Biển cho ngư dân rất nhiều nhưng lấy đi của ngư dân không ít. Dữ dội là vậy, vậy mà có nhiều khi bão tố, sóng biển cuồn cuộn ngoài đại dương lại không ác liệt như những đợt “sóng” trên cạn…
…Những đợt "sóng cạn" đánh phủ, đánh úp, đánh trực diện, phiến diện và dồn dập, như muốn phá vỡ thành trì thép.
Tương tự như ngư dân đi biển, Công an nhân dân bao năm nay đã đón nhận, chống chọi với không biết bao bão tố, sóng gió đa phía bủa vây. Nhưng khó khăn hơn ngư dân, khi thấy bão tố chuẩn bị kéo tới liền tìm cách tránh bão, tránh sóng dữ còn lực lượng công an thì không có sự lựa chọn mà phải nhảy vào vòng xoáy, vật lộn, chiến đấu trực diện với cái ác đang uy hiếp, chi phối, đe dọa xã hội. Có những chuyên án khắc nghiệt, oái ăm mà toàn ngành phải trực chỉ đêm ngày hành động để bảo vệ đời sống người dân, an ninh tổ quốc; đội ngũ cán bộ chiến sĩ phải đặt cược mạng sống, hạnh phúc gia đình với tử thần…, đó là những điều không phải người dân nào cũng biết.
Từ người đầu ngành Công an đến từng cán bộ, chiến sĩ đã làm được gì, hy sinh những gì, nước mắt mặn, đắng như thế nào, đau lòng như thế nào khi ngành xuất hiện “con sâu”… không phải ai cũng thấu hiểu. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ mà thôi!
Công an tỉnh Sơn La hoàn thành các nghi lễ, tổ chức mai táng thượng úy Lường Phát Chiêm.
Người dân ở tỉnh Sơn La có lẽ vẫn chưa quên hình ảnh gan dạ, bất khuất của thượng úy Lường Phát Chiêm đã hy sinh vào tháng 7-2014 khi tham gia chuyên án truy bắt băng nhóm tội phạm nguy hiểm hoạt động trên địa bàn. Chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt, địch trong tối, chiến sĩ công an ngoài sáng, nguy hiểm luôn chực chờ, an toàn tính mạng và sự sống chỉ được tính bằng hơi thở.
Thực tế đau lòng là, có không ít người như thượng úy Chiêm, xả thân vì quê hương, vì trật tự xã hội mà phải hy sinh mạng sống của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bỏ lại mẹ già, con thơ. Thế mới biết, khi các anh bước chân, dấn thân và sống chết với ngành, trọn cái tâm cống hiến thì có bảo hiểm nào bảo vệ tính mạng các anh? Sẵn sàng hy sinh và chuẩn bị tâm lý ra đi bất cứ lúc nào là ý niệm mà lúc nào cũng trực diện trong tư tưởng chiến sĩ công an.
Mỗi loại tội phạm đều có cái khó trong quá trình truy bắt và đòi hỏi phải có kỹ thuật nghiệp vụ vững chắc mới có thể phá án thành công. Đất nước chúng ta đã hòa bình, thống nhất, thế nhưng các thành phần phản động vẫn còn rất nhiều và thường xuyên kích động nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Nhất là đối với dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng xa-những nơi có địa hình phức tạp, chỉ cần sơ hở một chút là tội phạm, thế lực thù địch lợi dụng, mở rộng địa bàn, mượn tay người dân phá hoại chính quyền.
Gần đây nhất là chuyên án đấu tranh với Fulrô ở Phú Yên, sẽ nguy hiểm vô cùng nếu như chiến sĩ, công an tỉnh Phú Yên không kịp thời phát hiện, tóm gọn và triệt phá hoàn toàn, kế hoạch thành lập “Nhà nước Đê ga” của một số đối tượng Fulrô lưu vong ở nước ngoài! Từ vài năm nay, các đối tượng Fulrô lôi kéo, kích động bà con dân tộc thiểu số, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc để trục lợi. Tổ chức này tuy nhỏ, mô hình không lớn mạnh nhưng sự chia rẽ thì không hề nhỏ. Để triệt phá đường dây phá hoại này, đảm bảo an ninh trật tự, các chiến sĩ công an đã ăn trong dân, ngủ trong dân, sống cùng dân và ngày đêm theo dõi sát sao; tổn hao không biết bao công, sức.
Tội phạm tinh vi ngày càng gia tăng, những cống hiến, hy sinh thầm lặng của chiến sĩ không thể nào kể xiết. Cũng trong giai đoạn vàng thau lẫn lộn này, không ít kẻ cơ hội phá hoại nhà nước, lợi dụng cơ hội bôi nhọ hình ảnh công an trong lòng dân.
Đầu năm 2014, khi Bộ Công an thụ lý, điều tra vụ đại án Vinashin, ông Dương Chí Dũng vì lý do nào đó đã gieo tai tiếng cho ngành Công an, cho tướng Phạm Qúy Ngọ. Thừa cơ hội, thế lực thù địch đã ồ ạt tấn công, công kích tướng Ngọ và Bộ Công an bằng hàng loạt bài viết với lời lẽ cay độc. Cho đến khi tướng Ngọ qua đời, chúng cũng không buông tha.
Để bảo vệ danh dự của ngành, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt và điều tra đến nơi, đến chốn vụ việc trên. Phá thành công vụ án Dương Chí Dũng và đồng bọn là cả một quá trình gian nan, nếu đặt bản thân mình vào vai trò, vị trí của Bộ trưởng Bộ Công an có lẽ Đại tướng Trần Đại Quang đã lao tâm khổ tứ, khi vừa chiến đấu chống tội phạm, vừa bảo vệ danh dự, uy tín của ngành.
Một chuyên án vây bắt tội phạm ma túy.
Có những nỗi đau theo dòng thời gian có thể nguôi ngoai nhưng cũng có những nỗi đau canh cánh trong lòng, ám ảnh người đứng đầu ngành và những cán bộ chiến sĩ trọn cái tâm cống hiến hết mình cho sự nghiệp an ninh tổ quốc, an ninh trật tự xã hội. Đó là khi nhìn thấy những đồng đội của mình ngày nào cùng chí hướng, giờ bị tha hóa; trở thành con sâu làm đen ngành, làm rầu nồi canh.
Với những cán bộ, chiến sĩ chân chính, trung với nước, hiếu với dân, ngày đêm quyết hoàn thành nhiệm vụ bất kể sống chết, không ai không lặng người khi đọc được những dòng chữ: “Tuyên phạt bị cáo Lê Văn Dịnh-nguyên là công an viên xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh năm năm tù về tội nhận hối lộ”; hay: “Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá ổ cờ bạc lớn, bắt giữ nhiều người, trong đó có trưởng công an xã Ea Nam”; rồi thông tin: “Năm công an TP.Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên dùng nhục hình, đánh người đến chết” mà báo chí đăng tải rộng rãi!
Chính vì có một số chiến sĩ công an mất nhân cách như thế, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hành xử bất lương như thế đã làm xấu đi phần nào hình ảnh công an nhân dân trong lòng dân; vô tình trở thành cái cớ cho ai đó lợi dụng vẽ nên bức tranh đen tối cho ngành Công an. Thật bức xúc vô cùng, đau đớn vô cùng - đây cũng chính là “sóng ngầm” nguy hiểm nhất, ác liệt nhất phá hoại hình ảnh công an nhân dân một cách nhanh nhất, đem đến cho ngành không biết bao tai tiếng trong suốt thời gian qua. Những điều này chỉ có người đứng trong ngành mới thấu đáo và hiểu rõ mà thôi!
Ánh sáng là để xua tan bóng tối, không để nó chi phối xã hội. Bộ Công an, từng cán bộ chiến sĩ yêu nghề cũng vậy, ngày đêm nỗ lực, chiến đấu, xua đi mây đen; đập tan âm mưu phá hoại, mạnh tay loại bỏ những con sâu trong ngành để đem lại sự bình yên cho nhân dân.
Trong hoàn cảnh gian khó nhất, trong vòng bủa vây của tội phạm tinh vi, ẩn nấp bên cạnh lực lượng công an, các chiến sĩ yêu nghề, yêu nước, tâm huyết không hề buông xuôi, không để cái ác hoành hành mà ngày đêm chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ An ninh tổ quốc. Giữa những thị phi, giữa những tiếng ác ai đó rắp tâm gieo rắc trong dân, giữa cái nắng gắt gao, mặc cho mồ hôi giọt ngắn, giọt dài chảy dài thấm đẫm trên lưng chiến sĩ. Các trinh sát vẫn tập trung cao độ, giơ cao nòng súng chính nghĩa truy bắt tội phạm. Các chiến sĩ công an nhân dân chân chính trong cơn cuồng phong bão tố, giữa vòng xoáy khốc liệt vẫn quyết tâm bảo vệ, xây dựng hình ảnh công an trong lòng dân; làm điểm tựa, bảo vệ dân dù có không ít khó khăn gian khổ.
Các chiến sĩ luôn hiểu rõ ý nghĩa trách nhiệm công việc của mình quan trọng như thế nào với xã hội. Nhưng trong xã hội, không phải ai cũng hiểu, ai cũng nhìn thấy những cống hiến mà các chiến sĩ cống hiến trọn đời; đặc biệt là triết lý sống “cho đi mà không đòi lại” của biết bao thế hệ chiến sĩ kiên cường. Nốt trầm cũng từ đó mà ra, cụm từ “hy sinh thầm lặng” cũng từ đó mà được nhiều người nhắc đến.