Liệu yếu tố châu Á và đặc biệt “lá bài Trung Quốc” có là kim chỉ nam cho các quyết sách của chính phủ Mỹ trong 2015?
Một trong những thành công của chính quyền Obama và được nhấn mạnh trong Thông điệp Liên bang 2015, đó là gói thỏa thuận lịch sử trong lĩnh vực biến đổi khí hậu với Trung Quốc. Liệu yếu tố châu Á Thái Bình Dương và đặc biệt là “lá bài Trung Quốc” có là kim chỉ nam cho các quyết sách của chính phủ Mỹ trong 2015? Một số chỉ dấu từ thông điệp liên bang sẽ cho thấy câu trả lời.
Ẩn số Trung Quốc
Thứ nhất, trong bài phát biểu, ông Obama nói: “Trung Quốc muốn viết luật cho khu vực tăng trưởng nhanh nhất (châu Á – Thái Bình Dương). Họ sẽ đẩy công nhân và thương nhân của chúng ta vào thế bất lợi. Tại sao chúng ta có thể để điều đó xảy ra? […] Chúng ta cần làm cân bằng sân chơi. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu lưỡng Đảng cho tôi quyền xúc tiến thương mại để bảo vệ công nhân Mỹ, với các thỏa thuận thương mại mới từ Á sang Âu – không chỉ tự do mà còn công bằng”.
Quyền đàm phán nhanh (Fast Track Authority) là nhu cầu cần thiết để Mỹ ngăn cản sự bành trướng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, đồng thời thiết lập ảnh hưởng và chuẩn mực trong khu vực.
Đây là câu trả lời cho những gì diễn ra vào cuối năm vừa qua, khi TQ thúc đẩy hàng loạt các dự án nhằm thiết lập vị thế lãnh đạo kinh tế khu vực.
Cụ thể là các hiệp định thương mai tự do giữa TQ và ASEAN, Hàn Quốc, thỏa thuận dầu khí và thương mại lịch sử với Nga. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông qua con đường tơ lụa hai trục hơn 40 tỷ USD: đường bộ từ Á sang Âu và đường biển vượt Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, qua Bắc Phi tới Địa Trung Hải và nối với con đường tơ lụa trên bộ ở Ý. Sự hình thành Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cạnh tranh ảnh hưởng với Qũy tiền tế thế giới IMF, Ngân hàng thế giới WB và trói buộc châu Á một cách chặt chẽ hơn với Bắc Kinh trong mạng lưới “Con đường tơ lụa mới”. Sự tăng cường của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Tổ chức Thượng Hải (SCO), đề xuất thành lập Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (APFTA).
Thứ hai, về an ninh mạng. Ông Obama nhấn mạnh: “Không quốc gia nào hay hacker nào có thể đánh sập hệ thống, ăn cắp các bí mật thương mại, hay xâm phạm đời tư các gia đình Mỹ, đặc biệt trẻ em. Cần đảm bảo Cơ quan tình báo của chính phủ có thể chống lại các mối đe dọa an ninh mạng, như chúng ta đã làm để chống khủng bố”.
Tuyên bố này không nêu tên hay một quốc gia cụ thể nhưng có thể đoán địa chỉ nó muốn nhắm tới là ai. Đặc biệt sau các vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures và tài khoản mạng xã hội Twitter của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENCOM) quân đội Mỹ. Cùng với thông tin từ tài liệu rò rỉ của Edward Snowden vào 19/1/2015, các tin tặc TQ đã ăn trộm được tới 50 terabytes thông tin mật (tương đương 5 thư viện Quốc Hội) về kế hoạch chi tiết của chiếc máy bay tiêm kích tác chiến hỗn hợp F-35, hàng chục hệ thống vũ khí tiên tiến, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, thiết kế tàu chiến ven biển, công nghệ súng điện từ…
Vấn đề an ninh mạng là đề xuất hiếm hoi trong Thông điệp Liên bang sẽ nhận được tán thành của phe Cộng hòa. Trước đó, cả thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện John Boehner đều ủng hộ đề xuất này. Dù không nhắc đến TQ nhưng từ khi ông Obama cầm quyền, TQ luôn là mục tiêu chỉ trích của các thương đoàn, công ty và giới chính trị Mỹ.
Các hành vi ăn cắp dữ liệu của TQ đã trở nên ầm ĩ. Do đó, đây là lời xác nhận nỗ lực của lưỡng Đảng Hoa Kỳ về việc chống ăn cắp dữ liệu và đảm bảo an ninh mạng trước những động thái ngày càng tăng về lượng, lẫn chất của Bắc Kinh…
Tương lai chính sách xoay trục
Thứ ba, tương lai của “Chính sách xoay trục” và tình hình an ninh Châu Á thái Bình Dương. Dù không đề cập trực tiếp nhưng ông Obama nhấn mạnh: “Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phải hiện đại hóa hệ thống liên minh và phải làm rõ ràng rằng tất cả quốc gia phải chơi theo luật, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình… Liệu chúng ta sẽ tiếp cận thế giới một cách dè dặt và đối phó, tự đẩy mình vào các cuộc xung đột tốn kém, làm căng thẳng quân đội và tự kéo lùi vị thế? Hay sẽ dẫn dắt một cách khôn ngoan, sử dụng mọi yếu tố sức mạnh để đánh bại các mối đe dọa?”.
Phát biểu này một mặt đáp trả những chỉ trích về chính sách “xoay trục” nói nhiều hơn làm. Hành động của Mỹ 2014 trong nhiều mặt trận có thế “cân đo, đóng đếm” cụ thể qua nhiều việc như sau:
Kêu gọi rút giàn khoan - lần đầu tiên Mỹ yêu cầu TQ ngưng một hoạt động khai thác trên biển Đông.
Đưa ra 3 Nghị quyết về biển Đông và Hoa Đông, chỉ trích các hành động của TQ và kêu gọi tuân thủ luật quốc tế.
Tái khẳng định những cam kết với đồng minh như Hiệp ước Phòng thủ Chung ký với Philippines, ủng hộ sửa đổi Hiến pháp và mong tăng cường hoạt động quân sự của Nhật.
Giải tỏa một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và (đàm phán) hỗ trợ Việt Nam về tuần tra hàng hải.
Đây có thể xem là cam kết cho những hành động mạnh mẽ hơn của vị lãnh đạo, vừa mang gánh nặng danh hiệu “Tổng thống hòa bình”, vừa bị các nhà quan sát quốc tế chê trách vì sự yếu đuối trong đối ngoại suốt 6 năm qua.
Thứ tư, biến đổi khí hậu và sản xuất dầu khí. Sau khi sử dụng quyền hành pháp để đề xuất những điều lệ mới về khí thải với các nhà máy điện và thỏa thuận khí thải lịch sử với TQ trong năm 2014, ông Obama rất có thể sẽ tiếp tục nhắc đến vấn đề cắt giảm khí thải và đường ống Keystone XL.
Hiện tại, Đảng Cộng hòa và các công ty dầu khí đang phản đối rất dữ dội vấn đề này và cho rằng nó không chỉ thiệt hại kinh tế mà còn khiến nhiều người mất việc. Tuy nhiên, với ông Obama đây là một thắng lợi to lớn, và là tiền đề cho Hội nghị tại Paris về biến đổi khí hậu sắp tới. Một thành quả đáng ghi nhận vào thành tích cầm quyền của Tổng thống cả về phương diện đối nội, lẫn đối ngoại.
Không ai có thể tiên đoán tất cả chính sách chỉ qua một bài phát biểu. Ngôn từ vừa là hình thức để truyền tải tư duy, vừa là cách thức để người ta che dấu suy nghĩ thực của mình. Liệu Thông điệp liên bang 2015 là một hay hai trong hai hình thức trên chắc sẽ còn phải chờ đợi trong diễn tiến các tháng còn lại.
------------------------
Davos 2015 nóng chủ đề Mỹ
Ở Davos năm nay, Mỹ đã lấy lại được vị trí trong bức tranh kinh tế thế giới. Người ta nói rằng, nước Mỹ đang bùng nổ trong bối cảnh giá năng lượng giảm và thung lũng Silicon thống trị ngành công nghệ toàn cầu.
Mặc dù theo số liệu vừa công bố tại Mỹ, doanh số bán lẻ không như mong đợi, nhưng quý III/2014, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 5%, nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Trong hơn 280 phiên họp xung quanh các chủ đề nóng của kinh tế thế giới, chủ đề về các thị trường mới nổi vẫn nhiều hơn về Mỹ, nhưng nhìn chung Davos 2015 có vẻ ít hứng khởi hơn về triển vọng của các nền kinh tế đang phát triển. Trong những quán cà phê, bar và dọc theo hành lang hội nghị, người ta bàn nhiều hơn đến sức mạnh của kinh tế Mỹ. Các công ty chưa có mặt ở Mỹ hoặc chưa chú trọng đến thị trường này đang tìm cách kết nối. Các CEO hàng đầu thế giới tận dụng thời gian có mặt ở Davos để tạo mối quan hệ. Các cuộc trò chuyện thường dẫn đến những vụ thâu tóm sáp nhập. Năm 2014, các công ty nước ngoài đã bỏ ra 259 tỷ USD để thâu tóm các công ty Mỹ, cao gấp đôi năm 2013 và cao nhất kể từ 2007. Năm 2015, con số trên được dự báo sẽ cao hơn nhiều.
Thậm chí, trong mắt Franck Riboud - Chủ tịch hãng sản xuất sữa chua Danone (Pháp), Mỹ chỉ là thị trường mới nổi, bởi mới chỉ 6% các hộ gia đình Mỹ mua sữa chua/tháng. Còn Manuel Falco của Citigroup luôn cho rằng, đối với các công ty lớn, Mỹ là “bến cảng” an toàn và tốt nhất.
Tất nhiên, Davos vẫn sẽ nói về châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi, vẫn có các câu chuyện Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới hay Ấn Độ ráo riết cải cách để thúc đẩy tăng trưởng. Song, không khí ở Davos sẽ khác hẳn so với năm 2006, Ấn Độ thực hiện chiến dịch “India Everywhere” (Ấn Độ ở mọi nơi) hoặc ba năm sau, Tổng thống Nga Putin quảng bá Nga là một ốc đảo có nền kinh tế ổn định trong cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu.
----------------------
Tình báo Mỹ biết trước về âm mưu khủng bố Paris?
Một cựu nhân viên tình báo Mỹ ngày 22/1 cho hay giới tình báo Mỹ đã biết trước về vụ tấn công khủng bố Paris nhưng không tiết lộ vì các "chương trình bí mật" của họ.
Kênh truyền hình Press TV dẫn lời nhà bình luận chính trị và cựu nhân viên tình báo Mỹ Scott Rickard ngày 22/1 đưa ra thông tin trên và cho hay tình báo Mỹ có xu hướng “làm ngơ” trong những trường hợp như vậy vì các chương trình an ninh của họ.
Ông Rickard lấy trường hợp của Umar Farouk Abdulmutallab, một thành viên của nhánh al-Qaeda tại Yemen và còn được gọi là "kẻ đánh bom đồ lót". Kẻ này đã giấu thuốc nổ trong đồ lót và âm mưu đánh bom một chuyến bay tới thành phố Detroit, bang Michigan (Mỹ) vào ngày Giáng sinh năm 2009. Abdulmutallab đã bị tù chung thân sau khi chất nổ không phát nổ như dự kiến mà chỉ gây ra một đám cháy nhỏ trên máy bay.
Rickard cho biết tình báo Mỹ biết trước về âm mưu của Abdulmutallab, nhưng vẫn để đối tượng này tiến hành kế hoạch.“Tình báo Mỹ và phương Tây có các thông tin về hành tung của Abdulmutallab. Thậm chí, họ còn giúp hắn đi qua sân bay ở Amsterdam (Hà Lan) lúc kẻ này trên đường đến Mỹ để thực hiện âm mưu”, ông nói.
Rickard nhận định, điều đó còn rõ ràng hơn trong trường hợp các vụ tấn công ở Paris, thủ đô nước Pháp mới đây.
Ông Rickard cho rằng một số người trong cộng đồng tình báo Mỹ đã để các nghi phạm tiến hành hay ít nhất là để họ bị cáo buộc tiến hành các vụ tấn công Paris. Sau đó, như một hệ quả, những hoạt động quân sự và chống khủng bố sẽ được tăng cường. Đồng thời các quốc gia sẽ sát cánh bên nhau, hợp tác trao đổi thông tin chống chủ nghĩa khủng bố, còn Mỹ có thể tự do theo đuổi các chương trình an ninh và nghe lén.
Trên thực tế, sau thảm kịch tại Paris, lãnh đạo nhiều nước đã tăng cường đối thoại chống chủ nghĩa khủng bố và chú trọng đẩy mạnh thông tin tình báo. Cũng theo ông Rickard, hiện Mỹ đang nắm giữ thông tin của nhiều kẻ khủng bố.
Tuy nhiên, cựu nhân viên tình báo Mỹ Scott Rickard vẫn chưa đưa được bằng chứng để xác thực những nhận định của mình.
-----------------------
Bà Yingluck bị truy tố và cấm tham gia chính trường
Các nhà lập pháp Thái Lan, sáng nay (23/1), bỏ phiếu buộc tội cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và cấm bà tham gia chính trường trong 5 năm.
Quyết định kết trên liên quan đến vai trò của bà Yingluck trong chương trình trợ giá gạo gây nhiều tranh cãi ở Thái Lan.
BBC đưa tin, Tổng chưởng lý Thái Lan cũng thông báo bà Yingluck sẽ bị truy tố hình sự vì vai trò của bà trong chương trình kể trên.
Vào tháng 5 năm ngoái, Yingluck đã bị tòa phế truất khỏi vị trí Thủ tướng, vài ngày trước khi quân đội lật đổ chính phủ của bà trong một cuộc đảo chính.
Trong cuộc bỏ phiếu sáng nay, 190 trong tổng số 219 nhà lập pháp có mặt tại Quốc hội đã bỏ phiếu buộc tội Yingluck. 18 người bỏ phiếu chống và một số người khác bỏ phiếu trống. Một nhà lập pháp vắng mặt. Kết quả kiểm phiếu được viết lên bảng và được phát sóng trên truyền hình quốc gia.
Diễn biến mới ở Bangkok được cho là phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng, sẽ không có sự thỏa hiệp và gia đình Shinawatra sẽ bị loại khỏi chính trường Thái.
Yingluck và anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra giành được sự yêu quý của nhiều người nghèo nông thôn nhưng lại bị giới trung lưu và dân thành thị phản đối với các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Đảng của anh em nhà Shinawatra hiện nay là phổ biến nhất ở Thái Lan và luôn giành chiến thắng bầu cử kể từ năm 2001 dù đổi tên nhiều lần.
Cáo buộc nhằm vào Yingluck xoay quanh một dự án, trong đó chính phủ của bà mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Chính sách này dẫn đến lượng gạo tồn đọng trong kho lớn và ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Thái Lan.
Các nhà điều tra chống tham nhũng cáo buộc Yingluck và đảng của bà lợi dụng dự án để mua phiếu bầu của nông dân, đặc biệt là tại căn cứ quyền lực của họ ở miền bắc, và giúp cho các đồng minh trong chính phủ hưởng lợi.
Những người ủng hộ Yingluck cho rằng các cáo buộc chống lại cựu Thủ tướng là âm mưu loại bà khỏi chính trường.
Yingluck đối mặt án tù 10 năm nếu bị tuyên phạm tội lơ là nhiệm vụ như cáo buộc mà Tổng chưởng lý Thái Lan đưa ra sáng nay.
-------------------------