Tiền “bẩn” đe dọa các nước đang phát triển
Tội phạm và nạn tham nhũng cướp đi gần 1.000 tỉ USD mỗi năm từ các quốc gia nghèo và có thu nhập trung bình, theo báo cáo của tổ chức Liêm chính Tài chính toàn cầu (GFI) ngày 15-12.
GFI cho biết tính riêng năm 2012, 991 tỉ USD đã “chạy” khỏi 151 nước đang phát triển, tăng gần 5% so với 1 năm trước. Từ năm 2003 đến 2012, tổng số tiền các nước đang phát triển bị mất lên tới 6.600 tỉ USD. Hằng năm, số tiền các nước đang phát triển thiệt hại vì tội phạm và tham nhũng tăng 9,4%, gấp đôi tỉ lệ tăng trưởng GDP toàn cầu. Cũng theo báo cáo thường niên nói trên, Trung Quốc, Nga, Mexico, Ấn Độ và Malaysia là những nước có dòng tiền “bẩn” (tiền thu được từ hoạt động kinh doanh mờ ám, tội phạm và tham nhũng) chảy ra nước ngoài nhiều nhất trong năm 2012 cũng như trong thập kỷ qua. Ngoài ra, theo Reuters, châu Á là khu vực có dòng tiền “bẩn” trôi đi lớn nhất trong giai đoạn nói trên, chiếm 40,3% toàn cầu.
Chủ tịch GFI Raymond Baker cho biết con số gần 1.000 tỉ USD nêu trên vẫn chưa phản ánh đúng thực tế, dù vậy cũng đã cao hơn gấp 10 lần so với tổng số tiền viện trợ nước ngoài mà các nước đang phát triển nhận được. Ông mô tả sự gia tăng của tiền “bẩn” là “đáng báo động” bởi con số này năm 2003 chỉ khoảng 297 tỉ USD. “Dòng tiền “bẩn” là vấn đề kinh tế nghiêm trọng nhất đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Chúng ta không thể đạt được sự phát triển toàn cầu bền vững nếu các nhà lãnh đạo thế giới không quan tâm giải quyết vấn đề này” - ông Baker nhận định.
Ông Baker kêu gọi Liên Hiệp Quốc thực hiện các biện pháp nhằm giảm 50% dòng tiền “bẩn” chảy khỏi các nước đang phát triển vào năm 2030. Ông Joseph Spanjers, một trong các tác giả báo cáo, cho rằng nếu được đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ, dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng, số tiền 1.000 tỉ USD thiệt hại trong năm 2012 “đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và tăng công quỹ”.
-------------------------
Giá dầu tụt dốc có thể do giới đầu cơ thao túng
Tổng thư ký OPEC một lần nữa khẳng định giá dầu tụt dốc không hẳn phản ánh chính xác quy luật cung - cầu mà có thể đã bị nạn đầu cơ thao túng.
Hôm qua (14-12), tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khẳng định không cắt giảm sản lượng dầu.
Theo Reuters, trong cuộc họp tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), tổng thư ký Abdullah al-Badri vẫn khẳng định các nước thành viên OPEC sẽ tiếp tục duy trì sản lượng 30 triệu thùng dầu mỗi ngày bất chấp việc giá dầu chạm đáy trong năm năm qua (ở mức 62 USD/thùng dầu thô Brent).
Tổng thư ký OPEC khẳng định: “Chúng tôi nhất trí cho rằng việc tiếp tục duy trì mức sản lượng này là rất quan trọng trong thời gian tới. Quyết định này được đưa ra trên cơ sở đồng thuận của tất cả bộ trưởng các nước. Mọi việc sẽ cứ thế tiến hành”.
Phản ứng trước thực trạng giá dầu giảm khoảng 40% (từ mức dao động quanh 110 USD/thùng xuống mức dao động xung quanh 68 USD/thùng), thị trường cổ phiếu toàn khu vực Trung Đông cũng giảm đáng kể từ cuối tuần rồi.
Tuy nhiên ông al-Badri cho rằng việc giá dầu thô tụt dốc nhanh chóng như vậy rất đáng ngờ. Theo ông, chỉ với việc tăng thêm một chút nguồn cung đã dẫn tới mức tụt giá lớn như vậy thì chắc chắn có sự thao túng của giới đầu cơ.
Cũng trong cuộc họp hôm qua tại Dubai, ông al-Badri kêu gọi các quốc gia vùng Vịnh tiếp tục đầu tư vào quá trình khai thác và sản xuất dầu. Ông cũng cho rằng Mỹ còn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ ở Trung Đông trong nhiều năm nữa.
Ngoài ra, ông al-Badri cho biết OPEC sẽ tìm kiếm một mức giá phù hợp để thỏa mãn cả người bán lẫn người mua.
-------------------------
Kiều hối về nhiều
Tuy lãi suất tiền gửi USD giảm từ 2%/năm còn 0,75%/năm, tỉ giá USD/VNĐ biến động không đáng kể nhưng lượng kiều hối về Việt Nam vẫn tiếp tục tăng
Ngân hàng (NH) Thế giới nhận định năm 2014, Việt Nam tiếp tục là 1 trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới, dự kiến đạt hơn 12 tỉ USD.
Mạng lưới chi trả rộng khắp
NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết chỉ riêng trên địa bàn TP, lượng kiều hối chuyển về thông qua các NH thương mại và tổ chức kinh tế 11 tháng qua ước đạt khoảng 4,4 tỉ USD và dự báo cả năm sẽ đạt trên 5 tỉ USD.
Trong 3 năm gần đây, lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng: năm 2011 là 9 tỉ USD, năm 2012 là 10 tỉ USD và năm 2013 đạt 11 tỉ USD. NH Nhà nước cho rằng lượng kiều hối chuyển về nước tăng qua các năm gần đây chủ yếu do chính sách thông thoáng của Chính phủ và của từng NH thương mại đã khuyến khích người Việt Nam chuyển tiền về nước. Các dịch vụ chuyển tiền và chi trả kiều hối được thực hiện qua nhiều kênh như hệ thống NH thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan, bưu điện… tạo thuận lợi cho hoạt động gửi tiền về nước của người Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng một trong nhiều yếu tố then chốt “hút” kiều hối về nhiều là do số lượng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng, hình thành các cộng đồng người Việt Nam tại một số địa bàn mới ở châu Á, Trung Đông, châu Phi. Đặc biệt, số lượng lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định lên đến 500.000 người. Mặt khác, các NH thương mại cũng gia tăng liên kết với NH nước ngoài, công ty kiều hối cung cấp dịch vụ chuyển tiền với mạng lưới rộng lớn, góp phần gia tăng lượng kiều hối chuyển về nước.
Đơn cử, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) kết nối với tổ chức Prabhu Group Inc cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ Mỹ, Canada, Úc, ASEAN và Trung Đông về Việt Nam. Eximbank còn hợp tác với Kookmin Bank và Woori Bank triển khai dịch vụ chuyển tiền cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. NH Á Châu (ACB) cũng mở rộng kênh nhận kiều hối từ tổ chức chuyển tiền quốc tế Western Union thông qua ACB online. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) kết nối với hơn 200.000 đại lý của MoneyGram để kiều bào thuận lợi hơn khi gửi tiền về nước...
Chảy vào sản xuất, bất động sản
Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng các quy định không hạn chế số lượng tiền, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập cá nhân, không bị bắt buộc phải bán ngoại tệ cho NH, người Việt Nam ở nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi mua nhà ở và đầu tư trong nước góp phần rất lớn cho việc thu hút kiều hối.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2014 tập trung từ các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Á (các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản). Trong đó, lượng kiều hối từ thị trường châu Á tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỉ trọng 5,2% tổng lượng kiều hối.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), cho biết lượng kiều hối về NH này chiếm khoảng 15%-17% thị phần, tập trung ở TP HCM, Tây Ninh, Hà Nội... Vietcombank cũng cho hay đến hết quý III/2014, doanh số kiều hối đạt trên 1,2 tỉ USD. Dự kiến năm 2014, lượng kiều hối chuyển về nước thông qua Vietcombank đạt 1,4 tỉ USD, chiếm khoảng 11,6% thị phần.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc có phần đóng góp từ dòng tiền kiều hối. Báo cáo của NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho thấy có đến 74,2% lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 21,8% chảy vào lĩnh vực bất động sản (tăng gần 1% so với cùng kỳ) và 4% còn lại là gửi về trợ giúp cho người thân.
-------------------------