Họ từng là công nhân có việc làm hoặc gia đình liệt sỹ được cấp đất, được xã hội trọng vọng nhưng nay bị đẩy ra bên lề phát triển. Những số phận ấy chưa phải điển hình cũng không cá biệt. Phóng viên Tiền Phong lắng nghe trong từng số phận đó để ngẫm ngợi, suy tư...
Ông Tiến trong “ổ chuột” trên gác
Bài 1: “Ổ chuột” của công nhân thất nghiệp
Con đường Nguyễn Văn Cừ ở trung tâm thành phố Cần thơ vừa được mở rộng hai chiều bốn chục mét khang trang. Ở đó có Trường đại học Kỹ thuật Công nghệ thành phố Cần Thơ nhiều nhà cao tầng, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang nổi tiếng và những cơ sở kinh doanh giàu có, làm nên một con đường đẹp. Bâng khuâng đi qua, tôi chợt thấy bên lề đường một hộp tôn rách nát.
Thật không dám gọi căn nhà vì e đụng chạm giới kiến trúc sư và các vị quản lý địa phương đang nỗ lực xây dựng văn minh đô thị. Nhưng một ông đầu tóc bơ phờ, da đen, gầy rạc hốc hác của người suốt ngày trong chốn nóng bức, bước ra tự giới thiệu là chủ nhà Võ Hồng Tiến, thì lúc đó tôi mới đủ tự tin gọi đó là căn nhà. Một lúc, ông Tiến nói căn nhà của ông là “ổ chuột”, tôi định thay đổi cách gọi, nhưng thôi…
Ổ chuột
Để dễ hình dung “ổ chuột”, xin giới thiệu từ cái gác xộc xệch, nơi ngủ nghỉ của bốn con người, hai vợ chồng và hai đứa con, một học đại học năm cuối, một học lớp 6. Leo cầu thang dựng ngược, vừa ló đầu qua cái lỗ giữa gác, tôi phát hoảng không biết làm sao mà mùng, chiếu, áo quần, giấy tờ bùng nhùng với dây điện lằng nhằng đến thế. Nín thở nhìn kỹ, do quá chật mà tưởng nhiều chứ cũng chỉ có hai cái mùng túm tíu, mấy bộ quần áo nửa treo nửa chỏng chơ cũng túm tíu.
Ông Tiến leo trước, ngồi co một góc, khiến gác gỗ chật chội hơn. Tôi không còn biết ngồi vào đâu, trừ chui vào lom khom trong mùng. Ông Tiến ngại ngùng kể, bề ngang chừng hai mét, bề dài mắc được hai cái mùng thêm khoảng trống đặt cái ti vi để thỉnh thoảng nằm trong mùng “giải trí”. Xung quanh quây tôn cũ, mái tôn lè tè phải gá một lớp lá dừa để chống nóng.
Tầng dưới rộng vài chục mét vuông, gia đình ông mở quán “cháo lòng, hủ tiếu mì, bún riêu” với 4 cái bàn nhựa nhỏ, góc phía trong đặt giá đựng tô chén, xoong nồi và nơi vệ sinh tí xíu vào đó cơ hồ không xoay trở được. Tận dụng thêm 3 m vỉa hè đặt 5 bàn và bếp nấu nướng, cái “ổ chuột” hẹp nhưng dài theo mặt tiền đường nên như thế mà ra được cái quán cho khách nghèo.
“Mưa gió thì sao?”, tôi băn khoăn. “Che chắn nên không đến nỗi”, ông Tiến trả lời. Tôi hỏi tiếp: “Nghỉ ngơi thế nào?”. Ông Tiến nhìn bâng quơ ra đường, nhìn mấy người khách đang ăn rồi nhìn vợ lúi húi trên vỉa hè, buông một tiếng thở dài não ruột: “Khổ vợ tôi, mặt mày vàng hết trơn rồi”.
Ông kể, bán đến nửa đêm thì nghỉ, dọn dẹp đóng cửa lên “ổ chuột” nằm khoảng 4 giờ dậy chuẩn bị cho ngày sau. Ban ngày, buổi trưa cũng lên “ổ chuột” hầm hập nghỉ một lúc. “Từ ngày bị giải tỏa, chúng tôi không ngủ được bao nhiêu”, ông nói như khóc.
May phước
Trước kia, nhà cửa gia đình ông yên ắng thanh bình vì nằm cách con đường mấy chục mét. Hai vợ chồng đều là công nhân của Công ty Công trình Đô thị thành phố Cần Thơ. Ông làm cán bộ kỹ thuật ở Xí nghiệp Công viên cây xanh, lo cây và hoa làm đẹp cho cả thành phố, còn vợ ở đội quét rác. Lương không cao không thấp, sống thanh thản.
Vợ chồng ông đều sinh ra trong gia đình “có truyền thống cách mạng”, được xã hội vị nể. Cha mẹ của hai người tham gia kháng chiến từ trong rừng, hòa bình ra xây dựng chính quyền mới. Cha của ông là cán bộ Tỉnh ủy Hậu Giang (gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang hiện nay), cha mẹ của bà là cán bộ ngành công an. Cha của ông mua một cái ao nhỏ của người dân, cho vợ chồng ông cất nhà ở.
Vợ con ông Tiến với bếp đặt bên lề đường
Năm 2011, đường Nguyễn Văn Cừ được mở rộng gấp bốn lần cũ, lấy mất nửa căn nhà của ông thì gia đình ông mới nháo nhác. Sang năm 2013, đấu thầu dịch vụ công, Công ty Công trình Đô thị Cần Thơ rớt thầu toàn bộ việc chăm sóc cây xanh và quét rác một số nơi thì vợ chồng ông thất nghiệp. Nhà cửa tan hoang, việc làm không còn, con cái đã lớn, nhớ lại, ông thất thần: “Rầu quá trời”.
Quán hủ tiếu cháo lòng mở ra từ đó, gia đình ông bám víu vào vỉa hè kiếm sống. Nghề phục vụ ăn uống nơi rộng rãi đã vất vả, ở vỉa hè chật chội như cực hình. Suốt thời gian tôi đến, thấy vợ ông Tiến là bà Lê Kiên Trinh chỉ đứng, xoay trở trong cái nơi cực kỳ chật hẹp mà lắm đồ lặt vặt.
Soạn được tô hủ tiếu bưng ra cho khách, phải làm chừng hai chục việc. Hôm ấy, con trai lớn của ông bà không đến trường nên phụ giúp mẹ, hai mẹ con đứng xoay tròn bên nhau nhưng không va chạm để sóng sánh tô bát một cách thật là tài tình.
Tôi hỏi ông Tiến: “Ngày lời lãi bao nhiêu?”. Ông ngớ ra, ngoảnh hỏi vợ, khoảng hai trăm nghìn đồng. Vợ chồng lấy nhau năm nào, ông phải hỏi vợ mới nhớ năm 1992, năm sinh con cái cũng phải hỏi vợ. Tôi ái ngại vô cùng vì vợ ông đang phải luôn tay luôn chân. Tôi chuyển qua hỏi han về cái Xí nghiệp Công viên cây xanh đã giải thể.
Ông hoạt bát hẳn lên, kể khi đông nhất có 125 người nhưng nay tan tác và hầu hết khổ sở, có người kiếm không ra cái ăn. Rồi ông nở một nụ cười hiếm hoi: “Tôi may phước còn có chỗ này mà bán, dù gì cũng đỡ hơn phải mướn nhà”.
Khoảng trời hoang mang trong mắt ông Tiến
Hoang mang
Nói xong câu “may phước”, nụ cười trên môi ông tắt ngấm, ánh mắt ông quanh quất như tìm kiếm, bấu víu điều gì đó. Ánh mắt lờ đờ vẻ vô hồn trộn lẫn nét gan góc, đau khổ trộn lẫn hy vọng, giọng ông thảng thốt: “Không biết còn được ở đây không?”. Lúc ấy đôi mắt ông mở to chứa một khoảng trời hoang mang lo lắng.Tôi giật mình: “Tại sao?”.
Ông vào trong ôm ra một túi giấy tờ. Mấy năm trước, khi bị thu hồi đất và giải toả nửa căn nhà, ông được bồi thường 106 triệu đồng, không đủ để mua nền tái định cư gần 200 triệu đồng nên ông dồn tiền sửa phần nhà còn lại, mở điểm buôn bán sinh sống.
Năm 2013, đột ngột ông nhận được quyết định và thông báo của ủy ban quận, thu hồi nốt phần nhà đất còn lại, bồi thường 972.000 đồng. Tôi ngỡ nghe nhầm, thốt lên: “Bao nhiêu?”.
Ông Tiến trải tờ quyết định và tờ thông báo ra bàn, di ngón tay thô ráp để tôi nhìn rõ con số trần trụi thô ráp còn hơn ngàn lần cái ngón tay nghèo khổ, giọng rành rọt: “Chín trăm bảy mươi hai ngàn đồng, không đủ mua không phẩy một mét vuông nền đất tái định cư”.
Cũng chính vì việc thu hồi thêm này mà ông không sửa sang được cái “ổ chuột”, nó ngày càng tàn tạ. Tôi lơ mơ không còn nghe được tiếng ông Tiến đọc tờ quyết định và tờ thông báo giải thích vì sao có giá rẻ mạt như vậy. Nhưng khi ông kết luận thì tôi lại nghe rõ: “Sai luật hết!”.
Người công nhân thất nghiệp vừa mới ngơ ngác với năm cưới vợ, sinh con, bấy giờ trở nên rắn rỏi tinh anh: “Tôi tập trung tìm hiểu pháp luật thì thấy các quyết định, thông báo của ủy ban quận đều sai luật hết trơn”.
Rồi ông giải thích từng điểm một nhưng tôi lại không chú ý nghe nữa, mà nghĩ: Cuộc sống thúc bách có hiệu quả hơn mọi tuyên truyền giáo dục, có khi ông đã rành luật không thua luật sư.
Cắt ngang lời ông Tiến đang say sưa, tôi hỏi: “Sao không kiện ra tòa?”. Ông trả lời: “Đã kiện rồi, đang chờ tòa xử”. Tôi hỏi tiếp: “Ông nhờ luật sư chưa, luật sư nói thế nào?”. “Nhờ luật sư rồi, luật sư hoàn toàn đồng ý với tôi”. Đến đây, ông Tiến đưa tôi đi vòng phía sau, sát nhà ông hồi trước có con hẻm rộng chừng bốn mét chạy dài nhưng nay chỉ còn đoạn ngắn ngủn, không còn tác dụng gì ngoài việc tách riêng nhà ông với khu dân cư bên trong, để nhà ông đứng chơ vơ sát lề đường.
Giọng ông lấp lánh hy vọng: “Mới đây, ủy ban quận nói có thể bán cho tôi đoạn hẻm này, để tôi sửa lại nhà cho liền với khu dân cư, để không còn là ổ chuột chơ vơ bên lề đường”. Tôi bật ra: “Thế thì tốt quá”. Nhưng ông bảo mới nói mồm mà chưa có văn bản giấy tờ gì cả, ánh mắt hy vọng của ông lại lơ lửng đâu đó với khoảng trời hoang mang.
Còn nữa.
Người công nhân thất nghiệp vừa mới ngơ ngác với năm cưới vợ, sinh con, bấy giờ trở nên rắn rỏi tinh anh: “Tôi tập trung tìm hiểu pháp luật thì thấy các quyết định, thông báo của ủy ban quận đều sai luật hết trơn”.