Sáng 6/2, gần 6.000 công nhân của Công ty Chutex tại KCN Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã mang quà Tết được Công đoàn công ty tặng trả lại vì phát hiện có hàng giả.
Theo công nhân phản ánh, Công đoàn Công ty Chutex tặng 5.680 công nhân phần quà Tết gồm một chai dầu ăn, một gói bột ngọt, một gói đường và một gói bột nêm nhãn hiệu Knorr.
Nhận quà Tết, một số công nhân đã mở ra sử dụng thì phát hiện gói bột nêm Knorr là hàng giả bột nêm Knorr do Công ty Unilever Việt Nam sản xuất.
Tiếp nhận phản ánh này, khoảng 9h ngày 6/2, tỉnh Bình Dương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thị xã Dĩ An và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẩn trương kiểm tra làm rõ.
Qua kiểm tra hồ sơ, đánh giá theo tiêu chí hướng dẫn của nhà sản xuất, đoàn kiểm tra khẳng định bột nêm Knorr loại 900g trong phần quà tặng là hàng giả.
Ngay trong sáng 6/2, cơ quan chức năng đã thu giữ một lượng lớn sản phẩm bột nêm Knorr giả. Xác minh hóa đơn mua hàng được Công đoàn Công ty Chutex cung cấp đơn vị bán hàng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn xây dựng-thương mại và dịch vụ Cát Điền (địa chỉ 14B5, Cư Xá 30/4, đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh).
Công ty đã bán gần 6.000 phần quà nói trên với tổng trị giá hơn 812 triệu đồng; trong đó riêng bột nêm Knorr gồm 5.680 gói, trị giá hơn 322 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết đoàn kiểm tra đã phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam xác định gói bột nêm trong phần quà là hàng giả. Đoàn kiểm tra sẽ phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tiếp tục truy xét nguồn gốc đơn vị làm giả bột nêm Knorr.
Bà Trần Gia Lệ, Trợ lý Ban Giám đốc Công ty Chutex cho biết sau khi nhận được phản ánh của công nhân, Công ty đã thông báo công nhân ngừng sử dụng sản phẩm, đồng thời thu hồi lại phần quà. Công ty đã đề nghị cơ quan chức năng truy xét nguồn gốc hàng giả để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Lái xe dùng chíp kích hoạt đồng hồ tăng số km, thậm chí cài đặt sẵn giá cước cao ở đồng hồ tính tiền để lừa khách đi taxi. Thực trạng này đang tái diễn trên địa bàn Hà Nội trong những ngày gần Tết.
Để ngăn chặn hành vi “móc túi” hành khách, liên ngành Công an, Thanh tra giao thông đã phải phối hợp lập 3 tổ công tác, ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
20h ngày 5/2, một gia đình người Hàn Quốc tới Việt Nam du lịch, sau khi xem xong chương trình múa rối ở Nhà hát Thăng Long, đã ra đường Đinh Tiên Hoàng bắt một chiếc taxi với biển đề taxi83 để về Trần Duy Hưng.
Thế nhưng, khi xe chạy đến phố Ông Ích Khiêm, một đoạn đường chừng hơn 3km tính từ điểm xuất phát, mà đồng hồ đã báo số tiền là 300.000đ.
Nghi ngờ lái xe gian lận, gia đình người Hàn Quốc đã yêu cầu lái xe dừng lại, trả tiền.
Ngay sau khi xuống xe, vị khách này đã điện thoại cho hướng dẫn viên, nhờ họ báo đến đường dây nóng của thanh tra giao thông vận tải về trường hợp lái xe trên.
Sau khi nhận được tin báo, đoàn thành tra liên ngành Công an - Giao thông, do đồng chí Bùi Văn Tân (Phó đội trưởng Đội Thanh tra cơ động) làm Tổ trưởng, đã có mặt tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng và phát hiện Taxi83 của Công ty cổ phần Đại Phúc (công ty này đã bỏ thương hiệu kinh doanh từ cách đây 4 tháng) - biển kiểm soát 30A-395.89 đang chuẩn bị bắt khách.
Thấy đoàn thành tra xuất hiện, lái xe đã tỏ ra lúng túng và ít phút sau thì người này đã thừa nhận mình vừa chở đoàn khách là một gia đình người Hàn Quốc.
Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng đã phát hiện đây là một chiếc taxi “dù”, lái xe Lê Minh Đức (thường trú tại Nhà Chung - Hoàn Kiếm - Hà Nội) chở khách nhưng không có phù hiệu theo quy định (logo dán trên xe là giả), điều khiển xe ôtô không có giấy đăng ký; lắp đồng hồ tính tiền cước không đúng quy định (gắn chíp).
Trao đổi với phóng viên, thanh tra Bùi Văn Tân cho biết, với 3 lỗi vi phạm kể trên, lái xe taxi sẽ bị phạt hành chính là 9 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 1 tháng.
Phó đội trưởng Đội Thanh tra cơ động còn cho biết thêm: Ngoài thủ đoạn gắn chíp kích xung đồng hồ tính cước, thời gian gần đây, thanh tra giao thông còn phát hiện cả trường hợp lái xe của hãng đăng ký kinh doanh (như taxi hãng Trung Việt), nhưng vẫn cố tình cài đặt giá trong đồng hồ tính cước cao hơn giá niêm yết ở xe.
Như vậy, khi khách hàng lên xe, đồng hồ ban đầu có thể báo là 11.000/km, nhưng thực chất, khi xe chạy, đồng hồ lại nhảy tới 1.500đ, thậm chí 2.000đ/lần/100m.
Hay như một thủ đoạn khác nữa là nối cước. Hành khách trước xuống, hành khách sau lên, nhưng thay vì ấn đồng hồ trở lại số 0 ban đầu, thì lái xe cứ để giá tiền của cuốc trước, rồi chạy tiếp cho khách sau.
Nếu khách không để ý, yêu cầu lái xe bật lại đồng hồ, thì kết thúc hành trình, thanh toán, sẽ trả số tiền bằng hai lần cộng lại.
Trước câu hỏi, những ngày cận Tết, nhu cầu đi lại của người dân gia tăng, thanh tra giao thông có khuyến cáo gì với người dân để tránh trường hợp bị gian lận cước? Thanh tra Bùi Văn Tân cho hay, có hai cách để tránh bị “lừa”.
Thứ nhất, nên đi các hãng taxi có tên tuổi, uy tín. Thứ hai, khách hàng không nên vẫy xe trên đường, mà khi có nhu cầu nên gọi tới tổng đài, để hãng họ điều xe đến đón. Qua đó sẽ quản lý luôn được xe nào đang chở khách, và chở khách đi đâu.
Vì hiện nay đa số các hãng taxi đã lắp định vị, nên tất cả các trường hợp gian lận cước hay quên đồ là có thể phát hiện ngay.
Còn có những xe taxi dù, khách lên mà quên đồ, hay bị gian lận cước rất khó phát hiện.
Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng đi taxi mà cảm thấy băn khoăn về đồng hồ tính cước, hay thái độ của tài xế, thì có thể gọi ngay về đường dây nóng thông qua số điện thoại: 0903225747- 0989737767.
--------------------
Xử phạt 8 đơn vị vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng
Ngày 6/2, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (ATTP) cho biết, Cục ATTP đã xử phạt 8 công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) với số tiền 130 triệu đồng.
Đó là Công ty TNHH Thành Đạt Triệu Sơn (69 Phạm Tuấn Tài, Cổ Nhuế, Hà Nội) quảng cáo TPCN Ancan không đúng nội dung đăng ký; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Phúc Nhân (299 Voi Phục, Châu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) quảng cáo TPCN gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh; Công ty TNHH Fine Việt Nam (xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) quảng cáo TPCN Fine Collagen 100% có nội dung không đúng như đã đăng ký.
Còn lại là các đơn vị quảng cáo TPCN khi chưa được phép: Công ty TNHH Dược phẩm VNP (ở 91/92 A3 Đô thị Đại Kim, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vì quảng cáo TPCN viên nang Perfect Skin Hydro-Complex; Công ty TNHH Liên kết chăm sóc sức khỏe (số 28 ngách 360/5 La Thành, Ô Chợ Dừa, Hà Nội) với viên nang NANO-C150...
Ngoài ra, các cơ sở trên còn phải tháo gỡ nội dung quảng cáo và cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng.
----------------------
Xử phạt 60 triệu đồng đối tượng khai thác đất trái phép
Ngày 6/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lưu Trọng Nghĩa, ở thôn Dĩnh Lục, xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang) 60 triệu đồng vì hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Nghĩa có hành vi khai thác đất san lấp mặt bằng không có giấy phép tại khu đồi Chòi, thôn Trại Phúc Mãn, xã Xuân Hương (huyện Lạng Giang).
Ngoài phạt tiền, ông Nghĩa còn phải thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, đưa khu vực khai thác trở về trạng thái an toàn.
----------------------
Tạm giữ 5.000 đồ chơi bạo lực trẻ em chuẩn bị ra quầy
Chiều 6/2, Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, đã lập biên bản thu giữ và chờ tiêu hủy 5.000 đồ chơi bạo lực trẻ em các loại có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước đó, chiều 5/2, lực lượng công an bất ngờ ập vào kiểm tra nhiều phòng trọ tại kiệt 27 đường Ngự Bình (phường An Cựu, TP Huế) và phát hiện lô hàng gồm 2.800 cây kiếm nhựa; 2.200 súng nhựa được cất giấu trong nhiều bao tải.
Qua xác minh, lô hàng trên do ông Đỗ Nguyên Giáp (41 tuổi) và Dương Văn Thống (34 tuổi, đều trú tại Phụng Thượng, Phúc Thọ, TP Hà Nội) làm chủ.
Các đối tượng khai nhận số đồ chơi này được mua từ Trung Quốc, sau đó vận chuyển về Hà Nội rồi đưa vào Huế bán dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
-----------------------