Sau khi đoàn thanh tra liên ngành Bộ GTVT - Bộ Tài chính có thông báo kết quả kiểm tra giá cước vận tải toàn quốc; đồng thời yêu cầu các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Hòa Bình tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ôtô, ngày 4/2, Sở GTVT Hà Nội đã có cuộc họp nhanh với đại diện Sở Tài chính và Công an thành phố Hà Nội về vấn đề này.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết, sẽ thanh tra các DN vận tải không đăng ký giảm giá cước thời gian qua và có những chế tài nghiêm khắc với các DN này. Thực tế, đã có một số DN chây ỳ đăng ký giá bị phạt tới 30 triệu đồng.
Đồng quan điểm với ông Linh, ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó Ban giá, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, đang yêu cầu DN tiếp tục rà soát chi phí đầu vào để giảm giá cước. Phía Công an TP Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP cũng khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát các DN vận tải. Ông Hải cũng đề nghị Sở GTVT chỉ đạo bến xe ngoài việc kiểm soát việc thu cước vận tải, cần cần ưu tiên các DN giảm giá, như thế mới khuyến khích được các DN này.
Liên quan đến đề xuất của một số DN về việc phụ thu chiều rỗng, đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định quan điểm tuyệt đối không ủng hộ phụ thu.
Tàu giã cào sử dụng loại lưới dài tận đáy để càn quét thủy hải sản khiến tôm, cá trên vùng biển địa phương cạn kiệt. Thậm chí, nhiều hộ dân trong thôn còn bị những tàu này phá hỏng ngư lưới cụ…
Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tàu giã cào vi phạm, nhưng vì lợi nhuận quá lớn từ nguồn thu giã cào nên dịp cuối năm này, trên vùng biển ven bờ thuộc xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) và các địa phương khác có hàng chục tàu giã cào quần thảo, tàn phá môi trường biển nghiêm trọng...
Ngư dân Nguyễn Hữu Ly (47 tuổi, ngụ ở thôn 6, xã Vinh Thanh) buồn rầu cho biết: Hơn 10 ngày trở lại đây, vùng biển ven bờ của xã Vinh Thanh xuất hiện hàng chục tàu giã cào ở các địa phương khác đến càn phá. Những tàu này đi liền nhau, sử dụng loại lưới dài tận đáy để càn quét thủy hải sản khiến tôm, cá trên vùng biển địa phương cạn kiệt. Thậm chí, nhiều hộ dân trong thôn còn bị những tàu này phá hỏng ngư lưới cụ…
Chỉ tay ra phía 2 chiếc tàu giã cào đang giăng lưới cách bờ chỉ vài trăm mét, ngư dân Trần Ngọc Sơn, bạn đi biển cùng ông Ly cho biết thêm: Các tàu giã cào đều đến từ tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và có công suất máy từ 220 đến 250CV nên hoạt động rất mạnh. Đoạn nào mà tàu giã cào này đi qua thì coi như không còn gì, vì lưới mà tàu này sử dụng có chiều đáy gần 20m, “quét” đến tận rạn san hô...
“Dịp cuối tháng 12/2014, tôi vừa thả lưới ở gần bờ thì bị một tàu giã cào của tỉnh Quảng Ngãi kéo mất tay lưới vây, thiệt hại 20 triệu đồng. Tui đã cho tàu đuổi theo, leo lên tàu giã cào để xin chủ tàu cho lại lưới nhưng bị các đối tượng khống chế, dùng dao gí vào cổ và buộc phải nhảy xuống biển thoát thân”, ông Sơn bức xúc kể lại.
Ông Nguyễn Trường Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh nhận định: “Tàu giã cào đã trở thành nỗi ám ảnh đối với ngư dân địa phương. Qua thống kê, năm 2014, gần 70 ngư dân của xã đã bị tàu giã cào phá hỏng ngư lưới cụ, thiệt hại trên 600 triệu đồng.
Địa phương đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức truy đuổi, bắt giữ tàu giã cào, nhưng vì lợi nhuận quá “khủng” nên hoạt động của những tàu này vẫn chưa được hạn chế. Nhiều ngư dân vì bị mất ngư lưới cụ, bị chủ tàu giã cào hăm dọa, uy hiếp tính mạng nên đành bỏ nghề đánh bắt ven bờ khiến địa phương thiệt hại về kinh tế biển rất lớn”.
Không riêng gì ở vùng biển Vinh Thanh, nhiều xã ven biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng chung cảnh tương tự. Trong đó, từ giữa năm 2014 đến nay, có 40 hộ dân ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang) cũng bị tàu giã cào ngoại tỉnh phá ngư lưới cụ, thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh Thừa Thiên - Huế, dịp cuối năm 2014, đơn vị đã phối hợp với lực lượng BĐBP truy bắt được 6 tàu giã cào ngoại tỉnh vi phạm nhưng chỉ xử phạt 3 trường hợp với 72 triệu đồng. Riêng các trường hợp còn lại, do chủ tàu chống trả quyết liệt lại lực lượng truy bắt bằng cách cắt lưới, rồi nhảy xuống biển để gây áp lực nên không thể tiến hành bắt giữ…
Nói đến vấn đề tàu giã cào lộng hành, ông Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: Đến nay, Bộ NN&PTNT chưa hề ban hành một quy định nào cho phép tàu giã cào hành nghề khai thác tại vùng biển ven bờ. Tuy nhiên, vì nguồn lợi thủy sản quá lớn, tốn chi phí xăng dầu ít, lợi nhuận lại cao nên nhiều tàu vẫn bất chấp làm trái quy định pháp luật.
“Biết vào vùng biển cấm sẽ gặp lực lượng chức năng nên các tàu này luôn chuẩn bị hung khí, gạch đá, vỏ chai bia bỏ sẵn trên tàu để chống cự khi có truy đuổi. Mới đây, tàu tuần tra của đơn vị đã bị một tàu giã cào đâm gãy lan can, thiết bị ra đa trên tàu bị hư hỏng nặng chờ tu sửa. Trong khi đó, do lực lượng quá mỏng nên số lần tuần tra còn ít, nhiều khi phát hiện tàu giã cào thì chỉ xua đuổi ra khỏi vùng cấm, chứ không thể đuổi bắt được”, ông Bôn nói.
-----------------------
Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng
Theo thống kê của Bộ Công Thương: Giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản tháng 1/2015 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, phần nào bù trừ được mức giảm hoặc mức tăng không đáng kể trong sản lượng xuất khẩu của các mặt hàng này.
Có thể kể đến, lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 45,3% so với cùng kỳ nhưng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này chỉ giảm 20,6%; lượng cà phê xuất khẩu giảm 14,4% nhưng kim ngạch chỉ giảm 2,6%, lượng hạt điều xuất khẩu tăng 9,5% nhưng kim ngạch tăng tới 26,9%, lượng gạo xuất khẩu giảm 4% trong khi kim ngạch giảm ít khoảng 2,3%...
--------------------
Hà Nội đề xuất dự án nhà ở xã hội ngay gần trung tâm
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất xin được thực hiện đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội tại lô NO1, thuộc quỹ đất 20% bàn giao lại cho TP Hà Nội quản lý.
Đề xuất trên đã được Bộ Xây dựng đồng thuận, đồng thời Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, cho phép HUD3 được triển khai dự án Khu nhà ở xã hội tại lô NO1, KĐTM Hạ Đình, để đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.
-------------------------
Doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm giữ nguồn vốn lớn của nền kinh tế
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê về chỉ tiêu của cơ bản của doanh nghiệp (DN) tại thời điểm 31/12 hằng năm cho thấy, số DN đang hoạt động của nền kinh tế năm 2014 ước là hơn 400 nghìn DN, cao nhất trong 3 năm 2011, 2012, 2013.
Số liệu này không bao gồm các DN đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động. Trong đó, DN Nhà nước là hơn 3,1 nghìn DN, DN có vốn đầu tư nước ngoài là trên 11,3 nghìn DN, DN ngoài Nhà nước chiếm số lượng áp đảo với trên gần 387 nghìn DN.
Trong đó, khu vực DN Nhà nước vẫn nắm giữ nguồn vốn lớn trong nền kinh tế với trên 4,87 triệu tỷ đồng. Còn nguồn vốn của DN ngoài Nhà nước và DN đầu tư nước ngoài tương ứng là hơn 11,7 triệu tỷ đồng và 5,41 triệu tỷ đồng.
Năm 2014, doanh thu của khối DN Nhà nước đạt hơn 3,4 triệu tỷ đồng; DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng; DN ngoài Nhà nước đạt trên 7,1 triệu tỷ đồng.
----------------------