Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TPHCM, trong năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.426 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ, làm 31 người chết và 34 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản khoảng 45 tỉ đồng.
Ngày 23/1, Cảnh sát PCCC TPHCM đã tổ chức buổi họp báo định kỳ, nhằm thông tin về tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố trong năm 2014. Buổi họp báo do đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM và thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, phó giám đốc chủ trì.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TPHCM, trong năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.426 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ, làm 31 người chết và 34 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản khoảng 45 tỉ đồng.
Đối tượng xảy ra cháy nhiều nhất là nhà dân (chiếm gần 51%); nguyên nhân chủ yếu gây cháy là do vi phạm các quy định trong sử dụng điện (chiếm gần 48%).
Trong đó, chiến sĩ trực tiếp cứu chữa 210 vụ cháy. Các lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ cũng đã trực tiếp cứu chữa, xử lý 85 vụ cháy, 8 vụ tự đốt, 3 vụ nổ, 18 vụ cứu hộ, cứu nạn và 999 sự cố vừa mới phát sinh, góp phần kéo giảm số vụ cháy lớn và thiệt hại do cháy gây ra.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015, Cảnh sát PCCC TPHCM yêu cầu các đơn vị PCCC tại các quận, huyện trên địa bàn TPHCM tăng cường kiểm tra các cơ sở, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao như chợ, trung tâm thương mại, kho chứa hàng hóa…
Đại tá Lê Tấn Bửu, khuyến cáo, người dân không nên tích trữ hàng hóa quá nhiều trong dịp Tết vì nguy cơ cháy nổ rất lớn. Ngoài ra, đại tá Bửu cho biết, việc đun nấu, thờ cúng của người dân trong dịp Tết cũng là một vấn đề đáng lo ngại đối với tai nạn cháy nổ.
Trong buổi họp báo, đại tá Bửu đánh giá rất cao ý thức PCCC của người dân TPHCM. Vị giám đốc dẫn chứng cụ thể, trong năm 2014, trên địa bàn TPHCM xảy ra 1.426 sự cố liên quan đến cháy, nổ nhưng các chiến sĩ trực tiếp cứu chữa 210 vụ cháy, số còn lại là do lực lượng tại chỗ tự dập tắt.
------------------------
BV Việt Đức đang nỗ lực cứu 'cô giáo bị xe ôtô kéo lê nửa cây số'
Chúng tôi có mặt tại Khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Việt Đức) vào chiều 23/1, khi nạn nhân Nguyễn Thị Nhung đang nằm mê man trên giường bệnh và được các bác sĩ chăm sóc đặc biệt...
Trước đó, khoảng 22h ngày 20/1, anh Nguyễn Trọng Cường (23 tuổi, trú huyện Thanh Chương, Nghệ An) chở chị Nguyễn Thị Nhung (25 tuổi, trú Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn, Nghệ An, là giáo viên dạy tiếng Anh tại TP Vinh) trên xe máy, chạy trên đường Nguyễn Văn Cừ, thì bất ngờ bị chiếc ôtô 7 chỗ mang BKS 37A 140.29 do tài xế Nguyễn Xuân Phúc (29 tuổi, trú xã Nghi Phú, TP Vinh) chạy ngược chiều đâm vào. Cú va chạm với tốc độ cao đã khiến anh Cường bị hất văng xuống đường, còn chị Nhung cùng chiếc xe máy bị kéo vào gầm ôtô lôi đi.
Sau khi gây tai nạn, tài xế Phúc đã không dừng lại, mà tiếp tục chạy, nên đã kéo chị Nhung cùng chiếc xe máy trên đoạn đường dài khoảng 500m. Cho đến khi một chiếc ôtô 4 chỗ khác chặn đầu, tài xế mới dừng xe. Lúc này, chị Nhung được đưa ra khỏi gầm xe trong tình trạng bị thương rất nặng và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Rất may, anh Cường chỉ bị thương nhẹ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, chị Nguyễn Thị Nhung đã được các bác sĩ cấp cứu và phải thở máy. Nhưng do tình trạng các vết thương của chị Nhung quá nặng, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã phải chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Việt Đức vào ngày 22/1.
Ths. Ngô Mạnh Dinh, bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho chị Nhung, cho biết, tình trạng chị Nhung hiện vẫn rất nguy kịch. 21h ngày 22/1, bệnh nhân nhập viện Việt Đức trong tình trạng đã mổ vết thương sọ não, vẫn đang phải dùng an thần và thở qua ống nội khí quản. Các bác sĩ trong kíp trực đã thăm khám và nhận định bệnh nhân bị chấn thương sọ não, đồng thời còn bị khuyết da vùng chẩm, dập não trán phải, lóc da vùng lưng và đa chấn thương phần mềm, có nghi ngờ chấn thương bụng kín. Với tình trạng đó, bệnh nhân đã được đưa vào phòng phẫu thuật lúc 4h sáng 23/1. Ca mổ kéo dài 4 tiếng, đến 8h sáng 23/1 mới kết thúc. Bệnh nhân đã được cắt lọc vết thương phần mềm ở lưng và nội soi thăm dò ổ bụng.
Ths. Ngô Mạnh Dinh cho biết: Hiện chưa thể nói gì về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong những ngày tới, vì chị Nguyễn Thị Nhung bị đa chấn thương rất nặng: bị dập não, bị lóc da đầu và lóc da vùng lưng lẫn vùng mông khá sâu, do bị kéo lê trên đoạn đường dài, khiến vết thương bị nhiễm trùng nặng. Với tình trạng đa chấn thương như thế, chắc chắn, nạn nhân sẽ phải điều trị thời gian kéo dài.
Với tình hình sức khỏe hiện nay, chị Nhung đang được các bác sĩ và điều dưỡng của Khoa Gây mê Hồi sức chăm sóc đặc biệt 24/24h trong phòng vô trùng. Dĩ nhiên, những hậu quả để lại từ vụ tai nạn này với nạn nhân cũng sẽ còn dư chấn nặng nề, chưa biết bao giờ mới có thể hồi phục. Với sự quan tâm đến vụ tai nạn đau lòng này, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cũng đã chỉ đạo các thầy thuốc của Khoa Gây mê hồi sức tập trung cứu chữa, chăm sóc tốt nhất cho nạn nhân. Được biết, tài xế Phúc cũng đã có mặt tại Hà Nội để hỏi thăm và theo dõi diễn biến sức khỏe của nạn nhân Nguyễn Thị Nhung.
Bài học đau lòng do sử dụng rượu, bia khi lái xe và lái xe với tốc độ cao, vi phạm Luật Giao thông ở vụ tai nạn thương tâm này hy vọng sẽ là kinh nghiệm cho các tài xế khác, để không khiến những người vô tội trở thành nạn nhân của sự vô ý thức khi tham gia giao thông, còn bản thân người gây tai nạn cũng dễ vướng vòng lao lý.
-----------------------
Lội sông đi hái rau, cô gái bị nước cuốn trôi
Trong lúc lội qua đoạn sông Re thuộc thôn Tà Mát (Quảng Ngãi) để lên núi hái rau thì chị Vút bị nước cuốn trôi mất tích.
Sáng 22/1, chị Đinh Thị Vút (24 tuổi) và Đinh Thị Triều (23 tuổi), cùng trú thôn Tà Mát, xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà đi lên núi hái rau, trong lúc lội qua đoạn sông Re thuộc thôn Tà Mát thì bị nước cuốn trôi.
Triều lội được vào bờ thoát chết, còn Vút bị nước cuốn mất tích.
Nhận được tin báo, Công an huyện Sơn Hà phối hợp cùng Công an xã Sơn Hải và người dân địa phương tổ chức tìm kiếm, lặn vớt được xác Vút tại ngã ba sông Re và sông Sà Lòn, thuộc thôn Tà Mát.
--------------------------
Có thể bùng phát đợt dịch cúm A(H7N9) lần 3
WHO nhận định năm 2015 nhiều nguy cơ có thêm các trường hợp mắc cúm A/H7N9 mới ở người vào mùa đông xuân và có thể bùng phát dịch bệnh lần thứ 3.
Ngày 22/1, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo về việc Trung Quốc tiếp tục có thêm 15 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại 5 địa phương và đã có 3 người tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống. Như vậy, thế giới đã có 485 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 (trong đó có 4 trường hợp tại Đài Loan, 11 tại Hồng Kông và 1 tại Malaysia), 185 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong do cúm A(H7N9) là cao.
Theo WHO, từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm cúm A/H7N9 trên người tại Trung Quốc vào tháng 3/2013 đến 10/2014 đã ghi nhận 2 đợt bùng phát dịch bệnh này. Số lượng mắc nhiều nhất của cả hai đợt bùng phát dịch là từ tháng 1 tới tháng 4. WHO nhận định năm 2015 nhiều nguy cơ có thêm các trường hợp mắc cúm A/H7N9 mới ở người vào mùa đông xuân và có thể bùng phát dịch bệnh lần thứ 3.
Cho đến nay, dù chưa khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các nước, hoặc áp dụng biện pháp sàng lọc đặc biệt tại các cửa khẩu đối với dịch bệnh này, nhưng WHO đã có khuyến cáo đối với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A/H7N9: Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ gia cầm; không nên tới khu vực giết mổ gia cầm; không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng; luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hành vệ sinh tốt. Đối với người xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch đến hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm, cần nghĩ tới cúm A/H7N9.
Từ thực tế của Việt Nam, Cục Y tế dự phòng cũng đưa ra khuyến cáo cho người dân: Trong mùa đông xuân và dịp Tết Ất Mùi 2015, do điều kiện thời tiết, cũng như việc buôn bán, tiêu thụ gia cầm gia tăng, dẫn đến nguy cơ mắc cúm A/H7N9 là rất lớn.
------------------------