2014: 66 nhà báo bị giết, 119 người bị bắt cóc
Trong năm 2014, tổng cộng có 66 nhà báo bị giết hại khi đang tác nghiệp, theo báo cáo vừa công bố hôm nay 16-12 của Tổ chức Nhà báo không biên giới (RWB).
So với năm ngoái thì số nhà báo thiệt mạng trong năm 2014 có giảm đôi chút (giảm 7%), tuy nhiên số nhà báo bị bắt cóc lại tăng vọt.
Syria vẫn là quốc gia nguy hiểm nhất với các nhà báo khi có đến 15 nhà báo bị sát hại. 7 nhà báo khác thiệt mạng khi đưa tin tình hình xung đột Trung Đông, 6 nhà báo thiệt mạng ở Ukraine, 4 ở Iraq và 4 tại Libya...
Theo RWB, tổng cộng có 119 nhà báo bị bắt cóc trong năm nay, đa số xảy ra ở Ukraine với 33 người, tiếp theo là Libya 29 người, Syria 27 người và Iraq 20 người...
Năm ngoái, tổng cộng có 87 nhà báo bị bắt cóc.
Năm 2014 cũng chứng kiến nhiều nhà báo bị bỏ tù vì nghề nghiệp của họ, với 29 nhà báo đang chấp hành án tù ở Trung Quốc, 28 ở Eritrea, 19 ở Iran, 16 ở Ai Cập, 13 ở Syria...
RWB cũng cảnh báo mức độ nghiêm trọng của các hành động bạo lực chống lại nhà báo, như tra tấn, cắt đầu... như vụ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff...
-------------------------
Pakistan thề "trả thù cho từng giọt máu"
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif sẽ trả thù cho từng giọt máu trẻ em phải chảy xuống trong vụ tấn công trường học ở Peshawar, khiến 132 em nhỏ và 9 giáo viên bị sát hại.
Pakistan đang chìm trong đau thương thắt lòng. 141 nạn nhân bắt đầu được chôn cất. Những người đưa tiễn đứng quanh các quan tài được phủ đầy hoa, nghẹn ngào không khóc nên lời. Trong khi đó, nhiều gia đình vẫn túc trực ở bệnh viện chờ tin tức của 125 người bị thương.
Thủ tướng Sharif thề sẽ báo thù cho "thảm kịch quốc gia do bọn dã man gây ra". Ông nói: "Chúng ta sẽ trả thù cho từng giọt máu mà con em chúng ta mất đi hôm nay" - ông nói hôm 16-12, sau khi chiến dịch của quân đội kết thúc. Tất cả 7 tay súng tấn công trường đều thiệt mạng, trong đó có 3 tên đánh bom tự sát.
Quân đội Pakistan đã bắt đầu chiến dịch đáp trả, theo đài BBC. Người phát ngôn quân đội Asim Bajwa thông báo trên Twitter rằng 10 cuộc không kích đã được tiến hành ở vùng Khyber song song với các chiến dịch khác.
Trong khi đó, những học sinh sống sót vẫn còn bàng hoàng với những ký ức giằng xé. Một học sinh tên Shahrukh Khan, 16 tuổi, bị một tay súng bắn trúng cả 2 chân nhưng may mắn thoát chết. Cậu kể lại các tay súng đã châm lửa đốt cô giáo của cậu và xả đạn vào các bạn học. Shahrukh nói cô giáo đã đóng cửa lớp học nhưng bị chúng phá cửa xông vào. Các tay súng xả đạn dồn dập vào chân và đầu của những đứa trẻ, trong tiếng la hét thảm thiết.
“Chúng cháu trốn sau tấm bảng. Họ bắn vào các bạn rồi châm lửa thiêu sống cô giáo. Chúng cháu không di chuyển vì ai cử động đều lãnh đạn. Cháu nhìn thấy cái chết đã cận kề và sẽ không bao giờ quên được hình ảnh những đôi bốt đen đang tiến lại gần” - Shahrukh kể với phóng viên.
Trong khoảnh khắc, hàng loạt thi thể nằm rải rác trên sàn nhà. Các tay súng chạy tới các phòng học khác và xả đạn vào bất cứ học sinh hoặc hoặc giáo viên nào chúng nhìn thấy. Một tay súng còn hét lên với đồng bọn về việc nhiều học sinh trốn dưới băng ghế. Nhiều học sinh là con cái của các quan chức quân đội Pakistan, mục tiêu chính của các tay súng Taliban.
Khi vụ nổ súng diễn ra, có khoảng 500 học sinh tuổi từ 10 - 16 trong trường học. Các nhân chứng cho biết các tay súng nói tiếng Ả Rập hoặc Farsi. 3 trong số 9 tay súng bị thổi bay khi một quả bom chúng mang theo phát nổ.
Một số học sinh bị chúng bắn tới 3-4 lần. Mudassar Abbas, trợ lý phòng thí nghiệm vật lý của trường, cho biết một nhóm sinh viên còn đang tổ chức ăn mừng ngay bên cạnh các phòng học mà nhóm tay súng ập vào.
Các nhà lãnh đạo thế giới đều lên án vụ tấn công do nhóm Taliban Pakistan gây ra. Ngay cả Taliban Afghanistan cũng chỉ trích. Ngày 17-12, trong một tuyên bố, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban Afghanistan nêu rõ: "Việc sát hại có chủ đích những người vô tội, trẻ em và phụ nữ là trái với giáo lý cơ bản của đạo Hồi và những tiêu chuẩn này cần được mọi đảng và chính quyền Hồi giáo suy xét tới".
Nhóm Taliban tại Pakistan tồn tại riêng biệt nhưng là đồng minh với Taliban tại Afghanistan. Cả hai nhóm đều có mục đích lật đổ chính quyền ở mỗi quốc gia và thành lập một nhà nước Hồi giáo.
-------------------------
Đánh bom tại Yemen, 15 nữ sinh thiệt mạng
Ít nhất 15 nữ sinh thiệt mạng trong vụ đánh bom trên xe buýt nhắm vào thủ lĩnh quân đội Hồi giáo Shiite hôm 16-12 (giờ địa phương).
Bộ trưởng Bộ quốc phòng Yemen mô tả đây là “cuộc tấn công khủng bố hèn hạ nhắm xe buýt của học sinh”.
Lực lượng an ninh cho biết một vụ nổ khác tại thị trấn Rada miền trung Yemen, gần nhà thủ lĩnh Shiite Abdallah Idriss, cũng khiến ít nhất 10 người thiệt mạng.
Theo một quan chức y tế, tổng cộng có ít nhất 25 người thiệt mạng trong cả hai vụ đánh bom trên.
Quan chức an ninh Yemen cho biết phương thức thực hiện các vụ đánh bom giống với cách tấn công của nhóm khủng bố Al-Qaeda.
Mỹ xem nhóm khủng bố Al-Qaeda tại Yemen, hay còn gọi là AQAP, là nhánh nguy hiểm nhất trong mạng lưới khủng bố toàn cầu.
Tổ chức cực đoan Hồi giáo Sunni AQAP chưa lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom trên. Tuy nhiên, hồi tháng 11-2014, thủ lĩnh Qassem al-Rimi của AQAP thề sẽ thực hiện các cuộc tấn công dã man nhắm vào lực lượng Hồi giáo Shiite.
Đất nước Yemen trở nên bất ổn kể từ khi các chiến binh Shiite khống chế được thủ đô Sanaa từ ngày 21-9-2014.
Nhóm này liên tục mở rộng sự hiện diện ở miền Tây và miền Trung Yemen. Việc mở rộng vấp phải sự phản ứng dữ dội của lực lượng Hồi giáo Sunni.
Thời gian qua liên tục diễn ra các vụ tàn sát binh sĩ Hồi giáo Shiite. AQAP lên tiếng nhận trách nhiệm một vài vụ tấn công.
-------------------------
Anh giải cứu 20 người bị ép làm nô lệ
Cảnh sát Anh ngày 15-12 đã bao vây một nhà máy ở tây bắc England, giải cứu 20 người bị ép làm nô lệ lao động và bắt giữ 4 nghi can.
Vụ giải cứu diễn ra tại một nhà máy ở thị trấn Rochdale, hạt Greater Manchester. Các nạn nhân là người nhập cư Đông Âu gồm cả nam và nữ, bị buộc làm việc hơn 11 giờ mỗi ngày với mức lương rẻ mạt.
"Những người này nói với chúng tôi họ thường xuyên bị đánh đập, la mắng và bị buộc làm việc hơn 80 giờ mỗi tuần", thanh tra James Faulkner nói với báo giới, và thêm rằng đây là một "ví dụ điển hình" của tình trạng "nô lệ hiện đại" ở Anh.
Theo Press TV, vụ giải cứu này nằm trong chiến dịch có tên "Retriever" hiện đang diễn ra nhằm chống nạn buôn người tại Anh. Ở giai đoạn đầu của chiến dịch - diễn ra tháng 11 qua, cảnh sát đã bắt giữ 15 người ở Greater Manchester và truy tố 5 người do dính líu đến một đường dây buôn người.
Theo số liệu do Bộ Nội vụ Anh công bố hồi tháng trước, trong năm 2013, có đến 13.000 người ở Anh là nạn nhân của nô lệ hiện đại, cao gấp 4 lần con số ước tính trước đó.
-------------------------