Vụ lật thuyền chở ngao 6 người chết: Quần áo bảo hộ kéo chết nạn nhân
Tới chiều 16.12, lực lượng công an vẫn đang tiến hành khám nghiệm chiếc thuyền chở ngao bị lật làm 3 người gặp nạn, trong đó có 6 người chết tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Trước đó, vào trưa cùng ngày, chiếc thuyền đã được lực lượng chức năng trục vớt kéo về khu vực bến cảng cá xã Nam Thịnh để tiến hành khám nghiệm. Chiếc thuyền ọp ẹp này đã chở hơn 1 tấn ngao, 13 người đi từ bãi ngao (cách bờ khoảng 3 km). Khi chiếc thuyền này chỉ còn khoảng 500 m sẽ vào bờ thì gặp nạn.
Ngay trong sáng 16.12, lực lượng chức năng đã vớt được toàn bộ 6 thi thể nạn nhân vụ chìm thuyền chở ngao. Khi được vớt lên, cả 6 nạn nhân đều còn mặc nguyên những bộ đồ nilon ủng liền quần áo. Bộ đồ này có tác dụng chống nước, giữ nhiệt, chống hà cứa khi người lao động thu hoạch ngao. Tuy vậy, khi xảy ra tai nạn, những bộ đồ này vướng víu, tràn nước khiến họ không thể bơi.
Ông Trần Mạnh Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải- cho biết: Nguyên nhân bước đầu của vụ tai nạn được xác định là đầu bao chân vịt của chiếc thuyền bị thủng. Theo những người sống sót kể lại thì bình thường họ đều đi đường bộ ra khai thác ngao rồi trở về cũng bằng đường bộ. Đêm hôm qua (15.12) trời quá lạnh nên họ quyết định chờ thủy triều lên để đi thuyền về.
Khi thuyền chỉ còn cách bờ khoảng vài trăm mét thì phát hiện thuyền bị tràn nước. Mọi người trên thuyền đã cố gắng bịt lỗ thủng nhưng không thành. Giữa đêm tối, họ chỉ biết cố gắng bơi, thực tế nơi chiếc thuyền chìm chỉ cần bơi vài chục mét là tới vùng nước nông có thể đứng để đi vào bờ. Tuy vậy, trong đêm tối, nhiều người lại bơi ra xa bờ và tử vong.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng cùng người dân đã điều tàu, thuyền ra ứng đưa được 7 người vào bờ. 6 người không cứu được, lực lượng chức năng phải tổ chức lưỡi rê, thả lưới để tìm kiếm xác.
Một cán bộ phiên phòng Thái Bình cho biết: Khi được vớt lên, cả 6 nạn nhân đều mặc các bộ đồ bảo hộ liền ủng, quần, áo yếm. Đây là dụng cụ mà người làm nghề khai thác ngao thường mặc vì chúng có tác dụng giữ nhiệt, chống nước tràn vào người và chống con hà cứa chân. Tuy nhiên, khi bị chìm tàu, nước sẽ tràn từ cổ xuống khiến nạn nhân trở nên nặng nề hơn rất nhiều, rất khó có thể bơi. Bên cạnh nguyên nhân này, thời tiết lạnh cóng và thời điểm ban đêm là những nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của các nạn nhân.
Theo ghi nhận của Lao Động tại hiện trường, con thuyền này không hề có bất cứ một dụng cụ bảo hộ, phao cứu sinh nào. Một cán bộ biên phòng cho biết: Đây chỉ là những phương tiện người dân tự đóng, có công suất dưới 30 CV nên lực lượng biên phòng không quản lý.
Ông Trần Mạnh Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh cho biết: Những người tử nạn làm thuê cho đầm nuôi ngao của ông Trương Văn Đỉnh ở thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh. Ông Dũng cũng cho biết trên địa bàn xã có hơn 1.500ha nuôi ngao trải dài khoảng 6,5 km bờ biển giáp ranh với 2 xã Đông Minh và Nam Hưng (huyện Tiền Hải). Trên địa bàn xã từng xảy ra một số vụ đắm tàu nhưng đây là vụ tai nạn thương tâm nhất.
-------------------------
Một người đàn ông để lại bé trai 9 tuổi trên cầu rồi nhảy xuống sông
Khoảng 10 giờ sáng nay (15.12), một người đàn ông ngoài 30 tuổi để lại một bé trai trên cầu Phú Xuân rồi lao mình xuống sông Hương.
Theo anh Nguyễn Văn Thăng, ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, người chứng kiến vụ nhảy cầu, vào thời điểm nói trên, anh có việc đi ngang cầu Phú Xuân thì thấy người thanh niên và cháu bé có dấu hiệu bất thường nên dừng xe lại quan sát. Nhưng chỉ trong tích tắc người thanh niên đã lao xuống sông Hương.
Ngay sau vụ việc xảy ra, lực lượng Công an phường Phú Hòa, TP.Huế đã có mặt tại hiện trường và đưa cháu bé nói trên về chăm sóc và xác minh tại trụ sở Công an phường.
Theo lời cháu bé kể lại với mọi người, em tên là Nguyễn Thanh Sơn, năm nay 9 tuổi. Bố em tên là Nguyễn Thanh Hải, năm nay 35 tuổi. Hai bố con quê ở Quảng Bình, đã vào TP.Huế thuê trọ tại đường Bùi Thị Xuân (phường Đúc) và đường Hải Triều (phường An Cựu) thuê trọ ở 3 năm nay.
Sáng cùng ngày, anh Hải thuê taxi đi đến cầu Phú Xuân rồi hai bố con xuống xe. Khi bé Sơn chưa biết chuyện gì thì bố của bé đã nhảy xuống sông.
Tại hiện trường, anh Hải để lại bên cạnh bé Sơn một chiếc vali có ghi tên của mình.
Hiện vụ việc đang được lực lượng chức trách xác minh, xử lý.
-------------------------
Va chạm với xe bồn, một thanh niên tử nạn
Khoảng 13 giờ 20 phút ngày 15.12, tại giao lộ Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Phan Chánh (thuộc phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe bồn và xe máy làm một thanh niên tử vong.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, anh Đỗ Trung Nghĩa (24 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) điều khiển xe máy biển kiểm soát 55X8-7893 lưu thông hướng quốc lộ 1A về khu chế xuất Tân Thuận. Khi đến giao lộ trên thì xe máy anh Nghĩa va chạm với xe bồn biển kiểm soát 57L-9008.
Mặc dù được người thân đưa đi cấp cứu sau đó nhưng anh Nghĩa không qua khỏi.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt phong tỏa hiện trường, điều tiết giao thông.
Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
-------------------------
5 thuyền viên mất tích ở vùng biển Bạc Liêu
Sáng nay 15.12, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (VMRCC) cho biết đang cùng lực lượng Biên phòng tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, tàu ngư dân khẩn trương tìm kiếm 5 thuyền viên bị mất tích ở vùng biển cửa Định An, Bạc Liêu.
Theo Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, trong 7 tàu cùng tham gia tìm kiếm các nạn nhân có 2 tàu SAR 413, SAR 272 của đơn vị này; 1 tàu BP 18.13.01 của Biên phòng Sóc Trăng; tàu BP 44.04.02 và tàu BP 44.07.01 của Biên phòng Bạc Liêu, cùng 2 tàu cá của ngư dân. Các phương tiện đang thực hiện tìm kiếm trên hiện trường theo kế hoạch được lập và phân chia thành các khu vực.
Các thuyền viên bị mất tích là Nguyễn Văn Tuấn ở Đắk Lắk, Nguyễn Văn Liễu, Nguyễn Văn Liễu, Nguyễn Văn Đồng cùng ở Hà Tĩnh và thuyền trưởng Nguyễn Văn Nam.
Trước đó, lúc 8 giờ 27 phút ngày 14.12, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhận được thông tin sà lan ĐN 0906 của Công ty Thượng Hải (trụ sở tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) gồm 5 thuyền viên, chở 1274 tấn cọc bê tông hành trình từ TP.HCM đến Bạc Liêu thì bị mắc cạn và mất liên lạc vào khoảng 11 giờ ngày 13.12, tại vị trí cách cửa sông Tranh Đề - cửa Định An khoảng 13 km. Thời tiết ở khu vực sà lan ĐN 0906 bị mất liên lạc có gió cấp 6, cấp 7.
Xác định tính chất nguy cấp của vụ việc, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã khẩn trương điều động tàu SAR 272 chạy từ Vũng Tàu để tìm kiếm cứu nạn 5 thuyền viên bị mất tích, mất liên lạc, rà soát khu vực cửa Định An - Bạc Liêu.
Đồng thời, trung tâm này cũng điều động tàu SAR 413 đang chốt chặn tại Hòn Chông - Kiên Giang chạy đến khu vực cửa Tranh Đề - cửa Định An để tham gia tìm kiếm.
Qua thông tin từ chủ sà lan có các thuyền viên bị mất tích, trước khi mất liên lạc, sà lan được hướng dẫn của công ty chạy vào cửa Định An.
-------------------------