Kinh tế Nga bắt đầu suy thoái từ đầu năm 2015
Ngân hàng trung ương Nga vừa đưa ra dự báo nền kinh tế nước này có thể bắt đầu suy thoái từ quý 1 năm sau nếu giá dầu vẫn giữ ở mức trung bình 60 USD/thùng, theo Reuters.
Ngân hàng trung ương Nga cho biết trong báo cáo hôm qua 15.12 rằng nếu giá dầu vẫn ở mức 60 USD/thùng, kinh tế Nga có thể cảm nhận sự suy thoái ngay từ quý 1.2015 và sẽ suy giảm đến 4,5% trong năm 2015. Song song, lạm phát có thể chạm mức 11,5% trong quý 1.2015 và Nga sẽ tiếp tục phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ.
Đồng rúp vừa giảm tiếp hơn 10% so với USD trong hôm qua 15.12. Đây là mức giảm trong ngày cao nhất kể từ năm 1998.Lần đầu tiên 1 USD đổi được hơn 64 rúp và 1 Euro vượt ngưỡng 78 rúp.
Cũng trong ngày 15.12, giá dầu thô ở Mỹ tiếp tục giảm xuống cận mức 55 USD/thùng. Điều này có thể tăng áp lực lên đồng rúp bởi vừa chỉ tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo nếu giá dầu trung bình ở mức 78 USD/thùng vào năm sau thì nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 0,7%.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 10.12 cũng đã thừa nhận nền kinh tế Nga đã mất 10 tỉ USD vì các lệnh trừng phát đang áp đặt lên nước này. Đồng rúp suy yếu khiến giá cả leo thang làm người dân gặp nhiều khó khăn, theo Reuters.
Với thừa nhận trên, ông Medvedev nói rằng Nga nên giảm bớt sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng, điều khiến sức khoẻ nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu thế giới.
Dự báo về sự ảm đạm của nền kinh tế Nga đã bắt đầu từ mùa hè năm nay, khi các lệnh trừng phạt lên nước này bắt đầu có hiệu lực. Các nguồn đầu tư vào Nga giảm, giá dầu trượt dốc và đồng rúp từ từ mất giá đã đẩy nước này sâu hơn vào thế suy thoái kinh tế.
Đồng rúp đã giảm tiếp 20% trong tháng này và hơn 45% kể từ đầu năm nay dù Ngân hàng trung ương Nga đã tung ra hàng chục tỉ USD nhằm cứu vãn tình hình, theo Reuters.
-------------------------
Chưa áp mức thuế khoán cho tất cả các hộ cá thể
Đó là phản hồi của Tổng cục Thuế vào hôm qua trước phản ánh của một số địa phương, báo chí về bất cập tại Công văn 17526 ngày 1.12.2014 quy định tính mức thuế khoán ổn định cho năm 2015 cho các hộ kinh doanh cá thể được thực hiện từ ngày 1.1.2015 đã gây khó khăn cho người dân trong việc kinh doanh và nộp thuế.
Theo đó, nếu áp dụng theo quy định mới này chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng hàng chục nghìn hộ cá thể sẽ phải chuyển đổi mô hình lên công ty cổ phần hoặc công ty TNHH mới được xuất hóa đơn. Điều này theo phản ánh của các hộ là bất khả thi do không đủ thời gian để thực hiện.
Thế nên ngày 16.12, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Thuế ra Công văn 5603/TCT-CS chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành nêu rõ việc sử dụng hóa đơn của hộ, cá nhân kinh doanh tiếp tục được thực hiện theo các quy định cũ tại Nghị định số 51 của Chính phủ. Theo đó vẫn duy trì hai hình thức tính thuế cho các hộ kinh doanh cá thể. Đối với các hộ kinh doanh cá thể không xác định được doanh thu, không mua hóa đơn từ các chi cục thuế sẽ được tính thuế khoán. Còn những hộ xác định được doanh thu, có mua hóa đơn từ các chi cục thuế để xuất bán cho khách hàng thì được tính thuế theo tỷ lệ phần trăm nhân doanh thu trên tổng hóa đơn/tháng.
-------------------------
Mở rộng cửa cho hàng Việt vào Nga
Ngày 15-12, Bộ Công thương đã có thông báo về kết thúc phiên đàm phán thứ 8 hiệp định thương mại tự do giữa VN và Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan.
Theo Bộ Công thương, phiên đàm phán này có sự tham gia của sáu nhóm đàm phán về các nội dung: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hợp tác hải quan và thuận lợi hóa thương mại... “Đến nay nội dung chính của hiệp định đã thống nhất” - Bộ Công thương khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoàng Hải - vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - khẳng định hiệp định này sẽ tạo cơ hội to lớn cho hàng VN, đặc biệt các mặt hàng thế mạnh của VN như nông sản, thủy sản, dệt may... thâm nhập thị trường Nga vốn hiện nay đang phải chịu thuế cao.
“Mức thuế cơ bản các mặt hàng thế mạnh của VN sẽ về 0%” - ông Hải nói. VN mở cửa cho một số mặt hàng như thép... của Nga nhưng có lộ trình. Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, hiện lời văn hiệp định cũng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số bảng biểu sẽ được hoàn thiện thêm.
Dự kiến nửa đầu năm 2015 sẽ chính thức ký kết hiệp định...
-------------------------
Giá điện chuẩn bị leo thang
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phối hợp với Tổng cục Năng lượng - hai cơ quan trực thuộc bộ này nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn tin của PV Thanh Niên cũng cho biết Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã có dự kiến điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12.2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh). Nếu được thông qua, mức tăng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Yêu cầu của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về việc lập phương án điều chỉnh giá là một bất ngờ, vì trước đó, trả lời Báo Thanh Niên trong thời gian họp tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, ông cho biết giá điện năm nay không tăng do việc phát điện của các nhà máy điện có lợi thế nhờ cả năm nước về các hồ chứa thủy điện nhiều, giảm được việc huy động sản lượng điện chạy dầu...
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư năng lượng VN cho rằng việc điều chỉnh giá điện lần này là do một số chi phí đầu vào của giá điện đã biến động. Cụ thể, mấy tháng gần đây, lượng nước về các hồ chứa thủy điện đã ít hơn, nhiều nhà máy phải chạy dầu, hơn nữa, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than có chi phí ngày càng lớn do giá nhập khẩu than ngày càng cao và khó khăn hơn. Sắp tới, còn phải nhập rất nhiều than cho các nhà máy từ Bình Thuận trở vào... “Chúng tôi cũng đã đề xuất tăng giá điện nhưng mức tăng cũng không cao như EVN đề nghị. Việc điều chỉnh giá là cần thiết vì nếu không, ngành điện không thể cân đối vốn để đầu tư mỗi năm gần 200.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 9 tỉ USD cho các nguồn phát, lưới truyền tải, phân phối, hơn nữa, cũng phải có nguồn thu để trả nợ vay”, ông Ngãi nói.
Ở góc độ khác, ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực VN cho rằng việc EVN đề xuất tăng giá điện vào thời điểm này là đã có những tính toán để cân đối tài chính. Giá điện sau mấy năm liền tăng giá đang tiệm cận giá điện trung bình của các nước trong khu vực và khả năng điều chỉnh giá cao, nhiều lần như các năm trước đây không còn nữa. Theo ông Long, giá điện có thể còn phải điều chỉnh nhưng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nếu xét tới lợi ích, tâm lý của người tiêu dùng, của các DN thì các cơ quan quản lý nên có tính toán, cân nhắc cho chính xác.
“Tuy nhiên, nếu tăng giá điện để cân bằng thu chi, cũng đã đến lúc phải tính đến các giải pháp đồng bộ hơn như đẩy mạnh cổ phần hóa, chứ chỉ tăng giá điện thì cũng đến lúc có giới hạn. Chúng ta cũng không thể để giá điện cao hơn giá điện trung bình của các nước trong khu vực được”, ông Long nói.
Khâu phản biện yếu
Một chuyên gia kinh tế tỏ ra ngạc nhiên về việc đề xuất điều chỉnh giá điện vào thời điểm này. Ông nói: “Tôi biết là việc điều chỉnh này nhằm vào thời điểm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhưng quan niệm như vậy là nguy hiểm vì chúng ta phải biết chính vì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) khó khăn, sức mua kiệt quệ nên chỉ số CPI mới thấp như vậy. Nếu điều chỉnh giá điện với mức dự kiến cao như vậy sẽ càng làm tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân khó khăn hơn”.
Chuyên gia này cũng cho rằng khâu phản biện chính sách cho đề xuất điều chỉnh giá lần này là yếu vì năm nay, các yếu tố đầu vào của giá điện khá ổn định: thủy điện có nguồn nước về nhiều, hơn nữa, cơ cấu phát điện của VN chủ yếu là thủy điện (40%), chi phí thấp hơn các nước; giá dầu giảm mạnh, tỷ giá thì ổn định... Nên giá điện không giảm mà giữ nguyên đã là một vấn đề. Nay lại điều chỉnh tăng là không hợp lý.
-------------------------