Định cư bên kho thuốc trừ sâu hàng chục năm, nhưng nhiều người dân ở Quảng Trị không nhận được khuyến cáo nào của nhà chức trách.
Ngôi nhà khang trang của chị Văn Thị Mỹ Nhung nằm ngay cạnh kho thuốc bảo vệ thực vật của Hợp tác xã (HTX) Quyết Tiến (xã Hải Quy, Hải Lăng) từ nhiều năm qua, nhưng gần đây chị Nhung mới biết khu vực này tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
“Năm ngoái, tôi thấy nhiều đoàn về kiểm tra mới biết kho có chứa thuốc trừ sâu. Gần đây nhận được thông tin kho này còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật rất cao, ngấm trong đất”, chị Nhung lo âu nói.
Nhiều năm qua, gia đình người phụ nữ này dùng nước giếng để sinh hoạt. Từ khi thấy đoàn kiểm tra về, lo sợ nhiễm độc nên chị Nhung chuyển dùng nước mua để ăn uống, còn tắm rửa vẫn dùng nước giếng “vì không đủ tiền dùng nước bình”.
Ông Lê Thanh Duyên, Chủ nhiệm HTX Quyết Tiến thông tin, kho thuốc này được xây năm 1977 và đến năm 2003 thì bị đập bỏ. “Trong kho chứa các loại thuốc như bassa, basudin, 666, vofatoc... Quá trình bảo quản, sử dụng, thùng chứa hỏng hoặc rơi vãi nên thuốc ngấm vào đất”, ông Duyên nói.
Gia đình ông Trần Toàn sống chung với kho thuốc trừ sâu từ sau giải phóng đến nay. Điểm này có mức độ ô nhiễm DDT vượt 125 nghìn lần. Ảnh: Hoàng Táo.
Ngay sau lưng nhà ông Trần Toàn (xã Triệu Độ, Triệu Phong) tồn tại kho thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng từ sau giải phóng đến năm 1985. Gia đình 5 người của ông Toàn sử dụng nước giếng cách kho thuốc chưa đến 10 mét.
Bản thân ông Toàn là kỹ thuật viên thuốc trừ sâu, tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc nên bị tắc mạch máu, phải cắt bỏ một chân. Ý thức được nguy hại từ kho thuốc này, nhưng ông Toàn và gia đình vẫn phải sống chung với thuốc độc.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Trị, hiện toàn tỉnh còn 52 điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có mức độ ô nhiễm phổ biến gấp hàng trăm đến hàng triệu lần mức cho phép nằm ngay giữa khu dân cư, trường học.
Như kho thuốc cạnh nhà chị Nhung ở trên có chỉ tiêu DDT vượt hơn 2,1 triệu lần, kho thuốc gần nhà ông Trần Toàn có chỉ tiêu DDT vượt 125.000 lần, kho thuốc ở khóm 3A (thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa) còn một tấn thuốc trừ sâu 666 chôn sâu trong lòng đất. Điểm có chỉ tiêu DDT thấp nhất là vượt 1,4 lần.
Kho thuốc của HTX Duy Hòa (xã Triệu Hòa, Triệu Phong) còn 15 kg thuốc Falizan trên bề mặt. Ảnh: Hoàng Táo.
Đó là các kho thuốc bảo vệ thực vật của HTX nông nghiệp, chứa các loại thuốc nguy hiểm như DDT, 666, vonfatoc... chủ yếu được sử dụng trong giai đoạn bao cấp, nay dù đã bị đập bỏ, không sử dụng nhưng còn tồn dư chất độc rất cao. Phần lớn kho này nằm ở khu vực nông thôn, nơi người dân sử dụng nguồn nước ngầm để ăn uống, sinh hoạt.
Theo ghi nhận của VnExpress, tại các kho thuốc này chưa có biển cấm hay cảnh báo nguy hiểm cho người dân.
“Dự kiến kinh phí xử lý các điểm này là 134 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn đến năm 2025. Sở vừa có văn bản gửi Tổng cục Môi trường đề nghị đưa 52 điểm này vào danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để được cấp vốn xử lý”, ông Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường nói.
Theo ông Lợi, các loại thuốc này ngấm vào đất, ảnh hưởng đến nước ngầm và không khí một cách âm thầm chứ không tức thời. Trong khi chờ xử lý, ngày 17/11, Sở Tài nguyên Quảng Trị mới có công văn gửi các địa phương để cảnh báo không sinh sống hoặc di dời các hộ dân, không khoan đào giếng, hạn chế sử dụng nước ngầm, cắm biển cảnh báo… tại các điểm ô nhiễm này.
Người dân sử dụng nước ngầm để sinh hoạt, ăn uống cạnh kho thuốc trừ sâu, nhưng chưa nhận được cảnh báo của chính quyền. Ảnh: Hoàng Táo.
Về phía người dân đang sống cạnh những kho thuốc "tử thần", họ mong muốn ngành chức năng sớm công bố rõ thông tin đồng thời có hướng dẫn phòng tránh và sớm xử lý.
Theo: Hoàng Táo - VEXP