Viện KSND tối cao vừa ra cáo trạng số 49/VKSTC-V1A truy tố sáu bị can nguyên là sĩ quan công an ở TP Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên phạm tội “dùng nhục hình” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Năm nguyên sĩ quan công an tại phiên tòa xét xử phúc thẩm tội “dùng nhục hình” hồi tháng 7-2014 (từ trái sang): Nguyễn Thân Thảo Thành, Đỗ Như Huy, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang - Ảnh: DUY THANH
Cụ thể, bị can Lê Đức Hoàn (51 tuổi, nguyên thượng tá, phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa) bị khởi tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2, Điều 285 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ ba năm đến 12 năm tù.
Các bị can bị truy tố tội “dùng nhục hình” theo khoản 3, Điều 298 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ năm năm đến 12 năm tù. gồm:
- Nguyễn Thân Thảo Thành (30 tuổi, nguyên thiếu úy, nguyên cán bộ điều tra Công an TP Tuy Hòa),
- Nguyễn Tấn Quang (39 tuổi, nguyên thiếu tá, nguyên điều tra viên Công an TP Tuy Hòa),
- Đỗ Như Huy (29 tuổi, nguyên trung úy, nguyên trinh sát viên Công an TP Tuy Hòa)
- Nguyễn Minh Quyền (42 tuổi, nguyên thiếu tá, nguyên phó đội trưởng trinh sát địa bàn Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên - PC45)
Thay phiên đánh đập, không cho ăn
Theo cáo trạng, ông Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) là đối tượng tình nghi trong chuyên án trộm cắp tài sản (bí số 312T) do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa thụ lý, ông Lê Đức Hoàn là trưởng ban chuyên án.
Chiều 12-5-2012, Lê Đức Hoàn chỉ đạo lực lượng của Công an TP Tuy Hòa phối hợp với Công an huyện Tây Hòa đến nhà Kiều kiểm tra, giám sát, mời Kiều về làm việc nhưng ông này không có ở nhà.
Khoảng 3g15 ngày 13-5-2012, bảy công an TP Tuy Hòa, huyện Tây Hòa và xã Hòa Đồng đã ập vào nhà, áp giải, còng tay Kiều đưa về Công an xã Hòa Đồng.
Đến 8g ngày 13-5-2012, Lê Đức Hoàn phân công Quyền, Mẫn xét hỏi Kiều tại phòng làm việc của Đội điều tra tổng hợp Công an TP Tuy Hòa. Mẫn dùng còng số tám còng một tay Kiều vào thành ghế ngồi.
Khoảng 9g30 cùng ngày, do Kiều không khai nhận cùng đồng bọn trộm cắp tài sản nên Mẫn và Quyền dùng gậy cao su đánh nhiều cái vào bắp đùi, cẳng chân Kiều.
Khoảng 10g30, Huy được Lê Đức Hoàn phân công đến phòng xét hỏi Kiều để đối chiếu lời khai của Ngô Thanh Sơn (đối tượng cùng đi trộm với Kiều, đã bị công an bắt trước đó). Do Kiều không trả lời, thái độ bất hợp tác, Huy dùng gậy cao su đánh vào đùi của Kiều rồi ra ngoài.
Hơn 11g cùng ngày, Quang hết ca trực ban ở cổng cơ quan Công an TP Tuy Hòa, đã vào phòng xét hỏi. Quang dùng còng số tám còng cả hai tay Kiều ngoặt ra phía sau ghế ngồi.
Khi Quang hỏi về các vụ trộm, Kiều không trả lời nên Quang dùng gậy cao su đánh vào chân Kiều nhiều cái, dùng chân đạp vào còng đang còng tay Kiều, rồi bỏ ra ngoài, để Mẫn và Quyền tiếp tục làm việc.
Đến khoảng 12g cùng ngày, Thành được ông Nguyễn Trần Nguyên Phúc (đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa) phân công canh giữ Kiều để Quyền và Mẫn đi ăn cơm trưa.
13g cùng ngày, Thành hỏi về việc trộm cắp nhưng Kiều không trả lời nên công an này đã dùng gậy cao su đánh 2-3 cái vào đầu Kiều theo hướng từ trên xuống.
Hơn 14g cùng ngày, Lê Đức Hoàn chỉ đạo Mẫn, Thành và Đặng Quốc Bảo (công an TP Tuy Hòa) dẫn giải Kiều lên PC45 Công an tỉnh Phú Yên để làm việc.
Tại đây, thấy Kiều tái nhợt nên ông Hồ Tấn Thắng - phó phòng PC45 - chỉ đạo đưa Kiều đến bệnh xá Công an tỉnh Phú Yên khám.
Lúc 17g40 cùng ngày, do sức khỏe Kiều quá yếu nên bệnh xá chuyển Kiều đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên cấp cứu, song nạn nhân được xác định đã tử vong ngoại viện.
Quá trình điều tra xác định Kiều bị còng tay từ 8g-14g ngày 13-5-2012 và cả ngày hôm đó Kiều không được ăn.
Trưởng ban chuyên án thiếu kiểm tra, thiếu sâu sát
Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Phú Yên xác định, trên cơ thể Ngô Thanh Kiều có tổng cộng 63 vết thương, trong đó vùng đầu có ba vết thương.
Nguyên nhân chết của Kiều là “do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm trên cơ địa viêm phổi; vết thương do vật tày không có cạnh gây nên”.
Cáo trạng cũng cho biết, quá trình điều tra, các bị can Hoàn, Quang, Mẫn, Quyền, Huy khai nhận hành vi phạm tội phù hợp với kết luận giám định và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Riêng Thành khai không đánh Kiều, nhưng căn cứ lời khai các nhân chứng, biên bản nhận dạng, kết quả thực nghiệm điều tra… có đủ căn cứ xác định trong quá trình canh giữ, Thành đã dùng gậy cao su đánh Kiều.
Theo cáo trạng, dù các bị can Thành, Quang, Quyền, Mẫn, Huy không bàn bạc với nhau, nhưng biết rõ hành vi của mỗi người và tiếp nhận ý chí khi dùng nhục hình với Kiều nên phải cùng chịu trách nhiệm về hậu quả gây tử vong đối với ông này.
Lê Đức Hoàn là người có trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ hoạt động ban chuyên án 312T, nhưng không thực hiện đầy đủ qui định của pháp luật tố tụng hình sự, thiếu kiểm tra, không sâu sát trong quá trình điều tra viên và cán bộ cấp dưới làm việc với Kiều, để xảy ra việc dùng nhục hình, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là Kiều chết.
Ông Lê Đức Hoàn, nguyên thượng tá, nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, đến phiên tòa phúc thẩm hôm tháng 7-2014 với tư cách nhân chứng - Ảnh: DUY THANH
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, trong vụ án này, ban đầu Viện KSND TP Tuy Hòa chỉ truy tố năm bị can Thành, Mẫn, Quyền, Quang, Huy tội “dùng nhục hình” nhưng với các khoản nặng, nhẹ khác nhau, TAND TP Tuy Hòa xét xử vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2014, chỉ phạt các bị cáo từ một năm tù cho hưởng án treo đến năm năm tù giam.
Sau khi dư luận phản ứng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các cơ quan tố tụng trung ương kiểm tra, chỉ đạo xử lý vụ án đúng qui định pháp luật, Viện KSND tỉnh Phú Yên mới có kháng nghị phúc thẩm.
Ngày 9-7, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tháng 9-2014, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố bổ sung vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tiếp đó khởi tố bị can đối với ông Lê Đức Hoàn.
Ngoài bị can Thành bị bắt tạm giam từ ngày 15-1-2013, năm bị cáo còn lại đều được tại ngoại.
Có dấu hiệu “bắt giữ người trái pháp luật”, nhưng xử lý kỷ luật là thỏa đáng
Cáo trạng nêu: đối với việc bắt giữ, dẫn giải Kiều ngày 13-5-2012 tại nhà riêng rồi dẫn giải về Công an xã Hòa Đồng, sau đó đưa về trụ sở Công an TP Tuy Hòa để làm việc của một số cán bộ công an nhưng không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền là có dấu hiệp của tội “bắt giữ người trái pháp luật”.
“Tuy nhiên, do tính cấp thiết cần phải đấu tranh, khai thác của chuyên án và tại thời điểm này, có căn cứ xác định Kiều là đồng phạm trong vụ trộm cắp tài sản cùng Sơn, Cường. Kiều là đối tượng có tiền án, tiền sự, sau khi gây án đã bỏ trốn” - cáo trạng viết.
Cũng theo cáo trạng, vì TAND tỉnh Phú Yên vào ngày 20-3-2013 xác định Kiều cùng Sơn, Cường thực hiện nhiều vụ trộm, có giá trị tài sản trên 887 triệu đồng, nên Sơn và Cường bị phạt tù, còn Kiều đã chết nên không đề cập xử lý.
“Vì vậy, việc bắt giữ Kiều là cần thiết, chỉ vi phạm về thủ tục tố tụng. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao kiến nghị giám đốc Công an tỉnh Phú Yên xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ công an là thỏa đáng” - cáo trạng nêu.
Theo: Duy Thanh - TT