Nếu hỏi người dân quan tâm nhất về Chính phủ ở điều gì, chắc chắn đa số người sẽ nói họ muốn biết rõ tiền ngân sách, tức là tiền của dân, được thu chi ra sao. Mối quan tâm này mang tính phổ quát, bất kể quốc gia nào, châu lục nào, thể chế chính trị ra sao.
Hơn nữa, tiền dân nhưng do một nhóm nhỏ quyết định việc thu, chi và ở đâu sự minh bạch về ngân sách thấp, ở đó mối nghi ngại về nó càng cao. Bởi thu chi ngân sách liên quan mật thiết đến nạn tham nhũng, lãng phí (nếu quản lý không tốt), đến lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, địa phương, (nếu để nhóm lợi ích có cơ hội can dự vào việc lập pháp và hành pháp), đến việc đầu tư cào bằng, dàn trải, thậm chí lãng phí (nếu phân bổ không khoa học, bình quân chủ nghĩa).
Chúng ta đã có bao nhiêu ví dụ về sự kém hiệu quả, dàn trải, hiệu quả thấp hoặc tham nhũng, lãng phí liên quan đến các hoạt động đầu tư công và thu chi ngân sách. Tuy nhiên, cho dù xã hội liên tục lên tiếng về đòi hỏi minh bạch liên quan đến chuyện tài chính, thu chi của các cơ quan công quyền thì vẫn còn đó nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nội chỉ một xã, phường, đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất, chuyện khuất tất trong thu chi tài chính cũng hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí diễn ra nhiều năm. Báo chí vừa dẫn ra ví dụ, ban điều hành một khối phố, đơn vị dưới cấp phường trong vòng hơn 10 năm thu tiền của những người bán hàng rong trên vỉa hè mà khi được hỏi tới thì lãnh đạo phường không ai rõ tiền được thu, chi ra sao, nộp vào ngân sách thế nào hay rơi vào túi ai. Cán bộ phường, trưởng khối phố đi thu đủ các loại khoản tiền, từ quỹ an ninh, quỹ phòng chống bão lụt, quỹ xóa đói giảm nghèo… mà nhập nhằng giữa những khoản bắt buộc và khoản tự nguyện, thu tiền rồi ghi vào sổ, không biên lai, chứng từ…
Ở cấp hành chính nhỏ nhất mà còn như thế thì căn cứ vào đâu để người dân có thể an tâm tin tưởng những đồng tiền đóng thuế của mình được quản lý tốt, thu hợp tình, chi hợp lý, không có tham ô, lãng phí? Quốc hội đang bàn sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước với hàng loạt vấn đề đặt ra, cho thấy những bất cập của một bộ luật quan trọng, đã tồn tại cả chục năm nay. Về lý thuyết, người dân được quyền biết, quyền bàn, quyền kiểm tra, giám sát về chuyện thu chi ngân sách thông qua đại diện là các đại biểu Quốc hội. Nhưng nếu đại biểu Quốc hôi chỉ quyết với những khoản chi “đã rồi” như bấy nay thì không thể nói vai trò giám sát của Quốc hội đã được phát huy đầy đủ. Thêm nữa, trên thế giới có nhiều mô hình quản lý, giám sát ngân sách tốt mà Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo.
Vấn đề ở đây là một “quyết tâm chính trị”, không chỉ trong việc xây dựng một cơ chế thu chi, giám sát khoa học, minh bạch, mà lớn hơn là việc lấy quyền và lợi ích của người dân làm trung tâm, kim chỉ nam cho mọi quyết sách.