Là nền kinh tế đang nổi trong khu vực Đông Á đang phát triển năng động, Việt Nam là đối tác quan trọng của WEF và đang hợp tác với WEF trong một số lĩnh vực cùng quan tâm.
Thành lập vào năm 1971 theo ý tưởng của Chủ tịch – Nhà sáng lập Klaus Schwab, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày nay đã trở thành một trong những diễn đàn uy tín nhất thảo luận về các vấn đề kinh tế-phát triển cũng như các xu thế lớn tác động tới chính sách của các nước, khu vực và quan hệ quốc tế ở cấp độ toàn cầu.
Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng Một hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Diễn đàn Davos có sự tham dự của đông đảo các vị nguyên thủ quốc gia;lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới; lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu, trong đó có những cá nhân đã góp phần tạo ra các trào lưu công nghệ-kinh doanh mới như tỷ phú Bill Gates; các chuyên gia có uy tín, bao gồm nhiều học giả đã đoạt giải thưởng Nobel; ngoài ra còn có đại diện các tổ chức xã hội, tôn giáo, văn hóa… Với thành phần tham dự như vậy, các diễn đàn Davos là những cơ hội rất tốt để các đại biểu trao đổi về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.
Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp
Những năm gần đây, trước sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế đang nổi, WEF ngày càng chú trọng tới các vấn đề thảo luận được các nền kinh tế đang nổi quan tâm. Ngoài việc đưa các nội dung như cải tổ các thể chế quản trị toàn cầu, các mô hình tăng trưởng mới, quan hệ giữa các nền kinh tế đang nổi và các nước phát triển… vào thảo luận tại diễn đàn Davos, WEF rất coi trọng ý nghĩa của các diễn đàn khu vực như WEF Davos mùa hè tại Trung Quốc, diễn đàn WEF về Mỹ La tinh, diễn đàn WEF về Trung Đông... Tại khu vực Châu Á, Diễn đàn WEF Đông Á là khuôn khổ quan trọng để trao đổi, phân tích đánh giá các vấn đề kinh tế và phát triển của khu vực, thảo luận và đề xuất các biện pháp ứng phó với thách thức chung, mới nổi, bao gồm cả các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu...
Là nền kinh tế đang nổi trong khu vực Đông Á đang phát triển năng động, Việt Nam là đối tác quan trọng của WEF và đang hợp tác với WEF trong một số lĩnh vực cùng quan tâm. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tích cực tham gia triển khai Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp (New Vision for Agriculture) với mục tiêu chính là bảo đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường thông qua cách tiếp cận thị trường, gắn kết sự tham gia của các bên liên quan (chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân), đặc biệt là thông qua mô hình đối tác công - tư.
Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp đã thu hút sự tham gia của hơn 250 tổ chức từ nhiều lĩnh vực và khu vực địa lý khác nhau, góp phần hình thành quan hệ đối tác tại 14 quốc gia ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Các nỗ lực này đã góp phần huy động trên 5 tỷ USD cam kết đầu tư và ước tính sẽ thu hút sự tham gia của trên 13 triệu nông dân (hoạt động ở quy mô nhỏ) trong 3-5 năm tới.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam được WEF đánh giá là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần vào thành công của Sáng kiến này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam đang phối hợp với 15 Tập đoàn đa quốc gia, các công ty nước ngoài, Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai mô hình “Đối tác công – tư ngành nông nghiệp” trên năm nhóm hàng hóa và một nhóm tài chính vi mô, bao gồm cà phê, chè, rau quả, thủy sản và các hàng hóa chung.
Hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng là lĩnh vực được cả Việt Nam và WEF quan tâm. Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Tái xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thông qua tăng cường khả năng thích ứng trước các rủi ro” với sự tham dự của các chuyên gia về năng lực cạnh tranh của WEF.
Theo đánh giá của các chuyên gia WEF, Việt Nam đang có trong tay những điều kiện thuận lợi để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bao gồm lực lượng lao động trẻ sáng tạo, chăm chỉ và năng động, bên cạnh đó là những giá trị cộng đồng và gia đình. Dự kiến trong thời gian tới, các Bộ/ngành, cơ quan của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể với WEF trong lĩnh vực quan trọng này.
Tháng 6/2010, Việt Nam đã đăng cai Diễn đàn WEF Đông Á tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của hơn 450 đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và báo chí quốc tế. Thành công của Diễn đàn đã góp phần vào các hoạt động trao đổi, đối thoại về các vấn đề kinh tế-phát triển của khu vực Đông Á, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Những trông đợi từ Diễn đàn Davos 2015
Diễn đàn Davos thường niên 2015 được tổ chức từ ngày 21-24/1/2015 với sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu, trong đó có hơn 30 nguyên thủ quốc gia và đông đảo các đại biểu quốc tế. Diễn đàn Davos lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới có nhiều biến động.
Trước thềm Diễn đàn, ngày 15/1/2015 WEF đã công bố Báo cáo Rủi ro toàn cầu 2015 trong đó đánh giá các rủi ro về địa chính trị có nhiều khả năng xảy ra và có mức độ tác động lớn nhất đối với tình hình kinh tế-chính trị thế giới trong năm 2015 và 10 năm tới, đồng thời thế giới tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro về kinh tế như thất nghiệp, bất ổn tài chính, nguy cơ giảm phát và các cú sốc về năng lượng.
Trong bối cảnh này, WEF đã lựa chọn chủ đề chính của Diễn đàn là “Bối cảnh toàn cầu mới” với các nội dung thảo luận tập trung vào đánh giá bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu và các chủ đề ”nóng” khác của thế giới và các khu vực. Diễn đàn được trông đợi sẽ đề xuất các giải pháp giúp các quốc gia tranh thủ cơ hội, ứng phó với những thách thức từ những biến chuyển trong môi trường kinh tế-chính trị quốc tế và khu vực, đồng thời khuyến nghị về các chính sách thúc đẩy sự phát triển bền vững của các quốc gia cũng như các giải pháp kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Davos 2015 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ tham dự một số phiên thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng, đặc biệt là tham dự các phiên thảo luận liên quan tới tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN – một trong những điểm nhấn của Diễn đàn Davos năm nay – cùng với lãnh đạo nhiều nước ASEAN và các đại biểu trong và ngoài khu vực.
Bên cạnh các hoạt động của đoàn đại biểu Chính phủ, sự tham dự của một số doanh nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn được WEF đánh giá sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam tới các đối tác và nhà đầu tư quốc tế.
-------------------------
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc song phương bên lề WEF
Ngay khi đặt chân đến Davos, chiều 22/1 giờ địa phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bắt đầu các hoạt động tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị thường niên 2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 2015).
Phó Thủ tướng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Hoàng hậu Hà Lan Maxima-Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về tài chính bao trùm, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Micheal Froman, Phó Thủ tướng Thái Lan Devacula Pridiyathorn.
Trong cuộc gặp Hoàng hậu Hà Lan, hai bên đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực ưu tiên như chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.
Hoàng hậu Maxima mời Việt Nam tham gia Nhóm những người bạn tài chính bao trùm với thành viên là đại sứ các nước tại LHQ , nhấn mạnh Việt Nam là 1 trong 25 nước được chọn tham gia chương trình tài chính bao trùm. Hoàng hậu Maxima hi vọng sẽ đến thăm Việt Nam vào năm 2016 với tư cách là Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về vấn đề tài chính bao trùm, vị trí bà đảm nhiệm từ năm 2009.
Tại cuộc gặp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Froman, hai bên đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ trong thời gian qua, nhất trí tăng cường phối chuẩn bị tốt cho các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục dành cho Việt Nam những linh hoạt cần thiết để có thể sớm kết thúc đàm phán hiệp định TPP, khẳng định Việt Nam đã và đang nỗ lực nhằm bảo đảm TPP là một hiệp định có chất lượng cao và cân bằng.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, nhận định vòng đàm phán vừa qua đã đạt bước tiến tích cực và hy vọng các bên có thể tìm được giải pháp để sớm kết thúc đàm phán TPP.
Tại cuộc gặp Phó Thủ tướng Thái Lan Devacula Pridyathorn với sự tham dự của một số doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt-Thái, đặc biệt là hợp tác kinh tế và liên kết kinh tế tiểu vùng, khu vực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam, trong đó có việc đầu tư và triển khai các dự án lớn trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã tiếp Giám đốc tài chính công ty Heineken Hooft Graafland, Chủ tịch Công ty UPS Hoa Kỳ James Barber. Các doanh nghiệp đều đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA với EU…; mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi để mở rộng đầu tư và kinh doanh lâu dài ở Việt Nam.
Ngày 23/1, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp tục các hoạt động tiếp xúc song phương, dự và phát biểu tại một số phiên thảo luận quan trọng của hội nghị./.
-------------------------
Nếu cần, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, sau những sự cố xảy ra tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, thẩm quyền thanh tra, làm rõ thông tin tố cáo nhà thầu không đủ năng lực thuộc về Bộ Giao thông vận tải.
Tại cuộc họp báo sáng 23/1, báo chí phản ánh, thời gian qua đã nhận được nhiều đơn thư tố giác nhà thầu đang thi công đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông không đủ năng lực, thậm chí có đơn vị đây là lần đầu thi công một công trình lớn. Một câu hỏi được đặt ra, sau các sự cố cũng như việc dự án “đội vốn” lớn, Thanh tra Chính phủ có vào cuộc?
Trả lời thắc mắc này, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngay khi dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông xảy ra những sự việc không mong muốn, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu cơ quan liên quan báo cáo để tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra. Việc xem xét giải quyết đơn thư tố cáo nhà thầu thi công tại dự án không đủ năng lực phải theo quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Giả sử trong trường hợp chúng tôi yêu cầu họ thanh tra mà họ không thanh tra thì Thanh tra Chính phủ mới đề xuất lên Thủ tướng để tiến hành thanh tra”- ông Khánh nói.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, sau các sự cố ở dự án này, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, tuyên bố sẽ thay thế ngay các nhà thầu không đủ năng lực, không có trách nhiệm với công trình và xã hội.
“Bước đầu cơ quan chủ quản đã vào cuộc quyết liệt và chúng tôi ghi nhận những động thái tiến triển tốt, đáng mừng đó” - ông Khánh nhận định.
Ông Khánh cho biết trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đang có rất nhiều dự án đường sắt đô thị tương tự nên Thanh tra Chính phủ cũng không thể nắm hết được mọi vấn đề. Tuy nhiên dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra thì chắc chắn Thanh tra Chính phủ phải luôn luôn giám sát, đôn đốc các cơ quan quản lý trên địa bàn, lĩnh vực kiểm tra.
“Nếu sau này thấy cần thiết thì Thanh tra Chính phủ sẽ vào cuộc theo quy định của pháp luật”- ông Khánh khẳng định.
Trong khi đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết cơ quan này đang hoàn tất kết luận thanh tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý, kinh doanh vàng và kết luận thanh tra tại Ngân hàng Vietinbank. “Tới đây chúng ta sẽ có được thông tin chính thức về hai kết luận này”- ông Lượng thông báo.
Đối với việc xử lý kết luận thanh tra sai phạm hơn 8.366 tỷ đồng tại Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), ông Trần Đức Lượng cho biết VRG có đặc thù riêng, gắn với rất nhiều vùng chiến lược, trọng yếu, đặc biệt gắn cả với nước ngoài (Campuchia, Lào). Chính vì thế VRG vừa làm kinh tế, vừa làm chính trị và giúp đỡ nước bạn với một mối quan hệ gắn kết. “Có nhiều việc nên vừa rồi chúng tôi phải phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành những việc này. Trong quá trình đó đã có khắc phục, chứ không phải thanh tra rồi kết luận để đấy”- ông Lượng nói.
--------------------------
Bộ Công thương yêu cầu cán bộ đi hàng không giá rẻ
Bộ Công thương yêu cầu, các đơn vị khi đi công tác trong nước bằng máy bay thì phải mua vé của các hãng hàng không giá rẻ. Đồng thời, phải sử dụng tiết kiệm các khoản chi văn phòng phẩm, điện, nước, điện thoại...
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa vừa ký công văn thông báo về việc thực hiện chính sách tiết kiệm, chống lãng phí gửi tới tất cả các đơn vị thuộc cơ quan Bộ quản lý.
Tại thông báo này, Bộ Công thương yêu cầu, các đơn vị khi đi công tác trong nước bằng máy bay thì phải mua vé của các hãng hàng không giá rẻ. Đồng thời, phải sử dụng tiết kiệm các khoản chi văn phòng phẩm, điện, nước, điện thoại...
Các đơn vị trực thuộc Bộ cũng được “lệnh” phải điều hành, quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, hạn chế tối đa xử lý bổ sung ngoài dự toán.
Tại công văn này, Bộ Công thương cũng giao các đơn vị cắt giảm tối đa và thực hiện công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, đi công tác nước ngoài và các hoạt động không cần thiết từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất với giá cả và chất lượng cạnh tranh cũng được Bộ lưu ý tới tất cả đơn vị do mình quản lý.
-------------------------