Trong những năm gần đây, lượng kiều hối đổ về Việt Nam liên tục tăng. Theo ước tính, lượng kiều hối năm nay sẽ đạt khoảng 12 tỉ USD tiếp tục đưa Việt Nam là một trong 10 nước nhận được kiều hối nhiều nhất trên thế giới.
Kiều hối tiếp tục tăng trưởng ấn tượng
Theo UBNN về người Việt Nam sống ở nước ngoài, hiện có gần 5 triệu người Việt đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Với số lượng đông đảo như vậy cộng với động lực từ các cơ hội đầu tư và chính sách thông thoáng trong nước, kiều hối gửi về liên tục tăng.
Những cải tiến trong chính sách của Nhà nước nhằm thu hút kiều hối và dịch vụ Ngân hàng chuyển và nhận tiền hết sức nhanh chóng, thuận tiện đã góp phần giúp lượng kiều hối gia tăng và mang lại nhiều tiện ích tốt hơn cho khách hàng. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, với việc bãi bỏ nhiều quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, nhận và trả hàng bằng nguyên tệ, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về (pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 2000 đã bỏ việc thu thuế đối với loại thu nhập nàyvà đến năm 2007, thuế thu nhập cá nhân đã đưa kiều hối vào loại thu nhập không phải chịu thuế) hoặc bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, hay những ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào về thăm quê hương, mua nhà ở và đầu tư trong nước đã giúp kiều hối tăng lên qua từng năm.
Năm 2008 kiều hối của Việt Nam tăng mạnh đạt 7,2 tỉ USD, năm 2009 là năm kinh tế toàn cầu suy thoái nhưng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn đạt hơn 6 tỉ USD. Qua năm 2010, kiều hối tăng lên 8,26 tỉ USD, năm 2011 là 9 tỉ USD, tiếp tục các năm 2012, 2013 lần lượt là 10 tỉ USD và 11 tỉ USD; dự báo cuối năm nay, kiều hối sẽ đạt 12 tỉ USD. So với giai đoạn đầu mới mở cửa thu hút kiều hối (từ năm 1991) tới nay, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam đã tăng trưởng khoảng gần 40%, lũy kế đạt khoảng 90 tỉ USD, giúp Việt Nam tiếp tục là 1 trong số 10 nước có lượng kiều hối nhiều nhất thế giới.
Nhận xét về mức tăng trưởng này, bà Patricia Z. Riingen, Phó Chủ tịch cấp cao Khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương của Công ty Western Union cho rằng kiều hối về Việt Nam đã tăng trưởng rất ấn tượng. Năm đầu tiên khi khai trương dịch vụ Western Union tại Việt Nam vào năm 1994, tổ chức này mới chỉ có khách hàng ở 16 quốc gia chuyển kiều hối về Việt Nam nhưng đến nay, sau 20 năm, người dân gửi tiền kiếu hối về Việt Nam đã được chuyển từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện Mỹ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất. Thống kê cho thấy, kiều hối từ Mỹ chiếm khoảng 50% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (chiếm khoảng 9%), Canada (8,4%), Đức (6%), Campuchia (4%), và Pháp (4%). Ngoài ra, lao động từ các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có nhiều người xuất khẩu lao động như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Indonexia, Malaysia, khu vục Trung Đông, Bắc Phi cũng đóng góp một lượng tiền đáng kể.
Vai trò kiều hối trong nền kinh tế - xã hội ngày càng cao
So với các nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài như FDI, ODA thì kiều hối là nguồn ngoại tệ tương đối ổn định và gần như thẩm thấu toàn bộ vào nền kinh tế - xã hội. Nhiều chuyên gia kinh tế từng đánh giá, so với nguồn vốn FDI, ODA có thể biến động do khủng hoảng kinh tế, có thể rút vốn, đòi nợ còn kiều hối đã vào nước thì hầu như không có rút ra mà sẽ đóng góp toàn bộ cho nền kinh tế đất nước.
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong giai đoạn 2007-2013, tổng kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau vốn FDI), và lớn hơn cả vốn ODA đã giải ngân. Điều đó có thể thấy vai trò của kiều hối quan trọng như thế nào trong giai đoạn này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Phần lớn lượng tiền kiều hối đều “chạy” vào sản xuất kinh doanh, số còn lại được phân bổ vào bất động sản, chứng khoán và hỗ trợ thu nhập cho người thân. Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn thì nguồn kiều hối có vai trò quan trọng vì đây là nguồn tiền thực giúp tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm gánh nợ, giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, giúp ổn định tỉ giá, cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối (hiện dự trữ ngoại hối nước ta đạt khoảng 35 tỉ USD).
Mặc dù còn nhiều ảnh hưởng từ kinh tế thế giới nhưng với chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt của NHNN giữ cho tỉ giá USD/VND tương đối ổn định, do đó, vài năm nay, người thụ hưởng từ kiều hối thường gửi tiết kiệm USD hoặc quy đổi sang VND, giúp cho cung ngoại tệ của các ngân hàng tăng lên.
Kiều hối giúp ổn định xã hội thông qua việc tăng thu nhập cho một bộ phận người dân trong nước. Qua khảo sát, tới phân nửa số người nhận kiều hối cho biết đây là nguồn tiền vô cùng quan trọng và chiếm tới 80% thu nhập của gia đình họ. Nếu như trước đây, kiều hối chủ yếu tập trung ở thành thị, đặc biệt TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thì nay đã bắt đầu mở rộng hơn ra các vùng nông thôn, nơi có nhiều công nhân đi xuất khẩu lao động như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình…
Như vậy, với xu hướng người Việt Nam đi công tác, lao động ở nước ngoài ngày càng tăng lên, cùng với nhiều cơ hội đầu tư trong nước và cơ chế thu hút kiều hối ngày càng thông thoáng, thuận tiện, dự báo lượng kiều hối về nước sẽ ngày một tăng. Điều đó thể hiện rõ môi trường chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta ngày càng ổn định và hướng phát triển đất nước đang tạo được sự tin tưởng, đúng hướng, đúng nguyện vọng của bà con kiều bào.
---------------------------
Cuộc giải cứu bất thành ở phía Tây Hà Nội
Đại lộ Thăng Long những ngày cuối năm, một bên giới nhà giàu nô nức đón giáng sinh và năm mới, còn bên kia, các dự án vẫn im lìm. Một bức tranh ảm đạm xám xịt về những biệt thự tiền tỷ hoang lạnh, những dự án um tùm cỏ mà các ông chủ ra sức giải cứu nhưng bất thành.
Cùng với sự xuống dốc của thị trường BĐS, các dự án đô thị phía Tây Hà Nội một thời từng là niềm mơ ước của các “đại gia” địa ốc nay trở thành dự án “chết”, cùng với đó là hàng chục nghìn tỉ của nhà đầu tư đang bị “chôn” vào đất mà không biết bao giờ lấy lại được.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Nội đã triển khai khoảng 370 dự án khu đô thị, phần lớn tập trung ở các vùng ven đô phía Tây như: Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ... Nhiều dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng, đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy, gây khốn đốn cho người dân trong vùng dự án và chính quyền sở tại.
Khảo sát cho thấy, hàng loạt biệt thự đã được xây với số tiền cả bạc tỉ tại các khu đô thị mới như Gleximco, Mễ Trì, Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Lideco,... Trên thực tế, giá nhà biệt thự, liền kề, dù ở thời điểm này được cho là đã giảm mạnh, đến 50%, nhưng vẫn còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Biệt thự bỏ hoang giờ trở thành nơi tá túc cho người lao động nghèo. Họ tận dụng buôn bán, kinh doanh tạm bợ các mặt hàng bình dân như trà đá, cắt tóc, thậm chí cả trồng rau, tập kết phế liệu.
Đi vào khu vực nội đô, bức tranh xám của thị trường lộ rõ qua các tòa nhà chung cư cao tầng dừng thi công, hoen rỉ, chưa biết ngày hoàn thiện. Điều dễ nhận thấy ở các dự án này là sự tham vọng quá lớn của các chủ đầu tư khi vẽ ra những dự án lung linh trên giấy, thu hút người mua nhà và sau đó không đủ năng lực để thực hiện.
Đơn cử như dự án Usilk City sau nhiều năm triển khai, hiện mới có một vài tòa của dự án này đang hoàn thiện, còn lại đều bỏ hoang hay siêu dự án Habico Tower (Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nổi đình đám một thời vì mức giá khủng từ 75-100 triệu đồng/m2 được chào bán năm 2008, đã ngừng thi công tại sàn tầng 9 và đến nay chưa có dấu hiệu khởi động trở lại.
Một trong những vấn đề nhức nhối của thị trường là các dự án đất vàng bỏ hoang nhiều năm liền quây tôn, cho thuê làm sân bóng, đỗ xe nhưng khó có thể thu hồi được. Nhiều dự án khác có vị trí “đắc địa” cũng có tên trong danh sách bị thu hồi vì chậm triển khai như: Dự án Tháp Doanh nhân của Tập đoàn Anh Quân, trên khu đất rộng 1.370 m2, tại số 1 đường Thanh Bình (Hà Đông);...
Giải cứu
Sau nhiều lần rà soát, kiểm tra, cơ quan chức năng đã có nhiều kiến nghị xử lý, thu hồi các dự án BĐS bỏ hoang tuy nhiên cho tới nay con số thực hiện được vẫn chưa đáng kể. Qua kiểm tra, thành phố Hà Nội đã thu hồi 820ha đất, trong đó có nhiều khu “đất vàng” ở 53 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; khu nhà ở để bán của Công ty Đầu tư xây dựng Gia Lâm ở quận Tây Hồ; khu đất ở số 35 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình.
Nhìn vào diện tích "đất vàng” bị xử lý thu hồi nêu trên, có thể thấy tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, hoặc để hoang hóa gây lãng phí đang ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bởi hiện nay quỹ đất cho xây dựng bệnh viện, trường học ở các địa phương còn rất khó khăn. Một trong những động thái mới nhất của Hà Nội là kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.
Nhằm tạo lối thoát cho nhiều dự án, Bộ Xây dựng đã gia hạn thêm thời gian điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi nhà ở đến hết ngày 31/12/2015. Thống kê trong hai năm 2013 và 2014 cho thấy, các giao dịch tăng trưởng liên tục, trong đó tiêu biểu là sức “nóng” của thị trường nhà ở xã hội và nhà ở thương mại được chuyển đổi.
Hiện cả nước đã có 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn ban đầu là 33.867 căn xin điều chỉnh thành 44.881 căn (tăng 11.014 căn). Trong đó, có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 38.897 căn hộ.
Theo đại diện một số đơn vị phân phối, việc tiếp tục cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại căn hộ tại dự án nhà thương mại, nguồn cung căn hộ diện tích nhỏ trong tương lai sẽ tiếp tục được bổ sung. Đây chính là cơ sở để thị trường căn hộ tiếp tục duy trì mức thanh khoản cao, thúc đẩy sự hồi phục nhanh hơn của phân khúc này.
Nhận định về thị trường, ông Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thư ký VNREA, dự báo, về cơ bản, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm và cả trong năm 2015, mặc dù đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy thị trường đã có cải thiện về thanh khoản, nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hết khó khăn.
-----------------------
Iran và Venezuela cam kết "vô hiệu hóa" mối đe dọa về giá dầu
Theo AFP, ngày 10/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro đã cam kết "vô hiệu hóa" mối đe dọa của việc giá dầu sụt giảm đối với cả 2 nước.
Tổng thống Rouhani nói: "Rõ ràng, việc hợp tác giữa các nước có chung quan điểm trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể vô hiệu hóa kế hoạch của một số cường quốc chống OPEC, qua đó ổn định giá dầu ở mức hợp lý trong năm 2015."
Về phần mình, ông Maduro "kêu gọi các nước xuất khẩu dầu mỏ hợp tác để phục hồi sự ổn định."
Hiện Iran và Venezuela, 2 thành viên OPEC, đang phải vật lộn với việc giá dầu thô giảm mạnh từ 100 USD/thùng xuống còn 50 USD/thùng chỉ trong vòng 6 tháng qua, khiến ngân sách 2 nước bị thu hẹp.
Ông Rouhani cùng Bộ trưởng dầu mỏ và các quan chức cấp cao ở Tehran đã chỉ trích Saudi Arabia, một thành viên của OPEC, không hỗ trợ các biện pháp tăng giá dầu thô./.
--------------------------
Khung giá đất tăng gấp đôi, bất động sản đi về đâu
Thị trường bất động sản (BĐS) kết thúc năm 2014 cho thấy dấu hiệu ấm lên. Theo công bố của CBRE Việt Nam, cả năm 2014 có 16.200 căn được tiêu thụ, tăng gấp đôi so với năm 2013.
Nhưng bắt đầu từ 1.1.2015, Hà Nội và TPHCM áp dụng khung giá đất mới với mức cao nhất 162 triệu đồng/m2. 5 năm trước, mức giá đất cao nhất được áp dụng ở 2 TP này là 81 triệu đồng/m2.
BĐS sẽ đội giá ?
Có ý kiến cho rằng khung giá đất mới giúp siết lại công tác quản lý đất đai. Giá đất tăng thúc đẩy việc quản lý, sử dụng đất đai được cân nhắc kỹ hơn, các dự án khó phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch và thiếu cân nhắc về hiệu quả tài chính. Khung giá đất gần với giá thị trường còn làm giảm tình trạng khiếu kiện về đất đai của người dân đang ngày càng gia tăng và kéo dài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, với giá đất hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã khó, khi tăng giá sẽ còn khó hơn nữa. Tăng giá đất sẽ khiến chi phí đầu vào lớn, các DN không mặn mà đầu tư BĐS, làm giảm năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư. Giá đất do Nhà nước ban hành, cho dù theo phương pháp tính toán nào, mục đích sử dụng nào, vẫn phải phản ánh được xu thế thị trường. Trong 3 năm trở lại đây, tỉ suất đầu tư trên mét vuông tại đô thị lớn đều đi xuống, công suất thuê, giá thuê văn phòng, khách sạn, giá bán căn hộ đều giảm... Do đó, việc tăng giá đất như hiện nay đẩy khó khăn cho DN cũng như chưa phản ánh đúng xu hướng thị trường. Việc tăng giá chắc chắn sẽ ngăn cản khả năng tiếp cận đất đai của các DN và hệ lụy dẫn tới sự không minh bạch trong giao dịch đất đai. Điều này cũng ảnh hưởng tới kêu gọi đầu tư, vì đầu tư vào BĐS không còn hấp dẫn. Chưa kể một số dự án đã bán căn hộ nhưng chưa làm xong các nghĩa vụ về quyền sử dụng đất sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ phá sản.
Theo giới kinh doanh bất động sản, hiện tiền sử dụng đất đối với chung cư bình dân chiếm khoảng 15 - 25% chi phí. Với loại hình chung cư cao cấp, nhà biệt thự, số tiền này sẽ tăng lên đáng kể, có thể chiếm tới 50 - 70%. Do vậy, khung giá đất đối với Hà Nội và TPHCM tăng gấp đôi, sẽ khiến cho giá các sản phẩm tới tay người mua nhà sẽ tăng là điều khó tránh.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, Phó Giám đốc Cty địa ốc Đất Lành - cũng cho rằng, DN sẽ phải chịu áp lực nặng nề từ Nhà nước khi tăng khung giá đất gấp đôi và áp lực từ khách hàng là không được tăng giá bán nhà. Nếu DN đã bán sản phẩm rồi mà chưa nộp tiền sử dụng đất thì khi bán nhà giá đã tính tiền sử dụng đất theo khung giá đất cũ, giờ tăng khung giá đất gấp đôi, DN phải bù tiền ra để nộp chứ không thể thu từ khách hàng được. Như vậy, đã lỗ lại càng lỗ hơn. Còn nếu DN chưa bán sản phẩm mà phải tăng gấp đôi tiền sử dụng đất tức là tăng gấp đôi tiền đầu tư. Nếu DN nào có tiền mới có thể làm tiếp, còn DN nào không có tiền thì dự án không thể thực hiện được tiếp theo. Nhưng nếu DN làm tiếp cũng khó có thể tăng giá nhà theo khung giá đất tăng, bởi giá từng phân khúc hầu như đã ấn định mức rồi, nếu tăng rất khó bán. Như vậy, DN phải đầu tư dự án thêm tiền nhưng bán nhà được với giá tăng lên sẽ khiến họ càng lỗ.
Hiện tình trạng nợ tiền sử dụng đất khá phổ biến. Tại TPHCM vẫn còn nhiều DN, người dân nợ tiền sử dụng đất hàng ngàn tỉ đồng. Do đó bảng giá đất năm 2015 chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thị trường và khả năng trả nợ của người dân, DN khi thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Và nỗi ám ảnh những dự án “ma”
Việc bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group - bị bắt tạm giam ngay trong ngày đầu năm 2015 cũng đang làm dấy lên mối quan ngại rằng sẽ còn có bao nhiêu “đại gia” tương tự làm ăn như bà Nga sẽ được cơ quan bảo vệ pháp luật “sờ gáy”. Và lúc đó, diện mạo thật của thị trường BĐS, vốn đã âm ỷ những ung nhọt, sẽ còn bung ra nhiều dự án lừa đảo tương tự như B5 Cầu Diễn; Thượng Đình Plaza, khu nhà ở tái định cư và kinh doanh tại Tây Hồ… mà bà Nga đã từng thực hiện.
Thông tin riêng của Lao Động cho biết, năng lực tài chính của bà Nga từ khá lâu đã mất cân đối nghiêm trọng. Với việc đầu tư tràn lan vào các dự án như khách sạn Quất Lâm, đầu tư vào đoàn tàu cao cấp Hà Nội - Lào Cai, đóng phim… nên “cụt” sạch vốn liếng BĐS. Bởi vậy suốt một thời gian dài các dự án BĐS của Housing Group cứ “giậm chân tại chỗ”. Các chủ dự án có hiện tượng làm ăn tương tự như bà Nga đang còn không ít, nhưng do tâm lý từ nhà đầu tư vẫn còn nuôi chút hy vọng mong manh nên chưa kêu kiện hoặc kêu kiện chưa được làm rõ. Và có lẽ có cả sự dung túng của cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu hàng loạt chủ dự án BĐS cũng bị “sờ gáy” như bà Nga, thị trường BĐS sẽ liệu còn có “ấm lên” được nữa ?.
Tuy nhiên, để cho thị trường BĐS trở nên trong sạch, việc “dọn” sạch những ung nhọt trên thị trường BĐS cũng là việc phải làm. Dù sự thật về những dự án “ma” được phơi bày sẽ làm cho không ít người phải đau đớn.
Theo dự báo của Savills trong giai đoạn 2015 - 2017, thị trường TPHCM sẽ đón nhận 65.600 căn hộ từ 102 dự án trong tương lai cũng như hiện hữu. Trong đó, 30% số căn hộ trong tương lai sẽ hoàn thành từ năm 2015 - 2016. Về phân khúc biệt thự, nhà liền kề, báo cáo của Savills Việt Nam cũng cho biết, trong quý cuối cùng của năm 2014, 5 dự án thuộc phân khúc này được mở bán tại quận 2, quận 9 và Bình Chánh. Tổng nguồn cung sơ cấp đạt 990 căn, tăng 300% so với cùng kỳ năm 2013. Quận 9 và quận Gò Vấp là những khu vực có lượng giao dịch thành công trong phân khúc biệt thự, nhà liền kề cao nhất TPHCM.
-------------------------