Phúc thẩm vụ siêu lừa Huyền Như: Các ngân hàng “đá” nhau
Sáng 16-12, tại phiên tòa phúc thẩm vụ "siêu lừa" Huyền Như, trong phần thẩm vấn các ngân hàng về các thủ tục, pháp quy của ngành ngân hàng, các ngân hàng "đá" nhau về các quy định này.
Sáng 16-12, HĐXX tiếp tục ngày làm việc thứ 2 phiên phúc thẩm hình sự vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978), cùng đồng phạm can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”; “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Cho vay lãi nặng”.
Tại tòa hầu hết các bị cáo đều giữ nguyên kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP HCM vào tháng 1-2014. Riêng bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên (SN 1975), bị TAND TP HCM xử 11 năm tù, chỉ xin giảm án, chứ không kháng cáo toàn bộ bản án như trước.
Mở đầu phần xét hỏi, HĐXX hỏi Như nội dung kháng cáo. Như cho biết chỉ kháng cáo xin được giải tỏa kê biên và trả lại căn biệt thự H2 The Nam Hai thuộc khu Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Lang, không kháng cáo về các tội danh mà tòa đã kết án.
Trong buổi sáng, HĐXX tập trung xoáy vào hàng loạt câu hỏi về nghiệp vụ ngân hàng và các thủ tục, văn bản quy định của ngành ngân hàng.
Theo bị cáo Như, không có quy định nào cho phép ngân hàng đem tài sản của mình thông qua cá nhân hoặc trực tiếp gửi tiền sang ngân hàng khác để hưởng lợi.
Ngược với câu trả lời của Như, đại diện ngân hàng ACB lại cho rằng: “Theo quy định các tổ chức tín dụng được quyền gửi tiền cho nhau. Luật tổ chức tín dụng năm 2011 cho phép ủy thác. Còn đúng sai do HĐXX xem xét”.
Đồng quan điểm với ACB, đại diện ngân hàng Nam Việt (NaviBank), cho rằng giữa các tổ chức tín dụng được phép ủy thác và thông qua cá nhân thì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đại diện VietinBank khẳng định không có bất kỳ quy định nào cho phép ngân hàng này gửi tiền của mình qua ngân hàng khác để hưởng lợi.
Đại diện một ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi được hỏi: “Với tư cách đại diện ngân hàng Nhà nước, quan điểm thế nào về câu hỏi nêu trên trong khi bị cáo Như và VietinBank trả lời giống nhau, còn ngân hàng ACB và NaviBank giống nhau”? vị này không trả lời được câu hỏi nêu trên mà đưa ra các điều khoản, quy định, thông tư khiến HĐXX ngắt và yêu cầu trả lời đúng trọng tâm.
Về trách nhiệm của ngân hàng khi khách hàng bị giả chữ ký, đại diện VietinBank, cho rằng để biết quy trình có ngược hay không là nằm trong quy trình kiểm tra, kiểm soát (định kỳ: 3-6 tháng/lần, đột xuất). Vụ Huyền Như xảy ra từ tháng 6-2011 đến tháng 9-2011. Trước đó, có thực hiện kiểm tra định kỳ nhưng không phát hiện được vì quy trình kiểm tra chọn ngẫu nhiên (do quá nhiều giao dịch), thông qua ngẫu nhiên không thể phát hiện được ngay. (Người Lao động)
-------------------------
Lừa để trả vay nặng lãi (!?)
Ngày 15-12, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng Công Thương Việt Nam - VietinBank - Chi nhánh TP HCM) cùng các đồng phạm can tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Cho vay lãi nặng”.
Làm thủ tục mất cả ngày
Do số lượng bị cáo khá đông, bản án sơ thẩm dài nên phần thủ tục (điểm danh, đọc bản án sơ thẩm) cũng mất cả ngày.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2007, khi còn làm cán bộ tín dụng của VietinBank Chi nhánh TP HCM, Huyền Như đã vay trên 200 tỉ đồng từ nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân để kinh doanh bất động sản. Năm 2010, do mất khả năng trả nợ nên từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, lợi dụng chức vụ Phó Phòng Quản lý rủi ro VietinBank Chi nhánh TP HCM, Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu của các đơn vị rồi dùng nó làm giả các giấy tờ, chứng từ hợp đồng nhằm huy động tiền của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân, chiếm đoạt trên 3.900 tỉ đồng. Hầu hết số tiền chiếm đoạt, Như dùng để trả các đối tượng cho vay nặng lãi.
Sau khi bị phát hiện những hành vi phạm tội nêu trên, đến tháng 9-2011, Huyền Như cùng 22 người khác bị bắt tạm giam, khởi tố với nhiều tội danh. Đến tháng 1-2014, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Huyền Như chung thân về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Không mong giảm tội, chỉ xin trả biệt thự
Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, ngày 9-2, Huyền Như kháng cáo xin được giải tỏa kê biên và trả lại cho mẹ là bà Nguyễn Thị Lang căn biệt thự H2 The Nam Hai thuộc khu Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ngày 11-2, Viện trưởng VKSND TP HCM có kháng nghị tăng hình phạt đối với 2 bị cáo Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, 20 năm tù) và Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) vì án sơ thẩm tuyên còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của họ. Ngoài ra, 20 bị cáo trong vụ án cũng kháng cáo kêu oan, xin hưởng án treo, xem xét lại tội danh và hình phạt.
Trong ngày đầu của phiên xử phúc thẩm, 8 luật sư đề nghị HĐXX triệu tập đến tòa những nguyên lãnh đạo các ngân hàng TMCP Á Châu, VietinBank Chi nhánh TP HCM; 17 cá nhân đã nhận tiền của Huyền Như; tiếp xúc với bị cáo Võ Anh Tuấn... Sau khi nghe ý kiến của vị đại diện VKSND Tối cao, HĐXX cho rằng việc triệu tập những nguyên lãnh đạo của 2 ngân hàng và 17 cá nhân nêu trên là không cần thiết.
Qua thống kê, có 32 kháng cáo của 9 nguyên đơn dân sự và 23 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã đề nghị HĐXX sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc VietinBank phải cùng các bị cáo trả lại số tiền trên 3.900 tỉ đồng đã chuyển vào tài khoản được mở tại ngân hàng này. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 31-12.
----------------------------------
Tội danh của 22 bị cáo còn lại
Các bị cáo cùng chung tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Võ Anh Tuấn (20 năm tù), Huỳnh Mỹ Hạnh (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hoàng Khải, 14 năm tù), Trần Thị Tố Quyên (SN 1980, nhân viên Công ty CP Đầu tư Hoàng Khải, 14 năm tù).
Nhóm phạm tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gồm: Huỳnh Hữu Danh (SN 1981, nhân viên ngân hàng TMCP Quốc tế Chi nhánh TP HCM, 17 năm tù), Tống Nguyên Dũng (SN 1987, 15 năm tù), Bùi Ngọc Quyên (SN 1981, 14 năm tù), Hoàng Hương Giang (SN 1987, 8 năm tù), Phạm Thị Tuyết Anh (SN 1981, 15 năm tù), Đoàn Lê Du (SN 1980, 17 năm tù), Huỳnh Trung Chí (SN 1987, 15 năm tù), Vũ Nguyễn Xuân Tiên (SN 1975, 11 năm tù), Nguyễn Thị Phúc Ngân (SN 1982,15 năm tù), đều là nhân viên hoặc cán bộ VietinBank.
Nhóm phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Lương Thị Việt Yên (SN 1973, 7 năm tù), Hồ Hải Sỹ (SN 1983, 6 năm tù) và Lê Thị Ngọc Lợi (SN 1987, 4 năm tù), đều là nhân viên VietinBank.
Nhóm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cho vay lãi nặng”, gồm: Đào Thị Tuyết Dung (12 năm tù) và Nguyễn Thị Lành (SN 1962, nguyên Phó Giám đốc Công ty CPĐT Phương Đông, 9 năm tù).
Nhóm phạm tội “Cho vay lãi nặng”, gồm: Nguyễn Thiên Lý (SN 1975, 6 năm tù), Hùng Mỹ Phương (tức A Phóng, SN 1974, 26 tháng 10 ngày tù giam và được trả tự do tại phiên sơ thẩm) và Phạm Văn Chí (SN 1977, 1 năm tù cho hưởng án treo).
Riêng bị cáo Phạm Anh Tuấn (SN 1977, nguyên Giám đốc Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương) bị tuyên 14 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
-------------------------