Câu chuyện trùm xã hội đen, trùm ma túy Tuấn "lay" cùng đồng bọn trong đường dây buôn ma túy "khủng" xuyên quốc gia bị bắt giữ với tang vật 40 bánh heroin và nhiều vũ khí quân dụng khác vẫn chưa hết nóng.
“Kiều nữ bóng đêm” ám ảnh tài xế taxi Hà Nội
- Cập nhật : 15/08/2014
Tài xế taxi Hà Nội gần đây bị ám ảnh bởi hai “kiều nữ” thường lượn quanh taxi trong đêm để rình rập trộm ví, điện thoại, sau đó bắt họ chuộc lại với giá “cắt cổ”. Ngoài mất tài sản, các anh tài này còn canh cánh nỗi lo bị cứa cổ, quỵt tiền...
Theo một số tài xế của Hãng taxi Thanh Nga, hơn hai năm nay, mỗi tối đều có hai “kiều nữ” chở nhau trên một chiếc xe tay ga lượn lờ khắp các phố Trần Hưng Đạo, Lò Đúc, cuối đường Trần Khát Chân giao với Kim Ngưu…, thuộc quận Hai Bà Trưng.
Hai “kiều nữ” lòng vòng đến những nơi có nhiều taxi đỗ để xem tài xế đã ngủ chưa, nếu tài xế ngủ để cửa mở, một trong hai người khẽ bước lại và cuỗm toàn bộ tiền, điện thoại của họ (tài xế taxi có thói quen để tiền và điện thoại trên vô lăng xe hoặc túi áo). Trường hợp bị phát hiện, “kiều nữ” liền đánh trống lảng như không biết gì và trợn mắt hỏi một câu rất cộc lốc: “Có đi tỉnh không?”.
Anh Đặng Văn Lợi, nhân viên lái taxi 30 tuổi, đến từ Nam Định, năm nay đã 3 lần bị mất toàn bộ tài sản khi đang say giấc nồng. Trong một lần mất hụt tiền, anh Lợi tận mắt chứng kiến mánh trộm đồ của hai “kiều nữ” này. “Khi tôi vừa ngả lưng, đang lúc lơ mơ, bất ngờ có một cánh tay chạm nhẹ vào túi áo trước, nơi tôi để tiền. Cảm giác không lành, tôi bật dậy vung tay chạm đúng vào tay “nữ quái”, tiền trong túi áo tôi vung ra tung tóe.
“Nữ quái” nhìn tôi và nói một câu cộc lốc: “Có đi Hải Phòng không?”. Tôi bảo có thì cô ta nói đợi tí rồi lên xe đi mất. Một lúc sau tìm chiếc điện thoại cảm ứng mới biết là nó đã “không cánh mà bay” theo cô ta” - anh Lợi bức xúc.
Cũng là người mất trộm một lần và chứng kiến vụ mất cắp của các đồng nghiệp, tài xế taxi tên Định kể: “Khi chúng tôi vừa chở khách từ Thái Bình về, anh Linh mệt quá nên ngủ thiếp đi, cửa xe mở hé. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng, xuất hiện hai phụ nữ chở nhau bằng xe máy. Hai người này lượn một vòng rồi lại gần chiếc taxi của anh Linh. Tôi tận mắt thấy cô tóc ngắn cho tay vào lấy chiếc điện thoại và móc trong áo một số tiền chừng một triệu đồng tôi vừa đưa cho anh ấy.
Lúc đó, tôi đã cố bấm còi xe inh ỏi liên tục trong khoảng 30 giây, lượn xe lại gần chỗ anh Linh nhưng anh ấy vẫn không thức giấc. Thấy tôi bấm còi inh ỏi, hai phụ nữ lườm tôi liên tục. Rồi tôi nhận được câu hăm dọa từ họ: “Mày có muốn sống yên ở đất này thì im lặng!”.
Theo các tài xế taxi, trong gần một năm qua, có hơn 50 tài xế taxi bị mất ví trong đó có tiền, giấy tờ xe, điện thoại. Không những thế, các “nữ quái” còn buộc nạn nhân phải chuộc lại giấy tờ xe của mình với giá “cắt cổ”.
Anh Minh Dương (21 tuổi, quê Nam Định) mất ví và điện thoại vào tháng 6 khi mở cửa kính xe nằm ngủ tại đường Trần Nhân Tông. Ít ngày sau có cuộc gọi đến báo là người bắt được ví, hẹn địa điểm chuộc ví cùng giấy tờ xe. Tùy thuộc vào loại giấy tờ xe, tiền chuộc mỗi lần dao động từ 1 - 2 triệu đồng.
Anh Đặng Ngọc Phát (27 tuổi) cũng mất ví, nhưng may mắn hơn khi hai “kiều nữ” để lại cho anh chiếc điện thoại Nokia 1100 đã vỡ màn hình. Tối hôm sau, anh Phát nhận được tin nhắn chuộc lại giấy tờ xe với giá một triệu đồng.
Theo anh Phát, địa điểm để anh em lái taxi chuộc lại giấy tờ thường không cố định, có lúc ở cây xăng Trần Hưng Đạo, có khi ở một địa điểm trên phố Lò Đúc. Nhưng cây xăng Trần Hưng Đạo là địa điểm anh em đến chuộc giấy tờ thường xuyên nhất.
Cũng theo anh Phát, các tài xế biết mở cửa ngủ dễ bị trộm nhưng nếu đóng cửa bật điều hòa sẽ rất tốn xăng chạy điều hòa, dù chỉ là vài giờ. Bên cạnh đó, khách muốn đi taxi, thấy tài xế ngủ bên trong, họ sẽ gọi taxi khác, do không muốn làm phiền đến giấc ngủ của tài xế.
Cuộc sống của tài xế taxi vốn đã khó khăn nay lại phải mất tiền như thế nên họ rất bức xúc. “Gia đình tôi ở quê đã phải bán hai sào đất, vay thêm ngân hàng để mua xe trả góp cho tôi lên Hà Nội lái taxi.
Chúng tôi lên phố cũng chỉ mong được yên ổn làm ăn, kiếm được việc làm ổn định, mỗi tháng mang tiền về cho vợ nuôi hai con nhỏ đang học mẫu giáo, giúp bố mẹ già. Nhưng hơn hai năm nay, những hành động ăn cắp trên mồ hôi, xương máu người khác của những phụ nữ này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tinh thần làm việc của anh em lái taxi chúng tôi.
Cuối tháng 6 vừa qua, ba đồng nghiệp của tôi bị mất cả ví lẫn điện thoại, phải chạy vạy vay tiền đi chuộc giấy tờ rồi vay tiền ăn, tiền thuê phòng trọ mỗi tháng. Thấy mà thương nhưng cũng không biết làm gì để cứu họ. Chỉ mong công an, báo chí sớm vào cuộc” - anh Lợi bày tỏ.
Tài xế Đặng Ngọc Phát chia sẻ những rủi ro trong nghề.
Canh cánh lo bị… cứa cổ
Lái taxi là một nghề nhiều rủi ro, anh Nguyễn Trí Cương, quê ở Thái Bình chia sẻ: “Lái taxi hơn bốn năm qua, tôi luôn canh cánh lo tính mạng bị đe dọa, vì phần lớn thời gian công việc của tôi là về đêm, từ 6 giờ tối đến 5 giờ sáng. Nỗi lo đó càng tăng khi tôi chở khách đi hai chiều khu vực Thái Nguyên, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ. Nếu khách có giở mánh khóe gì trong đêm thì tôi cũng đành chịu”.
Từng lái taxi cho hãng Ba Sao hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Huy (quê ở Thanh Oai, Hà Nội) tâm sự: “Tôi có người anh em tên Ninh ở Hòa Bình bị đôi trai gái cứa cổ khi chạy xe từ Hà Nội đi Ninh Bình. Hồi đó vào cuối tháng 11/2009, đêm ấy, cậu Ninh chở khách đi nhưng đến sáng hôm sau chưa thấy về, điện thoại cũng bị tắt nguồn, người nhà đã đi báo công an. Khoảng tuần sau, gia đình nhận được tin báo cậu ấy bị cắt cổ, ném xác xuống sông”.
Anh Huy từng suýt chết khi chở một đôi trai gái đi Ứng Hòa. Khi ra khỏi nội thành, đến đoạn đồng vắng, bị chúng thắt cổ nhưng anh nhanh trí phanh xe gấp khiến hai tên cướp ngã nhào về phía trước. Anh vội vàng xuống xe hô hoán dân làng ra ứng cứu. “May mắn cho tôi là thời điểm đó chỉ mới 10 giờ đêm, cũng không cách xa nhà dân quá nên tôi hô lên, mọi người ra kịp thời. Đôi trai gái nhanh chân chạy nhưng đã bị người dân bắt lại” - anh Huy hồi tưởng.
Tài xế taxi còn thường xuyên bị quỵt cước xe trong đêm. Anh Phát (quê ở Nam Định) kể lại một lần đưa khách từ Hà Nội đi Thanh Hóa, đến thành phố Thanh Hóa, ông khách nói đợi dăm ba phút để tìm chỗ “giải quyết nỗi buồn”.
“Ông ấy nói ngọt xớt “ở đây là ngõ cụt, tôi không chạy được đâu, anh cứ đợi ở đây, tôi sẽ quay lại trả tiền anh”. Vì đó là ngõ cụt thật nên tôi cũng đành để cho khách đi. Sau năm phút không thấy ông ta quay lại, tôi liền xuống xe vào trong ngõ nhưng không thấy ai, chỉ thấy một bức tường, phía sau là một cánh đồng hoang”. Biết bị lừa, anh Phát điện cho tổng đài để điện vào số điện thoại của khách nhưng vị khách không nghe máy. Anh Phát đành ngậm ngùi lái xe trở về Hà Nội.
Đêm đầu tháng 7 vừa qua, anh Phát cũng bị quỵt tiền một “cuốc” ngoại tỉnh, khi chở một phụ nữ tầm tuổi 30 từ Hà Nội đi Hưng Yên. Đến điểm dừng theo yêu cầu, người phụ nữ bảo anh chờ để vào nhà lấy tiền.
Vì chị ta vào trong ngôi nhà nên anh Phát chấp nhận chờ mà không chút suy nghĩ. Tuy nhiên, sau 10 phút vẫn chưa thấy chị ta ra, anh Phát đã phải đợi đến sáng sớm để nhờ người dân can thiệp. May người dân nhiệt tình, cùng nhau vào tận nhà buộc người phụ nữ phải trả tiền taxi.
Vợ anh Nguyễn Văn Huy (quê ở Thanh Oai, Hà Nội), sau khi nghe kể về những vụ tài xế taxi bị cướp, giết, quỵt tiền đã ngăn không cho chồng làm nghề này nữa. Theo anh Huy, một số đồng nghiệp lái taxi của anh cũng đã bỏ nghề hoặc chỉ chở khách ban ngày vì sợ những tình huống không may xảy ra.
Quang Tuyến - Theo Dân Trí