“Quan điểm của Chính phủ và Bộ Tư pháp là chính thức đề nghị giữ lại giấy khai sinh trong Luật Hộ tịch, bởi có nhiều lý do chưa thể bỏ được loại giấy tờ này”, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Quốc tịch, Hộ tịch và Chứng thực cho biết như vậy tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng nay 16.10.
Mặc cả với nỗi khổ người dân
- Cập nhật : 16/10/2014
Khí thải của công ty không chỉ gây bệnh tật mà còn khiến nhà của hàng trăm hộ dân bị hư hỏng. Thế nhưng, mặc chính quyền địa phương và người dân yêu cầu bồi thường, công ty thẳng thừng từ chối...
Đó là Công ty CP Vật tư Tổng hợp Phân bón Hóa Sinh (gọi tắt Công ty Hóa Sinh). Từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 9- 2014 đã diễn ra 3 buổi đối thoại giữa chính quyền địa phương, người dân và công ty với nhiều bức xúc từ phía người dân, thiện chí của chính quyền địa phương nhưng đổi lại là sự mặc cả, phủi tay kiểu vô trách nhiệm từ công ty này.
Không có thiện chí
Cụ thể, sau buổi đối thoại lần 1 ngày 22-5, Công ty Hóa Sinh có văn bản gửi UBND huyện Củ Chi, TP HCM cho biết không chấp thuận bồi thường hoặc hỗ trợ theo yêu cầu của các hộ dân. Đến buổi đối thoại lần 2 (ngày 1-8) và lần 3 (12-9), công ty cũng không chấp nhận bồi thường với cùng lý do: Không có căn cứ chứng minh mái tôn hư hại do khí thải của công ty gây ra.
Mái tôn nhà ông Bùi Thanh Thảo bị thủng nhiều chỗ gây dột trong mùa mưa
Trong các biên bản làm việc, chúng tôi thấy có không biết bao nhiêu là ý kiến bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm khí thải, bệnh tật và hư hại mái tôn của 72 hộ thuộc ấp 5, xã Phạm Văn Cội và 24 hộ ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức. Kèm theo yêu cầu bồi thường, người dân yêu cầu hoặc di dời công ty ra khỏi khu dân cư hoặc di dời các hộ dân ra khỏi vùng ô nhiễm. “Rất nhiều người lớn, trẻ nhỏ thường xuyên hít khí thải từ các ống khói của công ty thải ra bị viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm da. Nhiều nhà phải gửi con về quê tá túc. Riêng thiệt hại vật chất thì thấy rõ khi 72 hộ dân gần công ty đều bị thủng mái tôn” - ý kiến của ông Lê Văn Sang, trưởng ban nhân dân ấp 5, xã Phạm Văn Cội.
Trực tiếp tham gia 3 buổi đối thoại, bà Lương Thị Nau, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Cội, chua xót nói: “Công ty không hợp tác, họ từ chối thẳng thừng yêu cầu chính đáng của người dân, cho rằng nếu địa phương yêu cầu hỗ trợ hộ nghèo lợp lại mái tôn thì công ty có thể xem xét, chứ không có việc bồi thường. Cứ như họ kêu mình phải năn nỉ vậy”.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, sau buổi đối thoại lần ba, Công ty Hóa Sinh yêu cầu phải có đơn vị độc lập đứng ra lấy mẫu khí thải, kết luận nguyên nhân có phải do khí thải công ty gây hư hại mái tôn hay không thì mới có căn cứ yêu cầu bồi thường.
“Công ty Hóa Sinh chỉ thuê đất của một đơn vị tư nhân, chưa được TP giao đất. Trước tình trạng gây ô nhiễm kéo dài lâu năm mà công ty lại không hợp tác, UBND huyện đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tìm hiểu kỹ các quy định, tham khảo kinh phí lấy mẫu. Ngoài ra, chúng tôi đã có văn bản đề xuất UBND TP không giao đất cho công ty này bởi theo quy hoạch nông thôn mới của xã Phạm Văn Cội, đây là khu dân cư” - ông Dũng nói.
Tôn gỉ sét do khí thải là có căn cứ
Nhà bà Nguyễn Thị Chè có mái tôn bị thủng nhiều nhất. Khi chúng tôi đến, bà Chè mừng rỡ cho biết mới xin được tiền hỗ trợ và lợp lại tôn mới; số tôn cũ không dám bán, để lại làm chứng cứ cho các cơ quan chức năng. Chỉ vào mớ tôn cũ gỉ sét, ông Phạm Văn Đồng (chồng bà Chè) nói: “Mái tôn thủng nhiều lắm, mấy ngày mưa ở trong nhà mà như đứng ngoài trời”.
Hỏi về tình trạng xả khí thải của Công ty Hóa Sinh, ông Đồng cho biết bây giờ công ty đưa ống khói lên cao nhưng vẫn xả thải. Để tránh dư luận, công ty chỉ hoạt động từ 3 giờ đến 6 giờ sáng, riêng ngày thứ bảy và chủ nhật thì làm suốt. Người dân vẫn phải hít thở không khí ô nhiễm.
Ông Lê Văn Sang (ấp 5, xã Phạm Văn Cội) cho biết thêm: “Mùa mưa này, người dân càng khổ, như nhà ông Bùi Thanh Thảo, dù đóng la-phông nhưng nước mưa vẫn thấm ướt. Hộ nào may mắn xin được hỗ trợ hoặc có tiền con cháu cho thì thay mái tôn, còn không thì chịu bởi trong 72 hộ dân bị ảnh hưởng thì 80% là hộ nghèo”.
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP HCM), có căn cứ để người dân cho rằng tôn gỉ sét do khí thải từ nhà máy sản xuất phân bón vì trong quá trình sản xuất phân bón tạo ra nhiều axít như HCl, H2SO4..., gặp điều kiện độ ẩm cao sẽ xảy ra hiện tượng ăn mòn làm kim loại. Khoảng cách giữa ống khói với các hộ dân không quan trọng bằng sức gió đưa khói đi, nếu ống khói thấp khiến khói bay là đà thì dễ ăn mòn hơn.
Thành lập đoàn kiểm tra
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chánh Thanh tra Sở TN-MT TP HCM, cho biết UBND TP vừa giao sở thành lập ngay đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Hóa Sinh và đề xuất UBND TP xem xét xử lý.
Theo bà Oanh, cuối năm 2013, Sở TN-MT đã kiểm tra hoạt động Công ty Hóa Sinh và kiến nghị UBND TP ra quyết định xử phạt tổng cộng 145 triệu đồng vì vi phạm thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn quy định. Ngoài ra, sở đã kiến nghị không giao đất cho công ty trên vì nằm trong quy hoạch khu dân cư.
(Theo nld)
Trở về