Những món ăn ngon nhất của 30 quốc gia trên thế giới đã được trưng bày tại Liên hoan Ẩm thực 2015 diễn ra ở Hà Nội ngày 24/1. Sự kiện do Bộ Ngoại giao tổ chức đã thực sự trở thành một ngày hội văn hóa-nghệ thuật ẩm thực lớn tại Việt Nam.
Phát huy thành công của Liên hoan Ẩm thực lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 8/3/2014, sự kiện lần này đã nhận được sự ủng hộ tích cực và bảo trợ của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Liên hoan ẩm thực 2015 có sự góp mặt của 55 đơn vị, gồm 30 đại sứ quán, 2 trung tâm văn hóa-thương mại, 13 đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam và 10 doanh nghiệp.
Sự kiện thực sự là một trải nghiệm thú vị và hấp dẫn với các khách hàng trước các hương vị ẩm thực đặc trưng của Việt Nam và thế giới như món karipap và gà nướng sa tế của Malaysia, xúc xích và chả Romania, vang và mứt tươi Romania, Shami (thịt cừu, khoai tây nghiền rán) của Iran hay mộm, lạp, xôi, mì cốt dừa của Lào...
Nhiều gian hàng còn hướng dẫn khách làm một số món ăn truyền thống của các quốc gia. Đồ lưu niệm và một số sản phẩm truyền thống của các nước cũng được bày bán tại các quầy hàng và những nhân viên bán hàng đon đả chào mời khách chính là những cán bộ ngoại giao.
Một số gian hàng chật kín người xếp hàng mua đồ như khu của Đại sứ quán Romania. Mặc dù có 3 lò nướng xúc xích nhưng họ vẫn không thể phục vụ kịp nhu cầu của khách hàng. Thậm chí, ngài Đại sứ Romania tại Việt Nam, ông V. Arteni, cũng tham gia bán hàng khi quá đông khách.
Trao đổi với báo chí, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết, đây là cơ hội tuyệt vời để các quốc gia giới thiệu và quảng bá tinh hoa văn hóa, ẩm thực của nước mình tới người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Bà Nga cũng cho rằng: “Sự kiện này không chỉ là giao lưu văn hóa giữa các quốc gia mà là còn là nơi các cán bộ ngoại giao Việt Nam cũng như cán bộ tại các đại sứ quán, tổ chức quốc tế cùng người dân Việt Nam chung tay ủng hộ trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo đầu năm mới. Không có gì đáng quý hơn tình người, tình tương thân, tương ái.”
Trong dịp này, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng trao quà từ thiện cho Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.
Trong Liên hoan Ẩm thực, 2014 số tiền từ thiện trị giá 40 triệu đồng đã được ban tổ chức trao tặng Chương trình “Cơm có thịt” để hỗ trợ trẻ em nghèo vùng cao Việt Nam.
“Lực lượng công nhân, lao động trẻ đóng góp lớn cho xã hội thực tế lại chưa được quan tâm về đời sống, chất lượng cuộc sống rất thấp. Công nhân thuê nhà điều kiện sinh hoạt thấp, lại bị hạn chế rất nhiều quyền như ràng buộc về giờ giấc, nhu cầu giao tiếp bạn bè…”.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ những điểm mấu chốt cần tháo gỡ, giải quyết về việc đầu tư nhà ở cho công nhân trong chuyến công tác nắm tình hình thực tế tại các khu công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… vừa qua.
Mô hình nào cho nhà ở công nhân?
Tại một khu nhà trọ gần khu công ty may mặc Bình Dương, cậu thanh niên Lê Thanh Sử (quê Cà Mau) vừa trở về phòng trọ sau ca làm đêm. Căn phòng khoảng 12m2 nằm ở giữa một dãy nhà cấp 4 mái lợp fibro-ximăng, có trần chống nóng, một gác lửng nhỏ trải liền 2 chiếu đôi làm chỗ ngủ, phòng vệ sinh và 1 góc nhỏ dưới nhà đặt bếp dầu để nấu ăn, khoảng không còn lại để xe. Sử ở cùng 1 em trai, 1 em gái với giá thuê 900.000 đồng/tháng, điện nước dùng theo giá kinh doanh (2.500 đồng/kwh điện, 5.000 đồng/số nước).
Điều kiện ăn ở, theo Sử, không thoải mái gì lắm, may mùa này không nóng quá nên cũng dễ ở. Sử cho biết, cả khu trọ này cũng như những khu nhà trọ san sát quanh đây phần nhiều là các gia đình, vợ chồng công nhân trẻ thuê. Vì công ty của 3 anh em không có ký túc xá nên Sử bắt buộc phải ra ngoài ở trọ, mà thuê trọ cũng phải gắng tìm nhà chủ không làm cửa cổng, không quản lý thời gian ra vào quá chặt mới ở được.
“Ở các khu trọ đều quy định 22h30 đến 23h là đóng cổng, làm nghề bảo vệ như em, có thể bị gọi đi bất cứ lúc nào, giữa đêm hôm đột xuất mà ở những khu trọ có cửa cổng khoá lại thì không được. Vậy nên em tìm mãi mới được chỗ này. Còn ở trọ sao thoải mái được, nhiều khi bị cúp điện, khoá nước, trời nắng nóng như này, khổ lắm. Nếu công ty có ký túc xá thì em cũng chọn ở ký túc thôi” – Sử thành thật.
Mô hình nhà ở cho công nhân khác ở công ty may mặc Bình Dương, công nhân độc thân, có nhu cầu đều được bố trí ở ký túc xá. Toà nhà 7 tầng với hơn 100 căn phòng (sức chứa 1.000 người), tầng trệt dùng làm mẫu giáo cho con em người lao động trong công ty, 3 tầng giữa cho công nhân nữ, 3 tầng trên cho nam.
Điều kiện sinh hoạt được công nhân đánh giá khá tốt, ở không mất tiền, có thể tự nấu ăn trong phòng nhưng cũng ràng buộc chặt chẽ với quy định về giờ giấc sinh hoạt, đi lại, tiếp xúc gặp gỡ bạn bè, thân nhân.
Đại diện công ty cho biết, khu ký túc xá được xây dựng, đi vào hoạt động từ 2009 với mức vốn đầu tư 30 tỷ đồng, doanh nghiệp được vay ưu đãi với mức lãi suất thấp (3,5-4%/năm) từ quỹ hỗ trợ phát triển của tỉnh Bình Dương.
Khu nhà ở công nhân do Becamex đầu tư ở Bình Dương được chia thành 2 loại hình, nhà cho thuê và căn hộ để bán. Khu căn hộ để bán có 4 bloc nhà với 1.680 căn đã được mua hết, người đến ở đã kín, giá trung bình 100 triệu đồng/căn 32m2 (tính cả diện tích xép lửng). Người mua nhà ban đầu chỉ phải trả 30-70 triệu đồng, phần còn lại được vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, trả trong 10-15 năm, mỗi tháng trả 800.000-1.200.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Hồng Xuân (22 tuổi, quê Quảng Ngãi), công nhân công ty Foster sản xuất linh kiện điện thoại thuê lại căn hộ của một người đã mua với giá 1,2 triệu đồng/tháng, ở cùng 2 bạn khác. Với mức lương khoảng 5-5,5 triệu đồng/tháng, chi phí thuê nhà với nữ công nhân trẻ là hợp lý, ở chung cư an ninh, thoáng mát, sạch sẽ và cũng tự do hơn nhiều so với ở trọ nhà dân bên ngoài.
Mua nhà ngang giá đi thuê
Mô hình tương tự tại Đồng Nai, khu nhà ở cho công nhân do TCTy đầu tư và phát triển khu công nghiệp IDICO đầu tư rất “đắt hàng”.
Anh Lê Đình Duy (quê Thanh Hoá, công nhân công ty Posco P&T) vừa mua một căn hộ ở tầng 2 khu nhà, diện tích 36m2 với giá 230 triệu đồng. Cả gia đình 2 vợ chồng, 2 con nhỏ ngủ chung trên gác xép, bố mẹ, người thân đến chơi thì trải thêm đệm ngủ dưới nhà.
Đến thăm gia đình danh Duy, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng hỏi han cụ thể về điều kiện mua nhà. Anh Duy cho biết, tiền mua nhà ban đầu chỉ phải trả 20% giá trị căn hộ (tương đương 46 triệu đồng), còn gần 190 triệu còn lại được vay ngân hàng, tháng trả 1,5 triệu đồng, sau 15 năm sẽ hoàn thành cả gốc và lãi, sẽ nhận được giấy tờ sở hữu căn hộ.
Anh Duy chia sẻ niềm vui có nhà khi so sáng, trước khi mua về đây, cả gia đình anh mất 7 năm thuê nhà trọ, giá thuê cũng 1,5 triệu đồng/tháng. Nhà trọ diện tích chỉ bằng 1/3 căn hộ đang ở (10-12m2), điều kiện sinh hoạt chung đụng, bí bức, phức tạp. So với nhà thuê, căn hộ anh mua được khang trang, thoáng đẹp hơn rất nhiều. Vợ anh Duy thì hồ hởi với việc khu nhà có khuôn viên, tường rào cổng an toàn, trong có sân rộng, có thảm cỏ, cây xanh làm chỗ chơi cho trẻ nên rất yên tâm.
Với mức thu nhập cả 2 vợ chồng 9-10 triệu đồng/tháng, anh Duy khá hài lòng, tự tin vào khả năng trả nợ của mình. Lần đầu tiên có một chỗ ở an cư, anh chị cũng thấy lạc quan hơn về tương lai, về cuộc sống của cả gia đình.
Mừng cho niềm vui của gia đình anh chị, Bộ trưởng Xây dựng động viên, dù căn nhà còn nhỏ nhưng đảm bảo an toàn, thoáng sạch, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, so với điều kiện ở tập thể của cán bộ như ông trước đây (gian phòng chỉ 16m2, 2 giường đơn ghép lại cho đủ chỗ nằm, nhà tắm, vệ sinh dùng chung cả khu…) thì căn hộ 36m2 như này là mơ ước.
Kiểm tra chung cả dự án, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng ghi nhận tâm sức của chủ đầu tư khi chăm chút đến từng điểm thiết kế, khu nhà có hàng lang rộng rãi, bố trí được cả cây cảnh ở giữa như một giếng trời, cầu thang cũng rộng để vận chuyển, đưa đồ đạc lên dễ dàng. Ông Dũng chỉ nhắc chủ đầu tư làm bổ sung chấn song sắt bảo vệ bên trong hệ thống cửa kính lật ở chiếu nghỉ cầu thang để tránh tai nạn cho trẻ nhỏ.
Người đứng đầu ngành xây dựng yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức nhân rộng mô hình nhà ở cho công nhân theo hướng này khi đã có chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, vay vốn đầu tư… đề kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân làm nhà ở cho công nhân.
“Cần đặc biệt quan tâm vấn đề này vì nhà ở công nhân hiện nay chủ yếu do người dân xây, tổ chức theo kiểu nhà trọ mà ở đó người thuê nhà bị hạn chế rất nhiều quyền như ràng buộc về giờ giấc, nhu cầu giao tiếp bạn bè… dù theo quy định, nhà thuê cũng là chỗ ở hợp pháp của mỗi người. Thực tế là lực lượng lao động trẻ, đóng góp lớn cho xã hội nhưng đời sống lại chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng cuộc sống rất thấp. Đưa chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đến với chủ nhà trọ là để quản lý điều kiện xây nhà cho công nhân thuê, sao để người thuê nhà phải có quyền như ở nhà thuê, nhà mua của doanh nghiệp” – Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh.
---------------------------
Việt - Mỹ duy trì lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông
Việt Nam và Mỹ tái khẳng định lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và trên không, cũng như việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao hòa bình…
Theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong 2 ngày 22 và 23/1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị-quân sự Puneet Talwar đã đồng chủ trì Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng Việt-Mỹ thường niên lần thứ 7 để thảo luận hàng loạt các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.
Tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và Trợ lý Ngoại trưởng Puneet Talwar hài lòng ghi nhận những tiến bộ đáng khích lệ mà hai bên đã đạt được kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ vào tháng 7/2013. Hai đoàn đại biểu đã thảo luận việc phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2015.
Liên quan đến các vấn đề đa phương, hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác Việt-Mỹ trong các cơ chế khu vực và toàn cầu, trong đó có các cơ chế ASEAN đóng vai trò trung tâm. Việt Nam và Mỹ tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ song phương trên tinh thần hữu nghị, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và cam kết chung về hòa bình, ổn định, thịnh vượng và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương.
Hai bền cũng thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, chống buôn bán ma túy, an ninh mạng, hoạt động gìn giữ hòa bình và các vấn đề về thực thi pháp luật; trao đổi về tình hình Biển Đông và tái khẳng định lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và trên không, cũng như việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ngoại giao hòa bình, tránh các hành động khiêu khích đơn phương, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Về cơ chế hợp tác quốc phòng-an ninh trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011, hai bên đồng ý tiếp tục hợp tác về thực thi luật pháp trên biển, đặc biệt là tăng cường năng lực để đối phó với thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; cam kết tiếp tục hợp tác trong vấn đề tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA), xử lý chất độc da cam-dioxin và rà phá bom mìn; khẳng định cùng hợp tác nhằm giải quyết những thách thức về an ninh khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng Việt - Mỹ lần thứ 8 sẽ diễn ra tại thủ đô Washington D.C. vào năm 2016.
-----------------------