Công ty L&M Việt Nam chuyển tiền cho Công ty Đại Hồng Tùng tổng cộng 51 lần với tổng số tiền hơn 12,7 tỷ đồng. Trong khi thực tế, Công ty L&M Việt Nam và Công ty Đại Hồng Tùng không hề có ký kết hợp đồng hay hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào.
Công ty L&M Việt Nam (có trụ sở đặt tại quận Tân Bình) là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài được thành lập từ năm 2008. Ngay sau khi thành lập, cuối tháng 8/2008, công ty đăng ký mở tài khoản tại Ngân hàng Oversea Chinese Banking Corporation LTD (viết tắt OCBC) - chi nhánh TP Hồ Chí Minh với điều khoản chuyển tiền thanh toán dưới 20.000 USD hoặc tiền Việt Nam tương đương, chỉ cần một trong những người đăng ký mẫu chữ ký trong tài khoản; trường hợp trên 20.000 USD thì cần có hai chữ ký của những người đăng ký mở tài khoản.
Đồng thời giữa Ngân hàng OCBC và Công ty L&M VN còn thỏa thuận ủy quyền và cam kết bồi hoàn về các chỉ thị bằng fax, theo đó công ty chấp nhận tất cả các phiếu yêu cầu chuyển tiền bằng fax; tự chịu rủi ro, ngân hàng không phải chịu tổn thất, thiệt hại, chi phí hay khiếu nại gì từ phía công ty.
Cũng trong khoảng thời gian này, Công ty L&M Việt Nam còn đăng ký mở tài khoản tại Ngân hàng UOB Chi nhánh TP Hồ Chí Minh do ông Yee Lip Chee (Tổng Giám đốc) làm chủ tài khoản. Công ty cũng đã ký chỉ thị chấp nhận tất cả các lệnh chuyển tiền bằng fax và bản scan. Theo quy định của Ngân hàng UOB, những khách hàng có đăng ký dịch vụ sử dụng bản scan, khi nhận lệnh chuyển tiền từ doanh nghiệp fax đến, ngân hàng sẽ thực hiện thanh toán dựa trên bản scan và ngân hàng không yêu cầu bổ sung bản chính của lệnh chuyển tiền.
Đầu tháng 12/2009, Nguyễn Thị Bạch Tuyết (42 tuổi, ngụ tại phường 7, quận Phú Nhuận) được Công ty L&M Việt Nam tuyển dụng vào vị trí kế toán trưởng của công ty với mức lương khởi điểm là 18 triệu đồng/tháng. Đến đầu tháng 4/2010, Tuyết được ông Yee Lip Chee ký hợp đồng lao động chính thức với mức lương 22 triệu đồng/tháng. Tháng 3/2012, Tuyết hết hợp đồng lao động nhưng được công ty gia hạn thêm thời gian để làm báo cáo tài chính, đến tháng 6/2012, Tuyết mới chính thức nghỉ việc.
Cuối tháng 10/2012, Công ty L&M Việt Nam ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty Hợp doanh kiểm toán Việt Nam (gọi tắt CPA Việt Nam) để kiểm toán quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty L&M Việt Nam theo niên độ năm kế toán từ ngày 1/4/2011 đến 31/3/2012. Đây cũng chính là khoảng thời gian Tuyết đảm nhận chức vụ kế toán trưởng tại công ty. Từ đây, chiêu trò lừa đảo của nữ kế toán đã dần hé lộ...
Quá trình kiểm toán, Công ty CPA Việt Nam phát hiện trong sổ kế toán có nhiều bút toán ghi nhận trùng lặp 2 lần hoặc bút toán bất thường như: ghi cùng nội dung diễn giải, cùng số tiền, cùng ngày ghi nhận… Đến cuối tháng 4/2013, Công ty CPA có báo cáo kiểm toán niên độ năm 2012 thể hiện khoản tiền thanh toán không đúng quy định lên tới 12,7 tỷ đồng. Công ty phải xử lý các khoản thanh toán này như là khoản tổn thất trên báo cáo tài chính với sự phê duyệt của công ty mẹ là Công ty L&M Singapore, trong đó có 6,6 tỷ đồng là phát sinh trong năm tài chính 2012.
Từ sự cảnh báo và theo yêu cầu của Công ty CPA, ông Yee Lip Chee và bà Bùi Khánh Hà (kế toán trưởng kế nhiệm của Nguyễn Thị Bạch Tuyết) đã đến Chi nhánh Ngân hàng OCBC và UOB tại TP Hồ Chí Minh để kiểm tra lại các phiếu yêu cầu chuyển tiền, lệnh chuyển tiền (bản gốc) đã thực hiện trước đó để xác định tính chính xác.
Kết quả kiểm tra, ông Yee Lip Chee phát hiện các chứng từ gốc đã chuyển tiền của Công ty L&M Việt Nam tại 2 ngân hàng trên đến Công ty TNHH MTV Đại Hồng Tùng (gọi tắt Công ty Đại Hồng Tùng) tài khoản mở tại Ngân hàng TMCP An Bình - Phòng giao dịch Nguyễn Văn Trỗi, từ ngày 1/2/2010 đến 28/3/2012 chuyển tổng cộng là 51 lần với tổng số tiền hơn 12,7 tỷ đồng. Trong khi thực tế, Công ty L&M Việt Nam và Công ty Đại Hồng Tùng không hề có ký kết hợp đồng hay hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo ông Yee Lip Chee, trong 51 phiếu yêu cầu chuyển tiền, lệnh chuyển tiền thì có tới 23 phiếu là giả mạo chữ ký của ông và 7 phiếu còn lại ông không chắc chắn là chữ ký của mình vì khác loại mực, kích thước, hình dáng chữ ký. Ông Yee Lip Chee cho rằng, Tuyết đã không gửi bản báo cáo tài chính đúng cho ông và Công ty L&M Singapore (công ty mẹ của L&M Việt Nam) mà cung cấp các báo cáo tài chính giả mạo.
Công ty Đại Hồng Tùng được thành lập vào tháng 11/2007 và có đặt văn phòng tại quận Phú Nhuận và người đại diện theo pháp luật công ty này không ai khác, chính là Nguyễn Thị Bạch Tuyết. Sau 51 lần thực hiện lệnh chuyển tiền bằng fax và scan từ tài khoản của Công ty L&M Việt Nam vào tài khoản của Công ty Đại Hồng Tùng. Tuyết đã rút hết ra bằng tiền mặt và séc. Một số khoản Tuyết làm thủ tục rút nhưng ngay sau đó nộp vào tài khoản cá nhân của Tuyết mở tại một ngân hàng khác.
Với hành vi phạm tội nêu trên, Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã bị VKSND TP Hồ Chí Minh truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hồ sơ vụ án đã được chuyển sang TAND TP Hồ Chí Minh chuẩn bị đưa ra xét xử.Công ty L&M Việt Nam (có trụ sở đặt tại quận Tân Bình) là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài được thành lập từ năm 2008.
-------------------------
Giá dầu giảm mạnh, Việt Nam vẫn tăng xuất khẩu gấp rưỡi
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, mặc dù trong tháng 1, giá bình quân xuất khẩu dầu thô đã giảm tới 56,7% song Việt Nam vẫn gia tăng khối lượng xuất khẩu lên tới 46,6% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, xét về giá, trong tháng 1, giá bình quân xuất khẩu dầu thô đã giảm 56,7% và giá bình quân xuất khẩu xăng dầu giảm 27,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, xét về lượng thì khối lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng 1 lại tăng mạnh tới 46,6% trong khi xuất khẩu xăng dầu các loại giảm 38%.
Với tình hình giá bình quân xuất khẩu giảm sâu đã khiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Việt Nam trong tháng 1 giảm tới 36,5% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu dầu thô các loại giảm 54,9% so với cùng kỳ.
Tại phiên họp của tổ công tác điều hành kinh tế vĩ mô gồm Bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng Nhà nước về tác động của giá dầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ trước mắt phải điều hành ngân sách nhà nước theo phương án giá dầu thấp nhất do Tổ công tác đưa ra là 40 USD/thùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, kế hoạch năm nay của Bộ Công Thương đặt ra trong khai thác dầu thô là 14,74 triệu tấn kể cả khai thác trong nước và nước ngoài. Nếu bị lỗ, sẽ phải xem xét lại kế hoạch này.
Tổ công tác đã đưa ra 3 kịch bản kinh tế năm nay theo các mốc giá dầu thô 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng. Tuy nhiên, có một điểm lưu ý là do chất lượng tốt hơn nên giá xuất khẩu dầu thô của Việt Nam thường cao hơn giá bình quân này là 5 USD/thùng.
Theo Bộ trưởng Vinh, nếu giá dầu là 60 USD/thùng, sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ có giảm nhưng giảm không đáng kể và Việt Nam sẽ xem xét một số lô giá thành cao hơn giá bán để điều tiết, tiết giảm sản lượng.
Nếu giá xuống 50 USD/thùng, Việt Nam sẽ phải giảm sản lượng nhiều hơn, còn 14,4 triệu tấn. Còn nếu giá dầu chỉ ở mức 40 USD/thùng, thì mức ảnh hưởng sẽ là lớn nhất, thậm chí phải giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu từ 1,8-2 triệu tấn (còn 13,08 triệu tấn).
Tại báo cáo lần này, Bộ Công thương khẳng định, ngay từ đầu năm ngành dầu khí đã triển khai tổng kết, đánh giá những mặt tích cực cũng như hạn chế năm 2014 và đưa ra giải pháp thực hiện trong năm 2015 trong bối cảnh giá dầu trên thế giới xuống thấp và diễn biến khó lường. Công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí được triển khai tích cực ở cả trong nước và ngoài nước; các dự án được đảm bảo theo đúng tiến độ đã đề ra.
Sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 1 ước đạt 1,62 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó, dầu thô khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong nước đạt 1,47 triệu tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ, tại nước ngoài đạt 0,15 triệu tấn, bằng 98,3% so với cùng kỳ 2014.
Bên cạnh đó, sản lượng khai thác khí đốt (khí thiên nhiên) của Tập đoàn này ước đạt 0,9 tỷ m3, tăng 5,8% so với cùng kỳ; khí hóa lỏng (LPG) ước đạt 59 nghìn tấn bằng 89,1% so với cùng kỳ năm 2014; xăng, dầu các loại đạt 570,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với năm 2014.
-------------------------
Gần 500 tỷ đồng kéo điện cáp ngầm ra đảo Cù Lao Chàm
Ngày 4/2, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ Công Thương đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới Quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An bằng cáp ngầm, với tổng mức đầu tư 484,81 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 85%, còn lại 15% là vốn đối ứng của Tổng Công ty Điện lực miền Trung.
Dự án gồm 4 hạng mục: Ngăn xuất tuyến 22kV tại TBA 110kV Hội An và đường dây 22kV trên đất liền TP Hội An; công trình cáp ngầm xuyên biển 22kV (xây dựng khoảng 15,48km cáp ngầm 22kV xuyên biển); công trình lưới điện trên đảo Cù Lao Chàm; công trình nhà điều hành sản xuất Đội quản lý vận hành lưới điện.
-----------------------
Khởi tố hai bị can, truy nã Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Hưng
Ngày 4/2, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) đã ra quyết định, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Lê Kiều Quang (37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Hưng thuộc chi nhánh Agribank Mạc Thị Bưởi về tội “tham ô tài sản”; quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Phú Minh Hòa (34 tuổi, ngụ quận 8), nhân viên Phòng giao dịch Hòa Hưng tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo lời khai ban đầu tại cơ quan điều tra, Phú Minh Hòa khai nhận: Chiều 29/1, Hòa được Đặng Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Hòa Hưng thông báo rằng sáng 30/1, Hòa đi cùng với Nguyễn Lê Kiều Quang lên Chi nhánh Mạc Thị Bưởi để nhận tiền và giao dịch với khách hàng. Đồng thời, Hương giao cho Hòa giấy đề nghị tiếp quỹ, chưa ghi số tiền, người đề nghị là Nguyễn Thị Thanh Hà, là giao dịch viên Phòng giao dịch Hòa Hưng, người nhận tiền là Phú Minh Hòa, có sẵn chữ ký của Nguyễn Thị Thanh Hà và ông Nguyễn Lê Kiều Quang. Hòa đã cầm giấy đề nghị tiếp quỹ về nhà để hôm sau đi thẳng lên chi nhánh nhận tiền.
Đến khoảng 7h40 ngày 30/1, Hòa đến Chi nhánh Mạc Thị Bưởi bằng xe gắn máy để làm thủ tục nhận tiền. Khoảng 30 phút sau thì ông Quang cũng đi xe máy đến và kêu Hòa ghi vào giấy đề nghị tiếp quỹ nội dung số tiền tiếp quỹ là 17 tỷ đồng, người nhận là Phú Minh Hòa. Đồng thời Quang nói lát nữa sẽ qua Ngân hàng S. để giao dịch với khách hàng.
Khi nhận tiền quỹ, Nguyễn Lê Kiều Quang kêu Hòa xuống dưới nhà xe lấy 2 túi để sẵn trên xe máy của Quang mang lên đựng tiền chứ không sử dụng túi chuyên dụng có sẵn của ngân hàng. Hòa đã làm theo lời của Quang, Sau khi nhận tiền xong, Hòa bỏ tiền vào 2 túi xách đựng tiền, Hòa xách 1 túi, Quang xách 1 túi đi ra xe và bỏ tiền vào thùng xe phía sau.
Sau đó, Quang kêu Hòa tự đi xe máy quay về lại Phòng giao dịch Hòa Hưng để lấy cho Quang 2 hợp đồng căn hộ Sunrise City. Quang nói sẽ đem tiền này qua Ngân hàng S để giao dịch khách hàng. Hòa làm theo lời Quang. Tuy nhiên, đến 16h cùng ngày thì không còn liên lạc được với Quang nữa, Đặng Thị Thu Hương chỉ đạo Hòa qua Ngân hàng S tìm Quang nhưng không gặp.
Tại cơ quan điều tra, Phạm Văn Chính là bảo vệ ngân hàng và Nguyễn Đình Công là lái xe của Chi nhánh Mạc Thị Bưởi khai nhận làm theo chỉ đạo của Hòa.
Để phục vụ công tác điều tra, yêu cầu ai phát hiện hoặc bắt được người bị truy nã là Nguyễn Lê Kiều Quang báo ngay cho cơ quan CSĐT (Đội 9-PC46) Công an TP Hồ Chí Minh, điện thoại 08.38623638 hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất.
-------------------------