứ… Chỉ còn tích tắc nữa thôi, chiếc xe buýt sẽ đi qua khu vực gốc sồi già…. Anh lấy hết bình tĩnh để hé mắt nhìn và rồi nụ cười rạng rỡ đã nở trên môi anh khi không phải là một dải duy băng mà có hàng trăm dải duy băng quấn quanh gốc cây. Đứng cạnh đó là cô gái mà anh yêu. Cô đã tha thứ và chờ đợi anh suốt 3 năm trời...
Phạm nhân Nguyễn Văn Dình viết thư gửi gia đình bị hại để nói lời xin lỗi. Ảnh: Linh Anh
Phía sau những bức thư là rất nhiều sự tha thứ
Dẫn câu chuyện cảm động trên, chúng tôi muốn nói đến ý nghĩa nhân văn sâu sắc sau cuộc phát động viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” do Tổng Cục thi hành án và Hỗ trợ tư pháp, Bộ CA phát động cho phạm nhân tại các trại giam, trại tạm giam, trại viên ở cơ sở giáo dục, học sinh ở trường giáo dưỡng trên toàn quốc. Hàng trăm nghìn bức thư do phạm nhân gửi đến người bị hại, thân nhân bị hại và người thân của họ để giãi bày cảm xúc và hơn cả là gửi lời xin lỗi, mong nhận được sự tha thứ đã để lại những câu chuyện xúc động về sự vị tha của lòng người.
Câu chuyện một về một ông chồng phạm tội giết đứa con trai, gây thương tích cho vợ là một trong hàng trăm nỗi trăn trở như thế. Vốn là người nông dân chăm chỉ làm ăn nhưng lại ham cờ bạc. Một lần hết tiền chơi bạc, người chồng này về bảo vợ đưa tiền cho mình nhưng chị vợ không đưa. Trong lúc hai vợ chồng lời qua tiếng lại, người chồng nổi đóa xông đến đánh vợ nhưng vợ tránh được và anh ta đã đánh trúng đứa con nhỏ mà chị vợ đang bế trên tay. Hậu quả khiến đứa con tử vong tại chỗ còn người vợ bị thương tích nặng. Trong lá thư gửi vợ, người chồng tội lỗi này đã khóc rất nhiều và rất khó để bộc bạch được niềm tâm sự. Trong thư, anh đã giãi bày nỗi lòng mình cũng như gửi lời xin lỗi đến vợ, đến con trai… Những tưởng người vợ sẽ không bao giờ nhìn mặt chồng nhưng khi nhận được thư, chị đã khóc rất nhiều và quyết định đến thăm chồng để nói lời tha thứ: “Con em cũng là con anh. Chắc hẳn anh cũng đau đớn lắm khi đứa con trai tử vong dưới bàn tay của chính mình. Tội lỗi qua rồi và anh cũng đã phải trả giá. Em tha thứ cho anh, mong anh sớm trở về bên em để chúng ta có thời gian làm lại từ đầu….”.
Câu chuyện của chị Hồ Thị Hồng, 40 tuổi, trú tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng lấy đi nhiều nước mắt của mọi người. Vợ chồng chị Hồng mưu sinh bằng nghề buôn bán nhỏ ở chợ quê. Mọi vất vả nhọc nhằn, anh chị cố gắng vượt qua vì có động lực là ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Tuy vậy, ngày 16-10-2011, tim chị Hồng như muốn vỡ nát khi hay đứa con trai đầu mới 17 tuổi tên Lê Sỹ Cường, SN 1994 tử vong do bị người ta vác rựa chém vào đầu. Vì đi nghe lời rủ rê của bạn bè, Cường theo chân nhóm thanh niên đi ăn trộm vịt nhà Nguyễn Văn Dình, 43 tuổi, trú cùng địa chỉ để về ăn nhậu. Phát hiện nhóm người trộm vịt nhà mình, Dình dùng rựa đuổi chém trúng đầu khiến anh Cường bị nứt xương sọ, gây tổn thương não và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Vốn là người đàn ông hiền lành sống bằng nghề chăn nuôi và còn nuôi hai đứa con nhỏ dại, vì một phút không làm chủ được bản thân, Dình vướng vào vòng lao lý và phải trả giá bằng bản án 5 năm tù. Sau gần 3 năm thụ án, khi có cơ hội viết thư, Dình đã cầm bút gửi đến vợ chồng chị Hồng những dòng chữ nguệch ngoạc, vụng dại của mình: “Tôi biết anh chị tức giận lắm, tôi biết anh chị đau khổ tột cùng. Sự mất mát to lớn ấy, tôi phải làm sao để bù đắp, lấp đầy được? Nhiều đêm không ngủ, tôi luôn suy nghĩ về hành vi của mình, nghĩ về nỗi tuyệt vọng của anh chị khi mất đi một người con yêu quý. Sự ăn năn, hối hận, dằn vặt lương tâm luôn hiển hiện trong tâm trí tôi mỗi đêm. Tôi hoảng hốt mỗi khi thức giấc, những dòng mồ hôi tuôn chảy, toàn thân run rẩy trong lo sợ. Trong phòng giam, tôi lê từng bước chân bên cửa sổ, tay cầm chặt những chắn song sắt, nhìn ra bầu trời đen u ám để tìm một vì sao sáng nhưng không thấy. Với tôi, vì sao sáng đó là sự tha thứ của anh chị. Xin hãy cho tôi chút ánh sáng để tôi sống thanh thản hơn trong quãng đời còn lại. Xin gửi tới anh chị lời xin lỗi. Cầu mong sự tha thứ của anh chị….”.
Bất ngờ nhận được bức thư trên, vợ chồng bà Hồng vô cùng trăn trở: “Nỗi đau chưa nguôi ngoai được bao lâu thì chúng tôi nhận được thư của anh Dình. Tôi khóc hết nước mắt vì thương con, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh anh ta vợ dại con thơ, lại có cha già ung thư mới mất nên tôi cũng thương, dù đó là kẻ gây nên cái chết cho con mình. Thôi thì, người cũng mất rồi tôi cũng không muốn nhắc nhiều hơn nữa. Chỉ mong anh ấy cải tạo tốt để sớm về với gia đình… Tôi tha thứ cho anh…”.
Hay chuyện một đôi vợ chồng già sống tại TP Hồ Chí Minh cũng chứa đựng sự vị tha đến khôn cùng. Ông bà có một đứa con trai duy nhất bị giết chết khi ở cái tuổi đẹp nhất đời người. Thủ phạm cũng trạc tuổi con ông bà, gây án vì một phút nông nổi, không kiềm chế được cơn tức giận. Khi nhận được thư xin lỗi của kẻ xuống tay sát hại con mình, ban đầu ông bà giận không muốn mở thư ra đọc mà vứt nó vào góc bàn rồi lại ngồi bên bàn thờ con trai ngắm con và khóc. Sau nhiều ngày suy nghĩ, nhiều đêm không thể chợp mắt, cuối cùng ông bà cũng mở bức thư. Những lời lẽ chứa đầy nỗi ân hận và sự hối cải của phạm nhân khiến ông bà xúc động và đã quyết định mở lòng tha thứ cho người lầm lỗi. Thậm chí, ông bà còn đến gặp phạm nhân và ôm cậu vào lòng như ôm đứa con trai của mình và dặn: “Sau này, nếu muốn, chúng tôi sẵn lòng nhận cậu làm con nuôi….”.
Còn hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện xúc động về sự tha thứ khác được thể hiện qua các lá thư của cuộc phát động viết thư “Gửi lời xin lỗi”. Theo Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục Trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng (Tổng Cục Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp, Bộ CA) thì ngoài khoản bồi thường sau khi thi hành án; sự thăm hỏi, sẻ chia giữa gia đình thủ phạm với gia đình bị hại thì những dòng tâm sự, lời xin lỗi của người phạm tội góp phần quan trọng trong việc bị hại và gia đình bị hại có tha thứ cho họ hay không. Sự tha thứ đó như một vòng tay mở rộng, tạo cơ hội cho phạm nhân cải tạo tốt để tái hòa nhập cộng đồng, sống làm người có ích và không vấp phải lỗi lầm nữa…
Sự tha thứ là chìa khóa mở cánh cửa oán trách và chiếc còng tay của hận thù. Nó là thứ sức mạnh có thể phá vỡ xiềng xích của cay đắng và gông cùm của lòng ích kỷ. (William Arthur Ward- nhà giáo dục lỗi lạc Mỹ)
Theo: Điệp Quyên - PLXH