Nhà thầu Nhật Bản đang đòi phạt đến 2,5 tỷ đồng/ngày vì phía Việt Nam bàn giao mặt bằng chậm trễ. "Gốc" của sự cố này xuất phát từ việc một doanh nghiệp chưa hài lòng với mức đền bù 125 tỷ đồng cho diện tích gần 2ha đất nằm trong dự án...
Lo ngại việc chậm trễ bàn giao mặt bằng ảnh hưởng tiến độ thi công tuyến Metro số 1 cũng như nguy cơ bồi thường đến 2,5 tỷ đồng/ngày cho nhà thầu, một lần nữa, ngày 16/12, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã ký công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm việc bàn giao mặt bằng của công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát (thị xã Dĩ An) cho nhà thầu dự án trước 31/12/2014.
Theo UBND TP, tiến độ bàn giao mặt bằng tiếp tục trì hoãn và chậm trễ hơn 1,5 tháng so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc vào ngày 8/8/2014 tại TPHCM. UBND TP rất quan ngại về vấn đề này, do ảnh hưởng tiến độ dự án và nguy cơ gia tăng chi phí bồi thường.
Hiện phía nhà thầu Nhật Bản đang đòi phạt đến 2,5 tỷ đồng/ngày vì bàn giao mặt bằng chậm trễ. Gói thầu số 2 của dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã chậm trễ gần 30 tháng. Phía TPHCM nhiều lần “cầu cứu” tỉnh Bình Dương nhưng dự án hơn 47.000 tỷ đồng tiếp tục bị “nghẽn” chỉ vì vướng.... một doanh nghiệp.
Hiện tại công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát vẫn chưa hài lòng với mức đền bù 125 tỷ đồng cho diện tích gần 2ha đất nằm trong dự án, mà tiếp tục khiếu nại và không chịu bàn giao mặt bàn. Việc chậm trễ này khiến cho cho hoạt động thi công bị gián đoạn, việc tiếp cận khu đất để thăm dò địa chất cũng không thể tiến hành.
Trước vấn đề này, vào tháng 11, UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ tiến hành thực hiện cưỡng chế sớm để bàn giao mặt bằng hạn chết thiệt hại cho dự án metro Bến Thành – Suối Tiên. Nhưng, đến nay vấn đề này chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo UBND TP, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019 và được đưa vào vận hành vào năm 2020. Chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Vấn đề này, UBND TP cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính Phủ xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án.
34,5% lượng kiều hối (tiền người Việt ở nước ngoài gửi về Việt Nam) được sử dụng cho chi tiêu hàng ngày, 16% lượng kiều hối được đổ vào phục vụ sản xuất kinh doanh…
Đó là nhận định trong Báo cáo Toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) kết hợp với Western Union đưa ra ngày 17/12.
Về lĩnh vực đầu tư, báo cáo chỉ rõ: hiện hơn 30% lượng kiều hối được gửi về Việt Nam trong 3 – 5 năm gần đây được gửi vào ngân hàng để lấy lãi. Gần 30% được đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. 20% để tích trữ vàng, hơn 16% đổ vào bất động sản và nhà đất.
Dự báo, năm 2014 kiều hối của cả nước có thể đạt từ 11 - 12 tỷ USD, chiếm khoảng 8% GDP cả nước năm 2014. Năm 2013, lượng kiều hối đổ về Việt Nam cũng đạt con số ấn tượng 11 tỷ USD, và năm 2012 cũng đạt 10 tỷ USD.
Theo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, năm 2013 Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Và con số lao động Việt Nam sang làm ăn tại nước ngoài sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.
Mặc dù có những dấu hiệu sáng về mục đích sử dụng kiều hối nhưng báo cáo chỉ ra có 20% kiều hối đổ vào đầu cơ tích trữ vàng cũng là điều đáng quan. Theo một chuyên gia kinh tế độc lập, việc kiều hối đổ vào vàng 20% cho thấy tâm lý người dân vẫn nghe ngóng và niềm tin đầu tư dân doanh vẫn chưa hồi phục. Chính vì vậy, cần kêu gọi người dân đẩy mạnh vốn vào sản xuất, kinh doanh, thậm chí gửi ngân hàng cũng cần được tính đến. “Tôi ví đơn cử, nếu kiều hối năm nay là 12 tỷ USD, thì 20% được tích trữ vào vàng, người Việt sẽ “cất hòm” đi 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so sánh giá vàng bán ra và mua vào từ đầu năm đến nay, người mua vàng đang được hưởng lợi rất ít. Trong khi nền kinh tế đang thiếu vốn, nhất là vay chăn nuôi và nông nghiệp”.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện CIEM cho biết: “Kiều hối bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Ngoài ra, kiều hối còn đóng góp lớn cho đầu tư và trở thành nguồn lực quan trọng của đất nước trong thời gian qua. Lợi thế lớn nhất của kiều hối hiện nay là không tiềm ẩn rủi ro như vốn FDI, ODA, những dòng vốn mà có thể đem đến như phụ thuộc chủ quyền hoặc các can thiệp mang động cơ chính trị của các nhà tài trợ. Kiều hối về ta và do người dân làm chủ đầu tư”.
Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia nhận được lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Kiều hối từ Hoa Kỳ chuyển về Việt Nam chiếm nhiều nhất với khoảng 57% tổng số lượng kiều hối, tiếp sau đó là Canada, Đức, Campuchia và Pháp.
Báo cáo “Toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam” được nghiên cứu thực hiện trong 3 tháng từ 9 – 11/2014 tại 7 tỉnh và thành phố lớn của cả nước là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nghệ An và một số tỉnh Đông Nam Bộ.
------------------------
Khó thu hồi tài sản tham nhũng do đã được chuyển hóa tinh vi
Việc thu hồi, xử lý tài sản sai phạm phát hiện qua các vụ tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp do không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều hình thức, trong đó có cả chuyển ra nước ngoài.
Ngày 17/12, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã có báo cáo gửi Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành liên quan về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP về phòng, chống tham nhũng (thời kỳ từ 6/12/2012 đến ngày 31/10/2014).
Chưa minh bạch về tài sản và thu nhập
Theo UBND TP, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế như: một số thủ tục hành chính còn gây mất thời gian cho người dân và doanh nghiệp; một số bộ phận công chức vẫn còn thái độ vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm, nhũng nhiễu đối với người dân.
Nguyên nhân của những hạn chế này, UBND TP cho rằng công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở, lỏng lẻo; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Cán bộ, công chức còn thái độ cáu gắt, nhũng nhiễu với cá nhân, tổ chức khi đển giải quyết công việc tại cơ quan, đơn vị; chưa đảm bảo giờ công.
Giải pháp xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phát hiện ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức có hiệu quả chưa cao. Thực tế việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu còn nhiều khó khăn vì chưa xác định được trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu, trách nhiệm liên đới, trách nhiệm trực tiếp, nhiệm vụ quản lý, kiểm tra…
Việc thực hiện quy định về minh bạch tài sản và thu nhập vẫn chưa đạt hiệu quả cao, theo UBND TP, nguyên nhân là chưa kiểm tra, xác minh giữa tài sản kê khai và tài sản thực tế cũng như nguồn gốc tài sản của người kê khai.
Việc đưa ra xét xử kịp thời các tội danh tham nhũng đã góp phần răn đe, giáo dục và ngăn ngừa hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan như: xem xét tội danh, định tội danh, điều tra, bổ sung… nên việc cung cấp thông tin về các vụ xét xử vẫn còn hạn chế.
Việc cán bộ, công chức, viên chức tặng quà và nộp lại quà tặng thì giải pháp thực hiện chưa cao vì thực chất việc tặng quà để được việc, nhận quà biết có tính chất hối lộ vẫn còn ngấm ngầm diễn ra, rất khó phát hiện, khó định giá quà tặng nào là vi phạm, do đó không thể giám sát được ai nhận quà sai quy định mà không nộp lại để xử lý.
Tài sản tham nhũng được tẩu tán ra nước ngoài
Theo UBND TP, việc thu hồi, xử lý tài sản sai phạm phát hiện qua xử lý các vụ tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp do không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được các đối tượng chuyển hóa tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc chuyển ra nước ngoài.
Quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ việc tham những diễn ra trong thời gian tương đối dài, bị cắt khúc qua nhiều cơ quan quản lý khác nhau, trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền thường chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ (kê biên tài sản người phạm tội), dẫn đến tình trạng người phạm tội tẩu tán hết tài sản.
Việc chứng minh, truy tìm, thu giữ, quản lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có, được cho là một trong những khó khăn nhất hiện nay xuất phát từ văn hóa sử dụng tiền mặt. Chính sách pháp luật trong những năm qua cũng chưa thực sự đảm bảo ổn định cần thiết dẫn đến nhiều tài sản không chứng minh được nguồn gốc.
Bên cạnh đó, một số vụ việc không thể xử lý tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc tội phạm khác. Do vậy, việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thực hiện được.
------------------------