Ngày 12/2, theo tin từ thôn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền), cây cầu ngói Hiền Lương có kết cấu 3 gian 2 chái theo kiến trúc xưa vừa được hoàn thành với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu do nhân dân đóng góp.
Khởi công từ tháng 4/2011, đến năm 2012 phần cầu cơ bản được hoàn thiện, nhưng hết kinh phí nên công trình buộc phải tạm dừng một năm. Mất hơn một năm sau mới được xây phần mái ngói. Đến tháng 9/2014, cây cầu hoàn thiện và được đưa vào sử dụng, bước đầu đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng trăm hộ dân hai bên bờ sông.
Cầu ngói có thiết kế một nhịp hình cung, dưới là cầu trên là nhà ngói. Cây cầu này dài gần 25m, mặt cầu rộng 5,5m, phần trên có 8 trụ chống đỡ, chia làm 3 gian, 2 chái. Nóc nhà được lợp bằng ngói liệt màu cam. Đường nóc gắn lưỡng long triều nguyệt, hai đầu hồi khắc hình con dơi sải với mong muốn cầu may mắn và bình an cho dân làng.
Ở hai bên thành cầu có lối bộ hành rộng 70cm được lát gạch để người qua lại có thể dừng chân ngắm cảnh quê hương yên bình, kèm theo đó là hai thành lan can chắc chắn. Màu chủ đạo của cây câu là trắng và nâu. Đêm đến, cây cầu được thắp sáng điện bởi hệ thống đèn lồng trên trần nhà. Tổng thể công trình được thiết kế xây bằng xi măng cốt thép.
Ông Huỳnh Kim Mão, Trưởng ban vận động xây dựng cầu ngói tại địa phương cho biết: “Cây cầu có kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 600 triệu đồng, phần còn lại là từ nguồn kinh phí của địa phương. Hiện làng đang tính ngày để khánh thành cây cầu nhằm cầu an cho người qua lại, và tiếp tục quảng bá cây cầu ngói này đến với bà con khắp nơi và khách du lịch cho họ biết”.
Theo ông Trần Sỹ Ngọc, trưởng thôn Hiền Lương cho biết, việc lên ý tưởng và xây dựng cây cầu ngói xuất phát từ tâm nguyện của nhân dân trong làng, đặc biệt là những thế hệ đi làm ăn xa có điều kiện kinh tế ổn định luôn một lòng hướng về quê hương . Ngoài ra, còn là thực tế của làng: Mỗi lần muốn đi từ hai xóm Đồng Nhân sang 4 xóm An Hội, mọi người phải đi rất xa.
Bà Cao lệ Huyền (45 tuổi, trú xã Phong Hiền) chia sẻ: “Chúng tôi góp công góp của làm nên cây cầu này, vừa muốn là để đi lại hai bờ gần hơn, vừa muốn tạo nên một giá trị văn hóa để truyền dạy cho con cháu mai sau”.
Được biết tại Huế có một cây cầu ngói khác là cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, Thị xã Hương Thủy) đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, xây dựng từ rất lâu năm 1776 – có tuổi đời xấp xỉ với Chùa Cầu ở Hội An. Cầu ngói Thanh Toàn hiện là một điểm đến ưa thích của du khách.
Làng Hiền Lương trước đó có tên ở bờ Bắc trung lưu sông Bồ vốn làng tên là Hoa Lang, một trong những ngôi làng cổ xưa của xứ Thuận Hóa. Đến năm 1841, vì kỵ húy, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn cho đổi tên làng thành Hiền Lương. Làng nổi tiếng với nhiều giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời, đặc biệt là nghề rèn hàng trăm năm nay chuyên sản xuất các loại nông cụ rèn từ sắt như: lưỡi cày, lưỡi cuốc, liễn, hái, dao, rựa, phăng, mỏ xay…
“Tôi chưa dám nói phổ biến, nhưng hiện tượng chạy lỗi thanh tra là có, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ thành bất cập, khiến hiệu lực hiệu quả của thanh tra không còn. Anh thì làm nhưng anh thì dung hòa, coi nhẹ”.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh trao đổi thẳng thắn với PV Dân trí.
Theo ông Hạnh, Luật Thanh tra 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã khắc phục được một số hạn chế trước đây khiến công tác thanh tra gặp nhiều khó khăn, đó là việc đôn đốc, xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, công tác xử lý sau thanh tra chưa đạt kết quả cao, nếu không nói là chưa phát huy được hiệu quả hoạt động như kỳ vọng. Điều này thể hiện rõ nhất ở những con số thống kê: Năm 2012, tỷ lệ thu hồi sau thanh tra tại Thanh tra Chính phủ đạt trên 70%; tại các điạ phương, bộ, ngành đạt thấp hơn khoảng 40%. Đến năm 2013, tỷ lệ thu hồi đạt lại giảm xuống còn khoảng 60% và năm 2014, tỷ lệ này là trên 69%.
Tại sao việc thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước sau các cuộc thanh tra lại “khiêm tốn”, bấp bênh như vậy, thưa ông?
Có nhiều nguyên nhân khiến công tác giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra đang gặp nhiều khó khăn và mỗi nơi có những cách làm khác nhau.
Thứ nhất nằm ở chính sách pháp luật. Mặc dù chúng ta đã có luật khung, các nghị định, thông tư hướng dẫn rồi nhưng vẫn còn thiếu nhiều quy định về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài đối với việc không chấp hành thực hiện các kết luận thanh tra; đặc biệt là chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục xử lý sau thanh tra.
Mặc dù Thanh tra Chính phủ đã thành lập Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra để thực hiện những việc này rồi, nhưng đơn vị này vẫn chưa được tổ chức như một cơ quan thi hành án. Vụ này được thành lập nhưng các quy định pháp luật để đưa hiệu quả, hiệu lực vào thực tế chưa có.
Nguyên nhân thứ hai là chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, trong đó vai trò của trưởng đoàn thanh tra, của lãnh đạo điều hành chưa được phát huy. Một số kết luận thanh tra tính khả thi chưa cao, thiếu căn cứ; kiến nghị xử lý còn chung chung, chưa chỉ rõ được lỗi, cái sai của đối tượng thanh tra dẫn tới việc người ta không tâm phục khẩu phục, khi xử lý thu hồi không thu hồi được.
Một vấn đề đáng ngại nữa là có hiện tượng chạy lỗi của đối tượng thanh tra, dẫn tới việc cơ quan quản lý không thực hiện kiên định kết luận thanh tra của mình, kể cả trong chỉ đạo điều hành các cuộc thanh tra. Từ việc chạy lỗi đó dẫn tới việc kiến nghị xử lý không khách quan.
Trong một thời gian tương đối dài, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước ở một số cấp từ bộ, ngành tới địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các kiến nghị xử lý sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tiền, tài sản và xử lý cán bộ có vi phạm phát hiện qua thanh tra. Một số bộ, ngành với chức năng quản lý Nhà nước về chuyên ngành còn thiếu kiên quyết hoặc vị nể nên chưa thực sự phát huy hết vai trò của bộ, ngành mình trong xử lý các kiến nghị sau thanh tra.
Cũng cần phải thấy rằng tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và những tác động của nó ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam mà trực tiếp là hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ khiến đối tượng thanh tra chậm hoặc không có khả năng thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra.
Tình trạng chạy lỗi thanh tra đang ở mức độ như thế nào, có nghiêm trọng không, thưa ông?
Tôi chưa dám nói phổ biến, nhưng hiện tượng đó là có, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ thành bất cập, khiến hiệu lực hiệu quả của thanh tra không còn. Nếu ta làm không tốt thì về tâm lý sẽ "đẻ" ra trường hợp “kẻ ác người thiện”, anh thì làm nhưng anh thì dung hòa, coi nhẹ.
Ông đánh giá thế nào về việc vừa qua có tình trạng đối tượng bị thanh tra không “tâm phục, khẩu phục” với kết luận của Thanh tra Chính phủ nên đã báo cáo thẳng lên Thủ tướng Chính phủ để mong thay đổi nội dung kết luận?
Tôi cho rằng chuyện này không hẳn như vậy đâu. Luật đã quy định kết luận thanh tra là kết luận tối cao, cuối cùng và các cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.
Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ là để xin ý kiến về hướng xử lý, còn việc đối tượng bị thanh tra nói thế này, thế kia thì đó là quyền của họ. Không có chuyện kết luận thanh tra nói thế này sau lại đổi thành thế khác. Nhưng thực tế như tôi đã nói có cuộc thanh tra kết luận không rõ ràng do chất lượng thanh tra, nhưng tỷ lệ đó cần phải tính toán, xem xét.
Luật quy định kết luận thanh tra không có chuyện sửa. Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhà nước về kết luận của mình.
Nếu tỷ lệ thu hồi tài sản sai phạm sau thanh tra không được nâng lên thì hiệu quả, hiệu lực của các cuộc thanh tra sẽ bị giảm đi rất nhiều. Thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ làm gì để cải thiện việc này?
Như tôi đã nói, hiệu quả, hiệu lực của thanh tra không cao, tỷ lệ thu hồi tài sản sau thanh tra chưa đạt kết quả, con số kiến nghị thu hồi so với con số thực tế có khoảng cách xa,… có nhiều nguyên nhân. Để làm tốt, theo tôi phải thực hiện được đồng bộ một số giải pháp.
Thứ nhất, việc xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm cần phải có trọng tâm, trọng điểm trên tinh thần khách quan, mạnh dạn đi vào những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, dễ khuyết điểm.
Thứ hai là nội dung các kết luận thanh tra, các kiến nghị cần phải chặt chẽ, đúng luật, thấu tình đạt lý; các kết luận phải đứng trên quy luật, mối liên hệ phổ biến của sự vật hiện tượng để đánh giá đúng bản chất. Kết luận thanh tra phải khắc phục triệt để thái độ chụp mũ, kiến nghị thiếu tính khả thi. Kết luận thanh tra phải khiến đối tượng thanh tra đồng thuận, tâm phục, khẩu phục. Không cần phải cực đoan đến mức nói cơ quan thanh tra vào là thu hồi tiền, tài sản hay kiểm điểm cán bộ của đơn vị được thanh tra. Nhưng trên thực tế đúng là cơ quan thanh tra đi đến đâu là phát hiện vi phạm, sai phạm đến đấy.
Cuối cùng, cần thể chế hoá các quy định, chế tài về xử lý sau thanh tra. Tôi cho rằng hoạt động giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra cần được đẩy mạnh chứ không chỉ dừng ở việc thành lập các đoàn giám sát mỗi khi thành lập một đoàn thanh tra. Tính pháp lý của quyết định thẩm định các kết quả, đề xuất xử lý trong quá trình thực thi công vụ cần phải hành chính hoá một cách có hệ thống, đúng pháp luật. Chỉ có như vậy thì mới mong công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra trở thành một hoạt động về quản lý Nhà nước chứ không phải dừng lại là hoạt động “phát sinh” của công tác thanh tra.
Xin cảm ơn ông!
-----------------------