Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) “bán” 3 đường cao tốc là Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trước yêu cầu này của Bộ GTVT, lãnh đạo VEC cho biết, trong phương án chuyển nhượng các dự án do VEC quản lý và khai thác, trước mắt đơn vị đề nghị thành lập các công ty cổ phần dự án (CTCP) là Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo lãnh đạo VEC, CTCP dự án có quyền và trách nhiệm vận hành, khai thác thu phí, bảo trì các tuyến đường cao tốc, khai thác các dịch vụ dọc tuyến đường và hoàn trả phần vốn VEC đã vay cho dự án và vốn của các nhà đầu tư trong thời gian được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Bộ GTVT cho rằng, để nhượng quyền khai thác các dự án cao tốc do VEC đang quản lý và khai thác thì VEC cần thành lập các CTCP dự án hoặc các công ty TNHH của Nhà nước, sau đó tiến hành cổ phần hóa với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi nhuận của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân.
Bộ GTVT cũng yêu cầu VEC phải đánh giá tổng thể từ chủ trương đầu tư, quá trình triển khai, cơ chế huy động vốn, cơ chế tài chính, suất đầu tư đến công tác quản lý vận hành, thu phí của ba dự án đã đưa vào khai thác để có những đề xuất, kiến nghị cho phù hợp.
Theo Bộ GTVT, VEC là đơn vị chủ lực trong công tác đầu tư, phát triển đường cao tốc thì phải làm được ít nhất 2.000km so với mục tiêu quy hoạch xây dựng 6.400km trong cả nước, vì thế vấn đề tái cơ cấu và cổ phần hóa VEC là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp một cách bền vững đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên trên thực tế, để tiến hành cổ phần hóa trước tiên cần phải xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp trước khi cổ phần nhằm kêu gọi các cổ đông chiến lược và cổ đông khác tham gia, vậy nhưng mức vốn điều lệ hiện nay của VEC chỉ có 1.018 tỷ đồng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, VEC đề xuất Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng vốn điều lệ cho VEC trước khi CPH từ 1.018 tỷ đồng lên 22.161 tỷ đồng, bao gồm: vốn điều lệ của VEC (1.1018 tỷ đồng), tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp vào 5 dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành (20.876 tỷ đồng) và kinh phí sau đấu thầu các trạm thu phí (267,6 tỷ đồng).
Năm 2015, Hà Nội sẽ cần thêm 560 công chức. Để lựa chọn nhân tài vào làm việc, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều tiêu chí về hộ khẩu, bằng cấp. Những tiêu chí đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là việc tổ chức thi tuyển và cách giữ chân nhân tài.
UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch thi tuyển công chức năm 2015 với tổng số 560 chỉ tiêu. Vấn đề quan trọngnhất được xem như "cửa hẹp" đối với người ngoại tỉnh là tiêu chí phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
Trường hợp không có hộ khẩu tại Hà Nội, khi dự thi công chức, phải đáp ứng một trong số các tiêu chí: Tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; có bằng tiến sỹ tuổi đời dưới 35 tuổi; có bằng thạc sỹ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30 tuổi.
Chủ trương thu hút nhân tài của Hà Nội cũng như nhiều địa phương và Bộ, ngành khác là chủ trương đúng để bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, người dân không uổng công đóng thuế nuôi những "công bộc" "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Việc chấp nhận cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chung kỳ thi, chung vị trí tuyển dụng, không có ưu tiên nào khác, là cuộc cạnh tranh thực sự để lựa chọn nhân tài.
Tuy nhiên, dường như Hà Nội lại quá khắt khe, nếu không muốn nói là phân biệt đối xử, khi không chấp nhận bằng tốt nghiệp đại học dân lập, kể cả là loại giỏi đối với người không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật khác đều không quy định bằng đại học công lập giá trị hơn dân lập, mà chỉ phân biệt hệ đào tạo chính quy hay tại chức.
Quan niệm trường công, trường dân lập giống như “rào cản kỹ thuật", nhưng kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh. Nhìn ra thế giới, nhiều trường danh tiếng đào tạo ra những tài năng phần lớn là trường dân lập. Không ít thạc sĩ, tiến sĩ giỏi đang làm việc tại cơ quan nhà nước, đều được đào tạo ở các trường dân lập nước ngoài.
Việt Nam có quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng lại thiếu những công trình hoặc sáng tạo khoa học tầm cỡ quốc tế. Bằng cấp đo đếm sự học của mỗi người, nhưng nếu chỉ nhìn vào tấm bằng mà đánh giá tài năng thì không khách quan, biện chứng.
Bên cạnh đó, bằng cấp và hộ khẩu chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phụ thuộc vào chất lượng đề thi và chấm thi. Nếu hai khâu này thực hiện đúng, minh bạch, không tiêu cực, thì mới chọn được nhân tài.
Chọn được nhân tài đã khó, nhưng giữ chân nhân tài còn khó nhiều lần. Nhân tài cần môi trường làm việc, được tự do sáng tạo, được đãi ngộ xứng đáng,... Đây cũng là vấn đề hết sức quan trọng trong chính sách cán bộ./.
----------------------------
Lạm phát tháng 1 xuống thấp nhất trong lịch sử thống kê
CPI tháng Giáp Tết nguyên đán giảm so với tháng trước chủ yếu do hai lần giảm giá xăng và giá gas giảm tiếp 33.000 đồng/bình 12kg vào ngày 1/1.
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1/2015. Theo đó, trong tháng này, CPI cả nước đã giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 0,94% so với tháng 1/2014. Mức giảm CPI trong tháng Giáp Tết là khá hiếm hoi và gần như là duy nhất trong lịch sử thống kê giá 17 năm trở lại đây
Trong 11 nhóm hàng thuộc rổ tính CPI thì chỉ có 3 nhóm hàng là có chỉ số giá giảm, tuy nhiên mức giảm tại những nhóm hàng này lại lớn.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,09%, nhóm giao thông giảm 3,96% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Nguyên nhân khiến chỉ số giá giao thông tháng này giảm mạnh do ảnh hưởng của việc giảm giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian gần đây, kéo theo giá cước vận tải như xe taxi và một số tuyến xe khách giảm.
Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần (vào ngày 22/12/2014 và 6/1/2015). Trước thời điểm điều chỉnh giá vào ngày 21/1 (nằm ngoài kỳ tính CPI tháng 1), giá xăng A92 có giá là 17.570 đồng/lít, xăng A95 có giá là 18.170 đồng/lít, dầu diezen 0.05S có giá là 16.630 đồng/lít.
Bên cạnh đó, tại nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, từ ngày 1/1 giá gas cũng giảm 2.750 đồng/kg, tương đương với mức giảm 33.000 đồng/bình 12kg. Các mặt hàng khác trong nhóm như sắt thép, xi măng... vẫn giữ ổn định dù hiện nay đang là mùa xây dựng nhưng lượng hàng tồn kho quá nhiều nên các công ty có xu hướng giảm giá để thu hồi vốn.
Các mặt hàng khác như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng 0,28% với mức tăng tại nhóm lương thực là 0,03%, tại nhóm thực phẩm là 0,43% và tại nhóm ăn uống ngoài gia đình là 0,11%.
Với tính chất mùa vụ nên nhóm đồ uống và thuốc lá cũng có mức tăng chỉ số giá ở mức 0,37%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,51%. Các mặt hàng như thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,29%; giáo dục tăng nhẹ 0,08%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,13% và hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,53%.
Nằm ngoài rổ tính CPI, chỉ số giá vàng trong tháng 1 tăng 0,55% so với tháng trước, chỉ số giá USD tăng 0,23%.
Tại hội thảo về lạm phát do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính lo ngại, việc lạm phát giảm xuống mức thấp như hiện nay, ở một mức độ nào đó, là biểu hiện của sự phục hồi kinh tế chưa thật sự mạnh mẽ với mức tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư còn thấp hơn so với mức tiềm năng.
Theo dự báo của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, CPI năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể giao động trong khoảng 2 - 3%. Mức lạm phát này sẽ kéo dài trong một số năm, và cũng nhiều khả năng sẽ là suốt giai đoạn 2016 – 2020. Theo ông, lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.
Bà Ngô Thị Ánh Dương Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá Tổng cục Thống kê cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, không chủ quan trước lạm phát thấp, việc điều hành giá cả vẫn cần phải theo dõi sát sao, khi điều chỉnh giá phải có lộ trình, và trước những phản ứng xấu của thị trường cần linh hoạt, kịp thời điều chỉnh chính sách giá… Bởi vì, giá cả trong 2 năm qua dẫu có ổn định hơn cũng chỉ là tạm thời bởi nền kinh tế Việt Nam thực chất vẫn còn quá nhiều khó khăn, sự phát triển chưa thực sự bền vững.
Theo nhận định của Cục Quản lý giá, áp lực lạm phát từ thị trường thế giới năm 2015 không quá cao, kết hợp với những thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện từ những năm trước là những thuận lợi để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát năm 2015.
Tuy nhiên, năm 2015 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2014, tình hình thiên tai, bão lũ và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).
-----------------------------