Doanh nghiệp đầu tư vào Tây Bắc hưởng nhiều ưu đãi tín dụng
Để phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Bắc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức tối thiểu 15% (cao hơn các khu vực khác).
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh đầu tư tín dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Doanh nghiệp đầu tư khu vực Tây Bắc sẽ được hưởng nhiều ưu đãi tín dụng. Trong các hạng mục đầu tư, có chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ nhằm phát huy thế mạnh về du lịch của Tây Bắc, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, tạo sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh trong vùng.
Tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc đến 31-12-2014 ước đạt 147.255 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 3,72% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/NQ-CP cũng đạt mức cao.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ tín dụng chính sách thực hiện trong khu vực ước đến 31-12-2014 đạt 26.515 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng là 7%.
Ngoài ra, năm 2014, các ngân hàng thương mại đã tài trợ an sinh xã hội cho khu vực Tây Bắc là 333 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là nhiều dự án trong vùng cần vốn đầu tư dài hạn, thậm chí hơn 10 năm, trong khi các ngân hàng chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngắn hạn hoặc trung hạn.
Tây Bắc vẫn là khu vực khó khăn trong việc hút vốn đầu tư do gặp nhiều bất lợi về cơ sở hạ tầng (kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ tốn kém chi phí cao).
Cùng với đó, một điểm yếu khác là khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nhân lực đủ chất lượng.
Do đó, qua khảo sát có những đặc điểm để phát triển, nhưng nếu không có chính sách đặc thù cùng các giải pháp đồng bộ, thì khu vực này vẫn mãi chỉ là dạng “tiềm năng”, các dự án đầu tư trong khu vực phần nhiều vẫn nhỏ lẻ, thiếu quy mô lan tỏa.
Về tín dụng khu vực Tây Bắc, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, mặc dù các đối tượng cho vay chủ yếu là khu vực nông thôn, kinh doanh hộ gia đình, nhỏ lẻ, nhưng mức nợ xấu khu vực Tây Bắc năm 2014 là 2.127 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,44% tổng dư nợ.
Đây là mức thấp hơn nhiều so với mức nợ xấu nói chung của cả nước, thể hiện chất lượng tín dụng khu vực này khá tốt.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, tỷ lệ nợ xấu không địa phương nào trong khu vực lên tới 1% tổng dư nợ.
Do đó, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục cho vay đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, nông nghiệp, hỗ trợ kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Ngoài ra phát triển các dự án dịch vụ, du lịch, tạo tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế vùng. Tuy các dự án vẫn phải khả thi, nhưng ngân hàng không yêu cầu “mức độ hiệu quả” như các dự án khu vực miền xuôi.
Các địa phương Tây Bắc đã và đang tích cực hợp tác với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực như: đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp; đầu tư khai thác và chế biến sâu khoáng sản để thu giá trị lớn; phát triển du lịch; ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, các tuyến cao tốc, đường vành đai…
-------------------------
Viễn cảnh ôtô Việt Nam 2015: mừng mà lo
Ngành xe hơi ở Việt Nam đang "gặp thời" nhờ lãi suất và lạm phát thấp, cộng thêm nhu cầu tiêu dùng của nhóm dân số giàu tăng vọt.
Tuy vậy, "đau đớn" nhất là các nhà sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu, trong bối cảnh Đông Nam Á xóa sổ thuế nhập khẩu xe vào năm 2018.
Nhu cầu "lên đời" gia tăng
Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2014, doanh số ôtô toàn khu vực giảm 10,3% còn 2,65 triệu chiếc theo Liên đoàn Ôtô Đông Nam Á. Sản xuất trong khu vực cũng giảm 10,7% còn 3,35 triệu xe so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhu cầu "lên đời" xe 4 bánh của người dân Việt Nam vẫn tăng mạnh. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết đã có hơn 121.600 xe hơi bán ra trong 10 tháng đầu năm 2014 - tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. VAMA đã tăng dự báo doanh số cả năm 2014, tính luôn xe nhập khẩu, từ 130.000 lên 145.000 chiếc.
Trường Hải Auto dẫn đầu thị trường với doanh số 10 tháng đầu năm 2014 đạt 33.000 chiếc - tăng 50%, Toyota xếp sau với 32.000 xe - tăng 20%. Các thương hiệu ngoại nhập khác như BMW hay Audi cũng báo cáo tăng trưởng doanh số.
Nikkei Asia Reviews nhận định việc xe nhập gia tăng vào Việt Nam có thể gây tổn thương cho các hãng địa phương - vốn tụt hậu so với các đối thủ ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia cả về quy mô lẫn độ phức tạp. Họ ước tính xe nhập hiện chiếm khoảng 25% thị trường Việt Nam và tiếp tục đà tăng trong 2 năm qua.
Kim ngạch xe nhập khẩu của Việt Nam đạt 1,23 tỉ USD trong 11 tháng năm 2014, dự báo lập kỷ lục 1,5 tỉ USD khi kết thúc tháng 12-2014 - tăng hơn gấp đôi so với 709 triệu USD của năm 2013, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Đa số xe nhập đều được sản xuất tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước phương Tây. Sau 9 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc xuất khẩu 8.388 xe vào Việt Nam - gấp đôi năm 2013.
Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế đồng yen mất giá, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đã giúp sedan Toyota Vios - chủ yếu nhắm vào các thị trường mới nổi châu Á - giành được sự quan tâm của nhóm khách hàng trung lưu.
Việt Nam cũng là thị trường châu Á phát triển nhanh nhất của Mercedes-Benz, với doanh số hơn 1.100 xe trong nửa đầu năm 2014 - con số ấn tượng nhất kể từ khi hãng gia nhập thị trường này.
Chỉ riêng trong tháng 10, Mercedes bán kỷ lục 200 chiếc cho khách hàng Việt Nam, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 50% trong năm 2014.
Nhờ đường sá cải thiện, các dòng xe thể thao đa dụng nhỏ cũng trở nên thông dụng hơn. Gần đây, Ford Việt Nam tung ra dòng SUV compact EcoSport và nay đang là 1 trong những chiếc xe bán chạy nhất của hãng.
Ngay cả xe sang cũng bán tốt và đẩy mạnh hiện diện: Rolls-Royce mở cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội hồi tháng 8, theo sau là Bentley tháng 10 và Lamborghini hứa hẹn sẽ sớm gia nhập thị trường này.
Mẫu Rolls-Royce Ghost SWB mới giá khởi điểm 17 tỉ đồng (794.300 USD) và hiện đang có 120 chiếc Rolls-Royce đăng ký tại Việt Nam. Hãng cho biết model được ưa chuộng nhất là Phantom 25 tỉ đồng - chiếm 60% doanh số gần đây.
Nhà sản xuất ngoại nở nồi, trong nước teo tóp
Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước đang lo ngại về Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - một phần trong kế hoạch mở rộng của Cộng đồng kinh tế ASEAN - sẽ có hiệu lực vào năm 2018, cho phép xóa bỏ thuế quan nhập khẩu ôtô toàn khu vực.
Bất chấp lời kêu gọi của Chính phủ, Nikkei Asia Review dự báo nhiều nhà sản xuất xe địa phương có thể sẽ chọn cách rút lui hơn là cạnh tranh bình đẳng với các quốc gia sản xuất khổng lồ khác như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Cả 3 quốc gia này đều sản xuất hơn 3 triệu xe trong năm 2014, trong khi nhà sản xuất Việt Nam chỉ có 97.430 xe.
(Tuổi trẻ)
-------------------------