Ngày nghỉ lễ, tôi đến thăm Đại tá, Anh hùng Tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) ở TPHCM. Ông cười vui, tâm sự: “Số tôi may mắn lắm, chứ cuộc đời làm tình báo, không biết bao lần cận kề cái chết, vậy mà vẫn thoát. Đôi khi, mình xác định chết chắc rồi mà vẫn thoát”.
Chuyện là giữa tháng 11-1968, Tư Cang khi đó là Cụm trưởng Cụm tình báo H63 (trong cụm có điệp viên Phạm Xuân Ẩn) được trên triệu tập ra căn cứ làm công tác tổng kết các đợt tấn công vào Sài Gòn trong năm. Tư Cang bèn cùng nữ chiến sĩ giao liên Tám Kiên đi honda, giả làm cặp vợ chồng công chức về quê giỗ mẹ, từ Sài Gòn theo đường 13 về Mỹ Phước, vượt sông Thị Tính để về căn cứ An Thành. Họ dễ dàng vượt qua nhiều trạm kiểm soát của ngụy, đến cách Mỹ Phước khoảng 7 cây số thì gặp một trạm kiểm soát đột xuất.
Đại tá, Anh hùng Tình báo Tư Cang
Một tên lính ngụy chặn “vợ chồng” Tư Cang lại, lên đạn cây súng cạc-bin đánh roạt rồi yêu cầu cho xem giấy tờ.
Tư Cang tự tin rút trong túi áo ra một xấp giấy, đủ loại từ giấy phép lái xe, thẻ sở hữu ô tô và nhiều loại hóa đơn chứng tỏ giới giàu sang, cố tình để cho tên lính ngụy thấy. Cuối cùng, ông xuất trình thẻ căn cước.
Tên quân cảnh xem rất kỹ, hết lật mặt trước ra mặt sau. Đột nhiên, hắn cho tấm thẻ vào lòng bàn tay bóp mạnh rồi thả bung ra. Hắn làm như vậy tới mấy lần…
Tư Cang tỏ ra bình thản nhưng trong lòng rất lo. Hồi năm 1966, khi làm tấm căn cước giả này ở căn cứ, đồng chí Tám Chửa là Trưởng ban Kỹ thuật của Tình báo Miền đã nói với ông: “Giấy giả ta làm rất giống căn cước thật của địch, nhưng nó vẫn có nhược điểm. Giấy của địch làm, khi bóp vào thì bung ra rất êm. Giấy ta bóp vào thì bung ra chậm hơn, lại có tiếng động “rạo” nhỏ. Nếu địch xét giấy, cần sự bình tĩnh đối phó của người cán bộ”.
Giờ tên ngụy bóp đi, bóp lại tấm giấy, chứng tỏ nó rất “cáo”. Hắn nhìn thẳng vào mắt Tư Cang, cười gằn: “Giấy này kỳ quá he !”. Tư Cang ôn tồn: “Giấy mấy ông cấp sao, tôi có vậy chớ kỳ gì đâu”. Tên ngụy liền giấu tấm giấy ra sau lưng, hỏi: “Vậy ông thân ở nhà tên gì ?”. “Ba tôi hả ? Nguyễn Văn Muốn”.
Tình huống này đã dự kiến được từ khi sử dụng tấm căn cước giả, nên Tư Cang trả lời rất nhanh. Tên ngụy lại hỏi: “Xin lỗi, vậy giấy cho (cấp-PV) ngày mấy ?”.
Mặc dù nhớ tấm căn cước giả của mình ghi rõ ngày cấp là 13-7-1962, nhưng kịp nhận ra đây là đòn điều tra lọc lõi của địch, Tư Cang nhanh trí nói gắt: “Giấy các ông cấp đâu hồi giữa năm 1962, bây giờ ông hỏi, tôi làm sao nhớ !”.
Nếu Tư Cang trả lời vanh vách ngày cấp giấy, chắc sẽ bị tên ngụy nghi ngờ, nhưng cách xử trí bình thản, tự nhiên của anh khiến hắn đắn đo… Hắn quyết định đem tấm thẻ vào trình viên sĩ quan chỉ huy, ngồi ở chiếc bàn cách đó 10m. Tên sĩ quan ngồi ngay cạnh máy vô tuyến điện, nếu nghi ngờ, nó gọi về Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, nhờ tra hồ sơ gốc thì Tư Cang sẽ bị lộ ngay.
Tư Cang biết rõ hiểm nguy trước mắt. Anh nhìn sang Tám Kiên, nghĩ thương người đồng đội, con gái mà bị bắt, rồi sẽ chịu đựng biết bao đòn tra tấn hiểm độc của quân thù. Nhưng Tám Kiên lại nhìn anh, nở nụ cười rạng rỡ, không hề có chút bối rối. Nụ cười ấy khiến Tư Cang yên tâm. Anh rút điếu thuốc thơm, bình thản châm lửa hút. Liếc nhìn về chiếc bàn, anh thấy tên sĩ quan đang lật đi lật lại tấm thẻ. Hắn nhìn ra, thấy Tư Cang đang điệu nghệ, ung dung châm thuốc và cười với “cô vợ” trẻ đẹp… Hắn rầy la tên lính: “Người Sài Gòn giấy như vầy chớ kỳ cái gì. Trả cho người ta đi”.
Tên lính quay ra, khúm núm đưa trả giấy cho Tư Cang và nói: “Xin lỗi ông, thôi ông đi”. Tư Cang lịch thiệp bỏ giấy vào túi, giọng kẻ cả: “Làm việc thì phải vậy, chớ lỗi phải gì”.
Lên xe, Tám Kiên làm động tác choàng tay ôm hông “chồng” rất điệu nghệ. Xe đi khỏi tầm mắt của toán lính kiểm soát, Tám Kiên mới hỏi: “Chắc thằng sĩ quan tưởng anh là người của bọn mật vụ nên nó ngán. Trông anh giống mật vụ quá !”.
Kể đến đây, Đại tá Tư Cang cười sảng khoái. “Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao lúc đó tên sĩ quan ngụy lại để tôi đi dễ dàng như thế. Có thể anh ta là người có cảm tình với Việt Cộng. Thậm chí có khi là chiến sĩ tình báo của ta. Hoặc anh ta nghĩ tôi là mật vụ, thuộc một phe phái nào đó của bên ngụy. Quân ngụy hồi đó phe phái dữ lắm mà. Hay một lý do tình cờ, ngẫu nhiên nào đó mà tôi không thể nghĩ ra. Cuộc đời người chiến sĩ tình báo là “sống giữa bầy hổ báo”. Tôi nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh và nói với các anh chị rằng, tôi đâu có giỏi gì hơn các đồng chí, trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tôi đã xác định sẽ hy sinh như các đồng chí, việc giữ được nguyên vẹn tấm thân để trở về là may mắn lắm”.
Theo Hương Ngọc
Quân đội nhân dân