Triệt phá đường dây buôn lậu đồng hồ trị giá hàng tỷ đồng
Qua kiểm đếm, lô hàng có trên 1.000 đồng hồ đeo tay, trên 2.000 máy đồng hồ được dùng để lắp đồng hồ quả, trị giá hàng tỷ đồng
Ngày 17/12, Phòng CSĐT TP về TT QLKT&CV Công an TP Cần Thơ đang tiếp tục kiểm tra, làm rõ lô hàng nhập lậu đồng hồ từ nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Cần Thơ vừa bị triệt phá.
Qua công tác nắm tình hình, chiều 16/12, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã kiểm tra hộ kinh doanh cá thể do Nguyễn Thị Thu Ngân đứng tên tại số 125/52 đường Hoàng Văn Thụ (phường An Cư, quận Ninh Kiều). Quá trình kiểm tra, lực lượng đã kiểm tra kho chứa hàng của hộ kinh doanh này tại số 91 Ung Văn Khiêm (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều).
Tại đây, lực lượng phát hiện lượng lớn hàng hóa không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc gồm: đồng hồ đeo tay và đồng hồ quả lắc. Do chủ lô hàng không xuất trình được giấy tờ liên quan và chứng minh nguồn gốc lô hàng nên lực lượng đã tạm giữ và phải điều đến 2 xe tải để chở số hàng hóa nghi nhập lậu.
Thiết bị máy lắp đồng hồ quả lắc nghi nhập lậu được phát hiện.
Qua kiểm đếm, lô hàng có trên 1.000 đồng hồ đeo tay, trên 2.000 máy đồng hồ được dùng để lắp đồng hồ quả, trị giá hàng tỷ đồng. Xác minh ban đầu, chủ lô hàng này là Nguyễn Thị Thu Hồng (23 tuổi, ngụ phường An Cư, quận Ninh Kiều).
Theo nguồn tin của phóng viên, đây là đường dây buôn lậu đồng hồ quy mô lớn được nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam, qua cảng tại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, lô hàng này được vận chuyển về Cần Thơ và phân phối cho các đầu mối tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vụ việc đang được cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ.
-------------------------
Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, trong đó có một số điểm mới nổi bật cần lưu ý như sau:
1. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):
Điểm nổi bật đầu tiên là bãi bỏ mức khống chế 15% tổng số chi được trừ đối với phần chi cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là bổ sung đối tượng được miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của cả hợp tác xã và doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thứ ba là bổ sung một số ưu đãi về thuế TNDN như: áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập từ chế biến nông sản, thủy sản của doanh nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đồng thời luật đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật.
2. Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Từ ngày 1/1/2015, cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh cụ thể như sau: phân phối, cung cấp hàng hóa: 0,5%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 2%; riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5% và hoạt động kinh doanh khác: 1%.
Miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ và thu nhập của thuyền viên làm việc trên tàu. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần thay cho việc thực hiện 2 phương pháp tính thuế trước đây: chuyển nhượng BĐS tính theo thuế suất 2% và chuyển nhượng chứng khoán tính theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần. Thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc thu nhập chịu thuế.
3. Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT): bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT đối với tàu đánh bắt xa bờ; đồng thời chuyển các mặt hàng thuộc diện áp dụng mức thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT gồm phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…
-------------------------
Ba lần ra tòa, nhận 3 mức hình phạt khác nhau
Vụ án Hoàng Thị Cẩm Tú can tội tham ô tài sản được Tòa án nhân huyện Đức Huệ hai lần xét xử sơ thẩm và ngày 16/12/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Cả ba lần ra tòa, bị cáo Tú nhận 3 mức hình phạt khác nhau.
Hoàng Thị Cẩm Tú, 30 tuổi, thường trú ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An- nguyên là cán bộ văn thư, thủ quỹ và kế toán của Trường Trung học cơ sở Mỹ Thạnh Bắc (ở xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ). Trong quá trình công tác, Hoàng Thị Cẩm Tú có hành vi vi phạm pháp luật như sau:
Năm học 2008 – 2009, Trường Trung học cơ sở Mỹ Thạnh Bắc thu học phí học sinh được 22.410.000 đồng, nộp vào tài khoản của nhà trường tại Kho bạc Nhà nước huyện Đức Huệ. Ngày 17/6/2009, Nguyễn Thị Lã là chủ tài khoản và Trần Thị Thanh Vân - kế toán ký hồ sơ rút tiền, giao cho Cẩm Tú trực tiếp rút tiền và quản lý số tiền trên. Tháng 10/2009, Cẩm Tú thay bà Nguyễn Thị Hạnh làm kế toán, ông Lâm Minh Tấn thay Cẩm Tú làm thủ quỹ. Tú bàn giao cho ông Tấn 9.911.000đồng, còn lại số tiền 12.499.000. Cuối năm 2009, ông Tấn quyết toán số tiền 9.911.000 đồng, còn lại 12.499.000 đồng, Cẩm Tú tự mua hóa đơn, giả chữ ký chủ tài khoản (Nguyễn Thị Lã) để quyết toán và chiếm đoạt số tiền trên.
Với thủ đoạn tương tự, từ năm 2008 đến năm 2011, Cẩm Tú chiếm đoạt của Trường Trung học cơ sở Mỹ Thạnh Bắc với số tiền tổng cộng 45.295.000 đồng.
Tại bản án sơ thẩm số 14-2013/HSST ngày 14/5/2013 của Tòa án nhân dân huyện Đức Huệ, xét xử Hoàng Thị Cẩm Tú về tội Tham ô tài sản theo khoản 1, Điều 278 Bộ luật Hình sự xử phạt Cẩm Tú 2 năm tù.
Sau bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đức Huệ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An có kháng nghị với nội dung: Hoàng Thị Cẩm Tú chiếm đoạt nhiều lần, với số tiền 54.295.000 đồng, thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần theo điểm c, khoản 2, Điều 278 Bộ luật hình sự, nhưng việc Tòa sơ thẩm áp dụng điểm c, khoản 1, Điều 278 BLHS xử phạt đối với bị cáo Hoàng Thị Cẩm Tú là không chính xác, chỉ ở mức 2 năm tù giam, dưới mức khởi điểm của khoản 1, Điều 278 là sai khung hình phạt, là quá nhẹ, không đáp ứng được công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay; nên đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đức Huệ, chuyển hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung (kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án, tăng hình phạt).
Tòa án nhân dân huyện Đức Huệ đã đưa vụ án Hoàng Thị Cẩm Tú ra xét sử sơ thẩm lại và áp dụng điểm c, khoản 2, Điều 278 BLHS tuyên phạt bị cáo 4 năm tù giam về tội Tham ô tài sản.
Sau bản án sơ thẩm lần hai, Hoàng Thị Cẩm Tú gửi đơn kháng cáo xin xét xử phúc thẩm, giảm nhẹ hình phạt. Tòa án nhân dân tỉnh Long An vừa đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, bị cáo đưa ra được tình tiết mới là mới sinh con nhỏ, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt…Hội đồng xử án tuyên cải sửa một phần án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hoàng Thị Cẩm Tú 3 năm tù giam về tội Tham ô tài sản (giảm 1 năm tù so với bản án sơ thẩm).
-------------------------
Lập tổ điều tra máy bay phát tín hiệu khủng bố sai
Theo cơ trưởng nhiều năm kinh nghiệm của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) trong tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra việc tổ lái thực hiện việc phát tín hiệu sai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17/12, về khả năng cơ trưởng chuyến bay VN 1266 đã phát tín hiệu khủng bố sai và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nội Bài (ngày 16/12), cơ trưởng nhiều năm của VNA - giáo viên huấn luyện phi công Nguyễn Nam Liên, cho biết trong tình huống máy bay mất áp suất đột ngột ở độ cao từ 35.000ft (tương đương 11.000m) và mặt nạ dưỡng khí trong khoang hành khách phải bung ra về mặt lý thuyết thời gian đảm bảo sự an toàn.
Mạng sống của toàn bộ hành khách và tổ bay chỉ tính bằng giây nên tổ lái buộc phải xử lý tình huống hạ độ cao trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể.
Theo ông Nam Liên, vì vậy trong tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra việc tổ lái làm phương thức sai chi tiết (tạm hiểu là phát tín hiệu sai).
Vẫn theo ông Nam Liên, trên máy bay có ba mã tín hiệu mà phi công nào cũng thuộc nằm lòng: 7500 (không tặc uy hiếp), 7700 (trục trặc kỹ thuật) và 7600 (mất liên lạc) khi xảy ra sự cố cơ trưởng sẽ phát tín hiệu với mã này cho mặt đất và xin hỗ trợ khẩn cấp.
Tại sao khi cơ phó người Việt Nam sau đó 7 phút đã phát hiện việc phát sai tín hiệu của cơ trưởng và thông báo lại với mặt đất tình trạng chính xác của chuyến bay mà sân bay Nội Bài vẫn phải triển khai tình trạng khẩn cấp chống khủng bố?
Ông Nam Liên cho biết theo nguyên tắc cơ bản trong hàng không, một khi mã 7500 của chuyến bay đã phát ra tất cả các sân bay và bộ phận chuyên môn ở mặt đất nhận được tín hiệu đều buộc phải triển khai tình huống máy bay đã bị không tặc uy hiếp vì vẫn có khả năng không tặc đã lọt vào buồng lái và khống chế phi công phát lại tín hiệu khác.
Theo ông Nam Liên việc này hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình bay và không phải là lần đầu tiên xảy ra trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Chỉ cần nghe lại đoạn hội thoại trong buồng lái, đọc lại dữ liệu trong hộp đen là tìm được câu trả lời chính xác.
Lập tổ điều tra sự cố và đình chỉ tổ lái
Trong một diễn biến khác, sáng 17/12, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN đã ký quyết định thành lập Tổ điều tra sự cố máy bay nghiêm trọng xảy ra tối 16/12 đối với máy bay A321 của VNA, đăng ký quốc tịch VN-A357, thực hiện chuyến bay VN 1266 theo hành trình từ sân bay Tân Sơn Nhất đi sân bay Vinh.
Tổ điều tra sự cố gồm 14 thành viên do ông Đỗ Quang Việt, phó cục trưởng Cục hàng không VN làm tổ trưởng. Đến chiều 17/12, ông Thanh vẫn khẳng định việc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Nội Bài chỉ là sự cố kỹ thuật chứ không có bất cứ dấu hiệu khủng bố nào.
Chiều 17/12, tổ điều tra đã bắt đầu nghe lại toàn bộ trao đổi của tổ lái, tổ bay trong hành trình để đánh giá lại cách thức xử lý tình huống của tổ lái chuyến bay.
Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn hãng hàng không VNA, cho biết trong tối 16/12 hãng đã đình chỉ bay tổ lái chuyến bay này để phục vụ công tác điều tra.
Theo VNA, cơ trưởng chuyến bay là ông Pechanec Marek, quốc tịch CH Séc, có 500 giờ bay máy bay Airbus A321, lái phụ là ông Đỗ Hoàng Nam Phúc, quốc tịch VN có 400 giờ bay Airbus A321.
Theo ông Thanh ngay trong đêm 16/12, hộp đen của chiếc máy bay Airbus A321 đã được niêm phong, đưa về cục để phân tích các dữ liệu trong suốt hành trình chuyến bay này.
Được biết, máy bay gặp trục trặc kỹ thuật được VNA đưa vào khai thác năm 2008. Kỳ kiểm tra kỹ thuật gần nhất của máy bay là ngày 12/11.
VNA đã chủ động chuyển toàn bộ hành khách sang một máy bay khác để tiếp tục hành trình đến Vinh, khởi hành lúc 21g40, trong số khách của chuyến bay này có 26 hành khách, gồm bốn trẻ em ở lại sân bay Nội Bài.
--------------------------
Vụ phản ứng tàu cát trên sông Lô: Dân khẳng định việc bắt người là sự thật!
Chiều ngày 17/12, trả lời PV Dân trí ngay tại khúc sông Lô thuộc xã Đội Bình - Yên Sơn (Tuyên Quang), anh Trần Văn Báu thêm một lần nữa khẳng định việc anh bị phó chủ tịch xã, công an xã còng tay, bắt giữ đưa về trụ sở là có thật. Người dân địa phương cũng lên tiếng xác nhận sự thật.
Sau khi báo Dân trí liên tiếp đăng tải loạt bài điều tra phản ánh vụ việc anh Trần Văn Báu trú tại thôn Cầu Cháy - xã Vĩnh Lợi - Sơn Dương - Tuyên Quang bị ông Trần Hoài Cảnh - Phó chủ tịch xã Đội Bình, ông Hoàng Văn Quỳnh, trưởng công an xã và ông Hoàng Văn Tiến, phó công an xã bắt giữ khi anh Báu cùng người dân xua đuổi tàu cát của Công ty TNHH Hiệp Phú vì cho rằng tàu cát gây sạt lở bờ sông Lô, chiều ngày 17/12, PV Dân trí lại tiếp tục vượt chặng đường hơn 100km quay trở lại hiện trường khúc sông Lô để làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ việc.
Từ thị trấn Yên Sơn, men theo con đường đất ghập ghềnh ổ trâu, ổ gà gần sát triền sông Lô, PV Dân trí đã tận thấy trên một khúc sông Lô ước chừng hơn 3km có rất nhiều phương tiện phục vụ cho việc khai thác cát sỏi. Chuyển tầm mắt về hướng sát mép sông, chúng tôi nhìn thấy có rất nhiều những vết sạt lở, nứt nẻ kéo thành vệt dài.
Tiếp xúc với PV Dân trí tại khúc sông Lô thuộc xã Đội Bình, nơi xảy ra sự việc anh Trần Văn Báu bị bắt giữ ngày 4/11, anh Báu lại bức xúc: "Tôi ra khu tàu cát đang làm và yêu cầu chủ tàu làm xa bờ. Đúng lúc đó anh công an viên và bà con thôn Chiến Thắng cũng đã có mặt rất đông, tàu cuốc vẫn tiếp tục khai thác. Tôi gọi điện tiếp cho anh công an huyện phụ trách địa bàn xã. Vì người dân trong thôn ra đã đông nên tôi vào bờ ngồi.
Ngồi được 20 phút thì thấy ông Trần Hoài Cảnh - Phó chủ tịch xã Đội Bình, ông Hoàng Văn Tiến là phó công an xã, ông Hoàng Văn Quỳnh là trưởng công an xã và đại diện công an huyện phụ trách địa bàn. Tôi chào ông Cảnh nhưng bất ngờ ông Cảnh lao vào bẻ tay tôi ra sau rồi hô ông Tiến và ông Quỳnh khóa tay tôi bằng còng số 8 áp tải tôi ra xã.
Việc ông Trần Hoài Cảnh - Phó chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo bắt tôi có rất nhiều bà con thôn Chiến Thắng chứng kiến. Hơn thế nữa, mọi người chứng kiến sự việc đều bức xúc vì hành vi bắt người của chính quyền mà không hề có lệnh bắt giữ", anh Báu nói.
Anh Báu còn cho biết: "Tôi bị họ dẫn giải đưa về trụ sở UBND xã Đội Bình để làm bản tường trình về sự việc xảy ra. Sau đó, tôi lại tiếp tục bị đưa lên trụ sở Công an huyện Yên Sơn làm việc.Trong quá trình làm việc với tôi, cả lãnh đạo UBND xã, công an xã và các đồng chí công an huyện Yên Sơn đều không công bố quyết định về việc tạm giữ hành chính hay hình sự gì với tôi cả. Hơn 20 giờ sau khi sự việc xảy ra, bỗng nhiên tôi lại được cho về. Và tôi cũng hề nhận được quyết định, lý do hay câu trả lời thỏa đáng nào từ những người liên quan".
Theo lời anh Báu, sự việc xảy ra đối với anh đã gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho bản thân cũng như những người thân trong gia đình anh. Theo đó, anh Báu đã trực tiếp đề nghị PV Dân trí vào cuộc, theo sát vụ việc mà anh Báu cho rằng anh bị những người có cương vị thực hiện nhiệm vụ có dấu hiệu bất minh. Anh Báu cho rằng những người đó đã lợi dụng quyền hạn và chức vụ trong quá trình làm việc với công dân để xâm phạm đến thân thể, danh dự nhân phẩm cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của anh này.
Hình ảnh các phương tiện phục vụ cho việc khai thác cát sỏi của công ty nằm ngay sát bờ sông Lô chiều ngày 17/12 gần hiện trường anh Trần Văn Báu bị còng tay chiều ngày 4/11.
Anh Báu chia sẻ: "Dù sau khi tôi bị bắt giữ và đã được cho về nhà nhiều ngày, thế nhưng, thi thoảng cán bộ công an huyện Yên Sơn vẫn điện thoại để yêu cầu tôi đến trụ sở làm việc. Tôi rất lo lắng và mệt mỏi. Vì thế, tôi đã thuê luật sư tư vấn giúp tôi để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tôi trong vụ việc này".
Cũng tại buổi tiếp xúc với PV Dân trí, những người dân địa phương đã trực tiếp xác nhận việc anh Báu bị bắt giữ, còng tay vào chiều ngày 4/11 là điều hoàn toàn có thật.
Trước đó, ông Đàm Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Đội Bình cho biết, phía UBND xã Đội Bình cũng đang phối hợp với Công an huyện Yên Sơn điều tra sự việc.
Về việc Công ty TNHH Hiệp Phú khai thác cát trên sông Lô khiến người dân địa phương bức xúc xua đuổi vì cho rằng gây sạt lở bờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, ông Hợi cho rằng Công ty TNHH Hiệp Phú thực hiện hút cát theo giấy phép. Tuy nhiên, ông Hợi thừa nhận việc khai thác cát của Công ty TNHH Hiệp Phú cũng góp phần gây ra tình trạng sạt lở bờ sông Lô nhưng đã hỗ trợ cho người dân.
Theo giải trình của ông Hoàng Văn Quỳnh - Trưởng Công an xã Đội Bình tại cuộc họp Ban thường vụ mở rộng của UBND xã Đội Bình ngày 12/11/2014, việc bắt anh Trần Văn Báu khi chưa có chứng cứ xác đáng là sai. Vì đi cùng ông Trần Hoài Cảnh nên ông Quỳnh cũng tham gia vào sự việc.
Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
A) Có tổ chức;
B) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
C) Đối với người thi hành công vụ;
D) Phạm tội nhiều lần;
Đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
---------------------------