“Quan điểm của Chính phủ và Bộ Tư pháp là chính thức đề nghị giữ lại giấy khai sinh trong Luật Hộ tịch, bởi có nhiều lý do chưa thể bỏ được loại giấy tờ này”, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Quốc tịch, Hộ tịch và Chứng thực cho biết như vậy tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng nay 16.10.
Ông Nguyễn Công Khanh nói không bỏ được giấy khai sinh vì nhiều lý do - Ảnh: Thái Sơn
Đề cập đến dự án Luật Hộ tịch, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng - người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, hiện còn một nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, có liên quan đến luật Căn cước Công dân mà Bộ Công an đang xây dựng, đó là việc không cấp giấy khai sinh cho trẻ em (theo dự thảo luật Hộ tịch), thay thế vào đó là cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ (theo dự thảo luật Căn cước công dân). Về vấn đề này, Chính phủ đã có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em. Lý do đưa ra là việc này cần thiết, phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự, luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Theo ông Dũng, việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa phù hợp với khái niệm “căn cước”, vì dưới 14 tuổi, đặc điểm nhận dạng của trẻ em chưa ổn định, trong khi đó gốc tích của trẻ em chủ yếu là các thông tin về khai sinh.
Trước câu hỏi của báo chí, không bỏ giấy khai sinh thì việc cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính hiệu quả đến đâu?, trong trường hợp dự án Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua thì người dân sẽ được giảm thiểu loại giấy tờ thủ tục nào?
Ông Nguyễn Công Khanh cho biết, trong dự thảo luật mới nhất, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị giữ lại 2 giấy khai sinh và chứng nhận kết hôn; các loại giấy khác sau khi đăng ký được lưu giữ vào hệ thống điện tử, nếu người dân cần sẽ cấp trích lục, không cần phải giữ các loại giấy tờ đó.
“Hai loại giấy khai sinh và kết hôn giữ lại vì qua phân tích có ý nghĩa với đời sống con người. Giấy khai sinh như thẻ vào đời của người dân, đã cấp hàng trăm năm nay, từ thời Pháp đã có rồi, một số địa phương vẫn còn lưu giữ được hộ tịch từ thời Pháp. Là văn bản gốc tích xác định nhân thân của con người và kinh nghiệm của nhiều nước là như vậy. Ý nghĩa của giấy đăng ký kết hôn, công nhận chính thức của nhà nước về việc hai người, vừa đảm bảo trang trọng, có ý nghĩa thiết thực của đôi vợ chồng đó”, ông Khanh lý giải.
“Sở dĩ Chính phủ nêu rất nhiều lập luận, lý lẽ phải giữ lại giấy khai sinh, bởi giấy khai sinh đã được áp dụng từ rất lâu, đến ngày hôm nay trở thành một thói quen và đi vào cuộc sống người dân, không có bức xúc gì đặt ra ở đây cả”, ông Khanh nói thêm và dẫn chứng đa số các nước trên thế giới đều cấp giấy khai sinh.
“Quan điểm của Bộ Tư pháp và Chính phủ là giữ lại giấy khai sinh, đồng ý là cắt giảm giấy tờ, quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội. Dù không cấp giấy khai sinh không có nghĩa là bỏ làm thủ tục khai sinh”, ông Nguyễn Công Khanh khẳng định.
“Tuýt còi” các địa phương phân biệt đối xử bia và xi măng
Tại cuộc họp báo, ông Đồng Ngọc Ba, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho biết trong 9 tháng đầu năm đã kiểm tra 1.746 văn bản quy phạm pháp luật và phát hiện 561 văn bản có sai sót, chiếm hơn 30%, trong đó có 113 văn bản sai về nội dung. Trong tháng 9, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã ra văn bản “tuýt còi” văn bản của UBND tỉnh Nghệ An và Quảng Nam về việc kêu gọi sở ban ngành địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ bia và xi măng. Theo cục này, các văn bản trên không phù hợp về mặt thể thức ban hành văn bản, nội dung không có căn cứ pháp lý, và tạo ra sự “phân biệt đối xử”, “bất bình đẳng” giữa các doanh nghiệp, trái luật Thương mại và luật Cạnh tranh.