Khoảng 11h55 trưa nay 12/2, một vụ cháy đã xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển Campuchia (số 110 Cách Mạng Tháng 8, phường 7, quận 3, TPHCM) khiến cả trăm nhân viên trong tòa nhà hốt hoảng tháo chạy ra ngoài.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM - cho biết, lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM nhận được tin báo cháy tại Ngân hàng đầu tư và phát triển Campuchia (số 110 Cách Mạng Tháng 8, phường 7, quận 3) vào lúc 11h55’.
Ngay khi nhận được tin, lực lượng chữa cháy quận 3 đã điều 5 xe chữa cháy cùng 34 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để dập lửa.
Lúc này, rất đông nhân viên bên trong tòa nhà hốt hoảng tháo chạy ra ngoài, nhiều người khác cùng bảo vệ tòa nhà đã chạy xuống tầng hầm dẫn xe ra. Khoảng 20’ sau, đám cháy đã được khống chế.
Theo Thượng tá Hưởng, đám cháy xuất phát từ tầng hầm của toàn nhà. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do cháy máy hút ẩm ở phòng kỹ thuật dưới tầng hầm. Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Được biết tòa nhà xảy ra cháy cao 10 tầng, được sử dụng làm trụ sở của Ngân hàng đầu tư và phát triển Campuchia và cho các công ty thuê làm văn phòng.
Đó là khẳng định của 2 thuyền trưởng tàu cá Bình Định bị đâm vào đá ngầm ở vùng biển Hoàng Sa khiến 2 tàu bị hư hỏng hoàn toàn. 2 chủ tàu và các ngư dân trắng tay khi ngày Tết đang cận kề.
Lúc 21h tối 11/2, tàu cứu nạn SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) đã đưa 11 ngư dân trên 2 tàu cá BĐ 95569 TS và BĐ 95427 TS cập cảng an toàn sau hơn 1 ngày vượt sóng gió tiếp cận hiện trường 2 chiếc tàu bị va vào bãi đá ngầm ở vùng biển Hoàng Sa. Sức khỏe của 11 ngư dân đều bình thường.
Trao đổi với PV Dân trí sau khi cập cảng, thuyền trưởng kiêm chủ tàu BĐ 95569 TS – ông Trần Văn Quốc (SN 1974, trú huyện Hoài Nhơn, Bình Định) – kể lại: “Tàu tôi đi ngày 7/2 gồm 5 ngư dân và tôi, khi vừa ra đến vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu nước ngoài kèm theo không cho thả lưới. Bị đuổi đến khoảng 4h sáng ngày 10/2 thì tàu va vào bãi đá ngầm Chim Yến (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khiến tàu phá đáy, gãy lái và lắp”.
Sau khi tàu bị nạn thì ông Quốc phát tín hiệu cấp cứu về đất liền. Lúc này tất cả ngư dân đều quyết tâm bám trụ ở mũi tàu, vừa bảo vệ hiện trường vừa chờ tàu cứu nạn trong đất liền ra. “Khi thấy chúng tôi bị nạn, các tàu nước ngoài cứ quần thảo xung quanh khu vực đó nhưng không hề đến cứu hộ. Do tối và xa quá nên không đọc rõ số hiệu tàu”, thuyền trưởng tàu BĐ 95569 TS cho biết.
Thuyền trưởng Trần Văn Quốc cho biết, đến sáng ngày 11/2, khi tàu cứu nạn SAR 412 xuất hiện thì các ngư dân mới rời tàu cá sang tàu cứu hộ. “Lúc này anh em ngư dân chúng tôi bàn nhau mang một lá cờ Tổ quốc lên cắm trên mũi tàu còn nổi trên mặt nước để khẳng định chủ quyền”, ông Quốc nói.
Cùng lúc tàu cá BĐ 95569 TS bị nạn thì cách đó trên 10 hải lý, tàu cá BĐ 95427 TS của chủ tàu Trần Kim Trung (trú huyện Hoài Nhơn, Bình Định) do thuyền trưởng Lê Hồng Vương (31 tuổi, trú Hoài Nhơn, Bình Định) điều khiển cũng bị đâm vào bãi đá ngầm thuộc vùng biển Hoàng Sa.
Thuyền trưởng Lê Hồng Vương kể lại: “Tàu đi từ ngày 3/2 từ cảng Quy Nhơn có tôi và 4 ngư dân khác, vừa ra đến ngư trường cũng bị “tàu lạ” đuổi chạy. Do chạy quá tốc độ nên tàu chết máy và va vào đá ngầm, toàn bộ con tàu vỡ nát. Lúc đó cũng khoảng 4 giờ sáng ngày 10/2. 5 anh em chúng tôi chỉ kịp lên một chiếc thúng chai thoát thân, không kịp phát tín hiệu cấp cứu, còn toàn bộ giấy tờ, áo quần, giày dép đều bỏ lại tàu”.
Theo thuyền trưởng Vương, khi tàu bị nạn, các “tàu lạ” cũng quần thảo gần khu vực đó nhưng không đến cứu. “5 ngư dân chúng tôi chèo trên chiếc thúng chai đến khoảng 13h ngày 11/2 thì may mắn gặp được một tàu cá của Đà Nẵng vớt chúng tôi lên, cho chúng tôi ăn, nhưng lúc đó chúng tôi mừng quá ăn không được và nhờ tàu cá phát tín hiệu cấp cứu”, thuyền trưởng Vương kể lại.
Cả 2 thuyền trưởng của 2 tàu cá Bình Định và các ngư dân khi trao đổi với PV Dân trí đều khẳng định họ bị tàu nước ngoài đuổi chạy khi đang hoạt động trên vùng biển của Việt Nam.
Theo thuyền trưởng tàu BĐ 95569 TS cho biết, con tàu bị nạn có công suất 315CV, nếu đóng mới phải tốn trên 2 tỉ. “Giờ thì chúng tôi đã trắng tay rồi. Mong sao Nhà nước hỗ trợ để tôi đóng lại tàu mới tiếp tục vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình”, thuyền trưởng tàu BĐ 95569 TS – ông Trần Văn Quốc tâm sự.
Còn chủ tàu cá BĐ 95427 TS – ông Trần Kim Trung vừa từ Bình Định ra đón ngư dân về cho biết: “Con tàu của tôi có công suất 730 CV coi như mất trắng rồi, giờ đóng mới lại tốn hơn 4 tỉ đồng. Tôi nhờ Nhà nước xem xét, hỗ trợ để đóng lại tàu khác tiếp tục làm nghề”.
Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, các ngư dân sẽ lên đường về quê Bình Định vào ngày 12/2.
Bộ trưởng Đinh La Thăng gởi thư khen lực lượng cứu hộ
Ngay trong ngày 11/2, sau khi hay tin việc cứu hộ 11 ngư dân Bình Định an toàn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã gửi thư khen lực lượng cứu hộ.
Thư viết: "Tôi được biết, liên tiếp trong 2 ngày 10-11/2, vượt qua rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết xấu, với truyền thống và quyết tâm của lực lượng cứu nạn hàng hải bằng mọi giá pải đảm bảo an toàn tính mạng toàn bộ 11 thuyền viên của hai tàu BĐ 95427 TS và BĐ 95569 TS.
Đối với tàu BĐ 95427 TS, chỉ sau khoảng gần 26 giờ kể từ khi nhận được thông tin, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã cử tàu SAR 412 cứu được toàn bộ 5 thuyền viên tàu BĐ 95427 TS trong tình trạng mệt mỏi, sức khỏe yếu do phải vật lộn với sóng to, gió lớn.
Đối với tàu BĐ 95569 TS, sau 28 giờ kể từ khi nhận được thông tin, tàu SAR 412 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã tiếp cận được với tàu BĐ 95569 TS bị chìm tại bãi cạn nửa chìm nửa nổi khu vực đảm chìm Chim Yến - giữa trung tâm quần đảo Hoàng Sa".
"Đặc biệt, trong quá trình cứu nạn 6 thuyền viên tàu BĐ 95569 TS, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã gặp 2 tàu quân sự, 1 máy bay lên thẳng Trung Quốc quần thảo quanh khu vực tàu ta đang thực thi nhiệm vụ”.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, với tinh thần quyết tâm bám biển, đảo của lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải, khẳng định trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam đối với ngư dân trên biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã cứu được toàn bộ 11 thuyền viên Bình Định.
“Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, tôi gửi lời khen ngợi, đánh giá cao và chúc mừng tất cả cán bộ, người lao động của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt nam đã không ngại nguy hiểm, đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và chuyên nghiệp để phát hiện và cứu được toàn bộ 11 thuyền viên của các tàu BĐ 95427 TS và BĐ 95569 TS”, Bộ trưởng Đinh La Thăng viết.
---------------------
Bồi thường 4 tỷ đồng cho nạn nhân bị gỗ đè chết
Đại diện công ty CP Tây Đô vừa được Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV trao số tiền bồi thường 4 tỷ đồng do Giám đốc công ty này bị tai nạn trong quá trình làm việc tại công ty vào ngày 11/2, chỉ sau gần 1 tháng xảy ra tai nạn.
Ngày 18/1/2015, trong quá trình xếp và vận chuyển gỗ, ông Hoàng Phú Toàn, Giám đốc Công ty CP Tây Đô, không may bị tai nạn thương tâm dẫn đến tử vong.
Do ông Toàn là khách hàng tham gia sản phẩm Bảo hiểm cho Người quản lý doanh nghiệp (BIC Bảo An) của công ty Bảo hiểm BIDV Thăng Long nên ngay lập tức công ty Bảo hiểm BIDV Thăng Long và chi nhánh BIDV Hà Tây đã chủ động đến gia đình khách hàng chia buồn và hướng dẫn Công ty CP Tây Đô thu thập đủ hồ sơ chi trả bảo hiểm theo quy định.
Sau khi phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ trong vòng 4 ngày, vào ngày 5/2/2015, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV đã ban hành thông báo chấp thuận chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm theo hợp đồng với Công ty CP Tây Đô là 4 tỷ đồng.
Ngày 11/2/2015, tại Trụ sở Chi nhánh Hà Tây - Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển VN, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV đã gặp gỡ và trao số tiền bồi thường 4 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Tây Đô. Ông Hoàng Phú Chinh, tân Tổng Giám đốc Công ty đã thay mặt cho doanh nghiệp khách hàng nhận số tiền này từ BIC với sự chứng kiến của Ban lãnh đạo BIC và BIDV Hà Tây.
Công ty CP Tây Đô hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gỗ, là khách hàng vay vốn của chi nhánh BIDV Hà Tây, đã tham gia sản phẩm BIC Bảo An từ ngày 18/9/2014 với thời hạn 1 năm, người được bảo hiểm là ông Hoàng Phú Toàn - Giám đốc Công ty. Theo điều khoản hợp đồng, trong trường hợp người quản lý doanh nghiệp gặp các rủi ro như tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn do tai nạn, BIC sẽ chi trả cho doanh nghiệp tối đa lên tới 4 tỷ đồng.
Được biết, công ty CP Tây Đô là khách hàng đầu tiên gặp rủi ro đã được BIC bồi thường toàn bộ số tiền bảo hiểm bằng với mức chi trả tối đa của sản phẩm BIC Bảo An.
BIC là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên và duy nhất triển khai sản phẩm Bảo hiểm cho Người quản lý Doanh nghiệp với mục đích bảo vệ cho nhà quản lý của các doanh nghiệp khách hàng, qua đó gia tăng quyền lợi cho các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng BIDV.
------------------------