Những chiếc xe điện 3 - 4 bánh xuất xứ từ Trung Quốc chạy trên đường phố Sài Gòn làm nhiều người tò mò. Ít ai biết những chiếc xe này không hề có giấy tờ nhập khẩu.
“Ô tô” 3 bánh giá rẻ
Theo hướng dẫn, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán phụ tùng xe máy nằm trên đường Nguyễn Tri Phương (phường 8, quận 10, TPHCM). Nhân viên cửa hàng cho biết, đang “cháy hàng”, bởi số lượng nhập về có hạn.
Khi chúng tôi ngỏ ý mua một chiếc “ô tô” điện, chủ cửa hàng yêu cầu đặt cọc 80% giá trị xe (hơn 30 triệu đồng) và hẹn sau 4 tuần sẽ có hàng. Theo giải thích của nhân viên bán hàng, mỗi đợt, cửa hàng chỉ nhập từ 10 - 15 xe nên khách phải đặt cọc trước.
“Có hai loại xe, một loại giá 55 triệu đồng chạy được 100 km còn loại 45 triệu chạy được 40 km. Xe có trọng lượng 350 kg, chở tối đa khoảng 200 kg. Xe có khả năng leo dốc từ 25-35 độ, có phanh bánh sau ổ đĩa. Pin xe được bảo trì miễn phí, điện áp 48V. Khách hàng có nhu cầu sử dụng xe đi xa thì nên mua thêm pin dự phòng”, người này giới thiệu và cho biết thêm: “Loại xe này đang bán rất chạy, nhập về 16 chiếc 1 tuần đã bán hết”.
Một cửa hàng bán xe “ô tô” điện 3 bánh trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) đang rao bán trên mạng. Do nhu cầu lớn, khách muốn mua phải đặt cọc, hơn 3 tuần mới giao xe. Khi phóng viên đề nghị được xem xe mẫu trước khi đặt cọc, chủ cửa hàng nói đã hết hàng. “Đặt cọc là để tránh tình trạng xe nhập về bị tồn, còn chất lượng bên bán sẽ bảo hành 12 tháng” - người giới thiệu xe nói.
Theo quan sát của phóng viên, loại xe này màu trắng, 3 bánh như “xe lam” ở Việt Nam. Có một chỗ ngồi và được bọc như ô tô bình thường. Những chiếc xe này được bán công khai tại các cửa hàng ở quận 3, 7 và nhiều điểm khác ở TPHCM.
Không giấy tờ vẫn chạy
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc chiếc “ô tô” điện xuất xứ từ Trung Quốc, nhân viên cửa hàng trên đều khẳng định, khi mua xe, khách hàng sẽ được giao gồm giấy mua hàng, giấy xác nhận nhập khẩu của hải quan.
“Nói thật là hiện nay chưa có các giấy tờ đăng kiểm, giấy phép lưu thông”- một nhân viên thú thật. Tuy nhiên, theo người bán: “Xe này cũng chạy bằng điện, tốc độ cũng không cao lắm, tối đa là khoảng hơn 30km/h. Nó cũng chỉ như xe đạp điện mà xe đạp điện thì làm gì có giấy tờ, làm gì có biển số Người ta vẫn chạy ào ào đấy thôi”.
Anh Hoàng Vũ Linh (khách mua xe, ở quận 10) chia sẻ: “Giá xe điện này chỉ bằng chiếc xe máy. Nhưng tôi không rõ, sử dụng xe này có cần bằng lái, giấy tờ hoặc biển số gì không. Nếu mua về mà không chạy được thì tiếc lắm!”.
Anh Võ Đức Chánh (42 tuổi, quận 7, TPHCM) cho biết: “Xe vận hành ổn định nhưng không có dây an toàn. Khi xe chạy cứ cảm thấy bất an! Ban đầu, đọc thông tin trên mạng thấy xe tiện dụng lại nhỏ gọn, không sợ nắng mưa, nhưng giờ mua rồi mới thấy bất tiện. Ngập là chạy không nổi”.
“Mới nghe lời quảng cáo của nhân viên bán, mình đặt cọc rồi sau 3 tuần nhận hàng. Cứ nghĩ nó như xe đạp điện nên không cần giấy phép hay giấy tờ gì. Ai dè khi đem ra đường chạy thử thì bị cảnh sát giao thông gọi vào nhắc nhở vì xe chưa được cấp phép để lưu thông ra đường", chị Tuyết Hằng, ngụ quận 2 kể.
Khi chị Hằng quay lại hỏi cửa hàng thì nhân viên cửa hàng cho biết ngoài giấy tờ hải quan để chứng minh nguồn gốc, không có giấy tờ gì khác. Chứ xe này chưa có giấy tờ gì để lưu thông. “Tôi cũng không biết xử lý sao, cứ chạy tới đâu hay đấy”, chị Hằng ngao ngán.
Không riêng gì người sử dụng xe, hiện nay, các cơ quan quản lý vẫn còn lúng túng với loại xe này. Một chiến sĩ cảnh sát giao thông thuộc đội Cảnh sát giao thông Chợ Lớn TPHCM, cho biết: “Hiện xe điện mẫu mới 3 bánh mới nhập về và cũng chưa có điều khoản nào quản lý hoặc xử lý nên khi gặp người sử dụng xe điện lưu thông trên đường thì chúng tôi chỉ dừng xe và
nhắc nhở”.
Trong khi đó, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, loại xe điện 3, 4 bánh mà người dân thường gọi là xe ô tô điện là chưa chính xác. Bởi vì loại xe này chưa đảm bảo được tiêu chuẩn ô tô, theo tiêu chuẩn Việt Nam. Các loại xe điện 3, 4 bánh mà các cửa hàng rao bán thực chất là xe dùng để chạy nội bộ, trong các khu du lịch, khu nghỉ mát, trong các sân golf,…
“Hiện Cục chưa nhận được hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp hay cá nhân nào về loại ô tô điện 3 bánh nên chưa có căn cứ để đối chiếu với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam. Để được lưu hành, trước hết loại xe này phải có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ (xe nhập khẩu hay sản xuất trong nước) để bên công an làm thủ tục cấp biển số. Sau đó, xe này cần gửi hồ sơ đến Cục Đăng kiểm để đối chiếu với các quy chuẩn hiện hành để xác định nó có đủ điều kiện lưu thông công cộng hay không”, ông Nguyễn Tô An – Trưởng phòng chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết.
-------------------------
Sai phạm đất đai ở Hạ Long: Truy trách nhiệm nguyên Trưởng phòng TN-MT
Liên quan đến sai phạm trong việc cấp sổ đỏ tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), sau khi bắt giam 9 đối tượng, cơ quan điều tra đã đề nghị Viện KSND truy tố nguyên Trưởng phòng Tài nguyên môi trường TP Hạ Long về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến vụ cấp 8 sổ đỏ trái pháp luật, đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam 9 người về các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và cố ý làm quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Chín người bị bắt gồm: Đào Nam Thành, nguyên Phó Trưởng phòng Tài nguyên môi trường TP Hạ Long; Nguyễn Minh Thanh, Đặng Quang Hiển, Lê Truyền (cùng là cán bộ Phòng TN-MT); Đặng Quang Thép, nguyên Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy; Đỗ Quang Phan, nguyên cán bộ địa chính phường Bãi Cháy; Phạm Hùng Cường, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển tài nguyên (trụ sở tại phường Bãi Cháy); Phạm Văn Chức, nguyên Chủ tịch UBND phường Hùng Thắng; Lưu Văn Duy, nguyên cán bộ địa chính phường Hùng Thắng.
Cơ quan điều tra cũng đang xem xét xử lý đối với ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Trưởng Phòng TN-MT TP Hạ Long, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch tỉnh Quảng Ninh. Theo tìm hiểu của PV cũng như tài liệu điều tra ban đầu, từ cuối năm 2011, ông Thanh với vai trò Trưởng phòng TN-MT TP Hạ Long đã thẩm định, đề nghị cấp 2 sổ đỏ trái pháp luật tại phường Bãi Cháy cho vợ chồng ông Phạm Hùng Cường và bà Vũ Thị Kim Oanh. Một trong hai mảnh đất được cấp sổ đỏ mang tên ông Cường đã được các cán bộ phòng TN-MT TP Hạ Long mang ra “xẻ thịt” chia nhau.
Cụ thể, ngày 25/11/2011, UBND TP Hạ Long đã cấp 2 sổ đỏ số BG 478421 diện tích gần 2.500m2 và BG 478422 diện tích gần 2.200m2 (đều là loại đất trồng cây lâu năm ở phường Bãi Cháy) cho vợ chồng ông Cường bà Oanh. Phần lớn diện tích của 2 thửa đất này là đất rừng đặc dụng đã cấp cho Lâm trường Hồng Gai, ông Cường chỉ là người được giao quản lý. Tuy nhiên, ông Cường cùng các cán bộ từ phường đến thành phố “hô biến” thành nguồn gốc đất do ông Cường khai phá để được cấp sổ đỏ.
Ông Thanh và Phó Trưởng phòng TN-MT TP Hạ Long Đào Nam Thành đã thẩm định, đề nghị cấp 2 sổ đỏ trái pháp luật này. Sau đó, cuốn sổ đỏ thửa đất 2.200m2 mang tên Phạm Hùng Cường đã được các cán bộ Phòng TN-MT TP Hạ Long giữ lại, tách sổ “chia chác” nhau, trong đó, em vợ ông Thanh đứng tên một thửa đất 355m2.
Thời điểm từ năm 2011-2013, ông Nguyễn Văn Thanh với tư cách Trưởng phòng TN-MT TP Hạ Long cũng đã thẩm định, đề nghị cấp trái pháp luật 5 sổ đỏ, biến 5 mảnh đất với diện tích hàng chục nghìn mét vuông có nguồn gốc đất rừng đã giao cho tổ chức khác (Lâm trường Hồng Gai) thành đất trồng cây lâu năm cho các hộ dân, hợp thửa đất rừng vào đất ở...
Ngoài ra, ông Thanh còn thẩm định, đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật cho 1.000m2 đất ở. Theo đó, khu đất nuôi trồng thủy sản rộng hơn 1.700m2 ở tổ 4 khu 1 phường Hùng Thắng của ông Lê Tiến Bộ (trú phường Hùng Thắng) nằm trong quy hoạch Quy hoạch khu du lịch và đô thị mới Hùng Thắng từ đầu năm 2010, chủ đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long) đã làm hạ tầng. Nhưng cuối năm 2011, ông Thanh vẫn thẩm định, đề nghị để UBND TP Hạ Long cấp sổ đỏ số BI 943396 (đất trồng cây lâu năm) mang tên ông Bộ. Sổ đỏ này được cơ quan chức năng xác định được cấp trái quy định vì không phù hợp quy hoạch, không phù hợp loại đất, không đảm bảo trình tự, thủ tục.
Tiếp đó, đầu năm 2012, ông Thanh lại thẩm định, đề nghị UBND TP Hạ Long ra quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 1.000m2 trong số hơn 1.700m2 đất trồng cây lâu năm của ông Bộ thành đất ở. Cơ quan chức năng xác định, chỉ riêng việc cấp sổ đỏ chuyển đổi 1.000m2 sang đất ở trái pháp luật này đã làm thất thoát của nhà nước số tiền 9,6 tỷ đồng.
Những sai phạm của ông Thanh trong việc thẩm định các hồ sơ cấp sổ đỏ đã bị cơ quan tố tụng xác định có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Cơ quan điều tra đã đề nghị khởi tố ông Thanh về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đáng lưu ý, sau đó, ông Thanh lại được điều chuyển sang làm Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch tỉnh Quảng Ninh. Cuối năm 2014, khi những sai phạm trong việc thẩm định hồ sơ, đề nghị cấp sổ đỏ trái pháp luật đã lộ sáng, ông Thanh vẫn được tỉnh Quảng Ninh trao tặng danh hiệu doanh nhân tiêu biểu của tỉnh, khiến dư luận tỉnh Quảng Ninh hết sức bất bình.
------------------------
Thu giữ gần 10.000 gói thuốc lá nhập lậu
Khi lực lượng công an yêu cầu dừng xe kiểm tra, các đối tượng đã để lại xe, với gần 10.000 gói thuốc lá nhập lậu rồi bỏ chạy. Cơ quan chức năng đã tiến hành thu giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định.
Ngày 17/1, tại km 62+500, đoạn qua thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp (huyện Hướng Hóa), lực lượng thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện 6 đối tượng (chưa xác định được danh tính) điều khiển xe mô tô, không gắn biển kiểm soát chở theo hàng hóa chạy về hướng TP Đông Hà.
Phát hiện có nhiều dấu hiệu nghi vấn, lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng xe kiểm tra thì các đối tượng này bỏ lại xe cùng hàng hóa rồi bỏ chạy.
Khi kiểm tra bên trong, lực lượng này đã phát hiện gần 10.000 gói thuốc lá, hiệu: Jet, Hero, Esse, 555,…được đựng trong 12 bao tải. Tổng số hàng trên trị giá trên 130 triệu đồng.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số hàng trên và tiếp tục điều tra làm rõ.
-----------------------